Hình ảnh gắn bó máu thịt với nhân dân

Truyền thống gắn bó máu thịt với nhân dân, quân với dân một ý chí

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn nhấn mạnh đến vai trò của nhân dân, coi nhân dân là nền tảng, là cội nguồn sức mạnh của “Bộ đội Cụ Hồ”. Người khẳng định: “Không có dân thì không có bộ đội”, “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”. Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ quân đội: Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết. Quân đội phải vừa là một đội quân chiến đấu, vừa là một đội quân công tác, thực sự và luôn là chỗ dựa chính trị tin cậy, vững chắc của Ðảng và nhân dân

Phẩm chất trong sáng và nhân cách cao đẹp ấy được xây đắp nên từ tinh thần chiến đấu dũng cảm, không quản gian khổ, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ và sự giáo dục, rèn luyện của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng sự thương yêu, đùm bọc của nhân dân.

Gần 78 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đã minh chứng rõ sức mạnh chiến đấu của Quân đội ta bắt nguồn từ nhân dân. Câu nói "quân với dân như cá với nước" chính là hình ảnh khái quát từ mối quan hệ gắn bó máu thịt ấy. Trong mối quan hệ đó, nhân dân là gốc, là nền tảng, là khởi nguồn cho sự ra đời và phát triển của quân đội; quân đội là một bộ phận không thể tách rời của nhân dân, là lực lượng nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, nhân dân không chỉ trực tiếp cầm vũ khí mà còn đùm bọc, nuôi giấu, chở che bộ đội. Dựa vào sức mạnh của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, Quân đội ta đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược.

Hình ảnh gắn bó máu thịt với nhân dân

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Thông tin 29, Bộ Tham mưu Quân đoàn 3 giúp bà con làng Plei Trớ, xã Chư A Thai (Phú Thiện, Gia Lai) di chuyển nhà sàn về nơi ở mới.
 Ảnh: DUY HIỂN - CHU HOÀI.

Nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng nên qua các giai đoạn cách mạng, cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn giữ vững phẩm chất chính trị, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, gắn bó mật thiết với nhân dân. Thực tiễn qua các cuộc kháng chiến đã khẳng định rõ mối quan hệ máu thịt quân với dân. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ hậu phương lớn miền Bắc, các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; thanh niên “Ba sẵn sàng”; phụ nữ “Ba đảm đang”; “Xe chưa qua, nhà không tiếc”; “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”... Trên chiến trường miền Nam, cho dù đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ráo riết thực hiện dồn dân lập ấp chiến lược hòng chia rẽ nhân dân với bộ đội, du kích; đàn áp phong trào cách mạng... nhưng mối quan hệ đoàn kết quân dân luôn được giữ vững. Hàng vạn người mẹ, người chị bất chấp gian khổ, mất mát, hy sinh để nuôi giấu, chở che bộ đội. Đó là những hình ảnh sáng ngời về tình đoàn kết quân dân, là cội nguồn của sức mạnh để Quân đội ta chiến thắng mọi kẻ thù.

Giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng mà còn là hoạt động văn hóa - đạo đức, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc; là biện pháp đạt tới những giá trị chân - thiện - mỹ của mỗi quân nhân trong sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng để xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân”, nâng cao nhân tố chính trị - tinh thần; tạo động lực mới, cổ vũ, động viên, thôi thúc cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta phấn đấu vươn lên hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng. Đó cũng là điều kiện, tiền đề cần thiết để Quân đội ta sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong mọi tình huống mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, quân đội không chỉ thường xuyên nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, xây dựng khu vực phòng thủ mà còn tham gia chương trình xóa đói, giảm nghèo, với phương thức chủ yếu là xây dựng các khu kinh tế mới, khu kinh tế - quốc phòng, phát triển những điểm dân cư xã hội dọc biên giới, vùng sâu, vùng xa; làm nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ biên giới và khẳng định chủ quyền của Tổ quốc. Quân đội tiếp tục làm tốt công tác dân vận, thông qua nhiều hình thức, mô hình mới, phong phú, sáng tạo, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở những địa bàn trọng yếu vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Cũng chính từ trong quá trình hoạt động thực tiễn và tiến hành công tác dân vận, các cơ quan, đơn vị có thêm điều kiện bồi dưỡng, phát huy bản chất cách mạng, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ; giáo dục, rèn luyện cán bộ, chiến sĩ về bản lĩnh chính trị, phẩm chất, năng lực, tác phong công tác; giữ nghiêm kỷ luật đoàn kết quân dân, làm cho hình ảnh người quân nhân cách mạng luôn tỏa sáng trong lòng nhân dân.

