Bạch dạ hành đánh giá truyện năm 2024

“Bầu trời của tôi không có mặt trời, chỉ toàn là bóng đêm, nhưng không hề tối tăm, vì có thứ khác thay thế cho mặt trời. Tuy rằng không được sáng như mặt trời, nhưng đối với tôi, thì thế là đã đủ rồi…. Tôi chưa bao giờ có mặt trời, thế nên tôi không sợ mất đi nó.”

“Bất cứ ai dính đến người phụ nữ đó đều gặp bi kịch”

Câu chuyện bắt đầu với một vụ án mạng trong một khách sạn bỏ hoang. Cái chết bí ẩn của người đàn ông đã bắt đầu một chuỗi ngày dài phá án với nhiều tình tiết, nhân vật, chứng cứ… nhưng chẳng thể nào tìm được thủ phạm thực sự của vụ án. Tưởng chừng như mọi thứ sẽ kết thúc nếu như không có nhiều cái chết liên tục diễn ra sau đó.

Và không biết vô tình hay chăng mà mọi vụ án lớn nhỏ đều có sự xuất hiện của Yukiho và Ryouji. Nếu Ryouji là con trai của người đàn ông đã bị sát hại trong khách sạn bỏ hoang nọ thì Yukiho lại là con gái của nghi can trong vụ án đó và mẹ cô cũng đã tự tử một cách bí ẩn khi vụ án tưởng chừng như tìm được lời giải đáp. Mối liên hệ giữa hai nhân vật suốt mạch truyện không hề rõ ràng nhưng độc giả đều hiểu được mọi sự kiện bí ẩn kéo dài 30 năm sau đó đều có bàn tay của họ nhúng vào.

Thế nhưng, chẳng có tội ác nào có thể che giấu mãi được và những kẻ thủ ác đều phải bị trừng trị bởi pháp luật và lương tâm của chính mình. Tuy nhiên, cái kết hé mở tất cả mọi thứ, vẽ ra toàn bộ bức tranh đầy u ám của hai nhân vật chính suốt cả thời thơ ấu và tuổi trẻ của mình để mọi người phải ngỡ ngàng trước những khổ đau, những ám ảnh mà cả cuộc đời họ phải gánh chịu.

Mang danh là truyện trinh thám nhưng “Bạch Dạ Hành” không chỉ đơn thuần là một tiểu thuyết trinh thám. Bởi có truyện trinh thám mà ngay từ đầu người đọc có thể lờ mờ đoán ra thủ phạm. ́y là chưa kể càng về sau thì chân tướng hai nhân vật lộ ra rõ ràng với những hành động vô cùng tàn nhẫn, vô nhân tính. Nhưng ẩn đằng sau đó, có lẽ là quan trọng hơn cả, là một câu chuyện bi kịch, một vấn đề xã hội nhức nhối khiến người đọc có thể phần nào thấu hiểu, đồng cảm được.

Đối với nhan đề, có thể giải nghĩa như sau: Bạch là “trắng”, Dạ là “đêm”, Hành là “chuyến đi dài, chuyến phiêu lưu”. Vậy có thể hiểu nôm na Bạch Dạ Hành là chuyến đi dài trong đêm trắng. Thực tế mình chưa rõ đêm trắng ở đây là gì, mình chỉ có thể hiểu tạm thời theo nghĩa là chuyến đi dài suốt cả đêm hoặc là chỉ có màn đêm bao phủ.

Bởi vì câu chuyện cũng chính là lát cắt về cuộc đời chỉ sống trong đêm tối của Ryouji và Yukiho và họ luôn khao khát được một lần nhìn thấy ánh mặt trời. Đó cũng là cuộc sống đầy thiện lương, được hạnh phúc, được vui vẻ, được tin tưởng mà họ đã bị tước mất khi còn thơ. Sự đối lập giữa bạch (vốn liên tưởng đến ban ngày) với dạ (liên tưởng đến đêm tối) cho thấy sự đối lập rõ rệt và chẳng thể nào dung hòa được.

