Giá vàng năm 1990 bao nhiêu 1 chỉ năm 2024

Có thể nói, giai đoạn 1986-1990 hệ thống Ngân hàng nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung vẫn ở giai đoạn cao trào của cuộc khủng hoảng toàn diện kinh tế – chính trị – xã hội kéo dài từ trước Đại Hội Đảng Toàn Quốc lần thứ VI (1986). Đây là giai đoạn hết sức khó khăn nhưng cũng là thời điểm đánh dấu một trang sử khắc nghiệt với nhiều bài học quý giá cần được nhìn lại và suy ngẫm cho hôm nay.

Giá vàng năm 1990 bao nhiêu 1 chỉ năm 2024

Khó khăn của cả nền kinh tế

Vào đầu những năm đổi mới 1986-1988, lạm phát vẫn ở mức 3 con số (năm 1986 là 774,7%; năm 1987 là 323,1%, năm 1988 là 393%), các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô mất cân đối nghiêm trọng, đời sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn. Nạn sốt giá, nhất là giá vàng vào quý I/1989 tăng gấp 3,2 lần so với đầu năm 1988 (5 triệu đồng/lạng đầu năm 1989 so với 1,6 triệu đồng/lạng năm 1988). Hiện tượng nhập lậu và ế thừa hàng hoá cũng đã xuất hiện ngay trong điều kiện lạm phát. Người nông dân, công nhân càng sản xuất càng lỗ, người gửi tiết kiệm từ những năm 1986, 1987, 1988 nếu rút ra vào các năm sau tương ứng thì cộng cả gốc và lãi cũng không có ý nghĩa gì đáng kể về “hiệu quả” tiết kiệm! Trong dân gian vào những năm đó đã từng có câu châm ngôn: “Bán trâu tậu gà” – nghĩa là ai đó bán 1 con trâu đi để gửi tiết kiệm vào ngân hàng thì 1 năm sau rút ra cả gốc và lãi chỉ còn đủ để tậu 1 con gà!

Đây là thời kỳ mở đầu của quá trình đổi mới từ cơ chế kế hoạch hoá, tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế hạch toán lỗ, lãi trong nền sản xuất hàng hoá nhiều thành phần… Không chỉ đối với hoạt động của Ngân hàng, mà với cả nền kinh tế Việt Nam giai đoạn này đã hầu như bị chìm ngập trong một cơ chế hỗn tạp: Vừa vận động theo sức ì của cơ chế bao cấp cũ chưa được đổi mới triệt để, vừa vận động theo cơ chế thị trường mới hình thành chưa có tiền lệ và đặc biệt chưa đủ môi trường pháp lý. Tuy nhiên, nhiều sự kiện đặc biệt quan trọng xuất hiện đồng thời vào năm 1989 đã kéo theo những biến đổi quan trọng của ngành Ngân hàng Việt Nam trong năm này.

Bắt đầu từ năm 1989, Việt Nam không những không thiếu lương thực, mà lần đầu tiên đã sản xuất được 24,4 triệu tấn thóc và xuất khẩu được 1,4 triệu tấn gạo – đứng thứ 3 trên thế giới sau Thái Lan và Mỹ. Năm này cũng đánh dấu việc xuất khẩu thùng dầu thô thứ 1 triệu từ Mỏ Bạch Hổ tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Từ quí II/1989 chế độ phân phối theo tem phiếu được bãi bỏ hoàn toàn sau 3 năm xoá bỏ từng phần, mở đầu cho thời đại mới của cơ chế lưu thông sản phẩm hàng hoá, dịch vụ. Với quan hệ này, giá cả trên thị trường tiền tệ, tín dụng cũng đã dần dần được trả về cho thị trường theo hướng dựa vào quan hệ cung – cầu của thị trường. Tuy nhiên, do năng lực tổ chức sản xuất yếu kém vẫn kiểu chạy theo “phong trào” và sản xuất với bất cứ giá nào… nên nạn “ế thừa”, tồn kho hàng hoá cục bộ rất lớn đã xảy ra do thị trường không chấp nhận được. Hậu quả là hơn 60% xí nghiệp, nhà máy làm ăn thua lỗ, nhiều đơn vị sản xuất phải ngừng việc, hơn 50 vạn người lao động không có, hoặc không đủ việc làm…

Thời gian này cũng chứng kiến việc lần đầu tiên cụm từ “lạm phát” được sử dụng trong các phân tích kinh tế vĩ mô ở Việt Nam. Các cuộc hội thảo về chống lạm phát đã bắt đầu và liên tục nổ ra trong suốt cả năm 1989.

