Thể chế chính trị của nước pháp là gì

Lịch sử xây dựng Nhà nước pháp quyền ở một số quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy, để xây dựng thành công thể chế pháp quyền của nhà nước phải đồng thời với việc thiết lập thể chế pháp quyền của công dân.

Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền là tiền đề cho việc xác định và thể chế hóa quyền công dân hướng đến Nhà nước pháp quyền

Ngay từ thời Hy Lạp cổ đại đã xuất hiện thuật ngữ “công dân” và trong thời trung cổ (trung đại) ở châu Âu, dưới ách chuyên chế phong kiến, vẫn tồn tại khái niệm này. Nhưng chỉ nhà nước tư sản mới thiết lập quan hệ với người dân bằng quyền công dân. Các cuộc cách mạng tư sản, trước tiên, đều nêu cao tuyên ngôn hoặc thể chế hóa luật về nhân quyền và dân quyền, như Bộ luật nhân quyền ở Anh năm 1689; Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ năm 1776 và Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787 (có hiệu lực năm 1789) với hệ thống các Tu chính án; Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền ở Pháp năm 1789. Đó là những văn kiện nhân quyền và dân quyền nền tảng để làm tiền đề thể chế hóa quyền công dân và nhà nước pháp quyền tư sản.

Trước hết ở Anh, vào thời kỳ hình thành chế độ tư sản, đặc biệt vào cuối thế kỷ XVII, đã có bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm quyền công dân, đồng thời với sự xuất hiện của nghị viện với tư cách thể chế quan trọng nhất của nhà nước hiện đại. Trong bối cảnh ấy, đã xuất hiện tư tưởng của John Locke (Giôn Lốc-kơ) (1632 - 1704) về nhà nước đặt pháp luật ở vị trí cao nhất; trong đó công dân được phép làm những gì mà luật pháp không cấm; còn những người nắm quyền lực không được làm những gì mà luật pháp không cho phép. Công dân có ba quyền cơ bản không thể bị tước đoạt, đó là quyền được sống, được tự do và được sở hữu. Về sau, quyền sở hữu được Jefferson (Giép-phơ-sơn) (1743 - 1826) ở Mỹ đề cập tới trong bản Tuyên ngôn độc lập là “quyền được mưu cầu hạnh phúc”.

Ở Pháp, trong khi bá tước Montesquieu (Mông-tec-xki-ơ) (1689 - 1755) đề xuất thuyết “tam quyền phân lập” để các bộ phận quyền lực sẽ kiềm chế lẫn nhau và tránh được sự lạm quyền, thì J. Rousseau (Ru-xô) (1712 - 1778) cho rằng, trạng thái tự nhiên bị tha hóa trở thành một tình trạng dã man không còn luật pháp hay đạo đức. Cho nên, theo ông, loài người cần một thể chế để tồn tại là “khế ước xã hội”, để tạo ra sức mạnh chung giữa công dân và nhà nước nhằm bảo vệ mọi thành viên trong xã hội. Thông qua đó, công dân thực hiện được quyền của mình bằng cách ủy quyền cho các đại biểu trong bộ máy nhà nước. Với sự thỏa thuận ấy, con người mất đi cái tự do tự nhiên, bị hạn chế những điều muốn làm, bù lại họ có quyền tự do dân sự và quyền sở hữu những cái mà con người có. Nếu nhà nước không bảo đảm được tự do cho cá nhân, không đem lại lợi ích cho xã hội như mục đích ban đầu thì người ta có quyền thỏa thuận lại để giành lấy tự do cho mình. Và nếu quyền lực nhà nước được tách ra thành các bộ phận thì chúng vẫn phải phụ thuộc với nhau mới thực hiện được ý chí chung.

