Dương quang đông là ai

Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh đồng chí Dương Quang Đông, nguyên Bí thư Xứ uỷ Nam Kỳ (2/5/1902-2/5/2017), sáng nay (28/4), Thành uỷ TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Dương Quang Đông người cộng sản kiên trung, tận tuỵ, suốt đời vì dân, vì Đảng”.

Đến dự hội thảo có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Bí thư Thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm cùng nhiều đồng chí lão thành cách mạng, nhà khoa học, gia đình đồng chí Dương Quang Đông...

Dương quang đông là ai
Dương quang đông là ai

Toàn cảnh hội thảo.

Trên 70 bài tham luận tại hội thảo đã khẳng định công lao và tôn vinh những cống hiến xuất sắc của đồng chí Dương Quang Đông đối với cách mạng miền Nam, với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, TPHCM, với đảng bộ và nhân dân Trà Vinh quê hương đồng chí.

Đồng chí Dương Quang Đông mà đồng chí, đồng đội, nhân dân thân kính gọi là Bác Năm Đông sinh ngày 2/5/1902 tại xã Mỹ Hoà, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Năm 1920, ông cùng người thợ Ba Son Tôn Đức Thắng thành lập tổ chức công đoàn đầu tiên mang tên Công hội đỏ của nước ta.

Suốt 2/3 thế kỷ hoạt động cách mạng liên tục tại thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và toàn Nam bộ, 7 lần bị địch bắt, 6 năm ngồi tù của Mỹ, Pháp, Thái Lan, đồng chí Dương Quang Đông luôn tỏ ra là người chiến sỹ cộng sản kiên trung, sáng tạo, tâm huyết và khiêm nhường, suốt đời vì dân, vì nước, vì Đảng, là một tấm gương sáng ngời về phẩm chất và đạo đức cách mạng.

Ông là người chỉ huy xuất sắc góp phần xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển, chi viện cho chiến trường miền Nam; có nhiều đóng góp trong cách mạng Tháng Tám ở Nam bộ…, được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý, trong đó có Huân chương Hồ Chí Minh.

Đại tá Đinh Văn Ruật, Hội Cựu chiến binh TPHCM cho biết: “Bác Năm Đông là một người cộng sản kiên trung, mẫu mực và đặc biệt có ý chí đã nhiều lần vào tù ra tội… Trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn như thế nào, Bác Năm Đông vẫn một lòng tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, vào tương lai tươi sáng của cách mạng”.

Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú và những phẩm chất cách mạng kiên trung, mưu trí, sáng tạo sáng ngời của đồng chí Dương Quang Đông là niềm tự hào của quê hương Trà Vinh, của nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và người dân Nam bộ.

Ông Trần Bình Trọng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Trà Vinh cho biết: “Chúng tôi rất tự hào về Bác Năm Đông, có thể nói là người cộng sản đầu tiên của tỉnh Trà Vinh; một trong những Bí thư đầu tiên của tỉnh Trà Vinh và cũng là người lãnh đạo đảng bộ và nhân dân Trà Vinh tiến hành tổng khởi nghĩa thành công trên địa bàn tỉnh. Sau này, Bác Năm Đông được giao rất nhiều trọng trách, ở nhiều cương vị khác nhau và ở trọng trách nào bác cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”./. 

Dương quang đông là ai
Đồng chí Thân Thị Thư- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy phát biểu tại Hội thảo.

LTS: Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh đồng chí Dương Quang Đông, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (2/5/1902 - 2/5/2017), ngày 28/4, Thành ủy TPHCM đã tổ chức khai mạc Hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Dương Quang Đông- Người cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời vì Dân, vì Đảng”. Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Thân Thị Thư-Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM.

Dân tộc Việt Nam đã trải qua thế kỷ XX đầy phong ba, bão táp, thấm đẫm những đau thương, mất mát nhưng cũng lừng lẫy những chiến công hiển hách. Cùng cả nước, trên mảnh đất Nam bộ Thành đồng, nhiều tấm gương mẫu mực không quản hy sinh, một lòng vì nước, trung kiên với Đảng, để lại cho đời sau những tượng đài ngưỡng vọng, những điểm tựa niềm tin vững chắc vào tiền đồ tươi sáng của dân tộc Việt Nam. Lớp con cháu hôm nay mãi mãi ghi nhớ một trong những đảng viên thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương tại Nam kỳ, nhà lão thành cách mạng trọn đời trung hiếu – đồng chí Dương Quang Đông, bác Năm Đông, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ. Cuộc đời hơn trăm năm của bác Năm đã chứng kiến từng bước thăng trầm của dân tộc ta, từng bước trưởng thành của Đảng ta, tham gia góp phần làm nên những mốc son lịch sử cách mạng Việt Nam. Cuộc đời thầm lặng và bình dị của bác Năm là cuộc đời của một người cộng sản mẫu mực, tận tụy, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng.

