U ác của phế quản và phổi là gì

Phế quản có chức năng lọc và dẫn khí, ngoài ra tuyến trong phế quản tiết ra chất nhầy. Hoạt động của phế quản đóng vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch và tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh. 

Ung thư phế quản là tổn thương ác tính xuất phát từ biểu mô niêm mạc, khí phế quản, tiểu phế quản tận, phế nang và các tuyến của phế quản.

Các tế bào ung thư phế quản ban đầu chỉ khu trú ngay tại nơi bị tổn thương tại phế quản làm cho vùng phế quản bị ung thư không thực hiện được đầy đủ chức năng vận chuyển không khí. Khi các tế bào ung thư tiếp tục sản sinh sẽ tạo thành khối u chèn ép và gây rối loạn chức năng vùng phế quản lân cận, tiếp theo sau đó tế bào ung thư đi theo mạch máu và mạch bạch huyết đến các nơi xa hơn nữa trong cơ thể, lúc này gọi là ung thư di căn.

Tế bào ung thư phế quản có thể di căn vào não, xương, gan, thượng thận, da…làm cho các cơ quan này bị rối loạn chức năng. Hậu quả là cơ thể bị suy kiệt, giảm chức năng và cuối cùng là tử vong.

Ung thư phế quản được chia thành 3 nhóm:

  • Ung thư biểu mô dạng nhầy bì: Xảy ra ở các tuyến nước bọt, ảnh hưởng đến các tuyến mang tai ở phía trước của tai.

  • Ung thư biểu mô dạng nang tuyến: Hình thành ở các tuyến nước bọt trong miệng và họng. Bệnh ung thư biểu mô dạng nang tuyến có thể ảnh hưởng đến khí quản và tuyến lệ, tuyến mồ hôi, tử cung, âm hộ hoặc vú của người phụ nữ.

  • Các khối u carcinoid: Ảnh hưởng đến các tế bào sản xuất hormone và các tế bào thần kinh. Các khối u carcinoid này có thể hình thành trong phổi hoặc trong dạ dày và ruột.

Các khối u carcinoid có thể  không phải là ung thư (lành tính) hoặc ung thư (ác tính) đôi khi tạo ra quá nhiều chất giống như hormone (như serotonin), dẫn đến hội chứng carcinoid.

Ung thư phế quản làm tổn thương tế bào biểu mô phế quản, là tổn thương vật chất di truyền nằm trong gen trong nhân tế bào đó chính là các phân tử DNA. Các phân tử DNA này bị đột biến dưới tác động từ môi trường bên ngoài như chất độc, khói thuốc lá. Các DNA bị đột biến này sẽ chỉ huy tế bào tăng sinh bất thường và sinh ra ung thư.

Khối u thần kinh nội tiết phát triển chậm phát sinh từ niêm mạc phế quản, chúng ảnh hưởng đến bệnh nhân từ 40 đến 60 tuổi. Một nửa số bệnh nhân không có triệu chứng và một nửa có các triệu chứng như tắc nghẽn đường thở, bao gồm khó thở, thở khò khè, ho, ho ra máu và đau ngực.


Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phế quản

Một số dấu hiệu và triệu chứng của ung thư phế quản:

Ung thư phế quản giai đoạn đầu gần như không có triệu chứng. Người bệnh thường được phát hiện khi chụp X - quang phổi kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm.

Các triệu chứng của ung thư phế quản giai đoạn tiến triển:

  • Ho: Là triệu chứng thường gặp nhất. Đa số bệnh nhân thường bỏ qua triệu chứng này, cho rằng ho là do hút thuốc lá. Trên những bệnh nhân bị COPD (Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) sẽ thay đổi tính chất ho như ho có thể dài hơn, số lượng đờm có thể có nhiều hơn, đờm có mủ hay tái đi tái lại hơn so với trước đây, có thể ho ra đờm có máu.

  • Ho ra máu: Là một triệu chứng báo động quan trọng, đối với bệnh nhân trên 40 tuổi, có hút thuốc lá, lại ho ra máu thì nên đến thăm khám bác sĩ để được chỉ định nội soi để chẩn đoán bệnh.

  • Khó thở: Khi khối u đã lớn làm tắc nghẽn phế quản, làm xẹp một vùng phổi hoặc do khối u xâm lấn ra màng phổi làm tràn dịch màng phổi.

  • Đau ngực: Đau ngực trong ung thư phế quản ban đầu là dai dẳng, mơ hồ, không rõ vị trí, sau đó là đau ngực nhiều gây khó chịu.