Tác phẩm có thể nói là một thành công của tác giả khi dựng nên một vở bi kịch đời người kéo dài hơn 30 năm trời của hai đứa trẻ đáng thương. Các sự kiện diễn ra tuy rất nhiều, số lượng nhân vật cũng ngập tràn nhưng cách diễn giải, kể chuyện của Higashino Keigo hết sức ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu để người đọc không quá bị ngợp. Các sự kiện tưởng chừng như riêng biệt ban đầu thì càng về cuối tự xâu chuỗi lại với nhau, dẫn dắt người đọc theo mạch truyện hồi hộp chẳng kém một chuyến phiêu lưu kỳ bí vậy. Nếu là một độc giả theo dõi nhiều tác phẩm của ông đều quá quen thuộc với lối viết đầy thu hút này rồi.

Bạch dạ hành đánh giá truyện năm 2024
[Review] – Bạch Dạ Hành – Higashino Keigo

Đây cũng là một trong những thủ pháp xây dựng nhân vật quen thuộc của Higashino Keigo: nhân vật luôn gợi mở, đa chiều được đặt trong một tình huống gây tranh cãi trái chiều. Mỗi người sẽ có một cách cảm nhận khác nhau nhưng hãy luôn nhìn nhận bằng trái tim, bằng tất cả những tình cảm nhân văn sâu sắc nhất.

Nhiều lúc tôi tự hỏi mối quan hệ giữa Ryouji với Yukiho là gì. Đó là tình yêu trai gái thông thường đến với nhau sau biến cố tai hại đầu đời hay đó là lòng thương xót lẫn nỗi căm hận được dung dưỡng ngay từ khi còn bé thơ. Xuyên suốt tác phẩm, người ta chỉ thấy những hành động được tính toán kỹ lưỡng và không nương tay của hai nhân vật mà chẳng có bất cứ dòng tâm sự bộc bạch, thổ lộ, hay tâm lý bất thường nào để độc giả rõ hơn. Không rõ đây dụng ý của tác giả hay cảm nhận của riêng mình mà hai nhân vật này được xây dựng một cách “máu lạnh” và tàn độc đến đáng thương mà nếu không có phần giải thích ở nửa sau, người ta không thể nào cảm thông được.

Nhiều lúc tôi vẫn nghĩ họ là một cặp đôi thật sự vì chỉ có người yêu thương mới có thể dám làm những chuyện động trời như vậy. Nhưng rõ ràng, người đọc vẫn luôn có sự tách biệt giữa hai nhân vật, rất rạch ròi. Đó là 2 số phận tách rời nhưng định mệnh đã giúp họ gặp nhau rồi từ đó dù chẳng có mối liên hệ nào trong đời thực, họ vẫn luôn là hai đầu kéo vuốt nhọn và sắc, hủy hoại những kẻ vô tình bước vào giữa.

Vào phút cuối của cuộc đời khi Ryouji ngã xuống sau nhát cắt định đoạt sinh mạnh, Yukiho ra đánh rơi chiếc mặt nạ giá băng cuộc đời mình. Người ta có thể thấy rõ sau lớp mặt nạ lạnh lẽo đó, là một bộ mặt lạnh lẽo hơn thế nữa. Không một chút biểu hiện, không một chút cảm xúc, Yukiho lạnh lùng quay đi, bước tiếp con đường đêm trắng của mình (hoặc đã đường hoàng bước dưới ánh dương mơ ước của 2 người).

Một chương khác mở ra, một cuộc đời mới mở ra nhưng chỉ còn một người. Có lẽ, đã từ lâu, Yukiho đã không còn đeo mặt nạ mà nó đã trở thành khuôn mặt thật của cô rồi. Cô đã chết, không biết tự khi nào, từ khi còn nhỏ hay khi bàn tay đã nhuốm máu, vẫn còn đâu đó trên khuôn mặt đó, sự sợ hãi và tuyệt vọng đến cùng cực.

Thực ra không quá khó để đoán biết được hung thủ gây nên sự tang thương cho nhiều người khi đọc đến phân nửa tác phẩm vì tác giả gần như đã hé lộ hết cách thức và kế hoạch của các hung thủ. Thế nhưng cách xây dựng một hành trình trượt dài của tác giả xung quanh hai nhân vật Ryouji và Yukiho phải khiến người đọc không thể nào rời mắt được.

