Dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2023

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 29/12, TPHCM tổ chức hội nghị báo cáo kết quả thu chi ngân sách nhà nước năm 2023. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; Phan Kiều Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP…

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài chính TP Nguyễn Trần Phú cho biết, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 do HĐND Thành phố giao là 469.682 tỷ đồng, trong đó thu nội địa là 323.575 tỷ đồng. Số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện đến ngày 29/12/2023 là 446.545 tỷ đồng, đạt 95,07% dự toán và bằng 94,69% so cùng kỳ (471.562 tỷ đồng).

Tổng thu ngân sách địa phương là 171.968 tỷ đồng. Trong đó, thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp là 84.024 tỷ đồng, đạt 93,05% dự toán và bằng 91,12% so cùng kỳ (92.217 tỷ đồng). Đến ngày 29/12/2023, tổng chi ngân sách địa phương là 86.712 tỷ đồng, đạt 68,63% dự toán (126.343 tỷ đồng), tăng 38,89% so cùng kỳ. Hiện nay, Kho bạc Nhà nước đang phối hợp với các chủ đầu tư để tiếp tục giải ngân, dự kiến đến ngày 31/12/2023 số giải ngân vốn đầu tư là 42.669 tỷ đồng, đạt 62% kế hoạch vốn đầu tư công UBND Thành phố giao (68.634 tỷ đồng); trong thời gian chỉnh lý ngân sách năm 2023, đến hết ngày 31/01/2024, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư là 49.406 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch vốn đầu tư công UBND Thành phố giao (68.634 tỷ đồng). Hiện nay, các đơn vị sử dụng ngân sách đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ nghiệm thu, quyết toán để tiếp tục giải ngân trong thời gian chỉnh lý ngân sách năm 2023 (trước ngày 31/01/2024).

Năm 2024, dự toán thu ngân sách trên địa bàn là 482.851 tỷ đồng, tăng 2,8% so dự toán năm 2023, dự toán chi ngân sách địa phương là 149.977 tỷ đồng, tăng 18,71% so dự toán 2023. Với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm, ngành Tài chính đề xuất một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Theo đó, Cơ quan Tài chính phối hợp cơ quan thuế, hải quan theo dõi chặt chẽ tình hình thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; phân tích số liệu thu nộp thuế; kịp thời báo cáo, tham mưu UBND Thành phố kế hoạch cân đối ngân sách, đảm bảo điều hành ngân sách luôn ở thế chủ động, cân đối, ổn định và tiết kiệm. Đồng thời, rà soát đánh giá tiến độ thu ngân sách, đặc biệt là tiến độ thu tiền sử dụng đất và nhu cầu giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách Thành phố; kịp thời báo cáo, tham mưu UBND Thành phố các giải pháp cân đối nguồn vốn cho đầu tư công năm 2024, trong đó có phương án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2024; đồng thời, tăng cường kiểm soát chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách.

Dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2023
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng và Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM Nguyễn Hoàng Hải trao bằng khen UBND TP đến các đơn vị

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng ghi nhận và biểu dương nỗ lực của các đơn vị với kết quả thu chi ngân sách nhà nước năm 2023. Năm 2024, dự toán thu ngân sách là 482.851 tỷ đồng, tăng 2,8% so dự toán năm 2023, dự toán chi ngân sách địa phương là 149.976,789 tỷ đồng, tăng 18,71% so dự toán năm 2023. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Dũng đề nghị các đơn vị tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp; quan tâm, tập trung công tác cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư... để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh thực hiện tốt nghĩa vụ thuế; tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo UBND Thành phố các chính sách liên quan đến thuế để Thành phố đề xuất với các cơ quan cấp trên nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và người dân; đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn của Thành phố để có những giải pháp phù hợp nhằm khai thác hiệu quả các nguồn thu trên địa bàn (đặc biệt là các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng như kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, dịch vụ giải trí, ăn uống, xăng dầu...), hạn chế thất thu, nợ đọng, phấn đấu tăng thu trên địa bàn; phối hợp với các sở - ngành, UBND TP Thủ Đức và các quận huyện để xử lý, tháo gỡ khó khăn trong việc đấu giá, giao đất, triển khai thực hiện dự án, đẩy mạnh thu tiền sử dụng đất, đảm bảo nguồn cho đầu tư phát triển…

“Năm 2024 là năm “nước rút”, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 của Đảng bộ TPHCM, UBND Thành phố sẽ tiếp tục bám sát và chỉ đạo kịp thời để đồng hành cùng ngành Tài chính hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ thu – chi ngân sách trong năm 2024” - đồng chí Nguyễn Văn Dũng khẳng định.

Dịp này, UBND TPHCM trao tặng bằng khen 94 tập thể hoàn thành xuất sắc trong công tác chỉ đạo thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Chiều ngày 27/12, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ TRỢ LỰC KHI KHÓ KHĂN

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến, cả năm 2023 ước đạt trên 5% thì ngành tài chính vẫn hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đạt và vượt dự toán đề ra.