Với bản chất, truyền thống quý báu từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, chiến đấu, các đơn vị quân đội luôn đổi mới tư duy về công tác dân vận, gắn kết tình quân dân trên địa bàn. Hàng triệu lượt cán bộ, chiến sĩ hành quân dã ngoại làm công tác dân vận, về với bà con vùng sâu, vùng xa, thực hiện “3 cùng” với đồng bào. Các cơ quan, đơn vị hưởng ứng Hành trình “Quân đội chung tay vì người nghèo” với nhiều hoạt động thiết thực như: Thăm hỏi, tặng quà, khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân với trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Mỗi dịp Tết đến, xuân về, các đơn vị quân đội lại tổ chức Chương trình “Tết quân dân” tại các địa phương với những hoạt động như: Bộ đội cùng với bà con nhân dân thi gói bánh chưng; giao lưu văn hóa, văn nghệ; tổ chức thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó; khám bệnh, cấp thuốc, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị vận dụng sáng tạo những kết quả trong huấn luyện vào việc giúp nhân dân phòng, chống bão lũ, thiên tai; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Dẫu thời bình nhưng người chiến sĩ vẫn phải gồng mình nơi rừng sâu, đảo vắng, hiên ngang nơi sóng cuồng, bão giật. Hình ảnh người chiến sĩ xông pha trên sông, biển dũng cảm cứu dân; hình ảnh người chiến sĩ giúp dân qua cơn hạn hán, thực hiện “3 cùng” với đồng bào... chấp nhận gian khổ, mất mát để giúp dân dựng nhà sau lũ... làm ấm lòng đồng bào.

Càng trong gian khó, hiểm nguy, trong mất mát, đau thương thì tình quân dân lại càng thêm ngời sáng. Không ai có thể quên được những trận bão lũ lịch sử tại miền Trung xảy ra vào tháng 10 và tháng 11-2020. Các địa danh như: Rào Trăng (Thừa Thiên Huế), Trà Leng, Phước Sơn (Quảng Nam) đều in dấu chân Bộ đội Cụ Hồ. Ngay tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, trong mưa gió, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ cần mẫn đào từng mét đất, mò tìm dọc triền sông, suối tìm kiếm người dân mất tích. Để có được cuộc sống bình yên cho nhân dân, biết bao người lính đã ra đi không trở về...

Thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, người chiến sĩ lại đương đầu trên mặt trận mới “chống dịch như chống giặc”. Các đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ bảo đảm các khu cách ly tập trung tiếp nhận hàng trăm nghìn công dân. Tuy tiếp xúc với nhiều người trở về từ vùng dịch, nguy cơ lây nhiễm cao nhưng mỗi cán bộ, chiến sĩ vẫn cần mẫn, thầm lặng trong cuộc chiến với dịch bệnh đầy hiểm nguy để theo dõi sức khỏe, bảo đảm đầy đủ mọi mặt cho công dân về cách ly y tế. Người chiến sĩ bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, đóng chốt giữa rừng sâu, chịu muỗi đốt, sên vắt để canh giữ biên cương không cho dịch tràn vào. Hình ảnh những người lính tiết kiệm khẩu phần ăn, tích cực tăng gia, tổ chức "Gian hàng 0 đồng", rau xanh chiến sĩ; hình ảnh người lính dầm mình trong mưa tuôn nắng rát đi tận từng ngõ xóm, nhà dân tiếp tế lương thực, thực phẩm, đêm về mệt nhoài ngả mình trên nền đất lạnh, sẵn sàng nhường giường chiếu cho dân... khiến bao người xúc động.