Ung thư phế quản giai đoạn muộn:

  • Ở giai đoạn muộn các tế bào ung thư phế quản xâm lấn vào các cơ quan nằm trong trung thất (các cơ quan trong lồng ngực nằm giữa hai lá phổi). Bệnh nhân có thể chóng mặt, ù tai, nhức đầu, tím tái ở mặt và phần trên ngực nếu tĩnh mạch chủ trên bị xâm lấn làm cho máu không về tim được. Nếu động mạch chủ bị xâm lấn có thể gây vỡ động mạch chủ gây tràn máu màng phổi và tử vong.

  • Bệnh nhân có thể bị khàn tiếng, giọng đôi do liệt dây thanh âm nếu thần kinh quặt ngược thanh quản trái bị xâm lấn.

  • Bệnh nhân có thể có triệu chứng nấc cụt, khó thở do liệt cơ hoành nếu thần kinh hoành bị tổn thương,.

  • Bệnh nhân có thể nuốt khó, sặc, nuốt nghẹn nếu thực quản bị tổn thương,.

  • Ung thư phế quản di căn màng phổi: Là triệu chứng thường gặp, gây tràn dịch màng phổi lượng nhiều, lượng dịch tái lập nhanh sau khi chọc dò.

  • Nếu ung thư phế quản di căn thành ngực: Tạo khối u trên thành ngực, gây đau nhức dữ dội.

  • Nếu ung thư phế quản di căn hạch: Các hạch trên đòn, hạch nách có thể sưng to, cứng, không đau.

  • Ung thư phế quản di căn cơ quan xa như tuyến thượng thận, não, gan, xương, da.

Để ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn và tránh các tình huống phải cấp cứu cần chẩn đoán và điều trị sớm nhất có thể.


Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây bệnh ung thư phế quản

Hiện nay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra ung thư phế quản. Gen có thể là tác nhân chính gây ra bệnh này, những người mắc bệnh di truyền hay còn gọi là tân sản nội tiết tố loại 1 (MEN-1) có nhiều khả năng mắc bệnh này. Xạ trị vùng đầu cổ làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô dạng nhầy bì.


Nguy cơ mắc phải

Những ai có nguy cơ mắc phải bệnh ung thư phế quản?

Ung thư phế quản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở nam giới hơn. Bạn có thể kiểm soát bệnh bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ, kiểm tra sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện nếu mắc phải, tăng hiệu quả điều trị.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh ung thư phế quản, bao gồm:

Hút thuốc lá

Nguy cơ ung thư phế quản tỷ lệ thuận với số lượng thuốc lá bạn hút mỗi ngày và số năm bạn hút thuốc. Việc bỏ hút thuốc đều có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư phế quản.

Hút thuốc lá thụ động

Bạn cũng có nguy cơ bị ung thư cao nếu tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, mặc dù bạn không hút thuốc.

Môi trường làm việc có tiếp xúc với amiăng và các chất gây ung thư khác

Amiăng và các chất khác như arsen, crom và niken có trong môi trường bạn làm việc cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư phế quản, đặc biệt là nếu bạn có hút thuốc lá.

Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phế quản

Những người có cha, mẹ hoặc anh, chị, em ruột hoặc con cái bị ung thư phế quản cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.


Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư phế quản

Chẩn đoán ung thư phế quản dựa trên sinh thiết phế quản là cơ bản, nhưng đánh giá ban đầu thường liên quan đến CT ngực. Xét nghiệm giúp xác định xâm lấn khu vực và di căn xa bằng phương pháp đánh dấu octreotid bằng Indium 111.

  • Sinh thiết khối u: Đây là một xét nghiệm có độ chính xác cao giúp chẩn đoán hầu hết các bệnh ung thư. Bác sĩ sẽ lấy một mảnh mô bệnh nhỏ. Sau đó mẫu bệnh phẩm sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi xem có hay không sự thay đổi bất thường của cấu trúc tế bào của khối u.

  • X-quang: Sử dụng tia bức xạ liều thấp để thấy hình ảnh của các cấu trúc bên trong cơ thể bạn. Chụp X-quang ngực có thể thấy khối u ở phế quản, phổi.

  • MRI (Chụp cộng hưởng từ): Sử dụng từ trường mạnh, sóng vô tuyến và máy vi tính để thấy được hình ảnh của các cơ quan cũng như cấu trúc bên trong cơ thể bạn. MRI có thể biết được kích thước của khối u.

