Bài tập đọc đồng tiền vàng lớp 4

- Mỗi học sinh đọc đúng, rõ ràng và diễn cảm một đoạn văn hoặc khổ thơ (với tốc độ khoảng 75 tiếng/phút) trong các bài tập đọc đã học từ Tuần 1 đến Tuần 8 (Tiếng Việt lớp 4 – Sgk tập 1) do HS bốc thăm.

- Trả lời được 1 – 2 câu hỏi liên quan đến nội dung đoạn văn (thơ) đã đọc theo yêu cầu của giáo viên.

II. Kiểm tra đọc - hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt: (7 điểm)

Em hãy đọc thầm bài văn sau:

ĐỒNG TIỀN VÀNG

      Một hôm vừa bước ra khỏi nhà, tôi gặp một cậu bé chừng mười hai, mười ba tuổi ăn mặc tồi tàn, rách rưới, mặt mũi gầy gò, xanh xao, chìa những bao diêm khẩn khoản nhờ tôi mua giúp. Tôi mở ví tiền ra và chép miệng:

- Rất tiếc là tôi không có xu lẻ.

- Không sao ạ. Ông cứ đưa cho cháu một đồng tiền vàng. Cháu chạy đến hiệu buôn đổi rồi quay lại trả ông ngay.

Tôi nhìn cậu bé và lưỡng lự:

- Thật chứ?

- Thưa ông, cháu không phải là một đứa bé xấu.

Nét mặt của cậu bé cương trực và tự hào tới mức tôi tin và giao cho cậu một đồng tiền vàng.

Vài giờ sau, trở về nhà, tôi ngạc nhiên thấy cậu bé đang đợi mình, diện mạo rất giống cậu bé nợ tiền tôi, nhưng nhỏ hơn vài tuổi, gầy gò, xanh xao hơn và thoáng một nỗi buồn:

- Thưa ông, có phải ông vừa đưa cho anh Rô-be cháu một đồng tiền vàng không ạ ?

Tôi khẽ gật đầu. Cậu bé tiếp:

- Thưa ông, đây là tiền thừa của ông. Anh Rô-be sai cháu mang đến. Anh cháu không thể mang trả ông được vì anh ấy đã bị xe tông, gãy chân, đang phải nằm ở nhà.

Tim tôi se lại. Tôi đã thấy một tâm hồn đẹp trong cậu bé nghèo.

(Theo Truyện khuyết danh nước Anh)

Dựa vào nội dung bài đọc, em hãy thực hiện yêu cầu sau:

Câu 1. Cậu bé Rô-be làm nghề gì? (0,5 điểm)

A. Làm nghề bán báo.

B. Làm nghề đánh giày.

C. Làm nghề bán diêm.

Câu 2. Tìm những chi tiết miêu tả ngoại hình của Rô-be? (0,5 điểm)

Câu 3. Qua ngoại hình của Rô-be, em có nhận xét gì về hoàn cảnh của cậu ta? (0,5 điểm)

Câu 4. Vì sao Rô-be không quay lại ngay để trả tiền thừa cho người mua diêm? (0,5 điểm)

A. Vì Rô-be không đổi được tiền lẻ.

B. Vì Rô-be không muốn trả lại tiền.

C. Vì Rô-be bị xe tông, gãy chân.

Câu 5. Qua hành động trả lại tiền thừa cho người khách, em thấy cậu bé Rô-be có điểm gì đáng quý? (1 điểm)

Câu 6. Nếu em là người khách mua diêm của cậu bé Rô-be trong câu chuyện này, em sẽ làm gì khi biết tin cậu bé bị xe tông, gãy chân đang nằm ở nhà? (1 điểm)

Câu 7. a- Tìm ít nhất 3 từ ngữ thể hiện lòng nhân hậu, tình cảm yêu thương đồng loại: (0,5 điểm)

....................................................................

b- Đặt câu với một trong các từ em vừa tìm được? (0,5 điểm)

....................................................................

Câu 8. Trong các từ sau, từ nào là từ láy: be bé, buồn bực, buôn bán, mênh mông, mệt mỏi: (0,5 điểm)

Từ láy: …......................................

Câu 9. Em hãy dùng dấu ngoặc kép có tác dụng dùng để nêu ý nghĩa đặc biệt có trong câu sau: (0,5 điểm)

Chỉ trong 10 năm, Bạch Thái Bưởi đã trở thành một bậc anh hùng kinh tế như đánh giá của người cùng thời.

……………………………

Câu 10. Viết lại câu sau cho hay hơn (bằng cách sử dụng từ ngữ gợi tả, gợi cảm hay sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa,...) (1 điểm)

Em rất yêu mẹ.