Bác Năm Đông, một trong những người cộng sản thuộc thế hệ đầu tiên

Là người con của quê hương Trà Vinh, xuất thân trong một gia đình trung nông, bác Năm được gia đình cho lên Sài Gòn ăn học và chính tại thành phố này bác đã đến với các hoạt động yêu nước, rồi đến với sự nghiệp cách mạng của những người cộng sản. Là một trong những người đầu tiên tham gia Công hội đỏ do Chủ tịch Tôn Đức Thắng lãnh đạo, khi Công hội đỏ chuyển thành Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, bác Năm luôn là một trong những người xung phong, hăng hái nhất. Đi lại như con thoi giữa Sài Gòn và Trà Vinh, vừa tham gia các hoạt động tại Sài Gòn, vừa gây dựng phong trào cách mạng tại tỉnh nhà. Đến năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, Xứ ủy Nam Kỳ được thành lập, bác Năm lại quay về Trà Vinh để thành lập các Chi bộ Cộng sản ở Cầu Ngang, tỉnh lỵ Trà Vinh từ những đồng chí trong Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và thành lập Tỉnh ủy Trà Vinh. Cũng trong thời gian này, đồng chí Dương Quang Đông được tham gia Xứ ủy Nam kỳ.

Năm 1931, bác Năm bị thực dân Pháp bắt, mọi đòn roi của kẻ thù đã không thể khuất phục được ý chí của người chiến sĩ cộng sản trung kiên. Sau khi ra tù, bác lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng cho đến khi chuẩn bị Khởi nghĩa Nam Kỳ, sau đó, bác lại bị thực dân Pháp bắt giam đày đi căng Tà Lài. Tại đây, sau khi nghe tin Khởi nghĩa Nam Kỳ bị thực dân Pháp dìm trong bể máu, Xứ ủy bị bắt, tổ chức Đảng bị vỡ, bác Năm đã cùng các đồng chí trong chi bộ nhà tù, dưới sự lãnh đạo của Bí thư Chi bộ Trần Văn Giàu tổ chức vượt ngục trở về gầy dựng lại phong trào. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của một người tù vượt ngục bị truy nã khắp nơi, lại không nhận được sự chỉ đạo của Trung ương, với sự kiên trì và nhẫn nại của mình, bác Năm đã lặn lội khắp Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn rồi đi khắp các tỉnh miền Tây, các tỉnh miền Đông Nam Bộ để móc nối đồng chí cũ, khôi phục các tổ chức Đảng.

Ngày 13 tháng 10 năm 1943, sau mấy năm vất vả ngược xuôi, đối diện với bao gian nguy thử thách, bác Năm Đông đã triệu tập 11 đồng chí là Bí thư các tỉnh về Chợ Gạo dự Hội nghị thành lập Xứ ủy Nam kỳ và 12 đồng chí trở thành Xứ ủy viên. Bác Năm được hội nghị bầu làm Bí thư Xứ ủy, nhưng ông xin với hội nghị chỉ nhận chức vụ này trong khi chờ đợi bắt liên lạc với đồng chí Trần Văn Giàu. Sau khi đồng chí Trần Văn Giàu nhận chức vụ Bí thư thì đồng chí Dương Quang Đông là Thường vụ Xứ ủy kiêm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh. Ngày 24 tháng 8 năm 1945, Hội nghị Xứ ủy tổ chức tại Chợ Đệm, Xứ ủy Nam kỳ công bố lệnh Tổng khởi nghĩa, đồng chí Dương Quang Đông lập tức về Trà Vinh trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa, đã trực tiếp lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đứng lên khởi nghĩa giành lấy chính quyền. Khởi nghĩa tại Trà Vinh thắng lợi, bác Năm trở lên Sài Gòn và vào đêm 22 rạng ngày 23 tháng 9, bác Năm là người chỉ huy chiến đấu ở trụ sở Ủy ban Nhân dân Nam Bộ đóng ở Dinh Xã Tây, nay là trụ sở Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tiếng súng tại đây cũng chính là tiếng súng đầu tiên đánh trả thực dân Pháp sau ngày cướp chính quyền, mở màn cho Nam Bộ kháng chiến.

