Người gia có nên uống Glucosamine

Thứ năm, 31/05/2018 - 02:20 PM

Tình trạng bệnh xương khớp ngày càng đáng báo động, con người nên bổ sung các chất dinh dưỡng, thực phẩm để bảo vệ sức khỏe xương khớp một cách tốt hơn. Mà glucosamine lại rất bổ dưỡng cho xương khớp, mọi người hãy uống thường xuyên để phòng tránh các bệnh tật về xương khớp nhé.

Glucosamine là gì và nó tốt như thế nào với sức khỏe?

Glucosamine là một trong các nhóm đường amino nhưng nó lại khác với các loại đường khác trong cơ thể. Đường amino không dùng để cung cấp năng lượng mà để cấu tạo nên các loại carbohydrate liên kết với những cấu trúc mô cơ thể. Do đó, glucosamine cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành móng, gân, da, xương khớp, dây chằng. Ngoài ra, glucosamine còn điều tiết chất nhày trong hệ tiêu hóa, hô hấp và hệ tiết niệu. Glucosamine kích thích tăng cường chất bôi trơn cho các khớp xương, giảm tình trạng khô khớp, đau và sưng viêm khớp. Một số kiểm nghiệm lâm sàng đã chứng minh, glucosamine giúp cải thiện các triệu chứng và làm giảm sự tiến triển của bệnh viêm xương khớp. Đặc biệt, glucosamine còn giúp ức chế các men sinh học như stromelysin và collagenase gây hủy hoại sụn khớp, đặc biệt tốt cho các mô sụn.

Người gia có nên uống Glucosamine

Glucosamine là một loại đường amino có trong cơ thể người

Có 3 dạng glucosamine chính là: Glucosamine hydrochloride, Glucosamine sulfate và N-acetyl-glucosamine. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã chiết xuất được glucosamine trong vỏ tôm, vỏ cua và các loại sinh vật biển khác để điều chế thành thuốc hoặc thực phẩm chức năng bổ sung vào cơ thể.

Những con số đáng báo động về tình trạng bệnh xương khớp ở việt nam

Ngày nay, tỉ lệ người cao tuổi trong dân số nước ta cũng tăng lên 7% và đang có xu hướng tăng nhanh trong tương lại. Vì thế mà tình trạng bệnh xương khớp cũng là vấn đề rất được quan tâm.

Theo số liệu nghiên cứu về tình hình sức khỏe xương khớp ở Việt Nam thì có 66% người trên 40 tuổi bị thoái hóa khớp. Với những vị trí như khớp gối 35% và cột sống thắt lưng 43%. Về tình trạng loãng xương ở nữ giới trên 50 tuổi, ở nước ta có khoảng 23 – 29%, tỉ lệ này sấp xỉ với các nước Âu Mỹ.

Người gia có nên uống Glucosamine

Người mắc bệnh xương khớp ở Việt Nam chiếm tỉ lệ rất cao

Theo thống kê ở bệnh viên Nhân Dân 115, mỗi ngày có khoảng 200 bệnh nhân tới khám, tái khám các bệnh xương khớp. Trong đó có hơn 50% người bị thoái hóa khớp và 30% trong số này phải nhập viện điều trị. Ở bệnh viên Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh, trung bình một ngày, phòng khám khớp có hơn 250 bệnh nhân và ước tính 1 năm, có khoảng 90 ngàn người tới khám. Đáng chú ý nhất là bệnh viên Chợ Rẫy, số bệnh nhân đến phòng khám khớp trong 1 năm lên tới 64 ngàn người. Các khoa xương khớp của các bệnh viên khác cũng có đến hàng trăm người mắc bệnh xương khớp.

Qua các số liệu trên, chúng ta thấy rằng tỉ lệ người mắc bệnh xương khớp ở Việt Nam cũng tương đương các nước khác trên thế giới. Nó chiếm một tỉ lệ rất cao và đáng lo ngại, lâu dần có thể trở thành gánh nặng cho xã hội.

