Theo người chúng ta học để làm gì

Phóng to
TS Giáp Văn Dương tại hội thảo bàn về triết lý giáo dục - Ảnh: Đoàn Xuân Trường

Con người là một động vật kỳ lạ khi phải dành đến hàng chục năm để đi học mới có thể lo cho cuộc sống của mình ở mức trung bình. Điều này hoàn toàn khác với các động vật khác khi hầu hết đều có thể tự lo cho cuộc sống của mình gần như ngay khi mới ra đời.

Suốt đời đi thi

"Con người tự do phải là đích đến của giáo dục"

Việc học không chỉ ngày nay mới có mà có truyền thống lâu đời từ rất xa xưa. Với VN, việc học trở thành một hoạt động chính quy của xã hội xuất hiện ít nhất đã gần 1.000 năm, nếu lấy mốc là khi Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng.

Vậy với người xưa: Học để làm gì?

Nhìn vào cách thức tổ chức học tập và thi cử có thể thấy rằng ngày xưa học là để làm quan. Mục đích chính của việc học là để ra ứng thí, nếu đỗ đạt thành ông nghè ông cử sẽ được bổ nhiệm làm quan. Nếu thi rớt chờ khóa sau thi lại. Chính vì thế mới có người suốt đời đi thi, hoặc cả bố cả con đều thi cùng một khóa.

Vì sao vậy? Vì đó là cách thức tiến thân và khẳng định mình nhanh nhất và duy nhất trong xã hội phong kiến với thứ bậc “sĩ, nông, công, thương” được phân định rõ ràng. Đó là một đầu tư lớn, một khát vọng đổi đời cháy bỏng, nhiều khi vượt qua cả các nhu cầu sinh lý thông thường. Vì thế mới có chuyện “chàng chưa thi đỗ thì chưa động phòng”, “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, “võng anh đi trước võng nàng theo sau”...

Chính mục đích học để làm quan này đã chi phối toàn bộ nội dung học tập, thi cử và phương pháp học tập đi kèm. Đơn cử có thể thấy do học để làm quan nên nội dung học chỉ để đi thi. Ngay cả với những người “sôi kinh nấu sử” trong suốt hàng chục năm thì nội dung cũng không vượt quá khỏi bộ Tứ thư, Ngũ kinh và một số kỹ năng thơ phú điển hình. Lý do thật đơn giản: đề thi chỉ xoay quanh các tài liệu và kỹ năng này.

Nếu để ý kỹ hơn sẽ thấy trọng tâm xuyên suốt của việc học thời đó là học ứng xử, tất nhiên là giữa người với người, sao cho phù hợp với trật tự xã hội phong kiến. Chính vì thế mới có khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Lễ ở đây hiển nhiên là về phép tắc ứng xử, nhưng còn văn? Văn ở đây, tức phần nội dung, cũng phần nhiều là nội dung của ứng xử trong các tình huống cụ thể.

Khẩu hiệu này hiện vẫn còn phổ biến trong các trường học. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đặc biệt trong ứng xử giữa người và người, lại càng làm cho khẩu hiệu này có thêm lý do tồn tại.

Không biết học để làm gì

Tính trung bình, một người trưởng thành có thể phải dành 10-20 năm để đi học và có thể việc này còn kéo dài đến hết cuộc đời. Đây hiển nhiên là một khoảng thời gian dài khổng lồ và là một đầu tư rất lớn, so với các sinh vật khác. Nhưng kỳ lạ thay, rất hiếm người tự hỏi “học để làm gì?” và tìm cách trả lời một cách đơn giản, rõ ràng câu hỏi quan trọng này.

Tháng 6 đến 8-2013, tôi có dịp khảo sát bằng cách hỏi trực tiếp các em học sinh từ cấp trung học cơ sở (khoảng 80 em) đến sinh viên đại học (khoảng 100 em), và một số phụ huynh nhân dịp con em họ thi đại học (100 phụ huynh), với câu hỏi “Học để làm gì?”, thì câu trả lời rơi vào các nhóm như sau:

* Không biết học để làm gì. Học vì bố mẹ bảo học. Học vì tất cả mọi người đều như vậy. Học vì không biết làm gì khác. Đây là trường hợp phổ biến với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, chiếm trên 80%, và một phần lớn trong sinh viên, khoảng 50%.

