Tại sao phải kết hợp tác chiến của llvt địa phương và tác chiến giữa binh đoàn chủ lực

(Bqp.vn) - Thu - Đông 1947, Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã huy động lực lượng quân sự hùng hậu, gồm 12 nghìn quân cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại, bất ngờ tiến hành cuộc tiến công lên Việt Bắc, hòng bắt gọn cơ quan lãnh đạo cuộc kháng chiến và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu diệt bộ đội chủ lực, phá tan tiềm lực kháng chiến để kết thúc chiến tranh, áp đặt lại ách thống trị lên đất nước ta. Hành động phiêu lưu, mạo hiểm của giới quân sự thực dân đã đặt cuộc kháng chiến của nhân dân ta trước thử thách nghiêm trọng. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã phát huy cao độ sức mạnh chiến tranh nhân dân, tiến hành cuộc phản công thắng lợi, đập tan cuộc hành quân đại quy mô và đầy tham vọng của đạo quân viễn chinh, làm phá sản hoàn toàn chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, góp phần tạo bước chuyển quan trọng về thế và lực, đưa cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới. Bảy mươi năm đã trôi qua, song bài học về phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân trong chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947 vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả đối với sự nghiệp xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Một là, bám sát diễn biến tình hình, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, chủ động làm thất bại mọi âm mưu xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ

Trên cơ sở nắm vững âm mưu và thủ đoạn của thực dân Pháp, tháng 6 năm 1947, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ ba nhận định: Thực dân Pháp sẽ mở “những cuộc tiến công lớn để chiếm đóng những vị trí chiến lược còn ở trong tay ta… cũng có thể mưu đồ cuộc đại tiến công vào Việt Bắc” [1]. Đồng thời yêu cầu các địa phương đẩy mạnh củng cố các căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển các cơ sở chính trị, ra sức tăng gia sản xuất, tích trữ lương thực, đẩy mạnh phòng gian... Triển khai chủ trương của hội nghị, quân và dân trên địa bàn Việt Bắc cùng cả nước “Tích cực chuẩn bị chiến dịch mùa đông về mọi mặt (động viên tinh thần, huấn luyện bộ đội, điều động bộ đội và vũ khí, che cất kho tàng, vật liệu...) đặng đối phó với cuộc tấn công có thể lan rộng và ác liệt của Quân đội Pháp sau mùa mưa” [2]. Đến đầu tháng 10/1947, trước những diễn biến của tình hình, Bộ Tổng Chỉ huy đã ban hành Mệnh lệnh, nêu rõ: Thực dân Pháp sẽ tiến hành những cuộc hành quân lớn, có thể càn quét vùng Đồng bằng Bắc bộ, đánh lên căn cứ Việt Bắc. Đồng thời, bố trí lực lượng sẵn sàng chặn đường tiến công của địch khi chúng đánh lên căn cứ địa. Chấp hành Mệnh lệnh, Khu ủy các khu trên địa bàn Việt Bắc chỉ đạo nhân dân tăng cường công tác phá hoại, dân quân tự vệ khẩn trương luyện tập, tuần tra canh gác, bố phòng nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ những nơi xung yếu. Toàn dân thực hiện nếp sống quân sự hóa; hệ thống báo động dây chuyền khắp các thôn, xã được củng cố… Kết quả của công tác chuẩn bị đối phó với cuộc “tiến công mùa đông của giặc Pháp” là cơ sở quan trọng để quân và dân Việt Bắc nhanh chóng giành lại thế chủ động, triển khai thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, đánh bại cuộc tiến công của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn căn cứ địa Việt Bắc và cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến.

Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi để đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, nhưng cũng phải đương đầu với không ít khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới, khu vực còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, khủng bố quốc tế tiếp tục gia tăng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Các nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là chiến tranh mạng, làn sóng di cư, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu gia tăng; tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông diễn biến phức tạp, đe dọa chủ quyền, lợi ích và an ninh của các quốc gia. Các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước đang ráo riết đẩy mạnh các hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ với nhiều âm mưu, thủ đoạn mới hết sức thâm độc và xảo quyệt hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đặc biệt là đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang.

Vận dụng kinh nghiệm từ chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, chúng ta cần nắm chắc, phân tích, đánh giá đúng tình hình, dự báo chính xác các tình huống, “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi” [3]; “Chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái, đẩy lùi các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước” [4].