Tại sao chúng ta nên uống Glucosamin sau 30 tuổi

Thay vì để cơ thể mắc bệnh khi về già, tại sao chúng ta không bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho hệ thống xương khớp ngay từ khi còn trẻ. Vì khi càng lớn tuổi, các bộ phận trong cơ thể sẽ ngày càng già đi và không thể làm tròn bổn phận của chúng được nữa. Đặc biệt là glucosamine, càng lớn tuổi, cơ thể sẽ mất dần khả năng tổng hợp glucosamine, lâu dần dẫn đến tình trạng thoái hóa, phần sụn khớp cứng và mỏng đi, xương khớp thiếu chất nhờn gây nên tình trạng đau nhức, làm giảm khả năng vận động. Khái niệm này thì chắc cũng không còn quá xa lạ với mọi người nữa.

Người gia có nên uống Glucosamine

Nên bổ sung glucosamine sau 30 tuổi để tăng cường sức khỏe xương khớp

Tuy nhiên, để biết chính xác là bổ sung glucosamine vào thời điểm nào thì lại rất ít người biết. Theo như các chuyên gia thì chúng ta nên bổ sung glucosamine vào cơ thể sau tuổi 30. Vì khi bước sang tuổi 30, cơ thể bắt đầu suy giảm lượng hormone sinh dục sức khỏe xương khớp và cơ bắp yếu đi. Đặc biệt với nhịp sống hối hả hiện nay, con người phải vận động và làm việc trong môi trường khắc nghiệt, trách nhiệm gia đình và con cái đè nặng làm tình trạng lão hóa xảy ra nhanh hơn. Không có thời gian làm con người ăn uống, nghỉ ngơi qua loa, vội vàng, lâu dần dẫn làm cơ thể thiếu chất dinh dưỡng, gây mệt mỏi, đau nhức xương khớp. Từ đó làm xương khớp thoái hóa nhanh hơn. Mặc dù biết là không tốt, nhưng họ cũng không thể giảm tại lượng công việc để nghỉ ngơi hoặc bổ sung các thực phẩm dinh dưỡng nữa. Do đó mà sau 30 tuổi, chúng ta cần bổ sung glucosamine để bảo vệ sức khỏe xương khớp, tránh tình trạng thoái hóa gây đau nhức, khó vận động làm ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của bản thân.

Glucosamin hiện đang được sử dụng tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, trong khi một số nước đã cho phép glucosamin được đăng ký lưu hành dưới dạng dược phẩm, Hoa Kỳ vẫn chỉ coi glucosamin là thực phẩm chức năng [1]. Trong y văn, quan điểm về việc sử dụng glucosamin trong điều trị viêm thoái hóa khớp của các cơ quan quản lý dược phẩm, các cơ quan chuyên môn và hội chuyên môn cơ xương khớp trên thế giới vẫn chưa thống nhất [2].

Tại Việt Nam, glucosamin được chỉ định với mục đích “giảm triệu chứng của thoái hóa khớp gối nhẹ và trung bình" [3]. Việc sử dụng glucosamin trong điều trị viêm thoái hóa khớp ở các vị trí khác ngoài khớp gối không được khuyến cáo [2]. Glucosamin bị chống chỉ định cho phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú, trẻ em, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi do chưa có số liệu về độ an toàn và hiệu quả điều trị [4]. Do còn thiếu dữ liệu về các nghiên cứu quy mô lớn, dài hạn, nhất quán về lợi ích và độ an toàn của glucosamin, việc sử dụng glucosamin cần được cân nhắc cẩn thận, nhất là trong bối cảnh thuốc này đang được mua bán và sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.