Trước sự chống phá của các thế lực thù địch hòng chia rẽ mối quan hệ máu thịt quân dân, các đơn vị quân đội chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn thâm độc hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chủ động phối hợp xử lý hiệu quả các tình huống phức tạp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là những lúc khó khăn, hoạn nạn, thiên tai; sự có mặt của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là chỗ dựa vững chắc của cấp ủy, chính quyền địa phương và được nhân dân tin tưởng, yêu mến./.

 Phan Tiến Dũng

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Có thể nói rằng, đấu tranh phòng chống, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là một cuộc “đấu tranh nội tâm” vô cùng gay gắt, quyết liệt trong bản thân mỗi cán bộ, đảng viên. Tuy vậy, “cuộc chiến” này có thành công hay không, ngoài sự cố gắng nỗ lực vượt bậc của mỗi chủ thể là cán bộ, đảng viên, thì đòi hỏi cần phải có sự tham gia rất tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân.

(Tiếp theo và hết)


Hình ảnh gắn bó máu thịt với nhân dân


Ảnh minh họa/ TTXVN.

Đảng không được phép sống xa dân và trên dân

Đảng ta là “con nòi” của dân tộc, ra đời, trưởng thành và lớn lên trong phong trào cách mạng của nhân dân. Nhân dân ta tự nguyện đi theo Đảng, tự nguyện tôn vinh sự lãnh đạo, dìu dắt của Đảng, nhưng để Đảng không đi “chệch hướng” thì nhất thiết Đảng phải chịu sự giám sát của nhân dân. Nhân dân với tư cách “là chủ” và “làm chủ” của xã hội và đất nước, do đó việc cần kíp lúc này là phải thực sự coi trọng, phát huy cao nhất vai trò, sức mạnh của nhân dân trong việc phòng chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên.

PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, thực tiễn lịch sử cũng như bài học kinh nghiệm của Đảng ta và phong trào cộng sản quốc tế đã cho thấy, ở đâu, lúc nào mà Đảng giữ vững được bản chất cách mạng của mình, giữ vững được mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân; cán bộ, đảng viên sống gần dân, trọng dân, hiểu dân, tin dân, có trách nhiệm với dân, thì ở đó, lúc đó, nhân dân dành trọn niềm tin, tình cảm cho Đảng, hết lòng, hết sức đùm bọc, chở che và bảo vệ Đảng. Ngược lại, lúc nào Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên mắc bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, tham nhũng, hủ hóa, không tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, không lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân, lúc đó Đảng sẽ dần xa rời bản chất cách mạng rồi tự sụp đổ ngay dưới chân mình!

Xin nhắc lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 5 năm: “Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không?”. Trước khi đưa ra câu hỏi đầy nỗi niềm này, Tổng Bí thư đã đặt vấn đề: “Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không?”.