Các sự kiện, biến cố, nhân vật liên tục được thêm vào dù có hơi khó nhớ nhưng càng củng cố thêm tội ác rõ ràng của 2 nhân vật chính. Càng đọc, người xem trở nên sợ hãi, khinh bỉ, ghét bỏ 2 nhân vật đến tột cùng để rồi đến phút cuối, khi những bí mật ban đầu được hé lộ, người ta cảm thấy thương xót nhiều hơn.

Bạch dạ hành đánh giá truyện năm 2024
[Review] – Bạch Dạ Hành – Higashino Keigo

Cái kéo xé toạc tuổi thơ,xé toạc tâm can con người

Trong số các tiểu thuyết đậm tính trinh thám của Higashino Keigo thì “Bạch Dạ Hành” mình cho là một trong những thiên truyện xuất sắc cho lối viết trinh thám của ông. Không chỉ đơn thuần, tạo ra vụ án rồi phá án như thông thường mà tác giả tập trung vào câu chuyện, vào xây dựng nhân vật và những lớp lang ý nghĩa nhiều hơn. Yếu tố trinh thám cũng rất cần thiết và được sử dụng chủ yếu để lôi kéo độc giả vào mạch truyện, xoay vần với nó và cảm nhận được tinh thần mà tác giả muốn truyền tải.

Tựa như hình ảnh minh họa tác phẩm là một chiếc kéo. Chiếc kéo có rất nhiều ý nghĩa đối với câu chuyện này. Cái kéo là vật dụng ưa thích của Ryouji cho thú vui cắt giấy của mình, cây kéo có ý nghĩa biểu tượng như sự cắt đứt, tước đoạt tuổi thơ của hai nhân vật chính. Cây kéo còn gắn liền với hình ảnh hai nhân vật có cuộc đời khác nhau nhưng luôn giao nhau tại một điểm và mỗi lần như thế lại “cắt đứt” cuộc đời của một kẻ khác. Lưỡi kéo tượng trưng cho 2 đứa trẻ, vô cùng sắc bén, lạnh lùng, sẵn sàng xé toạc mọi thứ không nấn ná, rất đau đớn.

Cuộc đời của họ vốn dĩ như hai đường thẳng, chẳng hề giao nhau lúc nào nhưng tất cả những sự kiện diễn ra ít nhiều đều có liên quan dính dáng đôi chút vào nhau. Thế nhưng đến cuối cùng, khi những điểm chung ấy càng nhiều, nó đã tạo nên một giao điểm mà khi đó mọi thứ phải kết thúc, có thể là khép lại, hoặc là mở ra cho số phận của một hoặc nhiều người khác. Đó có lẽ cũng là một ý nghĩa cho hình ảnh cây kéo ở bìa truyện này.

Đến cuối truyện, chính Ryouji đã dùng cái kéo kỷ niệm hay cắt giấy để tự kết liễu đời mình. Nỗi ám ảnh vẫn còn đó, chiếc kéo vẫn còn vương mùi máu của những tội ác của chủ nhân nó. Kết cục có lẽ sẽ khác nếu ngay từ đầu Ryouji chẳng bị cuốn vào hành trình đầy tăm tối của mình.

Tôi chợt nghĩ có lẽ Ryouji cũng đã đón chờ cái chết này từ lâu lắm rồi. Tất cả những gì cậu làm đều vì Yukiho và khi tội ác đã đến đỉnh điểm (cậu hiếp dâm đứa con dượng của Yukiho nghĩa là cậu đã lặp lại tội ác của cha mình) cậu phải chọn cái chết để kịp cứu rỗi tâm hồn mình. Cũng từ cái chết của cậu, Yukiho sẽ được giải thoát, sẽ được chân chính sống dưới mặt trời – thứ mà họ đã hằng ao ước bao năm qua.

Hai mảnh giấy trắng có lẽ sẽ có số phận tốt đẹp hơn nhưng những vết nhơ đầu đời đã khiến cuộc đời sau này của chúng “chẳng còn thấy mặt trời” đúng nghĩa. Yukiho đã giãi bày trong truyện:

“Bầu trời của tôi không có mặt trời, chỉ toàn là bóng đêm, nhưng không hề tối tăm, vì có thứ khác thay thế cho mặt trời. Tuy rằng không được sáng như mặt trời, nhưng đối với tôi, thì thế là đã đủ rồi…. Tôi chưa bao giờ có mặt trời, thế nên tôi không sợ mất đi nó.”