Tại cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên ngày 6 tháng 1 năm 1946 của nước Việt Nam độc lập, đồng chí Dương Quang Đông ứng cử tại đơn vị tỉnh Trà Vinh và được nhân dân Trà Vinh tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng bác Năm Đông đã không thể ra Hà Nội tham gia kỳ họp Quốc hội mà phải lên đường thực hiện trọng trách đặc biệt khác do Đảng giao phó. Đó là nhiệm vụ đi ra nước ngoài để mua sắm vũ khí, xây dựng lực lượng đưa về nước tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp đang hồi nóng bỏng. Suốt những năm sau đó, bác Năm khi thì đóng vai một nhà buôn giàu có tại Thái Lan, khi thì bôn ba nơi rừng núi Campuchia để bí mật mua và vận chuyển vũ khí, tập hợp lực lượng, xây dựng thành những đội quân đưa về Nam Bộ tham gia kháng chiến.

Những đóng góp thầm lặng của bác Năm trong giai đoạn này đã góp phần tạo nên thế và lực mới trên chiến trường Nam Bộ. Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ được hà hơi tiếp sức từ lực lượng và vũ khí mà bác Năm cũng những đồng chí của mình từ hải ngoại đưa về, quân dân Nam Bộ đã có thể tiến hành các trận đánh lớn, đánh trả một cách hiệu quả các cuộc càn quét của thực dân Pháp.

Bác Năm và những chiến công thầm lặng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, đồng chí Dương Quang Đông được Đảng phân công phụ trách công tác chuyển quân tập kết các đơn vị công tác ở Campuchia về khu IX. Sau đó ở lại miền Nam, trực tiếp đấu tranh với địch, chuẩn bị cho ngày Hiệp thương Tổng tuyển cử như Hiệp định đã quy định. Chấp hành sự phân công của Xứ ủy, năm 1954, ông tham gia vào Khu ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, phụ trách công tác binh vận.

Thời gian này, tuyến giao liên giữa Trung ương, Chính phủ với Nam bộ thường bị gián đoạn trong khi Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn phải chuẩn bị lên đường ra Bắc báo cáo với Trung ương và Bác Hồ về tình hình đấu tranh ở Nam Bộ. Với kinh nghiệm ngược xuôi khắp Nam Bộ và nhiều năm phụ trách công tác giao liên của Xứ ủy cũng như các hoạt động vận chuyển người và vũ khí trong kháng chiến chống Pháp, bác Năm được Xứ ủy tín nhiệm điều động mở lại tuyến giao liên huyết mạch Bắc - Nam với phiên hiệu là Đoàn A53. Hệ thống giao liên chính là mạch máu thông tin của công tác lãnh đạo, đảm bảo được liên lạc thông suốt từ Trung ương đến cấp Xứ và đến các tỉnh là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, tuy thầm lặng song đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lãnh đạo cuộc kháng chiến của Đảng. Một hệ thống cơ sở trên suốt tuyến đường bộ từ Nam Bộ qua Campuchia, Lào, Thái Lan đến Hà Nội hoặc tuyến đường thủy Thái Lan – Hồng Kông – Hà Nội hoạt động liên tục, bảo đảm tuyến giao thông liên lạc thông suốt phục vụ nhu cầu lãnh đạo cuộc kháng chiến. Đặc biệt, Đoàn A53 đã tổ chức và đảm bảo an toàn nhiều chuyến vào Nam ra Bắc cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam trong những năm khó khăn nhất của cuộc kháng chiến.

Nghị quyết 15 của Đảng ra đời, cách mạng miền Nam bước sang một giai đoạn mới với cao trào Đồng Khởi. Chính quyền Ngô Đình Diệm phản ứng rất mạnh. Chúng liên tiếp đánh vào căn cứ ta. Binh lính địch tràn khắp rừng, tàn sát cả những người dân sống trên các nương rẫy. Trung ương Cục phải dời căn cứ lên tận rừng sâu Mã Đà, lương thực, thuốc men đều thiếu thốn, tiền nong cạn kiệt. Trong tình thế ngặt nghèo ấy, đồng thời để tuyến giao liên Bắc - Nam hoạt động ổn định, Trung ương Cục miền Nam giao cho bác Năm nhiệm vụ mở đường biển ra Hải Phòng, từ đó tổ chức các chuyến vận chuyển vũ khí vào miền Nam phục vụ nhu cầu của cuộc đấu tranh vũ trang đang ngày phát triển mạnh của nhân dân miền Nam. Vậy là người chiến sĩ dày dạn vốn sinh trưởng trên vùng quê biển Trà Vinh lại trở về với những tháng ngày lênh đênh trên biển theo suốt chiều dài đất nước, mưu trí vượt qua biết bao khó khăn, nguy hiểm, sự bao vây, kiểm soát của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại của kẻ thù, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao phó.

