Mẫu bảng lương chứng minh thu nhập

Mẫu giấy xác nhận lương? Mẫu xác nhận bảng lương? Lưu ý khi viết giấy xác nhận lương, bảng xác nhận lương? Thủ tục đăng ký thang bảng lương? Thủ tục khai báo nhân sự, thang bảng lương như thế nào?

Trong cuộc sống, nhiều trường hợp người lao động cần có giấy tờ xác nhận lương hay còn gọi là bảng xác nhận lương (Ví dụ: Xác nhận lương để định cư ở nước ngoài, để vay vốn ngân hàng, chứng minh đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, chứng minh khả năng nhận nuôi con nuôi, xác nhận thu nhập khi tranh chấp quyền nuôi con,….). Giấy xác nhận lương, bảng xác nhận lương do người sử dụng lao động cấp cho người lao động khi người lao động có yêu cầu xác nhận lương.

Luật sư tư vấn pháp luật lao động trực tuyến miễn phí: 1900.6568

Dưới đây, Luật Dương Gia cung cấp mẫu giấy xác nhận lương, bảng xác nhận lương mới nhất. Trong đó: 

– Mẫu giấy xác nhận lương: Là loại biểu mẫu xác nhận lương đơn giản, với các thông tin đơn giản. Biểu mẫu này chỉ xác nhận vị trí làm việc, loại hợp đồng, thời gian của hợp đồng lao động, mức lương được hưởng của người lao động. Thường thì các trường hợp vay ngân hàng chỉ cần xin xác nhận bằng loại biểu mẫu này.

– Mẫu bảng xác nhận lương: Là loại biểu mẫu xác nhận lương chi tiết. Bao gồm xác nhận cả lương cơ bản, lương tăng ca, thưởng, phụ trợ cấp, bảo hiểm xã hội (nếu có) của người lao động.

Quý khách hàng tùy mức độ mà có thể lựa chọn 1 trong 2 loại biểu mẫu dưới đây:

Mục lục bài viết

1. Mẫu giấy xác nhận lương:

Tải về giấy xác nhận lương

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——–o0o——–

GIẤY XÁC NHẬN LƯƠNG

Họ và tên:….. 

Địa chỉ:………. 

Số CMND:….. 

Hiện đang làm việc tại:…… 

Địa chỉ công ty:…….. 

Điện thoại:….. 

Bộ phận:…. Chức vụ:….. 

Hợp đồng lao động   :  Thời vụ                    Thời hạn 1 năm .      Thời hạn 2 năm

                                     Thời hạn 3 năm       Không xác định thời hạn .  Khác……

Thời hạn hiệu lực: Từ …/…./…….

Ngày vào làm việc: …./…./……

Mức lương chính: ………………….. VNĐ/ tháng             Trước thuế       Sau thuế  

Thu nhập khác: ……………………… VNĐ/ tháng

Diễn giải nguồn thu nhập khác: Hưởng theo doanh thu của doanh nghiệp và thưởng.

                                                                                                    ….., ngày……tháng…..năm……..

     Xác nhận của công ty                                                                     Người làm đơn

 Xác nhận các thông tin về chức                                                        (Ký và ghi rõ họ tên)        

  vụ, thời gian làm việc và mức

  lương nêu trên là chính xác

2. Mẫu xác nhận bảng lương:

Tải về xác nhận bảng lương

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

XÁC NHẬN BẢNG LƯƠNG

Họ và tên:……. 

Địa chỉ:…….. 

Số CMND:…….. 

Hiện đang làm việc tại:……. 

Địa chỉ công ty:……. 

Điện thoại:……. 

Bộ phận:……..   Chức vụ:…… 

Hợp đồng lao động   : o Thời vụ                     o Thời hạn 1 năm  o Thời hạn 2 năm

                                    o Thời hạn 3 năm        o Không xác định thời hạn o Khác……

Thời hạn hiệu lực: Từ …/…./…….

Ngày vào làm việc: …./…./……

PHIẾU LƯƠNG NHÂN VIÊN THÁNG …. NĂM ….