Cô dành trọn cả tuổi thơ, tuổi thanh xuân, tuổi con gái mộng mơ chỉ để hóa thân thành một con rối, một con búp bê vô hồn, đầy toan tính để tiếp tục tồn tại, để “bảo vệ tâm hồn mình”.

“Bạch Dạ Hành” – Hồi chuông cảnh tỉnh con người trước vấn đề ấu dâm đầy nhức nhối

Tương tự như một số tác phẩm khác như “Ngôi nhà của người cá say ngủ”, “Bí mật của Naoko”,… Higashino Keigo cũng dùng một trong những vấn đề xã hội phức tạp của Nhật Bản là nạn ấu dâm vào trong câu chuyện. Và nó cũng chính là khởi nguồn của mọi tội ác từ hai nhân vật chính. Cũng giống như những tác phẩm trước đó, cách lồng ghép của ông vô cùng tự nhiên, nhẹ nhàng, không quá giáo điều khiến người đọc phải thấm, phải tỉnh ngộ, phải nhìn nhận những vấn đề này với trách nhiệm và lương tâm của một con người.

Yukiho – nạn nhân của nạn ấu dâm từ chính người cha ruột của Ryouji và vô tình chính Ryouji cũng đã chứng kiến khung cảnh kinh hoàng ấy. Hai đứa trẻ bị tác động đến tinh thần, đến nhân cách tuy khác nhau nhưng đã vô tình gieo mầm tội ác, khiến đôi bàn tay chúng bị vấy bẩn, khiến chúng phải cả đời sống trong bóng tối. Kinh hoàng hơn, chính tay Yukiho đã nhờ người hãm hiếp cả đứa con dượng của mình và người thực hiện không ai khác lại chính là Ryouji. Tội ác chỉ được nuôi dưỡng bằng tội ác và cho đến sự việc này, cả tâm hồn của hai nhân vật đã nhuốm màu bóng tối. Chẳng còn hi vọng, chẳng còn lương tâm, chẳng còn nhân tính, chỉ có tội ác bao trùm lên tất cả.

Đọc xong đến cuối truyện, khi luật pháp đã ra tay trừng trị tội ác thì người ta lại không khỏi xót xa, băn khoăn, liệu có công bằng với Yukiho, liệu cô phải trả giá bằng Ryouji, còn Ryouji phải trả giá bằng mạng sống thì liệu công bằng có bù đắp được những gì mà cả tuổi thơ họ phải trải qua. Luật pháp suy cho cùng cũng chỉ mang tính tương đối, chỉ trừng trị tội ác hiện hành chỉ chẳng thể nào trả lại công bằng cho tâm can con người. Ai cũng có thể đồng cảm nhưng liệu có họ thấu cảm thực sự? Nỗi đau ấu dâm chẳng hề đơn giản như người ta nghĩ… Ai có thể cứu rỗi những linh hồn thuần khiết bị vấy bẩn như vậy chứ?

Thông qua tác phẩm, có lẽ Higashino Keigo muốn từ chuỗi bi kịch này để khắc họa sâu hơn cái bản ngã của con người. Tội ác chẳng bao giờ tự sinh ra mà nó cần phải được gieo mầm, phải nuôi dưỡng. Và đau đớn thay, những đứa trẻ thơ vốn là những trang giấy trắng lại bị người lớn tô vẽ những mảng màu tăm tối dễ hơn bao giờ hết. Và khi cái gốc, cái bản ngã đã tăm tối, chúng sẽ không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng nữa.

Điều mình cảm thấy khó có thể “thanh minh” cho truyện đó là truyện quá dài và có quá nhiều nhân vật mà nếu không đọc liên tục thì khó có thể nhớ mặt đặt tên và nắm rõ hết các tình tiết quan trọng. Phải thực sự quen với cách viết của Higashino Keigo thì độc giả mới có thể “chịu đựng” và “kiên nhẫn” đọc và hiểu hết những tầng lớp ý nghĩa sâu sắc của tác giả. Vì thế, nếu định đọc “Bạch Dạ Hành”, các bạn nên tìm đọc những tác phẩm trinh thám khác của Higashino Keigo như “Phía Sau Nghi Can X”, “Bí mật của Naoko”, “Hoa Mộng Ảo”… để làm quen trước văn phong của ông nhé.