………………………………………………………………………………………………………………………………………………

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả (Nghe – viết) (3 điểm): Bài "Đồng tiền vàng" đoạn (Một hôm………. quay lại trả ông ngay)

II. Tập làm văn: (7 điểm)

Đề bài: Một người thân của em ở xa đang bị ốm, em không đến thăm được, em hãy viết một lá thư để thăm hỏi và động viên người thân đó.

Đáp án

A. KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)

I. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)

- Mỗi học sinh đọc đúng, rõ ràng và diễn cảm một đoạn văn hoặc khổ thơ với tốc độ khoảng 75 tiếng/phút trong các bài tập đọc đã học từ Tuần 1 đến Tuần 8 (Sgk Tiếng Việt 4 – Tập 1) do HS bốc thăm.(2 điểm)

- Trả lời 1 – 2 câu hỏi về nội dung đoạn đã đọc theo yêu cầu của giáo viên. (1 điểm)

II. Kiểm tra đọc - hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt: (7 điểm)

Câu 1.C

Câu 2. Những chi tiết miêu tả ngoại hình của Rô-be: Chi tiết: ăn mặc tồi tàn, rách rưới, mặt mũi gầy gò, xanh xao

Câu 3. Qua ngoại hình của Rô-be, em có nhận xét gì về hoàn cảnh của cậu ta: Nhận xét: hoàn cảnh của gia đình Rô-be rất nghèo khổ, gặp nhiều khó khăn.

Câu 4. C

Câu 5. Qua hành động trả lại tiền thừa cho người khách, em thấy cậu bé Rô-be có điểm gì đáng quý ?

Cậu bé là người thật thà, tự trọng…..

Câu 6. Nếu em là người khách mua diêm của cậu bé Rô-be trong câu chuyện này, em sẽ làm gì khi biết tin cậu bé bị xe tông, gãy chân đang nằm ở nhà?

Em sẽ đến thăm, động viên cậu bé. Nếu gia đình đồng ý em sẽ giúp đỡ đưa cậu bé đến bệnh viện để chữa trị…..

Câu 7. a- Tìm ít nhất 3 từ ngữ thể hiện lòng nhân hậu, tình cảm yêu thương đồng loại:

Lòng vị tha, nhân ái, nhân từ, độ lượng, bao dung, lòng nhân ái,…..

b- Đặt câu với một trong các từ em vừa tìm được ?

Ví dụ: Bác Hồ có một lòng nhân ái bao la mà cả nhân loại đều khâm phục và kính trọng.

Câu 8. Trong các từ sau, từ nào là từ láy: be bé, buồn bực, buôn bán, mênh mông, mệt mỏi:

Từ láy: be bé, mênh mông.

Câu 9. Tác dụng của dấu ngoặc kép dùng để chỉ ý nghĩa đặc biệt có trong câu sau: Chỉ trong 10 năm, Bạch Thái Bưởi đã trở thành “một bậc anh hùng kinh tế” như đánh giá của người cùng thời.

Câu 10. Viết lại câu sau cho hay hơn (bằng cách sử dụng từ ngữ gợi tả, gợi cảm hay sử dụng biện pháp so sánh, nhân hóa,…)

Em rất yêu mẹ.

Em yêu mẹ hơn tất cả mọi thứ trên thế gian này.

B. KIỂM TRA VIẾT (10 điểm)

I. Chính tả (Nghe – viết) (3 điểm): Bài "Đồng tiền vàng" đoạn (Một hôm………. quay lại trả ông ngay)

II. Tập làm văn: (7 điểm)

Đề bài: Một người thân của em ở xa đang bị ốm, em không đến thăm được, em hãy viết một lá thư để thăm hỏi và động viên người thân đó.

Bài mẫu:

Quảng Ninh, ngày 10 tháng 12 năm 2017

Bà ngọai kính mến của con!

       Hôm qua, con có nhận được điện thoại của cậu Ba thông báo tin bà ngoại bị ốm, cả nhà con vô cùng hốt hoảng, lo lắng cho sức khỏe của bà ngoại. Con thay mặt gia đình viết thư thăm hỏi tình hình sức khỏe của bà và chúc bà mau chóng khỏe trở lại.

       Bà ngoại ơi, bệnh đau nhức xương khớp của bà thế nào rồi ạ? Mấy hôm nay trời trở lạnh chắc căn bệnh của bà lại tái phát đúng không ạ? Bà đã ăn được cơm trở lại chưa, hay vẫn phải dùng cháo ạ?

       Sáng nay ba mẹ con đã bắt xe khách về thăm bệnh tình của ngoại rồi ạ? Nhưng con phải đi học nên ba mẹ không cho con theo. Con chỉ có thể ở nhà viết thư thăm hỏi sức khỏe của ngoại mà thôi, gửi kèm bức thư này con gửi tới ngoại một tấm bưu thiếp mà con đã làm để mong ngoại chóng khỏi bệnh.