Ngày 1/2/1989 Bản tin Thị trường hàng ngày của Viện nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả thuộc Uỷ ban Vật giá Nhà nước ra đời đã lập tức biến thành cẩm nang cầm tay của các bà nội trợ và các nhà kinh doanh. Hoạt động Marketing đã manh nha hình thành ở các đơn vị kinh tế công, thương nghiệp. Nhiều nhà máy, xí nghiệp, công, nông trường đổi tên thành công ty, doanh nghiệp. Nhiều phòng giao dịch hoặc đại lý giới thiệu sản phẩm ra đời từ rất xa nơi sản xuất. Cơ chế thị trường dần dần hình thành biểu hiện thông qua sự biến đổi nội dung, phương thức và phong cách hoạt động của các đơn vị sản xuất vật chất và dịch vụ.

Giai đoạn từ năm 1986 đến cuối năm 1988 được coi là “tiểu” giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng của nền kinh tế Việt Nam sau sai lầm của cuộc tổng điều chỉnh Giá – Lương – Tiền năm 1985. Cũng trong giai đoạn từ 1986 đến 1988 hầu hết các Hợp tác xã tín dụng nông thôn (trên 7.000 HTX) và các Quĩ tín dụng (QTD) Đô thị (500 QTD) đều lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả. Phần lớn trong số các đơn vị nói trên đã bị xoá sổ vì nạn “hụi, họ” hoặc bị lừa gạt bởi các “công ty ma” và sự phá sản của các công ty tư nhân có “thật”. Ngoài ra, 17/48 ngân hàng cổ phần tại thời điểm 1987 cũng nằm trong tình trạng không có khả năng chi trả, phần lớn bị giải thể, bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc buộc phải sáp nhập.

Vốn điều lệ bình quân mỗi NHTM Nhà nước hồi đó chỉ ở mức 200 tỷ đồng (tương đương 44,5 triệu USD theo tỷ giá bình quân năm 1989: 4.500đ/USD), nguồn huy động không đáp ứng nhu cầu cung ứng vốn. Một bộ phận không nhỏ nguồn phát hành mặc nhiên trở thành nguồn “cấp phát” vẫn là hình ảnh quen thuộc của hệ thống Ngân hàng Việt Nam từ khi thành lập cho đến những năm này. Mặt khác, do công nghệ thanh toán quá yếu kém nên cho đến cuối thế kỷ 20 nền “văn minh” Ngân hàng Việt Nam vẫn cơ bản là một nền “văn minh” tiền mặt! Tình trạng Dola hóa rất nặng nề. Bộ máy cấu trúc Ngân hàng quá cồng kềnh, kém hiệu lực. Đến những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ 20 vẫn chưa có khái niệm Marketting trong khu vực Ngân hàng “chuyên doanh”. Sức mua đối ngoại giữa đồng nội tệ của Việt Nam so với đồng USD do đó giảm rất nhanh: Ngày 15/9/1985 – một ngày sau ngày đổi tiền, tỷ giá giữa VND với USD là: 15đ/1USD. Thế mà năm 1986 đã là 180đ/USD; 1987 là 550đ/USD; 1988 là 950 đ/USD; 1989: 4.500đ/USD; 1990: 7.500đ/USD!

Trong khi đó, trên thế giới, những thử thách vô cùng khắc nghiệt khác đến từ tình hình an ninh chính trị bất ổn ở các nước trong phe XHCN trong giai đoạn này đã ảnh hưởng rất nặng nề đến môi trường kinh tế – xã hội Việt Nam. Điển hình là vụ bạo loạn tháng 6/1989 tại Thiên An Môn – Trung Quốc và Đại hội Đại biểu Nhân dân Liên Xô tháng 12/1989. Đại hội này đã mở đầu cho quá trình sụp đổ rất nhanh chóng CNXH hiện thực ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu còn lại. Tình hình chính trị và quan hệ quốc tế ngày càng xấu đi vào giai đoạn 1986-1990 đã làm cho các nguồn viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam giảm dần và biến mất. Các thế lực thù địch với Việt Nam nhân cơ hội này đã liên tục gây rối ren ở các vùng biên giới Tây Nam và phía Bắc. Nền kinh tế hầu như bị cô lập bởi chế độ cấm vận của chủ nghĩa đế quốc cùng với cơ chế bao cấp, tự “cấm chợ ngăn sông” trong nước càng đẩy cuộc khủng hoảng toàn diện ở Việt Nam thêm trầm trọng hơn vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20.