Những năm sau đó, bác Năm được Trung ương Cục cử sang phụ trách công tác kinh tài với cương vị Thường trực Hội đồng cung cấp tiền phương của Trung ương Cục miền Nam. Nhiều người cứ nghĩ rằng việc cung cấp là một việc hết sức bình thường và dễ dàng, nên đôi khi có vẻ xem thường nó. Thế nhưng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cách mạng cũng như một bộ máy, phải có phân công, người làm việc này, người làm việc khác nhưng việc nào cũng cần thiết, cũng quan trọng. Thí dụ trong một cái đồng hồ, những cái kim thì chạy suốt ngày đêm, những chữ số thì suốt đời đứng một chỗ. Nếu những chữ số cũng muốn chạy như cái kim, hay là cái kim cũng muốn đứng lại như chữ số thì không thành cái đồng hồ nữa”(1) và bác Năm trên cương vị mới lại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những năm cuối của cuộc kháng chiến, bác Năm được điều về nhận nhiệm vụ Phó ban Giao bưu Miền và công tác tại đây cho đến ngày toàn thắng. Có thể nói rằng, trong suốt hai cuộc kháng chiến, bác Năm đã luôn đảm nhận những công việc tuy thầm lặng nhưng hết sức khó khăn, phức tạp và với tinh thần trách nhiệm cao độ trước Đảng và nhân dân, bác Năm đều đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ.

Dương quang đông là ai
Toàn cảnh Hội thảo “Đồng chí Dương Quang Đông- Người cộng sản kiên trung, tận tụy, suốt đời vì Dân, vì Đảng”

Bác Năm Đông, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, suốt đời cống hiến vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì cuộc sống ấm no của nhân dân

Sau ngày đất nước thống nhất, bác Năm nghỉ hưu tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy không còn công tác nữa, nhưng bác Năm vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí thành phố. Ở tuổi ngoài 80, bác Năm lại được tín nhiệm bầu giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và giữ nhiệm vụ này đến khi gần tròn 100 tuổi.

Cho đến những năm cuối đời, bác Năm vẫn luôn đau đáu nghĩ đến những mảnh đời cơ cực. Vào năm 2000, bác đã bán căn nhà của mình để giúp đỡ cho đồng bào bị lũ lụt 40 lượng vàng và ủng hộ 20 lượng cho quỹ nhân đạo, từ thiện xã hội của Thành phố. Trước khi mất vài tháng, lúc đang nằm trên giường bệnh, bác đã cùng 18 nhà cách mạng lão thành ký lời "Tâm huyết biến tang lễ đau buồn thành việc làm từ thiện". Trong lễ tang của bác, con cháu không nhận vòng hoa mà thay bằng tiền phúng điếu để làm từ thiện. Thực hiện di nguyện, con cháu ông đã ủng hộ toàn bộ 103 triệu đồng tiền phúng viếng cho Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố.

Nói về đồng chí Dương Quang Đông - bác Năm Đông, là nói về một cuộc đời trải dài hai thế kỷ, với 80 năm hoạt động cách mạng, 70 năm tuổi Đảng, bác Năm đã gắn trọn đời mình với lý tưởng cộng sản, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân. Trong hơn hai phần ba thế kỷ hoạt động cách mạng liên tục tại thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và toàn Nam Bộ, bảy lần bị địch bắt, sáu năm ngồi tù của Pháp, Mỹ, Thái Lan, bác Năm luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng và ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, sáng tạo, tâm huyết và khiêm nhường, suốt đời vì dân, vì nước, vì Đảng. Suốt cuộc đời cống hiến không màng đến chức tước danh vị. Luôn khiêm tốn, chan hòa với mọi người, can đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, luôn xác định rằng cuộc đời mình và sự nghiệp của mình thuộc về Đảng, về nhân dân chứ không phải của riêng cá nhân mình. Ở vị trí nào, thực hiện nhiệm vụ nào, bác Năm luôn kiên trì, nhẫn nại thực hiện một cách có hiệu quả nhất, đem lại những lợi ích cao nhất cho cách mạng. Đồng chí Dương Quang Đông - Bác Năm Đông thật sự là một tấm gương sáng ngời về phẩm chất và đạo đức cách mạng. Tấm gương của một người cộng sản suốt đời tận tụy vì nước vì dân, mẫu mực trong lối sống, thầm lặng cống hiến cho sự nghiệp của Đảng mà không gợn một chút lợi danh, không màng một chút quyền lực.

Trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang ra sức, quyết tâm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thì tấm gương của bác Năm Đông và nhiều đồng chí cách mạng tiền bối cần được đề cao hơn nữa cho mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay soi vào để tự răn mình, luôn xứng đáng với các bậc lão thành Cách mạng đi trước, thật sự vì Đảng, vì đất nước, vì nhân dân mà nỗ lực, rèn luyện và phấn đấu không ngừng.

____________________________________

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.180

Thân Thị Thư

Tin liên quan