Đơn vị tính: VNĐ

Họ tên…………                          Phòng ban……………                   Số ngày công………… .

Ngày nghỉ bù…………               Ngày nghỉ không tính phép……     Ngày nghỉ hưởng lương

Ngày nghỉ tính phép…………    Mức lương……

Tổng tiền lương:

Lương cơ bản……                     Lương hiệu quả……                      Lương làm thêm giờ…… 

Các khoản cộng lương……       Các khoản trừ lương……              Phụ cấp điện thoại……… 

Phụ cấp ăn ca……….                Công tác phí…….

Tổng thu nhập …….

Tạm ứng lương kỳ I …….

Các khoản phải khấu trừ vào lương:

BHXH (7%) …….                       BHYT (1.5%) ……..                           BHTN (1%)………

Truy thu ………                         Thuế TNCN…….

Tổng …….       

Thực lĩnh ……..         

Ghi chú Lương trách nhiệm trừ phạt HC: ………   

ngày……tháng…..năm……..

       Xác nhận của công ty                                                                     Người làm đơn

Xác nhận các thông tin về chức vụ,                                                      (Ký và ghi rõ họ tên)

 thời gian làm việc và mức lương

         nêu trên là chính xác

3. Lưu ý khi viết giấy xác nhận lương, bảng xác nhận lương:

– Ghi rõ thời gian xác nhận lương từ khi nào đến khi nào?

– Ghi rõ các khoản lương thực nhận, lương cơ bản, phụ cấp, thưởng nếu có.

– Ghi rõ cần xác nhận lương nhằm mục đích gì: vay ngân hàng, xác nhận khả năng tài chính, chứng minh tài chính…

– Tốt nhất nên liên hệ với đơn vị yêu cầu xác nhận để làm rõ các thông tin cần xác nhận để sử dụng biểu mẫu chính xác, đỡ mất thời gian.

4. Thủ tục đăng ký thang bảng lương:

Theo quy định tại Bộ luật lao động và Nghị định 49/2013/NĐ-CP thì việc quy định đăng ký thang bảng lương là thủ tục bắt buộc và được quy định cụ thể như sau:

1. Hồ sơ thực hiện

– Tờ trình đăng ký thang lương, bảng lương

– Quyết định của Giám đốc doanh nghiệp về việc ban hành thang lương, bảng lương

– Biên bản cuộc họp Ban chấp hành công đoàn về việc thống nhất thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng (nếu doanh nghiệp nào chưa có tổ chức công đoàn thì có biên bản của đại diện người lao động về việc thống nhất thang lương, bảng lương do doanh nghiệp xây dựng)

– Thang lương, bảng lương của Doanh nghiệp.

2. Trình tự thực hiện

Bước 1: Đại diện của Tổ chức đi thực hiện thủ tục hành chính cần chuẩn bị hồ sơ hợp lệ theo quy định (kèm theo giấy giới thiệu của tổ chức và giấy chứng minh thư nhân dân của cá nhân)

Bước 2: Đại diện của Tổ chức nộp hồ sơ tại Sở Lao động thương binh xã hội tỉnh

Cán bộ nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ:

– Nếu hồ sơ hợp lệ thì vào sổ theo dõi, viết giấy hẹn thời gian trả kết quả.

– Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cho đại diện của tổ chức hoàn thiện bổ sung.

Bước 3: Đại diện của Tổ chức nhận kết quả theo giấy hẹn

3. Cơ quan tiếp nhận

Sở lao động thương binh xã hội

4. Thời hạn thực hiện

Thời hạn trong 15 ngày kể từ thời điểm nhận đủ hồ sơ

5. Thủ tục khai báo nhân sự, thang bảng lương như thế nào?

Tóm tắt câu hỏi:

Luật sư cho mình hỏi, công ty mình là công ty cổ phần đã ngưng hoạt động được một năm và hiện tại đang hoạt động trở lại. Hiện tại công ty sẽ xây dựng lại toàn bộ chính sách chế độ, thang bảng lương và nhân sự mới. Mình muốn hỏi là các thủ tục khai báo nhân sự, thang bảng lương để gửi cho bộ LĐTBXH gồm những gì và làm thế nào để đóng bảo hiểm cho nhân viên ??