Mặc dù thường được dung nạp tốt, nhưng glucosamin cũng có thể gây ra các phản ứng bất lợi. Khi dùng đường uống, các tác dụng bất lợi thường gặp nhất của glucosamin bao gồm buồn nôn, nôn, ợ nóng, tiêu chảy, táo bón và đau/nhạy cảm ở thượng vị; các triệu chứng có thể giảm nếu glucosamin được dùng cùng hoặc sau khi ăn. Các tác dụng bất lợi khác bao gồm đau đầu, ngủ gà và mất ngủ, phản ứng trên da như đỏ da và ngứa. Phù ngoại vi và mạch nhanh đã được báo cáo ở một số bệnh nhân trong các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn về glucosamin đường uống hoặc tiêm bắp, nhưng mối quan hệ nhân quả chưa được thành lập [5].

Trong Cơ sở dữ liệu về ADR của Tổ chức Y tế Thế giới (Vigibase) tính đến hết tháng 6/2019, một số báo cáo nghiêm trọng, đáng chú ý liên quan đến glucosamin đã được ghi nhận, đặc biệt là phản ứng phản vệ, sốc phản vệ và trụy tuần hoàn (30 báo cáo), độc tính trên gan (01 báo cáo), tăng men gan (12 báo cáo), tăng glucose máu (54 báo cáo) và phơi nhiễm với thuốc trong thai kỳ (01 trường hợp) trong tổng số 3784 báo cáo liên quan đến glucosamin. Tại Việt Nam, Cơ sở dữ liệu Quốc gia về ADR tính đến hết tháng 6/2019 cũng đã ghi nhận 68 báo cáo liên quan đến glucosamin, trong đó chủ yếu là các báo cáo về phản ứng trên da (mẩn ngứa, mày đay); các phản ứng đáng chú ý khác với số báo cáo không lớn bao gồm khó thở, tức ngực và tím tái.

Thông tin chi tiết hơn về các tác dụng bất lợi và tương tác thuốc liên quan đến glucosamin như sau [5] [6]:

Dị ứng

Một số nghiên cứu gợi ý rằng các chế phẩm glucosamin không có nguồn gốc tổng hợp có thể gây ra các phản ứng dị ứng ở người nhạy cảm với động vật có vỏ (shellfish). Dị ứng động vật có vỏ có nguyên nhân do phản ứng giữa các kháng thể IgE với kháng nguyên ở thịt (chứ không phải ở phần vỏ) của động vật có vỏ. Do đó, bệnh nhân dị ứng với động vật có vỏ có thể vẫn an toàn khi sử dụng glucosamin. Nhận định này được ủng hộ bởi một nghiên cứu nhỏ trên 15 bệnh nhân có tiền sử dị ứng toàn thân và test da dương tính với động vật có vỏ; tất cả 15 bệnh nhân này đều không xuất hiện phản ứng có hại khi sử dụng 1500 mg glucosamin đường uống. Ủy ban Tư vấn về Phản ứng có hại của thuốc Úc (Australian Adverse Drug Reactions Advisory Committee) đã ghi nhận 51 báo cáo về phản ứng dị ứng trên da với glucosamin, bao gồm phù mạch, và lưu ý rằng một số bệnh nhân dung nạp được với chế phẩm glucosamin khác mà không gặp tác dụng bất lợi nào. Báo cáo ngụ ý rằng các bệnh nhân này, vốn dị ứng với động vật có vỏ, nên thận trọng hoặc tránh sử dụng glucosamin có nguồn gốc từ động vật có vỏ. Tóm tắt đặc tính sản phẩm của nhiều chế phẩm chứa glucosamin đưa ra chống chỉ định glucosamin ở bệnh nhân dị ứng với động vật có vỏ.

Khả năng dị ứng với glucosamin ở bệnh nhân hen cũng đã được chú ý. Trường hợp bùng phát hen xảy ra ở một bệnh nhân nữ có tiền sử hen 10 năm, sau khi bệnh nhân sử dụng một chế phẩm chứa glucosamin 500 mg và chondroitin 400 mg 3 lần/ngày để điều trị viêm khớp. Tình trạng bùng phát bao gồm các biểu hiện thở khò khè, thở ngắn, giảm lưu lượng đỉnh thở ra và giảm oxy hóa máu. Mặc dù không đáp ứng với steroid đường uống, các triệu chứng hen đã hồi phục hoàn toàn trong vòng 24 giờ sau khi ngừng glucosamin và chondroitin. Tuy nhiên, do còn thiếu bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng hoặc các báo cáo ca khác, nên không thể đưa ra kết luận chống chỉ định thuốc cho bệnh nhân hen. Tóm tắt đặc tính sản phẩm của một số thuốc chứa glucosamin khuyến cáo bệnh nhân bắt đầu sử dụng glucosamin nên nhận thức rõ về nguy cơ làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen.