Nhưng ở Pháp, vốn có truyền thống văn hóa, khoa học, chính trị, pháp luật,…, những tư tưởng về quyền công dân và về quan hệ bình đẳng giữa công dân và nhà nước được thể hiện trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cuộc Đại cách mạng tư sản có tính kinh điển (năm 1789) lại phải triển khai thực hiện trong một quá trình lịch sử biến động và phức tạp bậc nhất trên thế giới. Thực vậy, quá trình thể chế hóa quyền công dân và nhà nước pháp quyền trong hơn 200 năm qua tại nước này đã phải diễn ra trong 5 cuộc cách mạng, hai đế chế, hai lần phục hồi vương quyền, 5 chế độ cộng hòa. Khởi đầu từ cuộc Đại cách mạng tư sản năm 1789, lịch sử lập hiến cộng hòa Pháp đã trải qua 12 chế độ chính trị với 16 bản Hiến pháp và các đạo luật hiến pháp quan trọng khác. Tiêu biểu là hiến pháp năm 1793, 1795, 1799, 1814,... của nền cộng hòa thứ nhất; Hiến pháp 1848 của nền cộng hòa thứ hai; Hiến pháp 1875 của nền cộng hòa thứ ba; Hiến pháp 1946 của nền cộng hòa thứ tư; Hiến pháp 1958 của nền cộng hòa thứ năm. Trong đó có những bản hiến pháp, như Hiến pháp năm 1958 được sửa đổi nhiều lần. Qua đó cho thấy, quá trình tạo lập quyền công dân và xây dựng nhà nước pháp quyền là không đơn giản.

Xác định khái niệm nhà nước pháp quyền và quan hệ với công dân

Trên cơ sở khắc phục tư tưởng thần dân đồng thời phổ biến và thể chế hóa rộng rãi tư tưởng về quyền công dân, thuật ngữ nhà nước pháp quyền (Rechtsstaat) được hình thành từ giới học giả Đức. Ở Pháp không có thuật ngữ tương ứng; trong khi ở Anh quan niệm “vai trò của luật” (rule of law) có một nội dung khác. Thuật ngữ nhà nước pháp quyền bắt nguồn từ chủ thuyết tự do của Đức trong thời kỳ sơ khai (Deutsches Frühliberalismus); nó đặt luật pháp của nhà nước trên nền tảng của lý trí (Vernunftsrecht). Robert von Mohl (Rô-be Vôn Mô-lơ) (1799 - 1875) là học giả đầu tiên dùng khái niệm này trong sách “Luật nhà nước của công quốc Würtemberg” (Staatsrecht des Königsreich Würtemberg) vào năm 1829. Trước đó đã có nhiều học giả khác đề cập đến khái niệm này, nhưng không triển khai sâu rộng bằng Mohl, như Carl Theodor Welcker (Các Thê-ô-đo Uen-kơ) (1760 - 1869) trong một công trình xuất bản năm 1813 và Johann Christoph Freiherr von Aretin (Giô-han Crít-tốp-phơ Phrây-ơ vôn A-rơ-tin) (1772 - 1824) trong một công trình xuất bản năm 1824. Ba tác giả này đều quan niệm nhà nước pháp quyền không phải là một hình thái đặc biệt của nhà nước, mà là một nhà nước chuyên biệt. Cả ba học giả cùng thừa nhận nhà nước pháp quyền là một nhà nước tôn trọng luật thiên về lý tính nhằm thực hiện việc sống chung của con người. Thông qua khái niệm cơ bản này, các học giả đề cập đến những đặc điểm quan trọng của nhà nước pháp quyền, gồm:

- Là một nhà nước thế tục, không thuộc giáo quyền; và là một chính thể cộng hòa nhằm mang lại phúc lợi cho toàn dân, phục vụ cho mỗi cá nhân được tự do, bình đẳng và tự quyết định cho mục tiêu của mình. Chính đặc điểm này làm cho nhà nước đạt được tính chính thống. Do đó, những vấn đề thuộc về khuynh hướng siêu nhiên của con người liên quan đến tôn giáo và đạo đức phải đặt ra ngoài phạm vi của nhà nước pháp quyền.

- Nhà nước phải giới hạn mục tiêu vào bảo vệ tự do và an toàn cũng như tài sản của người dân. Vai trò bảo vệ của nhà nước đối với người dân rất quan trọng nhằm tháo gỡ những chướng ngại, chống đỡ những nguy cơ, đem đến an sinh, phúc lợi chung cho toàn thể xã hội.