       Ba mẹ từ lúc nghe điện thoại của cậu Ba thương bà ngoại nhiều lắm. Lâu lâu mẹ con thường hay kể lại chuyện ngày xưa ông đi chiến trường, bà ở nhà một mình tần tảo vất vả nuôi đàn con khôn lớn, biết bao nhọc nhằn nhưng bà đã vượt qua.

       Bà ngoại kính nhớ!

       Vì hoàn cảnh công việc phải xa nhà nên ba mẹ con không ở gần nhà ngoại nữa, không có điều kiện để chăm sóc ngoại thường xuyên. Mấy hôm nay bà ngoại ốm, cả gia đình con đều rất lo lắng cho bà.

       Con chỉ mong sao chỉ ước mong sao bà ngoại mau khỏe lại sống lâu với con cháu cả đời. Con muốn nói cho bà biết tuần vừa rồi con được hai điểm mười môn Toán và một điểm mười Tiếng Anh.

       Bà ngoại ơi, bà chịu khó uống thuốc vào nhé, chịu khó dưỡng bệnh để mau chóng khỏe lại để mùa hè này con sẽ về thăm bà lại được nghe bà kể những câu chuyện ngày xửa ngày xưa bà thường hay kể.

       Con và ngoại lại cùng nhau đi dạo trên bãi biển vào buổi sáng, cùng tập dưỡng sinh bà nhé. Con xin dừng bút tại đây, kính chúc bà mau khỏe lại. Con yêu bà nhiều lắm!

Cháu ngoại của bà

Hoài An

"Đồng tiền vàng" là một truyện khuyết danh nổi tiếng của nước Anh.

1. Bài "Đồng tiền vàng" kể chuyện gì?

Trả lời:

Bài "Đồng tiền vàng" kể lại chuyện hai anh em Rô-be nghèo khổ, làm nghề bán diêm nhưng đã giữ đúng lời hứa trả lại tiền thừa cho khách.

2. Cậu bé Rô-be làm nghề gì?

Trả lời:

Cậu bé Rô-be chừng 12, 13 tuổi làm nghề bán diêm.

3. Qua ngoại hình và lời nói của Rô-be, em hiểu gì về hoàn cảnh và tính cách của cậu bé?

Trả lời:

Ngoại hình của Rô-be: ăn mặc tồi tàn, rách rưới, mặt mũi gầy gò xanh xao - cho ta biết hoàn cảnh của chú bé rất nghèo khổ, đói rách, đáng thương. Lúc gặp khách chú chìa những bao diêm ra "khẩn khoản" mời mua giúp. Lúc khách không có tiền xu lẻ để mua diêm và "lưỡng lự "về đồng tiền vàng, thì Rô-be đã nói: "Không sao ạ. Ông cứ đưa cho cháu một đồng vàng. Cháu chạy đến hiệu buôn đổi rồi quay lại trả ông ngay”. Sau đó, Rô-be đã khẳng định tính cách của mình: "Thưa ông, thật ạ. Cháu không phải là một đứa xấu". Nghĩa là không gian tham, biết giữ đúng lời hứa. Mặc dù sau đó, Rô-be bị xe tông vào, gãy chân, phải nằm ở nhà, nhưng chú đã sai em trai đem tiền thừa đến trả cho khách. Qua đó, ta thấy Rô-be tuy nghèo khổ nhưng rất lễ phép, trung thực, tự trọng và biết giữ chữ tín, đã hứa là làm đúng. Vì thế ông khách sau khi nhận lại đủ số tiền thừa đã cảm động nói: "Tôi đã thấy một tâm hồn đẹp trong cậu bé nghèo".

4. Việc Rô-be trả lại tiền cho khách đáng quý ở chỗ nào?

Trả lời:

Việc Rô-be trả lại tiền thừa cho khách đáng quý ở chỗ: gặp tai nạn vẫn tìm cách giữ đúng lời hứa; tuy nghèo mà trong sạch, thật thà, chứng tỏ mình "không phải là một đứa bé xấu".

5. Em hiểu như thế nào về hai câu cuối bài:

"Tim tôi se lại. Tôi đã thấy một tâm hồn đẹp trong cậu bé nghèo "?

Trả lời:

Hai câu cuối bài: "Tim tôi se lại. Tôi đã thấy một tâm hồn đẹp trong cậu bé nghèo" đã diễn tả sự xúc động thương cảm của ông khách khi được tin Rô-be gặp tai nạn, đồng thời biểu lộ sự khâm phục trước một tâm hồn đẹp của cậu bé nghèo mà trung thực.

6. Ý nghĩa câu chuyện "Đống tiền vàng".

 Ý nghĩa: Chuyện "Đồng tiền vàng" ca ngợi tính trung thực, lòng tự trọng và trong sạch của tuổi thơ, nhất là những em bé nghèo trong xã hội.