* Học để có công ăn việc làm. Học để kiếm tiền. Đây là câu trả lời phổ biến của sinh viên đại học, chiếm 40-50%, và một phần nhỏ của học sinh phổ thông trung học, khoảng 20-25%.

* Học để có thể tự lo cho cuộc sống của mình, kiếm được công việc phù hợp, sau này đỡ khổ và giúp đỡ gia đình. Đây là câu trả lời của phần lớn phụ huynh trong kỳ thi đại học vừa rồi, chiếm 80-90%.

* Học để mở mang hiểu biết. Đây là câu trả lời chung trong các nhóm khác nhau, chiếm 5-10%, tùy theo nhóm.

* Học để tự hoàn thiện mình. Đây là câu trả lời của một vài trường hợp cá biệt, tỉ lệ 2-4%, tùy theo nhóm.

Như vậy có thể thấy phần lớn các bậc phụ huynh đặt mục tiêu cho việc học của con để sau này có một công ăn việc làm tốt, kiếm được tiền lo cho bản thân và gia đình. Một số khác ít hơn cho rằng học để mở mang hiểu biết, có địa vị trong xã hội.

Với sinh viên thì mục tiêu học để kiếm tiền, có công ăn việc làm chiếm khoảng một nửa, còn lại là không có bất cứ mục tiêu nào.

Điều ngạc nhiên là trong số những người được hỏi, có đến hơn 95% cho biết họ chưa từng tự đặt câu hỏi này cho bản thân mình.

Xét về logic thì đây là một sự bất hợp lý: vì một đầu tư lớn như vậy về thời gian và tiền bạc mà mục đích lại không rõ ràng. Đấy là với phạm vi của cá nhân và gia đình. Với hệ thống giáo dục liên hệ đến hàng chục triệu người, thì tính hướng đích của hệ thống cũng rất mờ nhạt. Tất cả đều quay cuồng dạy và học, đua nhau nhồi nhét kiến thức, mà rất ít khi dừng lại tự hỏi: để làm gì?

Làm chủ cuộc đời

Học để làm gì thật sự là vấn đề trọng tâm của mọi hoạt động giáo dục. Chính vì vậy, khi chuẩn bị bước sang thiên niên kỷ mới, Ủy ban Giáo dục của UNESCO đã công bố một báo cáo có tên “Học tập: kho báu bên trong mỗi người”, trong đó có phần trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?”. Theo UNESCO: học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together).

Như vậy, UNESCO đã xây dựng bốn trụ cột cho việc học, và lấy đó làm định hướng cho giáo dục của thiên niên kỷ mới. Cái học để ứng xử của người xưa nay chỉ còn là một phần trong quan niệm của UNESCO: học để chung sống với người khác. Còn quan niệm học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm phổ biến trong phụ huynh và sinh viên đại học hiện nay thì cũng chỉ nằm ở một góc khác: học để làm.

Hai trụ cột khác rất quan trọng: học để biết và để xác lập bản thân mình thì hiện ra rất mờ nhạt trong hệ thống giáo dục. Thậm chí, cái học để biết đã biến dạng thành học để thi, để chạy theo thành tích cho đẹp báo cáo lên cấp trên. Điều này dẫn đến một thực tế rất bi hài, nhưng lại là gam màu chủ đạo trong giáo dục hiện thời: học không biết để làm gì, hoặc học để thi nhưng thi rồi cũng không biết để làm gì. Tất cả quay cuồng trong một cơn học và dạy không mục đích, không khai sáng.

Trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?” của UNESCO là một câu trả lời hay, nhưng không phải duy nhất. Trong quá trình tham gia các hoạt động giáo dục và trực tiếp trải nghiệm nhiều nền giáo dục khác nhau (VN, Hàn Quốc, Áo, Anh, Singapore), tôi rút ra một điều rằng: học để phát triển được hết năng lực của mỗi cá nhân, và thông qua đó giúp họ làm chủ cuộc đời mình, tìm được ý nghĩa của đời sống mình mới là mục đích của việc học. Khi đã phát triển tốt nhất năng lực của bản thân mình, tìm thấy được ý nghĩa của đời sống mình thì tự động họ sẽ đóng góp cho xã hội như một hệ quả.