- Nhà nước phải tôn trọng những quyền cơ bản của người dân: bảo vệ tự do cá nhân, tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do đi lại, tự do kết ước và tự do hoạt động nghề nghiệp; tôn trọng tài sản của người dân; tòa án phải được độc lập trong các quyết định và chính quyền phải có trách nhiệm với người dân. Tất cả phải có tinh thần thượng tôn luật pháp. Người dân phải có cơ quan đại diện và có quyền tham gia vào sinh hoạt lập pháp. Tổ chức nhà nước phải dựa trên nguyên tắc phân quyền rõ rệt và được chấp nhận dựa trên những nguyên tắc đấu tranh bình đẳng của các thế lực chính trị và xã hội, chứ không hẳn là sự phân chia thuần túy về mặt hành chính theo những chức năng chuyên biệt.

Tiếp tục xác định và thể chế hóa quyền công dân

Trong nhà nước pháp quyền, công dân, theo I. Kant (I. Kan) (1724 - 1804) là: “Những thành viên của một cộng đồng liên kết với nhau thành xã hội”. Ông phân biệt giữa “công dân tích cực” và “công dân thụ động”. “Công dân thụ động” là những người không tự mình làm ra được mà phải nhận sự trợ giúp (thực phẩm và an ninh) từ người khác để tồn tại. Tuy vậy, theo ông, mỗi công dân đều có khả năng chuyển từ trạng thái “thụ động” sang trạng thái cao hơn là trạng thái “tích cực”. Quan niệm về “công dân tích cực” của I. Kant được xây dựng trên cơ sở khế ước xã hội nhằm bảo đảm tất cả các thành viên của xã hội phải từ bỏ quyền tự do bề ngoài để trở thành thành viên của một “chế độ chung”, tức là trở thành thành viên của nhà nước.

G.W.F Hegel (G. V. Hê-ghen) (1770 - 1831), trong tác phẩm Triết học pháp quyền, đã phát triển khái niệm “công dân” theo hướng vừa là thành viên của xã hội công dân, vừa là thành viên của một tầng lớp nào đó và nằm trong mối tác động qua lại với các cơ quan hành chính và với các thiết chế chính trị. Chúng vừa hạn chế hoạt động của công dân, đồng thời lại vừa làm cho anh ta được “tự do”. Các phẩm chất công dân liên quan đến các thiết chế và phương thức hành động cũng chính là biểu lộ “tinh thần khách quan” của xã hội mà anh ta đang sống. Phẩm chất quan trọng của công dân là “tạo ra pháp luật”, chứ không phải là chủ nghĩa anh hùng cá nhân.

C. Mác (1818 - 1875) và Ph. Ăng-ghen (1820 - 1895) cho rằng, quyền công dân chẳng qua chỉ là những quyền của thành viên xã hội công dân, nghĩa là của con người vị kỷ tách khỏi bản chất cộng đồng người (1). Theo các ông, những vấn đề thực tế về nhân quyền chỉ xuất hiện khi hình thành chủ nghĩa tư bản; và từ đó, nhân quyền “không chỉ tồn tại trên lý luận nữa” (2). Chủ nghĩa tư bản đã “quy con người, một mặt, thành thành viên của xã hội công dân, thành cá nhân vị kỷ, độc lập, và mặt khác, thành công dân của nhà nước, thành pháp nhân” (3). Các ông khẳng định: “Pháp luật phải lấy xã hội làm cơ sở, pháp luật phải là sự biểu hiện của lợi ích và nhu cầu chung của xã hội,... mà không phải là do ý muốn tùy tiện của một cá nhân”(4). Và cần phải đặt nhà nước dưới pháp luật thì mới ngăn ngừa được sự chuyển hóa của nhà nước: từ chỗ là công bộc của xã hội thành ông chủ đứng trên đầu xã hội.