Luật sư tư vấn:

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 03/2014/NĐ-CP về báo cáo sử dụng lao động:

“1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bắt đầu hoạt động, người sử dụng lao động phải khai trình việc sử dụng lao động với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

2. Định kỳ 06 tháng và hằng năm, người sử dụng lao động phải báo cáo tình hình thay đổi về lao động với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với người sử dụng lao động thuộc khu công nghiệp) nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

3. Định kỳ 06 tháng và hằng năm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải báo cáo số lao động cho thuê lại với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện.

4. Định kỳ 06 tháng và hằng năm, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp tình hình sử dụng và thay đổi về lao động trong các doanh nghiệp tại địa phương, báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

5. Định kỳ 06 tháng và hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp tình hình sử dụng và thay đổi về lao động trong các doanh nghiệp tại địa phương, báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.”

Có thể thấy, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động thì công ty bạn phải khai trình việc sử dụng lao động đối với Phòng lao động thương binh xã hội hoặc Sở lao động thương binh xã hội tùy thuộc vào nơi đóng trụ sở chính của công ty. Việc khai trình sử dụng lao động sẽ được khai báo theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư số 23/2014/TT-BLĐTBXH. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 93 Bộ luật lao động về việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động:

“1. Trên cơ sở các nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.

2. Khi xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và công bố công khai tại nơi làm việc của người lao động trước khi thực hiện, đồng thời gửi cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.”

Về việc xây dựng thang lương bảng lương thì công ty bạn sẽ có quyền tự xây dựng mà không phải tiến hành đăng ký với bất kì cơ quan nào, tuy nhiên việc xấy dựng thang lương bảng lương công ty phải căn cứ vào những nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương để có thể thực hiện được việc này, căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định 49/2013/NĐ-CP về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương:

“1. Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, doanh nghiệp xây dựng và quyết định thang lương, bảng lương đối với lao động quản lý, lao động chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và công nhân trực tiếp sản xuất, kinh doanh, phục vụ. 

2. Bội số của thang lương là hệ số chênh lệch giữa mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật cao nhất so với mức lương của công việc hoặc chức danh có yêu cầu trình độ kỹ thuật thấp nhất, số bậc của thang lương, bảng lương phụ thuộc vào độ phức tạp quản lý, cấp bậc công việc hoặc chức danh đòi hỏi. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm, phát triển tài năng nhưng ít nhất bằng 5%. 

3. Mức lương thấp nhất (khởi điểm) của công việc hoặc chức danh trong thang lương, bảng lương do công ty xác định trên cơ sở mức độ phức tạp của công việc hoặc chức danh tương ứng với trình độ, kỹ năng, trách nhiệm, kinh nghiệm để thực hiện công việc hoặc chức danh, trong đó: 

a) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; 

b) Mức lương thấp nhất của công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định; 

…”.

Về việc đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên, thì công ty bạn là bên sử dụng lao động nên công ty bạn phải có nghĩa vụ xin cấp sổ bảo hiểm xã hội cho nhân viên để tiến hành nộp tiền bảo hiểm xã hội trong thời gian làm việc. Theo đó công ty bạn sẽ phải chuẩn bị một bộ hồ sơ sau đó nộp tại cơ quan bảo hiểm xã hôi nơi công ty có trụ sở chính thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xem xét và giải quyết việc cấp sổ bảo hiểm cho người lao động, cụ thể hồ sơ sẽ được quy định tại Điều 97 Luật bảo hiểm xã hội 2014 về hồ sơ đăng ký và tham gia cấp sổ bảo hiểm xã hội:

“1. Hồ sơ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội lần đầu bao gồm:

a) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động kèm theo danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội;

b) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

2. Hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp hỏng hoặc mất bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động;

b) Sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp bị hỏng.

3. Chính phủ quy định thủ tục, hồ sơ tham gia, cấp sổ bảo hiểm xã hội đối với đối tượng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này.”