__________

Tin bài liên quan:

Chương trình đại học cần bớt trừu tượngPhải nâng tầm quản lý giáo dụcGiáo viên phải biết xây dựng bài giảngCon người tự do hay con người công cụ?Tìm cách “gỡ” từ gốcCải cách để có một nền giáo dục trung thựcXóa bỏ bao cấp - quan liêu

GIÁP VĂN DƯƠNG

Th.S Hà Nhật Quang

Phòng sau Đại học

Từ xa xưa người Việt Nam đã quan niệm việc học là rất cần thiết cho con cái, cho nó biết cái chữ, cái kiến thức để sau này lớn lên hoặc thoát cảnh đói nghèo hoặc có được công ăn việc làm tốt đẹp. Tựu chung mục đích cuối cùng là để tốt cho tương lai của thế hệ sau. Thế nhưng cách giáo dục của từng nhà từng gia đình lại khác nhau. Trong đó lại có những cách tiêu cực như đánh đập, chưởi bới, treo tiền thưởng hoặc khóc lóc năn nỉ con cái làm cho bọn nhỏ có suy nghĩ lệch lạc là học để cho ba mẹ nở mày nở mặt, học để lấy khoe khoang, học để mà học... Vậy rốt cuộc học để làm gì? Đối với mỗi câu trả lời qua loa, nó sẽ dẫn theo nhiều hệ lụy mà nghiêm trọng có thể dẫn đến sự bất mãn cho con em và không tiếp thu việc học là tốt cho mình. Ta có thể lấy ví dụ: Học để sau này đổi đời. Thực chất đổi đời ở đây là gì? Là giàu có, là hết khổ hay là được vô làm nhà nước có chức có quyền? Nếu là giàu có thì xung quanh có rất nhiều ví dụ không cần học đến cấp 2 vẫn giàu có như bán hàng online, trồng thanh long, live stream, chơi game... những hình mẫu nhan nhản khắp nơi trên mạng internet mà giới trẻ bây giờ dễ dàng tiếp xúc đến. Cho đến có chức có quyền, đó là một quá trình lâu dài phấn đấu mà đến cuối cùng chưa chắc có thể đạt đến. Vậy câu trả lời như thế có bao nhiêu sức thuyết phục cho con em chúng ta- thế hệ trẻ năng động và luôn muốn nắm giữ quyền chủ động cho tương lai mình?

Khi còn nhỏ ai cũng có mong ước trở thành người này người kia, thành bác sĩ, cô giáo... lớn lên rất nhiều người trong số họ sẽ phải làm một nghề khác mà có khi họ hoàn toàn không thích. Có người đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho ba mẹ vì ba mẹ họ mong muốn họ thế này thế kia... Thực tế cho thấy, đa số chỉ một lý do chung là vì họ học “chưa đủ”. Nếu bạn muốn trở thành thầy cô giáo mà rớt tuyển sinh sư phạm thì không thể nào đổ lỗi cho ai khác được. Chỉ có học thật giỏi, thật tốt mới làm cho bạn có quyền lựa chọn tương lai cho mình. Khi đó bạn được làm công việc mình đam mê, mình thích thì thời gian bạn bỏ ra để làm việc mới có ý nghĩa và đem lại cảm giác thành công.

Mặt khác, có nhiều người cho rằng học tập ở trường không quan trọng bằng ngoài đời vì có những dẫn chứng thành công như Steve Jobs, Bill Gates... Thực chất mọi người đã bỏ qua tiểu sử của họ, những nhân vật này thành công vì họ đã học, đã tiếp thu kiến thức đủ để bọn họ tự tin bay lượn theo con đường họ đã chọn. Như Steve Jobs bỏ ngang việc học ở Harvard, nhiều người chỉ biết rằng ông ngừng học đại học nhưng Harvard là một đại học bình thường sao? Đó là một trong những ngôi trường danh tiếng nhất thế giới và mỗi năm có hơn hai mươi ngàn đơn xin dự tuyển và trong đó chỉ khoảng hơn hai ngàn đơn được chấp nhận. Tỉ lệ loại bỏ hơn 90%, không ngạc nhiên đây là một trong những ngôi trường khắt khe nhất thế giới. Họ, những con người bỏ học, thực chất đã sớm tìm hiểu kỹ càng và chuẩn bị sẵn sàng cho những thử thách mới. Còn bạn, bạn đã chuẩn bị những gì cho mình? Hay chỉ là một người mơ mộng, lười biếng và trốn tránh trách nhiệm của mình?

