Các nhà văn nhà thơ nổi tiếng ở bến tre

  1. Trang chủ
  2. Thông tin xây dựng Đảng
  3. Giải trí

Dạt dào cảm hứng trên quê hương anh hùng

27/09/2019

Hơn 70 tác phẩm văn thơ có được từ Trại sáng tác Văn học do Tạp chí Văn nghệ quân đội (VNQĐ) phối hợp Hội văn học Nghệ thuật (VHNT) Nguyễn Đình Chiểu tổ chức tại tỉnh vừa qua cho thấy, quê hương xứ Dừa đã tạo nên nguồn cảm hứng dạt dào cho các văn sĩ, làm chất xúc tác mạnh mẽ để các tác phẩm nhanh chóng ra đời. Bên cạnh “Đề tài chiến tranh cách mạng và người lính trên quê hương Đồng khởi” - chủ đề chính của trại sáng tác, còn có thêm nhiều mảng đề tài về vùng đất, con người Bến Tre hiền hòa, nhân hậu.

Các nhà văn nhà thơ nổi tiếng ở bến tre

Yên bình một góc quê hương. Ảnh Nguyễn Dừa.​

Mến đất, yêu người Qua thời gian diễn ra trại sáng tác, bước đầu đã có 34 truyện ngắn ra đời; trong đó, các trại viên thuộc Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu đóng góp số lượng nhiều nhất. Có thể kể đến các truyện ngắn của các tác giả Bến Tre như: Dừng lại bến sông (Từ Phạm Hồng Hiên), Biển (Tâm Văn), Hoa mùa trăng của người lính biển (Nguyễn Thảo Nguyên), Gió đổi chiều (Võ Thị Kim Chi), Chuyện một đêm trăng (Lê Văn Phúc), Võ ma (Nguyễn Nhật Nam)… Nhà thơ Đoàn Văn Mật - Trưởng ban Thơ Tạp chí VNQĐ, người phụ trách trại sáng tác nhận định, là những tác giả sinh sống tại Bến Tre, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng nên hầu hết tác phẩm dự trại của các tác giả Bến Tre đã lấy đề tài chiến tranh làm cảm hứng chủ đạo. Dù góc nhìn khác nhau, khai thác những thân phận khác nhau nhưng những tác phẩm này có thông điệp chung. Đó là, chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm nhưng hệ lụy còn kéo dài đến tận bây giờ. Trên mảnh đất bị chiến tranh chà xát đến tan hoang, cuộc sống mới đã hồi sinh, đang trên đà phát triển. Nhưng lịch sử phải được biết đến, phải được nhắc nhớ một cách sinh động, sâu sắc. Nhắc đến chiến tranh, không phải để khơi dậy hận thù, phân định giới tuyến mà để cùng nhau nhìn về quá khứ, hiểu quá khứ một cách sòng phẳng, hiểu quá khứ để trân trọng hiện tại và có trách nhiệm với tương lai. Ngoài những tác phẩm viết trực diện về chiến tranh, một số tác giả các tỉnh đã chọn khai thác xã hội Việt Nam thời hậu chiến với những hệ lụy xót xa. Tác giả Lê Vũ Trường Giang (Huế) với truyện ngắn “Tù nhân mặc áo xanh” phản ánh tình cảnh khốn đốn của những người rời bỏ Tổ quốc, trở thành tù nhân của một trại tị nạn trên đất Hồng Kông; hay tác giả Nguyễn Đức Hạnh với những tác phẩm “Bão tan cây còn đau”, “Gào thét”… viết về những số phận bi thương thời hậu chiến. Về mảng thơ, đã có hơn 40 tác phẩm thơ ra đời, hoàn chỉnh ngay trong trại sáng tác. Nhà thơ Đoàn Văn Mật chia sẻ, thơ viết đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang từ lâu đã trở thành niềm yêu thích đối với bạn đọc, bạn viết trên Tạp chí VNQĐ. Khi các nhà văn, nhà thơ về với xứ Dừa tham gia trại sáng tác, một lần nữa cảm hứng về đề tài ấy lại được khơi dậy và trở thành nguồn cảm hứng chính. Hình ảnh những người chiến sĩ cách mạng, những người con của quê hương Đồng khởi kiên trung, những bà mẹ anh hùng, những tên người, tên đất luôn có sức dẫn gợi và được khắc họa đậm nét. Nhà thơ Đông Triều (An Giang) kể lại kỷ niệm với Bến Tre qua các vần thơ theo dòng hồi ức: “… Nơi ấy, cha tôi sống lại sau đêm càn khốc liệt/ Khi súng trên tay nhả viên đạn cuối cùng/ Nơi ấy, tôi rơi từ nhánh cây trong trò chơi hủy diệt/ Như hài nhi tự biết hướng lọt lòng…”. Còn nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã (TP. Hồ Chí Minh), trong lần đến thăm nhà bạn, được gặp “má Tư”, được nghe chuyện về má, anh đã viết bài thơ “Người má Bến Tre” khá xúc động: “… Thuở đạn bom nát tan gánh chữ/ Nhưng chữ nhân đức không tan/ Thơ Đồ Chiểu đã chảy trong máu bà dòng “tải đạo”… /Mắt tuy mờ nhưng sáng quắc niềm tin/ Lòng như cơm dừa mang hồn quê Bến Tre mà ngọt/ Miệng giấu nụ cười sau cây trái miền Tây…”. Dấu ấn xứ dừa Chỉ trong thời gian ngắn ở trại sáng tác, nữ tác giả Bảo Thương (Bắc Giang) đã hoàn thành truyện ngắn “Bông điên điển hồng”, viết về sông nước miền Tây với những nhân vật mang những nét tính cách đặc trưng của vùng đất Bến Tre nhiều tình cảm. Tác giả Triều La Vỹ (Bình Định) sau khi hoàn thành truyện ngắn lịch sử mang tên “Gương mặt thủy thần”, cũng đã kịp viết thêm hai truyện ngắn “Gió đàn bà” và “Phù sa sông chữ” viết về đất và người Bến Tre với những con người chân chất, vùng đất hiền hòa.