Dấu ấn trong ngành Ngân hàng

Ngày 26/3/1988, Nghị Định 53/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng về “tổ chức, bộ máy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” cũng đã ra đời đánh dấu bước chuyển biến đầu tiên của ngành Ngân hàng. Theo Nghị Định này: “Ngân hàng Nhà nước Việt nam là cơ quan của Hội Đồng Bộ trưởng được tổ chức thành hệ thống thống nhất trong cả nước, gồm 2 cấp: Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng chuyên doanh trực thuộc (Tại Nghị Định số 53-HĐBT này, lần đầu tiên cụm từ “Ngân hàng chuyên nghiệp” được đổi thành “Ngân hàng chuyên doanh”). Hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoạt động theo chế độ hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa.” (Điều 1). “NHNN Việt Nam thực hiện quản lý Nhà nước về công tác tiền tệ, tín dụng và Ngân hàng đối với nền kinh tế quốc dân” (Điều 2.1); “Các Ngân hàng chuyên doanh là tổ chức kinh doanh trực tiếp đối với nền kinh tế quốc dân; có tư cách pháp nhân; bình đẳng trong quan hệ kinh doanh đối với các đơn vị và các thành phần kinh tế; thực hiện hạch toán kinh tế từ cơ sở và trong hệ thống mỗi Ngân hàng chuyên doanh.” (Điều 3).

Đây là thời kỳ toàn hệ thống Ngân hàng bước đầu thực hiện cơ chế hai cấp. Tuy vậy trong bối cảnh ấy: Cấu trúc của NHVN vẫn là: “một hệ thống thống nhất trong cả nước” được chia cắt một cách hành chính thành 2 cấp: Cấp quản lý nhà nước do NHNN đảm nhiệm và cấp hạch toán kinh doanh do các ngân hàng chuyên doanh đảm nhiệm dưới sự chỉ huy thống nhất của Tổng Giám đốc NHNN. Với cấu trúc này, lần đầu tiên trong lịch sử, NHNN được tách ra thành một cấp và có hệ thống riêng từ Trung ương đến tỉnh, thành phố để thực hiện hai chức năng quản lý Nhà nước và NHTW gồm: Phát hành tiền; tổ chức thanh toán bù trừ; thực hiện các quan hệ về tiền tệ, tín dụng với các Ngân hàng chuyên doanh và với Kho bạc Nhà nước thông qua các nghiệp vụ nhận gửi, cho vay, tái cấp vốn và các hoạt động thanh tra, …; đảm nhận các hoạt động đối ngoại về ngân hàng; thống nhất quản lý về tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học và cung cấp cán bộ Ngân hàng cho toàn ngành …

Trong 5 năm vừa vận hành, vừa tìm tòi và vừa thử nghiệm cơ chế hoạt động mới một cách “cẩn trọng”, chậm chạp bằng cách tách dần chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng kinh doanh tiền tệ, tín dụng, ngành Ngân hàng Việt Nam đã chính thức đặt nền móng cho việc ra đời 2 Pháp lệnh về Ngân hàng tháng 5/1990.

Hậu quả của cơ chế “cấp phát” qua ngân hàng phát hành và ngân hàng phát hành được đánh đồng như một cơ quan “thuộc Chính phủ” là tình trạng không thể kiểm soát được lưu thông tiền tệ. Đồng tiền mất giá, niềm tin của công chúng về đồng tiền bị giảm sút nghiêm trọng. Vào những năm 1986 – 1990, người có tiền khi thì “gửi” niềm tin vào bất động sản, lúc thì “gửi” vào vàng, vào ngoại tệ hay đầu cơ vào hàng hoá, hoặc tự tìm cách đầu tư và tìm mọi cách đế trở thành “khách hàng vay” lợi hơn nhiều so với khách hàng gửi. Kết quả là tiền trong Ngân hàng luôn luôn ở tình trạng khan hiếm, thiếu thanh khoản; tiền trong lưu thông thì liên tục gia tăng số lượng và giảm giá trị sức mua. Ngân hàng một cấp do đó không thể tiếp tục kéo dài trong nền sản xuất hàng hoá đã manh nha chuyển sang cơ chế thị trường từ những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ 20.

Dư nợ vốn lưu động của hệ thống Ngân hàng chuyên doanh của Nhà nước cấp cho các đơn vị kinh tế quốc doanh tăng rất mạnh: Cuối năm 1987 con số này là 400 tỷ đồng tăng gấp 3,6 lần so với cuối năm 1986; năm 1988 là 1.718 tỷ đồng, gấp 4,3 lần so với cuối năm 1987. Đây cũng là những năm mà tín dụng tung ra rất mạnh, nhưng tốc độ tăng doanh số thu nợ rất thấp. Tình trạng nợ khó đòi được miêu tả bằng cụm từ “bi đát nhất” trong lịch sử Ngân hàng tính đến thời điểm 1989. Các khoản nợ phải trả đến hạn ngày càng tăng cao trong khi các khoản phải thu hầu như không thu hồi được đủ và đúng hạn, làm cho các Ngân hàng, HTX tín dụng và QTD đứng trên bờ vực thẳm vì mất khả năng thanh toán.