Đối với một số lớn người ở Việt Nam thì việc học với bằng cấp lại gộp thành một. Ở một số trường hợp thì bằng cấp có thể đại diện cho thành tích học tập, kiến thức và trình độ nhưng không thể phủ nhận việc tự học tự mày mò ra kiến thức cho riêng mình thì không phải là “học”. Chúng ta cần nhấn mạnh nhà trường là nơi cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm chính quy nhất để các em tiếp thu có hệ thống, loại bỏ những quanh co, sai lầm trong quá trình học tập chứ không phải là nơi “bán” bằng cấp. Do đó, học sinh sinh viên nên quan tâm đến vấn đề trau dồi kiến thức hơn là việc đối phó với những kỳ thi.

Thực tế tình trạng học để mà học, học để mà thi đang rất phổ biến trong các trường đại học ngày nay. Các em không biết áp dụng kiến thức mình đã và đang học vào công việc vào cuộc sống như thế nào. Không phải ai cũng học một biết mười hay học một suy ra ba. Rất nhiều học sinh sinh viên cần giảng viên đưa ra nhiều ví dụ, nhiều kinh nghiệm, nhiều lần thực hành để thực sự nắm và vận dụng được những thông tin, kiến thức quan trọng. Đó là những sinh viên học sinh được đào tạo có hệ thống thì những người không có cơ hội đến trường lớp thì còn như thế nào? Trong thực tế có rất nhiều ví dụ thấy thì buồn cười nhưng ngẫm nghĩ kỹ thì chắc nhiều người sẽ không cười nổi tiếp. Một lần tôi tò mò xem 1 anh học việc cứ loay hoay gắn 1 chi tiết chữ S lên khung cửa mà không khớp. Anh ta cứ lẩm bẩm là đã rõ ràng đo và cắt chính xác theo mẫu mà sao uốn nó không khớp. Anh ta cắt một khúc sắt khác và tôi thấy ngay anh ta lấy chiều dài của thanh sắt thẳng mà áp vào thanh chữ S. Rõ ràng thanh sắt uốn cong rồi bẻ thẳng ra đương nhiên sẽ dài hơn. Tôi thiết nghĩ tất cả các em tốt nghiệp cấp 2 hẳn phải biết điều này nhưng chắc nhiều em sẽ không liên tưởng đến áp dụng dài ngắn cong quẹo này vô việc gì. Như bác Hồ đã nói, học phải đi đôi với hành. Có lẽ thầy cô giáo nên cho các em biết ngay từ đầu là việc học là để biết lý lẽ, đúng sai rồi sau đó vận dụng vào cuộc sống để làm nó tốt đẹp hơn thì các em sẽ không “chán” và “nản” việc học hoặc cảm thấy nó là lý luận suông không cần thiết cho đời mình.

Tóm lại, mục đích việc học chúng ta có thể chia làm hai phần:

• Phần trước mắt - học là để thêm kiến thức: chúng ta cần phải tạo động lực, hứng thú và kích thích trí tò mò cho các em để các em không nhàm chán trong quá trình học tập. Nhiều gia đình thích mua cho các em đồ chơi, điện thoại, xe máy... khi các em đạt điểm cao. Cách này có lẽ thành công trong 1 số trường hợp nhưng cuối cùng sẽ làm cho các em quên mất học là để thêm kiến thức thêm hiểu biết. Động lực học tập phải là chính sự thành công của việc tiếp thu kiến thức và kinh nghiệm từ sách vở và giáo viên sau đó biến nó thành của mình. Khi mà các em đắm chìm trong việc khám phá kiến thức và thích thú với những gì mình đạt được như việc vừa đọc xong một cuốn truyện hay, một bộ phim đặc sắc... thì lúc đó mới tính là chúng ta đã giáo dục thành công.