Ảnh hưởng đến glucose máu

Có lo ngại rằng glucosamin có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát nồng độ đường huyết. Theo hai báo cáo tổng quan, mặc dù có những thay đổi về chuyển hóa đường đã được ghi nhận ở động vật được sử dụng glucosamin đường tĩnh mạch liều cao, các tác dụng tương tự chưa được ghi nhận thống nhất trên người sau khi sử dụng thuốc đường uống. Các tổng quan này bao gồm các nghiên cứu đánh giá việc sử dụng kéo dài glucosamin đường uống để điều trị viêm xương khớp. Trong hai nghiên cứu có thiết kế tương tự nhau, các bệnh nhân viêm khớp gối và không béo phì, không mắc đái tháo đường hoặc các bất thường về chuyển hóa đáng kể trên lâm sàng, được chia ngẫu nhiên vào nhóm sử dụng glucosamin 1500 mg hàng ngày hoặc placebo, trong vòng 3 năm. Trong nghiên cứu thứ nhất (n=212), nồng độ glucose huyết tương khi đói hàng năm giảm nhẹ ở nhóm bệnh nhân được sử dụng glucosamin. Trong nghiên cứu còn lại (n=202), mặc dùng không có dữ liệu cụ thể về các chỉ số đường huyết, không ghi nhận khác biệt về xét nghiệm cận lâm sàng định kỳ giữa nhóm điều trị và nhóm dùng placebo. Các nghiên cứu ngắn hạn, quy mô nhỏ hơn, trên bệnh nhân không mắc đái tháo đường cũng cho thấy glucosamin không ảnh hưởng đến khả năng dung nạp glucose hoặc kháng insulin.

Do dữ liệu được công bố còn hạn chế và các tác dụng của glucosamin ở bệnh nhân đái tháo đường chưa được nghiên cứu đầy đủ, bệnh nhân đái tháo đường nên chú ý theo dõi nồng độ đường huyết chặt chẽ hơn khi bắt đầu sử dụng glucosamin, tăng liều hoặc thay đổi chế phẩm sử dụng.

Độc tính trên gan

Có một số báo cáo ca về độc tính trên gan có thể liên quan đến glucosamin (đơn độc hoặc kết hợp với chondrointin). Tăng enzym gan xảy ra ở tất cả các trường hợp. Trong đó, một số bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng, và nồng độ enzym gan trở về bình thường sau khi ngừng glucosamin. Cụ thể hơn, một bệnh nhân tử vong do suy gan tối cấp, 2 bệnh nhân viêm gan mạn tính, 2 bệnh nhân thuyên giảm viêm gan sau khi được xử trí và ngừng sử dụng glucosamin, và một bệnh nhân có enzym gan trở về bình thường 4 tuần sau khi ngừng glucosamin. Cơ chế chính xác gây tổn thương còn chưa rõ, nhưng có khả năng liên quan đến phản ứng quá mẫn hoặc sản sinh chất chuyển hóa có độc tính khi glucosamin được chuyển hóa ở gan. Các tình trạng nhẹ của độc tính gan có thể không được chẩn đoán do thiếu triệu chứng lâm sàng hoặc xét nghiệm enzym gan. Ở bệnh nhân được phát hiện thay đổi enzym gan, cân nhắc ngừng sử dụng glucosamin do nguy cơ xuất hiện tổn thương gan nặng hơn nếu tiếp tục dùng thuốc.