Hai là, huy động sức mạnh toàn dân, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc

Để làm nên Chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Tổng Chỉ huy đã bố trí binh lực hết sức linh hoạt, phát huy vai trò của lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho “toàn dân đánh giặc”, hình thành thế trận đánh địch rộng khắp, tạo nên “tấm lưới vô hình bao la, giăng khắp nơi, níu chặt lấy quân viễn chinh và làm cho một bộ phận lớn của chúng ngày càng bị tiêu hao và sa lầy, không có lối thoát” [5]. Thế trận đó đã không cho thực dân Pháp phát huy được ưu thế của đội quân nhà nghề, có trang bị hiện đại, mà phải phân tán, dàn mỏng lực lượng, luôn phải đối phó với các cuộc tập kích, phục kích ở mọi nơi, mọi lúc, luôn bị hao tổn binh lực và đi đến kết cục thất bại. Đó là nét đặc sắc về nghệ thuật tác chiến của chiến tranh nhân dân trong cuộc phản công chiến lược Việt Bắc Thu - Đông 1947, là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thắng lợi lịch sử này.

Trong giai đoạn cách mạng mới, để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa chúng ta phải huy động sức mạnh của toàn dân tộc, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các lực lượng để tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc ở từng địa bàn và trên cả nước. Trong đó lấy xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc làm yếu tố căn bản, là cơ sở để huy động sức mạnh của nhân dân để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Tập trung xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt trong xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên các địa bàn; nhất là ở các địa bàn biên giới, hải đảo. Đồng thời, chú trọng điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên các hướng, địa bàn chiến lược, nhằm không ngừng nâng cao khả năng phòng thủ đất nước. Các đơn vị quân đội, cơ quan quân sự địa phương, Bộ đội Biên phòng cần thực hiện tốt chức năng đội quân công tác, đẩy mạnh công tác dân vận theo Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) và Nghị quyết 49-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới”. Tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, giúp nhân dân phát triển sản xuất, “xóa đói, giảm nghèo”, xây dựng nông thôn mới; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch. Qua đó, tiếp tục khẳng định bản chất, truyền thống, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, tăng cường mối quan hệ quân - dân, tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với Quân đội, với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây chính là phát huy vai trò Quân đội trong huy động sức mạnh nhân dân để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Ba là, phát huy nội lực, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc

Lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta nhận định: “Kháng chiến của ta là chiến tranh tự vệ của một dân tộc sống về nông nghiệp, chống bọn đế quốc xâm lược có kỹ nghệ hiện đại” [6]; “Lực lượng ta và địch so le nhiều” [7], nhưng với chủ trương tự lực, tự cường, chúng ta đã huy động sức mạnh toàn dân để làm nên chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, đưa cuộc kháng chiến bước sang giai đoạn mới.

Chuẩn bị cho cuộc đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chủ động xây dựng căn cứ địa, hậu phương kháng chiến, coi đó “là một bộ phận chiến lược quan trọng của đường lối chiến tranh nhân dân” [8], tạo nên địa bàn tổ chức, xây dựng và phát triển lực lượng về mọi mặt; nơi tập trung sức người, sức của nhằm dần chuyển hóa tương quan so sánh lực lượng với địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngoài căn cứ địa Trung ương ở Việt Bắc, khắp nơi trên đất nước đều xây dựng được căn cứ địa cấp tỉnh, cấp cơ sở. Cuộc tiến công của quân xâm lược trong Thu - Đông 1947 là thử thách cam go đầu tiên của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Nhưng dựa vào căn cứ địa Việt Bắc, nơi có sự chuẩn bị cả về chính trị, quân sự, hậu phương, hậu cần tại chỗ; đặc biệt, với “thế trận lòng dân” đã được xây dựng vững chắc, Đảng ta đã phát huy được vai trò chiến tranh nhân dân, động viên quân và dân dũng cảm chiến đấu, sáng tạo trong đánh địch, từng bước bẻ gãy các mũi tiến quân của đội quân viễn chinh, tiến tới đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công đầy tham vọng của đối phương, biến Việt Bắc thành “mồ chôn” quân xâm lược Pháp trong Thu - Đông 1947.

Phát huy bài học từ Việt Bắc Thu - Đông 1947, trong giai đoạn cách mạng hiện nay, cùng với huy động sức mạnh toàn dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng để mỗi địa bàn cơ sở thành một trận địa đánh giặc kiên cường; mỗi huyện, tỉnh, thành phố là một khu vực phòng thủ; cả nước thành một thế trận liên hoàn, sâu rộng, vững chắc, hỗ trợ cho nhau, đảm bảo đánh địch ở thế chủ động. Thế trận đó cho phép chúng ta kết hợp các loại hình, quy mô tác chiến, kết hợp các loại vũ khí hiện đại, tương đối hiện đại và thô sơ để đánh thắng địch, giữ vững quyền làm chủ trên từng địa bàn và quy mô tác chiến trên phạm vi cả nước. Do vậy, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị định số 152/2007/NĐ-CP ngày 10/10/2007 của Chính phủ về “Khu vực phòng thủ” và Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ với nhiều cấp độ, hình thức, biện pháp, bảo đảm tính khoa học và sáng tạo, hiệu quả; xây dựng khu vực phòng thủ toàn diện trên tất cả các mặt, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, quân sự, an ninh. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, chỉ đạo của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, của các cơ quan, ban, ngành, của chính quyền, đoàn thể các cấp đối với nhiệm vụ củng cố quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ, góp phần “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước” [9], như Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định.

