Nghị định 94 2023

Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023

Chính phủ đã ban hành Nghị định 94/2021/NĐ-CP ngày 28/10/2021 sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Nghị  định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành. Theo đó, giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết ngày 31/12/2023.

Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành mới theo Nghị  định 94/2021/NĐ-CP như sau:

1. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 20 triệu đồng (mức cũ là 100 triệu đồng).

2. Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế:

a) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam: 50 triệu đồng (mức cũ là 250 triệu đồng);

b) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài: 100 triệu đồng (mức cũ là 500 triệu đồng);

c) Kinh doanh dịch vụ lữ hành đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch ra nước ngoài: 100 triệu đồng (mức cũ là 500 triệu đồng).

Chính phủ giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn, tổ chức thi hành Nghị định này.

Hoàn trả tiền chênh lệch ký quỹ cho doanh nghiệp

Ngân hàng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành có trách nhiệm thu hồi Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đã cấp cho doanh nghiệp, cấp mới Giấy chứng nhận tiền ký quỹ theo mức ký quỹ nêu trên và hoàn trả số tiền chênh lệch giữa mức ký quỹ theo quy định tại Nghị định số 168/2017/NĐ-CP và Nghị  định 94/2021/NĐ-CP cho doanh nghiệp kể từ ngày Nghị  định 94/2021/NĐ-CP có hiệu lực (28/10/2021).

Gửi danh sách, thông tin doanh nghiệp đã tiến hành đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ về cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định trong thời gian 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp đổi giấy chứng nhận tiền ký quỹ.

Nghị định cũng nêu rõ, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành có trách nhiệm như sau:

Doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại Nghị  định số 168/2017/NĐ-CP có thể đổi Giấy chứng nhận theo mức quy định tại Nghị định 94/2021/NĐ-CP và gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đổi.

Từ ngày 1/1/2024, doanh nghiệp ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành phải đổi Giấy chứng nhận tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo mức ký quỹ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP và gửi đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đổi.

Nghị định 94/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký ban hành (28/10/2021). Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại Điều 1 Nghị định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2023.

----------------------------

Phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025

Ngày 28/10/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Đồng thời, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của CMCN 4.0 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả của tổ chức, cá nhân.

Đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hoá các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tội phạm kinh tế, phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Mục tiêu cụ thể đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử  đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.

Đề án cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công: Từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; từ 90 - 100% các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đô thị triển khai thanh toán học phí trực tuyến trên cổng Dịch vụ công Quốc gia; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án sẽ triển khai giải pháp như: Hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0.

Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực chính phủ, dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

----------------------------

Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố miền Đông và miền Tây Nam Bộ về phòng, chống dịch COVID-19

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo 287/TB-VPCP ngày 28/10/2021 kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố miền Đông và miền Tây Nam Bộ về phòng, chống dịch COVID-19.

Thông báo nêu rõ, chiều 26/10/2021, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo 19 tỉnh, thành phố miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Võ Minh Lương, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19; đại diện các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông và Văn phòng Chính phủ; các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang.

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, ý kiến phát biểu của Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 và của đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các tỉnh, thành phố miền Đông Nam Bộ và miền Tây Nam Bộ triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khẩn trương nhất có thể. Bộ Y tế phân bổ kịp thời, đủ số lượng vaccine tiêm 2 mũi cho người từ 18 tuổi trở lên theo lịch tiêm của các địa phương; phối hợp với các tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức việc tiêm vaccine cho trẻ em trên địa bàn bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả.

 ----------------------------

Công nhận 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Ngày 28/10/2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký các Quyết định 1811/QĐ-TTg và 1812/QĐ-TTg công nhận huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương và huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh Bắc Giang có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Tứ Kỳ và huyện Yên Dũng tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.