Phương pháp điều trị ung thư phế quản hiệu quả

Tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư, bác sĩ sẽ đề xuất một số lựa chọn điều trị phù hợp. Điều trị ung thư phế quản bằng phương pháp phẫu thuật có hoặc không có hóa trị liệu bổ trợ hoặc xạ trị.

Tiên lượng phụ thuộc vào loại khối u. Khả năng sống sót 5 năm của ung thư phế quản biệt hóa cao là > 90%; đối với khối u không điển hình là 50 đến 70%.

Các lựa chọn có thể bao gồm:

  • Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị chính cho ung thư phế quản. Phẫu thuật để loại bỏ khối u và một số các mô xung quanh khối u. Để ngăn chặn bệnh lan rộng, các hạch bạch huyết xung quanh khối u cũng có thể được loại bỏ.

  • Xạ trị:Sử dụng tia phóng xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Chùm tia phóng xạ trị liệu phá hủy tế bào ung thư và đồng thời ngăn chặn chúng phân chia và phát triển. 

  • Hóa trị: Sử dụng thuốc gây độc tế bào tác động vào quá trình phát triển và phân chia của các tế bào ung thư nhằm để tiêu diệt các tế bào ung thư. Bạn có thể được điều trị kết hợp hóa trị cùng với phương pháp điều trị khác nếu ung thư đã lan rộng. 

  • Liệu pháp miễn dịch: Là một loại trị liệu sinh học giúp tăng cường hệ thống miễn dịch chống lại tế bào ung thư bao gồm interferon, kháng thể đơn dòng, vắc xin khối u, chất điều chỉnh phản ứng sinh học và liệu pháp tế bào. Liệu pháp miễn dịch có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư và làm nhỏ các khối u.

  • Điều trị nhắm trúng đích: Đây là phương pháp trị liệu mới đem lại hiệu quả điều trị cao. Liệu pháp nhắm trúng đich có thể nhắm chính xác vào các tế bào đích tác động đến sự sinh trưởng và phát triển của khối u ác tính. Cơ chế tác dụng này chỉ ảnh hưởng chuyên biệt đến các tế bào ung thư mà không can thiệp đến các tế bào lành.


Chế độ sinh hoạt và phòng ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của ung thư phế quản

Để hạn chế diễn tiến của ung thư phế quản bạn cần có thói quen sinh hoạt sau đây:

Chế độ sinh hoạt

  • Tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

  • Bỏ hút thuốc lá:  Bỏ hút thuốc lá sẽ làm giảm nguy cơ ung thư phế quản thậm chí nếu bạn đã hút thuốc trong nhiều năm. Hãy tham vấn bác sĩ các cách hỗ trợ bỏ hút thuốc như sản phẩm thay thế nicotin. 

  • Tránh khói thuốc lá thụ động: Tránh những nơi có người hút thuốc chẳng hạn như các nhà hàng và quán cà phê…và tìm các nơi không có khói thuốc.
  • Tránh các hóa chất độc hại gây ung thư tại nơi làm việc: Tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động tại nơi làm việc, thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại tại nơi làm việc như luôn đeo mặt nạ để bảo vệ bạn tránh phơi nhiễm các chất độc hại trong môi trường làm việc.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn một chế độ ăn uống đầy đủ các loại rau xanh và trái cây: Chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau xanh giúp phòng ngừa các tế bào bị đột biến gen thành tế bào ung thư. Sở dĩ, các loại thực phẩm này có tác dụng tuyệt vời như vậy là do chúng chứa lượng lớn chất chống oxy hóa, flavonoids, carotenoids.
  • Tập thể dục thường xuyên: Bạn nên cố gắng có thói quen tập thể dục thường xuyên. Các nhà nghiên cứu đã chứng minh được rằng với sự tập luyện vừa phải và đều đặn các tế bào miễn dịch trong máu lưu thông nhanh hơn và hệ miễn dịch của cơ thể gia tăng.

Phương pháp phòng ngừa ung thư phế quản hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh ung thư phế quản hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, đặc biệt là chụp X -quang ngực để kiểm tra có sự bất thường của phế quản, phổi hay không. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm rất quan trọng, làm tăng hiệu quả điều trị, tăng thời gian sống cho bệnh nhân.

  • Duy trì lối sống tích cực, bỏ hút thuốc lá nếu bạn hút thuốc, tránh xa môi trường có khói thuốc lá hay chất độc hại, có chế độ dinh dưỡng giàu rau xanh, trái cây và tập thể dục đều đặn.