Bốn là, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, phối hợp chặt chẽ, buộc đối phương phải phân tán lực lượng, tạo điều kiện giành thắng lợi quyết định

Đối phó với cuộc tiến công mùa Đông của thực dân Pháp, Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ tư (9/1947) nhấn mạnh: “Tranh thủ chủ động và đi đến phối hợp các khu với nhau, phối hợp chiến lược toàn quốc” [10] để tiêu diệt địch. Khi quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, ngay trong ngày 7/10/1947, Thường vụ Trung ương Đảng đã lệnh “các khu ủy chỉ huy bộ đội đánh mạnh để chia sẻ lực lượng địch và phá kế hoạch của chúng” [11]. Ngày 8/101/947, Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp ra Nhật lệnh kêu gọi các lực lượng vũ trang và đồng bào cả nước “chiến đấu theo mệnh lệnh đã định để phối hợp với Việt Bắc” [12] phá cuộc tiến công mùa Đông của thực dân Pháp, bảo vệ căn cứ địa kháng chiến. Cuộc chiến đấu của các chiến trường trong cả nước đã buộc quân Pháp phải phân tán đối phó, tạo điều kiện cho chiến trường chính Việt Bắc tiêu diệt địch, giành thắng lợi quyết định.

Từ kinh nghiệm này đòi hỏi chúng ta cần phải xây dựng thế trận chiến tranh một cách linh hoạt, hiệu quả, nhằm “chia địch ra mà đánh, trói địch lại mà diệt, như một trận đồ bát quái, đánh địch ở cả đằng trước mặt và đằng sau địch, đánh địch ở các chiều, các hướng” [13]. Đồng thời, phải tổ chức, bố trí lực lượng hợp lý để tiến hành chiến tranh và hoạt động tác chiến, nhằm đảm bảo ở đâu cũng có lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho toàn dân tham gia đánh giặc với mọi thứ vũ khí, trang bị, đánh địch mọi lúc, mọi nơi, làm cho đối phương luôn phải phân tán, dàn mỏng lực lượng để đối phó, dẫn đến bị sa lầy mất quyền chủ động tiến công. Tuy nhiên, việc tổ chức bố trí lực lượng không được dàn đều, phân tán mà phải bố trí có trọng tâm, trọng điểm tại những địa bàn trọng yếu. Trên cơ sở thế trận chiến tranh nhân dân, cần phát huy mọi cách đánh sáng tạo, linh hoạt của các lực lượng vũ trang và của quần chúng nhân dân, thế mạnh của các địa phương, vùng miền, tận dụng mọi thứ vũ khí thô sơ đến hiện đại nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn nhất; cần dự kiến đầy đủ các thủ đoạn đánh phá của địch, để xác định phòng tránh đánh trả phù hợp; có kế hoạch huấn luyện toàn diện về phòng thủ dân sự, phòng tránh, đánh trả các loại vũ khí công nghệ cao, sát thương hàng loạt của địch. Đồng thời, cần quán triệt sâu sắc và thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, nhất là trên các địa bàn trọng điểm, khu vực và hướng chiến lược. Trong đó, việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch kinh tế - xã hội phải tính đến kết hợp chặt chẽ giữa phân vùng chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội gắn với phân vùng chiến lược về quốc phòng, an ninh trên từng khu vực, địa bàn và trên phạm vi cả nước, tạo ra thế trận liên hoàn, vững chắc, sâu rộng của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện quân sự của Đảng (1945 - 1950), tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr.150.

[2]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.300.

[3,4]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.149, 148.

[5]. Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây (hồi ức), Nxb Quân đội nhân dân - Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1995, tr.225.

[6]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.111.

[7]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.29.

[8]. Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954, tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr.536.

[9]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.148.

[10]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện quân sự của Đảng (1945 - 1950), tập 2, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 226.

[11]. Điện số 228, ĐMB của Thường vụ Trung ương Đảng gửi Khu trưởng các Khu 1, 2, 3, 4, 5, miền Nam, 10, 11, 12, 14, Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Hồ sơ số 30.

[12]. Những tài liệu chỉ đạo các chiến dịch của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tham mưu xuất bản, tập 1, tr.21.

[13]. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Mấy vấn đề về nghệ thuật tác chiến của chiến tranh nhân dân Việt Nam, Học viện Quân sự cấp cao, Hà Nội, 1986, tr.28.

Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Video liên quan

Chủ đề