Vào đầu thế kỷ XX, trên cơ sở những quan niệm và thực tiễn về bảo đảm quyền công dân và thể chế pháp quyền, nhà luật học người Mỹ gốc Séc và Áo H. Kelsen (H. Ken-xen) (1881 - 1973) đã định nghĩa lại khái niệm nhà nước pháp quyền, gồm hệ thống các quy phạm pháp luật (hiến pháp, các luật, bộ luật, điều ước quốc tế và các nguyên tắc mang tính hiến pháp), được sắp xếp có trật tự sao cho quyền lực nhà nước phải chịu sự giới hạn một cách khách quan, dù cho sự thay đổi bộ máy quyền lực của nhà nước có diễn ra như thế nào. Trong hệ thống quy phạm pháp luật này, mỗi quy phạm chỉ có được hiệu lực khi tuân thủ các quy phạm cao hơn; các quy định mà nhà nước đưa ra và các quyết định mà nó ban hành phải tuân thủ toàn thể các quy phạm pháp luật, và không được quyền hưởng bất kỳ ưu tiên nào về mặt tài phán. Các cá nhân cũng như các pháp nhân, trong đó có nhà nước, đều bình đẳng trước pháp luật; và có quyền tranh cãi về các quyết định do các cơ quan nhà nước ban hành. Trong hệ thống quy phạm pháp luật như thế, vai trò độc lập của tư pháp là bắt buộc, có tính khách quan; và đòi hỏi sự phân chia quyền lực giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Những quy định trái với hiến pháp có thể bị xem xét bởi một cơ chế bảo hiến phù hợp với mỗi quốc gia (5).

Trong thế kỷ XX, đặc biệt từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đã xuất hiện nhiều công trình của các học giả phương Tây về quyền, nghĩa vụ và tự do của công dân, ví dụ thông qua khái niệm “nhà nước toàn cầu” và “công dân toàn cầu”. “Nhà nước toàn cầu” trong khi có những đặc quyền với công dân nước mình xuất phát từ chủ quyền quốc gia thì đồng thời cũng phải chấp nhận luật pháp quốc tế, nhất là “trách nhiệm bảo vệ” quốc tế trước những tội ác nghiêm trọng về nhân quyền. Quyền của “công dân toàn cầu”, nhìn chung, gồm ba yếu tố: Một là, các quyền về bảo đảm tự do cá nhân (tự do về tư tưởng, tự do ngôn luận,...); hai là, các quyền chính trị, dân sự (tham chính, an ninh con người và xã hội); ba là, các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa (quyền về sở hữu, đời sống văn hóa tinh thần phong phú,...).

Đồng thời, nhiều học giả phương Tây đã cảnh báo về nguy cơ phá hủy đạo đức công dân trong “nhà nước toàn cầu” bởi đồng tiền, sự tiêu dùng, sùng bái hàng hóa, lối sống hưởng thụ đang gia tăng cùng với sự tác động của các quá trình toàn cầu hóa. Và cần phải làm gì để chống lại lối sống “thụ động”, sự thờ ơ đang gia tăng của “công dân” trước những biến động kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, môi trường và chính trị. Do đó, cần phải phân tích sâu hơn các tác động của một loạt yếu tố đến ý thức công dân, như: kinh tế thị trường toàn cầu, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, biến đổi môi trường, hệ thống giáo dục và y tế,...

Tựu trung, ở châu Âu, tư tưởng pháp quyền không phải lúc nào cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhà nước pháp quyền; còn ở Anh, Mỹ, pháp quyền có quan hệ mật thiết với tam quyền phân lập. Các nước, dù cách thức và bước đi có thể khác nhau, nhưng đều xây dựng thể chế quyền công dân làm cơ sở, để đồng thời xây dựng thể chế nhà nước pháp quyền bằng pháp luật và thông qua pháp luật. Nhờ đó, hạn chế tối đa kiểu quan hệ có tính chủ quan giữa công dân với nhà nước để xây dựng quan hệ bình đẳng một cách khách quan giữa công dân và nhà nước bằng pháp luật./.

Nguyễn Thị Kim Anh - Bộ Công an

-------------------------

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 2, tr. 176

(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: sđd, tr. 187

(3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 1, tr. 557

(4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 6, tr. 332 -333

(5) Nguyễn Thanh Tuấn, Bảo đảm công lý trong thể chế pháp quyền, Tạp chí cộng sản điện tử, ngày 20-3-2015

Theo: tapchicongsan.org.vn