Câu hỏi trên không khó trả lời. Bởi trong số những người giàu lên một cách bất thường ấy, có không ít cán bộ đang nắm những chức vụ quan trọng trong bộ máy đảng, chính quyền các cấp. Cái sự giàu ấy không phải chủ yếu do tài năng, trí tuệ, mồ hôi, công sức họ bỏ ra, mà phần lớn là do lợi dụng vị trí công tác để vun vén lợi ích cá nhân, tìm mọi kẽ hở của pháp luật, lôi bè cánh theo “lợi ích nhóm” để làm ăn thiếu đàng hoàng, khuất tất với mục đích vinh thân, phì gia. Theo GS, TS Trần Văn Bính, nguyên Trưởng khoa Văn hóa XHCN (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), tưởng như sự giàu có bất thường, cuộc sống hưởng thụ cao sang của một số cán bộ lãnh đạo chẳng ảnh hưởng gì đến những người xung quanh và cộng đồng, nhưng sự thật đã để lại bao hệ lụy cho bản thân họ và xã hội. Chính cuộc sống xa hoa, cách biệt với dân đang tự biến họ trở thành “nô lệ” của đồng tiền, “bóng ma” của vật chất. Hệ lụy đáng nói nhất mà họ gây ra là làm đảo lộn các chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội, làm cho lòng người hoài nghi và ly tán, lòng tin của dân vào Đảng và chế độ bị xói mòn và làm cho tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc của Đảng từng bước bị mọt ruỗng từ bên trong và lung lay từ gốc rễ.

Còn nhớ khi Liên Xô trong thời điểm sụp đổ, một số học giả nước này đã làm cuộc điều tra xã hội học rất đáng suy ngẫm. Trong phiếu điều tra, trả lời câu hỏi “Đảng Cộng sản Liên Xô đại diện cho ai”?, thì có tới 85% ý kiến cho là đại diện của giới cán bộ quan chức nhà nước quan liêu, chỉ có 11% cho là đại diện của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Một đảng cộng sản cầm quyền mà tỷ lệ giới chức quan liêu, xa rời quần chúng lớn đến mức nghiêm trọng như vậy, thế nên lúc gặp “sóng gió” không được nhân dân ủng hộ và bị các thế lực khác “tước” quyền lãnh đạo cũng không có gì khó hiểu!

Đấy là chuyện ở xứ người. Còn ở nước ta cũng cần nhắc lại một ví dụ điển hình về thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên “sống xa dân, sống trên dân” nên đã để lại một bài học xương máu về mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Năm 1997, một bộ phận không nhỏ nông dân tỉnh Thái Bình bột phát nổi dậy phản đối cấp ủy, chính quyền có nguyên nhân chủ yếu là do quyền làm chủ của người dân đã bị vi phạm nghiêm trọng, chính quyền cơ sở huy động quá sức dân, thậm chí lạm thu nhiều khoản bất chính, trong khi đó một số cán bộ chủ chốt ở địa phương giàu lên một cách bất minh và lại có lối sống xa hoa, kệch cỡm, nên càng gây bức xúc, bất bình trong nhân dân. Sau sự kiện đáng buồn này, đã có hơn 2.000 cán bộ, đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, hơn 70% số tổ chức cơ sở đảng phải thay từ một nửa đến hai phần ba cấp ủy.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền hiện nay, càng phải hết sức coi trọng giữ vững bản chất cách mạng của Đảng. Sức mạnh đó không ở đâu khác, mà bắt nguồn từ sức mạnh niềm tin của nhân dân. Niềm tin thuộc phạm trù tinh thần, nhưng nó có thể biến thành sức mạnh “dời non lấp biển” nếu như mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng luôn thấm nhuần và thể hiện sâu sắc quan điểm “Dĩ dân vi bản” (lấy dân làm gốc) trong cả tư tưởng và hành động, suy nghĩ và việc làm, thái độ và hành vi ở mọi lúc, mọi nơi. Lánh xa dân, sống trên dân, làm việc không vì dân-đó là quá trình “tự diễn biến” tuy diễn ra âm thầm, lặng lẽ, nhưng lại là quá trình “tự chuyển hóa” nhanh nhất, để lại tác hại ghê gớm và hậu quả khốc liệt nhất mà đội ngũ cán bộ, đảng viên không bao giờ được phép coi nhẹ, xem thường.

Trọng dân, tin dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng

Cương lĩnh, các văn kiện đại hội và Điều lệ Đảng đều khẳng định: Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Trên thực tế, Đảng ta cũng đã có nhiều chủ trương, giải pháp để thực hiện nguyên tắc cốt tử đó, như mỗi dịp Đại hội Đảng các cấp đều lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân; quy định cán bộ chủ chốt các cấp phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”...