Trước tình thế đó, một liệu pháp “sốc” của NHNN Việt Nam được đề xuất đầu năm 1989 bằng cách đột ngột tăng lãi suất huy động lên đến 10% và 12%/tháng (144%/năm), đồng thời cho phép mở rộng nhập khẩu hàng hoá, kinh doanh vàng. Kết quả là chỉ trong vòng 2 đến 3 tháng đầu năm 1989 số dư huy động tiết kiệm đã dâng cao hơn doanh số tiết kiệm luỹ kế trong 10 năm trước đó; giá vàng và giá USD giảm lần lượt 43% và 30% so với tháng 1/1989; lạm phát giảm rõ rệt. Tuy vậy, do kéo dài quá lâu liệu pháp sốc này nên những người gửi tiền từ chỗ bị lỗ, trở thành người “kinh doanh có lãi trên lưng ngân hàng” trong khi bản thân ngân hàng sau khi cho vay ra vẫn không thu hồi được đủ và đúng hạn.

Kinh doanh của Ngân hàng trở thành vòng luẩn quẩn: Huy động tiết kiệm mới để trả nợ khoản phải trả cũ với lãi suất bằng hoặc cao hơn! Ngân hàng trở nên thua lỗ hơn bao giờ hết vào cuối 1990 và cả năm 1991. Lý do đơn giản là người vay không thể tạo đủ lợi nhuận để trả lãi quá cao cho ngân hàng. Các doanh nghiệp ồ ạt “chết trước” mà điển hình là các xí nghiệp tư nhân, kể cả nhiều Nhà máy, Xí nghiệp quốc doanh cũng không khá hơn. Trong tình trạng đó, đương nhiên các ngân hàng, HTX tín dụng, QTD lần lượt “chết theo”. Tổng thất thoát lên tới hơn 2.000 tỷ đồng, tương đương với gần 0,5 tỷ USD = 4,2% GDP của Việt Nam năm 1989 và kéo dài việc xử lý cho đến một số năm tiếp theo.

Trong bối cảnh hết sức phức tạp nói trên, Đảng cộng sản Việt Nam đã một mặt kiên định lập trường, trung thành với chủ nghĩa Mac, tập trung vào 3 chương trình kinh tế trọng điểm Nhà nước: Lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Nhờ đó đã từng bước đem lại niềm tin trong các tầng lớp nhân dân thông qua những thành tựu của đời sống vật chất và tinh thần của xã hội Việt Nam. Hàng loạt Quyết định, Nghị quyết của Đảng và của Chính phủ Việt Nam đã ra đời hợp với cuộc sống theo hướng “tiến về phía các qui luật của kinh tế thị trường” và đã nhanh chóng biến thành hiện thực trong việc cải thiện môi trường kinh tế, khuyến khích và kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển. Những khắc nghiệt của cuộc khủng hoảng toàn diện tại Việt Nam đã dần được khắc phục vào những năm đầu thập kỷ 90 – Đặc biệt là từ 1992 đến 1997 của thế kỷ 20.

Nhân kỷ niệm 57 năm ngày thành lập Ngân hàng quốc gia Việt Nam (6/5/1951-6/5/2008) thiết nghĩ những trang sử khắc nghiệt của ngành Ngân hàng trong giai đoạn “tiền” đổi mới 1986-1990 cũng góp thêm tư liệu để “ngẫm” cho tình trạng hiện tại. Đồng thời cũng là dự báo cho xu hướng phát triển tất yếu trong tương lai của ngành Ngân hàng Việt Nam “hậu” WTO sau biết bao thăng trầm và hầu như luôn luôn đi sau sự tiến bộ chung của lực lượng sản xuất xã hội. Tác giả rất kỳ vọng rằng với Luật NHNN Việt Nam ra đời từ năm 1997 cần sớm được Quốc hội cho làm lại một cách căn bản để điều chỉnh bằng một vị thế khác và bằng các nội hàm mới về các nghiệp vụ của một NHTW hiện đại đối với toàn bộ hoạt động lưu thông tiền tệ, tín dụng, thanh toán và an toàn hệ thống Ngân hàng trong nền kinh tế thị trường Việt Nam!