• Phần thứ hai - học là để có thể chọn lựa tương lai cho chính mình: Theo tháp nhu cầu của Maslow (tiếng Anh: Maslow's hierarchy of needs) thì có được việc làm ổn định chỉ là tầng thứ hai trong năm tầng nhu cầu của một con người. Như vậy để đánh giá sự thành công của một người, chúng ta cần đi sâu hơn thế nữa. Ngày thường chúng ta chỉ nói với con em chúng ta rằng không học là không kiếm được việc làm, không có tương lai... nhưng thực tế cho thấy rất nhiều người không học cao vẫn kiếm được việc làm và thu nhập ổn định. Như vậy sẽ dễ dàng làm cho con em ngộ nhận về mục đích của việc chúng ta bắt chúng đi học. Thực ra 12 năm học bắt buộc từ tiểu học cho đến THPT chỉ là đặt nền mống cho các em, để các em có đầy đủ thông tin kiến thức mà lựa chọn con đường mình sẽ đi. Khi các em không học tập cho thật giỏi thì các em đã đánh mất quyền lựa chọn trường đại học cho mình đồng nghĩa với việc rất nhiều cánh cửa đã khép lại như sư phạm, y dược... những ngành đòi hỏi sự cần cù trong học tập và gia tăng kiến thức. Hơn nữa một việc làm đúng sở thích, đúng sở trường sẽ mang ý nghĩa rất lớn vì khi đó các em sẽ không thấy rằng công việc nhàm chán lãng phí thời gian của mình. Nó sẽ đem lại cho các em cảm giác thỏa mãn và thành công đích thực mà không phải là đi làm vì kiếm sống. Như UNESCO đã phát biểu, mục đích cuối cùng của học tập là để tự khẳng định chính mình, tự tạo vị trí trong xã hội, thể hiện giá trị bản thân và sự tồn tại có ý nghĩa của mình. Nó cũng thuộc về những cấp bậc cuối cùng của tháp nhu cầu Maslow, nhu cầu tối cao của con người sau khi đạt được những nhu cầu cơ bản như ăn uống, làm việc... Đó là tự thể hiện bản thân, có khả năng sáng tạo, trình diễn những kiến thức, kỹ năng của mình và đạt được xã hội công nhận. Ta có thể lấy ví dụ về một chủ tiệm sửa xe và kỹ sư. Một người chủ tiệm sửa xe có thể giàu có nhưng chỉ có thể đóng góp rất hạn hẹp cho cả xã hội như là tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, quyên góp và làm từ thiện. Nhưng nếu đổi lại là một kỹ sư ô tô không ngừng trau dồi kiến thức kỹ năng, anh ta sẽ đem lại những phát minh mới sáng tạo mới như tiết kiệm nhiên liệu, nguồn nhiên liệu mới, chống hao mòn... có thể ảnh hưởng cả một nền công nghiệp. Do đó anh ta không chỉ là được tôn trọng mà còn tự khẳng định mình và biết giá trị bản thân cũng như đóng góp giá trị đó cho xã hội. Đó là những cái tên như Isaac Newton, Einstein rồi đến những cái tên đường quen thuộc mà chúng ta đi qua hàng ngày... Có bao giờ các bạn suy nghĩ sẽ có 1 ngày tên các bạn được đặt cho 1 con đường nào đó ở Việt Nam hay được cả thế giới nhắc đến do những thành tựu trong đời mình?

Tổng kết lại, mục đích học tập cuối cùng là đạt được quyền lựa chọn rộng lớn hơn, tự khẳng định chính mình, được sống thành đạt và mọi người khẳng định sự thành đạt đó. Đó là sự thành công về cả 2 mặt vật chất lẫn tinh thần và là nền móng vững chắc cho những thành tựu và những đóng góp to lớn cho xã hội. Và đó cũng là phương châm của trường DLA, học là để Tri, rồi Hành và cuối cùng là Đạt nhân.

Th.S Hà Nhật Quang

Video liên quan

Chủ đề