Chủ trương là vậy, nhưng thực tế nhiều nơi hoặc là né tránh, hoặc là làm qua loa, đại khái những việc liên quan đến phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Việc nhiều cấp ủy, chính quyền chưa chú trọng huy động được đông đảo người dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng.

Trong 73.325 đảng viên bị kỷ luật giai đoạn 2010-2015, có 62.389 đảng viên ở cấp cơ sở (chiếm tỷ lệ 85%). Trong khi tổ chức đảng ở cơ sở là cầu nối giữa Đảng với dân, là nơi trực tiếp thực hiện mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà số đảng viên ở cơ sở bị kỷ luật nhiều như vậy thì sẽ tác dụng tiêu cực đến tình cảm, niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Mặt khác, con số đảng viên cấp cơ sở bị kỷ luật nêu trên cũng phần nào nói lên tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm nguyên tắc Đảng... là rất hiện hữu, chứ không còn dừng lại ở nguy cơ.

Theo kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) mới đây cho biết, trong số 11 đầu việc chưa được đa số nhân dân ghi nhận, hài lòng, thì có tới 6 đầu việc liên quan thiết thân đến cuộc sống của nhân dân, đó là: Giải quyết khiếu nại, tố cáo cho công dân; Giải quyết công ăn việc làm cho nhân dân; Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Chống lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu đối với đời sống nhân dân; Thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Giải quyết mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Bên cạnh đó, có 4 đầu việc chủ yếu liên quan đến cán bộ, đảng viên cũng chưa được đa số nhân dân ghi nhận, đó là: Tiết kiệm, chống lãng phí; Chống tham nhũng; Phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; Nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Dẫu số liệu điều tra trên đây chỉ phản ánh phần nào về tâm trạng, tình cảm, niềm tin và cả những băn khoăn, lo lắng của nhân dân, nhưng cũng khiến tất cả những ai nặng lòng với Đảng, với đất nước và quan tâm đến vận mệnh chế độ cũng không khỏi trăn trở. Có một câu hỏi đặt ra là sau 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, phần lớn đời sống nhân dân đã thoát khỏi đói nghèo, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều có bước chuyển biến tích cực, nhưng tại sao người dân vẫn rất quan tâm, thậm chí lo lắng đến vận mệnh của Đảng và chế độ? Theo GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Hội đồng Lý luận Trung ương, vì từ trong tâm niệm sâu xa của mình, đa số người dân vẫn yêu Đảng, thủy chung với Đảng, tự nguyện đi theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, cho nên người dân có tâm lý lo lắng về một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng là điều dễ hiểu. Khi người dân còn biết lo cho vận mệnh của Đảng, lo công việc chung của Đảng, đấy là hồng phúc của Đảng và dân tộc. Vấn đề cốt tử hiện nay là Đảng phải làm sao để cho người dân giảm bớt và tiến tới không còn phải băn khoăn, lo lắng nhiều vì những bất cập, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng nói chung, và những biểu hiện thoái hóa, biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nói riêng.

“Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai”? Nếu Đảng chỉ thuộc về một số người giàu có, sống cách biệt với dân, không đồng cam cộng khổ với dân, không thấm nhuần và thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ “Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, thì Đảng đã vô hình trung “đứng trên, đứng ngoài” lợi ích của nhân dân và nguy cơ Đảng thoái hóa, biến chất rồi sụp đổ là khó tránh khỏi. Ngược lại, nếu hơn 4,6 triệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay cùng hòa chung nhịp đập với hơn 90 triệu trái tim người Việt, cùng biết lo toan gánh vác việc Đảng, việc nước, việc dân, đó chính là cơ sở bảo đảm cho Đảng ta thực hiện tốt trọng trách cao cả của mình. Đó cũng là một trong những giải pháp căn cơ để phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng đạt hiệu quả tối ưu.