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc liên quan đến các chế phẩm chứa glucosamin cũng cần được chú ý, đặc biệt là với các thuốc chống đông, thuốc hóa trị, mặc dù dữ liệu được công bố còn hạn chế (xem thêm Khuyến cáo dành cho cán bộ y tế).

Các tác dụng bất lợi khác

Tăng cholesterol máu đã được báo cáo ở phụ nữ 60 đến 66 tuổi sử dụng glucosamin (không rõ liều) trong 6 đến 12 tháng. Lượng gia tăng cholesterol toàn phần nằm trong khoảng từ 0,9 đến 2,4 mmol/l. Ở một trường hợp, cholesterol toàn phần trở về nồng độ tương đương với nồng độ trước điều trị sau khi ngừng glucosamin; trong khi các bệnh nhân khác không có thông tin về kết quả sau xử trí. Các thay đổi về nồng độ lipid không được báo cáo ở các thử nghiệm lâm sàng kéo dài 3 năm. Tóm tắt đặc tính sản phẩm của một số chế phẩm chứa glucosamin khuyến cáo theo dõi nồng độ lipid máu ở bệnh nhân sử dụng glucosamin có các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch, mặc dù mối quan hệ nhân quả chưa được thiết lập.

Viêm thận kẽ cấp tính cũng đã được báo cáo như một tác dụng bất lợi có thể xuất hiện. Sau khi dùng glucosamin (không rõ liều) 2 đến 3 tháng, một bệnh nhân nam 75 tuổi được chẩn đoán viêm ống thận kẽ sau khi nhập viện với các biểu hiện tiểu rắt, mắc tiểu và tiểu đêm. Cán bộ y tế không phát hiện được nguyên nhân rõ ràng nào khác gây nên tình trạng trên ở bệnh nhân. Y văn cũng đã ghi nhận một số báo cáo rải rác khác về suy thận không đặc hiệu, nhưng điều này chưa được phát hiện trong các nghiên cứu dài hạn (3 năm). Glucosamin nên được sử dụng thận trọng ở các bệnh nhân suy giảm chức năng thận hoặc đang sử dụng các thuốc gây độc thận.

Tăng áp lực nội nhãn (IOP) cũng đã được ghi nhận ở một thử nghiệm lâm sàng mù đôi, ngẫu nhiên, đối chứng với giả dược đánh giá tác dụng của glucosamin sulfat trên áp lực nội nhãn ở 88 bệnh nhân viêm xương khớp. Các bệnh nhân được thăm khám nhãn khoa toàn diện (bao gồm IOP) ở thời điểm ban đầu, 1 tháng và 3 tháng. Tăng IOP có ý nghĩa lâm sàng (≥2 mmHg) được ghi nhận ở 34,1% bệnh nhân dùng glucosamin và 12,5% sử dụng giả dược ở lần theo dõi cuối cùng (p = 0,023). Các tác giả kết luận rằng tăng IOP có ý nghĩa thống kê có thể do glucosamin, và tác dụng này trở nên rõ rệt hơn ở người cao tuổi. Tuy nhiên, ý nghĩa trên lâm sàng của phát hiện trên cần được nghiên cứu thêm.

Theo cơ sở dữ lệu về thông tin thuốc Micromedex, glucosamin có thể gây ra các phản ứng bất lợi trên hệ tim mạch (phù ngoại vi, loạn nhịp nhanh), phản ứng trên da (phản ứng nơi tiêm, đau, đỏ da), tiêu hóa (táo bón, tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn, nôn) và thần kinh (đau đầu, mất ngủ, ngủ gà). Tại Pháp, các phản ứng trên huyết học liên quan đến việc sử dụng glucosamin bao gồm ban xuất huyết giảm tiểu cầu (tổn thương xuất huyết trên da), bất thường chỉ số INR cũng đã được ghi nhận [7]. Cần chống chỉ định glucosamin cho người quá mẫn với thuốc này và thận trọng khi sử dụng cho người dị ứng với động vật có vỏ [8].

Người gia có nên uống Glucosamine