"Tính đến hết ngày 25/12/2023, thu ngân sách nhà nước đạt 1.693,5 nghìn tỷ đồng, tăng 72,7 nghìn tỷ đồng (tăng 4,5%) dự toán, giảm 4,2% so cùng kỳ năm 2022".

Bộ Tài chính.

Theo báo cáo, năm 2023, Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu, đề xuất, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình cấp thẩm quyền ban hành các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất năm 2023 với quy mô khoảng 200 nghìn tỷ đồng; trong đó, miễn, giảm 79 nghìn tỷ đồng; gia hạn 121 nghìn tỷ đồng.

Nổi bật nhất là Bộ Tài chính trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng (từ 10% xuống 8%) để hỗ trợ phát triển sản xuất - kinh doanh và kích cầu tiêu dùng, áp dụng từ ngày 01/7/2023 đến 31/12/2023 (dự kiến tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước trong 6 tháng cuối năm khoảng 20 nghìn tỷ đồng và tháng 01/2024 khoảng 4 nghìn tỷ đồng.

Bộ này cũng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 ngày 30/12/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, áp dụng từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Dự kiến chính sách tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2023 khoảng 38 nghìn tỷ đồng; chưa được tính trong dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023.

Dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2023
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn báo cáo tại hội nghị.

Thông tin tại hội nghị cũng cho thấy nhiều địa phương nỗ lực, vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2023.

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, năm 2023, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn ước tăng 2,58% so với năm 2022. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn khách quan, tính đến thời điểm 25/12/2023, tổng thu ngân sách trên địa bàn chỉ đạt 89,6% dự toán. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ đạt 62,6% dự toán.

Năm 2024, thu ngân sách thành phố tiếp tục đối diện nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình kinh tế và tác động từ việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí... Để đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngành tài chính thành phố tiếp tục quyết liệt triển khai các biện pháp điều hành thu, chi ngân sách linh hoạt, chặt chẽ, chủ động, bám sát dự toán được giao.

Cùng chung khó khăn của cả nước, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, cho biết ước tổng thu trên địa bàn năm 2023 đạt 93,53% dự toán và giảm 8,54% so với cùng kỳ.

Để đảm bảo cân đối ngân sách, thành phố đang rà soát các nguồn lực tài chính, sắp xếp nhiệm vụ chi, đồng thời, phân bổ nguồn thưởng vượt dự toán thu năm 2022 để bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố.

VƯỢT THÁCH THỨC, PHẤN ĐẤU THU Ở MỨC CAO NHẤT

Năm 2024 là năm thứ 4 triển khai thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo các nghị quyết Quốc hội.

Tình hình kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Kinh tế thế giới đối mặt nhiều rủi ro, thách thức chưa có tiền lệ, lạm phát đã hạ nhiệt nhưng các nền kinh tế lớn tiếp tục đối mặt tình trạng tăng trưởng thấp, nguy cơ suy thoái; chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, nhiều nước vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas ngày càng phức tạp.

Nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 còn nhiều thách thức nhưng vẫn có thể đạt mức tích cực 6 - 6,5%. Tuy nhiên, ở trong nước, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, nhiều chuyên gia và tổ chức quốc tế đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 còn nhiều thách thức.

Năm 2024, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh thực hiện các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện cơ chế tự chủ và lộ trình tinh giản biên chế theo các nghị quyết của trung ương.

Một trong những giải pháp trọng tâm được đưa ra để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024 đó là tiếp tục giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.

“Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu rõ.

Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước và thông lệ quốc tế...

Nghiên cứu, xây dựng trình Quốc hội các dự án sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, để tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu, mở rộng cơ sở thu. Rà soát lại các chính sách ưu đãi về thuế, đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khuyến khích cạnh tranh phát triển. Hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật về thuế.

Đặc biệt, điều chỉnh pháp luật về thuế phù hợp trong bối cảnh toàn cầu, đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia và nhà đầu tư, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời, có chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư ngoài thuế nhằm giữ chân các nhà đầu tư lớn, duy trì sức cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư...

Cùng với đó, hoàn thiện hành lang pháp lý, quyết liệt công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, thu hồi nợ thuế đúng, đủ, theo kịp yêu cầu phát sinh từ thực tiễn trong nền kinh tế số, giao dịch xuyên biên giới. Đồng thời thúc đẩy sự tuân thủ tự nguyện trên cơ sở phân loại mức độ rủi ro của người nộp thuế.

Tăng cường sự phối hợp các bộ, ngành và địa phương trong công tác kết nối, khai thác, đối chiếu chéo thông tin chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh qua mạng.

Tập trung quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, thuế thu nhập của cá nhân có nhiều nguồn thu nhập. Kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, tổ chức việc thu ngân sách nhà nước hiệu quả.

Bộ Tài chính cũng sẽ quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng. Đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, tài sản công, đất đai, tài nguyên...

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 được Quốc hội giao là 1,7 triệu tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa chiếm 84,9%; thu dầu thô chiếm 2,7%; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu chiếm 12%.

Dự toán chi ngân sách nhà nước là 2,12 triệu tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 32%; dự toán chi thường xuyên chiếm khoảng 55,5%. Bội chi ngân sách nhà nước là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.