Các nhà văn nhà thơ nổi tiếng ở bến tre

Đoàn nhà văn đến tham quan Di tích mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu.

Bên cạnh các tác phẩm truyện ngắn, mảng thơ trữ tình cũng được Ban tổ chức đánh giá là rất sôi động, nội dung đa phần được viết từ nguồn cảm xúc qua cái nhìn trực diện, với những nét tươi mới của đất và người Bến Tre hôm nay. Đó là cảm nhận: “… Thị trấn Thạnh Phú nằm trong rừng dừa nước/ Trưa, ở đồn biên phòng Cổ Chiên/ Tôi thấy dấu tích phù sa dạt dào tuôn chảy…” (tác giả Trần Quốc Toàn - Bình Định); hay miêu tả cuộc sống đời thường vẫn ấm áp, bình yên ngay cả trong những cơn mưa chiều như: “… Từng chuyến xe ngất ngưỡng chạy lên/ Chở đầy ắp những mảnh làng lên phố/ Dưới góc dừa trong veo đôi mắt/ Đứa trẻ nhìn tôi chiều mưa vẫn mưa…” (tác giả Văn Công Hùng - Gia Lai). Và nhẹ nhàng người Bến Tre nhắn gửi bạn phương xa: “… Chén rượu nồng lưu luyến chút men cay/ Dừa vẫn đứng soi mình trên bến đợi/ Sóng Hàm Luông thì thầm câu nhắn gửi/ Mong anh về tiếp nối những vần thơ…” (tác giả Kim Chi - Bến Tre).

Bên cạnh việc bày tỏ trân trọng, sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để trại sáng tác diễn ra thành công, nhà thơ Kim Ba - Chủ tịch Hội VHNT Nguyễn Đình Chiểu cũng đã bộc bạch rằng, ông cảm thấy rất nhiều cảm xúc khi được lắng nghe, tiếp nhận những tình cảm dành cho Bến Tre của anh chị em trại viên từ các miền đất nước đã thể hiện qua tác phẩm văn thơ. “Tôi đánh giá sự kiện Tạp chí VNQĐ tổ chức trại sáng tác tại Bến Tre là một sự kiện VHNT quan trọng trong năm của tỉnh nhà. Với các nhà văn, nhà thơ các nơi, nếu có dịp nào đó các bạn về lại Bến Tre, chúng tôi rất sẵn lòng chào đón, giúp các bạn tìm hiểu nhiều hơn nữa về Bến Tre”, nhà thơ Kim Ba nói.

Đại tá - Nhà văn Nguyễn Bình Phương - Tổng Biên tập Tạp chí VNQĐ đúc kết qua trại sáng tác: Bến Tre đã gieo vào tâm hồn các nhà văn, nhà thơ mối thiện cảm lớn, vì mảnh đất này, từ kênh rạch, lịch sử, văn hóa tới con người đã mở lòng một cách nồng nhiệt nhất với tất cả ai đến nơi đây. Sau trại sáng tác, sẽ làm phong phú thêm miền tâm trạng cho mỗi thành viên tham dự, trong các sáng tác về sau dù viết ở đâu cũng sẽ có mang một phần dạt dào sông nước Bến Tre và dù tác giả ở vùng nào cũng sẽ phảng phất âm hưởng mộc mạc, ấm cúng của người Bến Tre.