Hệ số điều chỉnh giá đất tối đa là bao nhiêu?

     Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư tư vấn giúp: Luật đất đai hiện hành quy định về vấn đề áp dụng giá đất cụ thể xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh như thế nào? Mong Luật sư tư vấn giúp! Tôi xin chân thành cảm ơn!

Thị trường đất đai có liên quan đến nhiều thị trường khác và những biến động của thị trường này có ảnh hưởng đến nền kinh tế và đời sống dân cư. Vì vậy định giá đất đai đúng với giá trị của nó có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế thị trường. Hiện nay có 05 phương pháp định giá đất trong đó phổ biến có thể kể đến phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất trong định giá đất. Luật Phamlaw kính mời quý khách hàng tìm hiểu cùng chúng tôi qua bài viết dưới đây.

Mục lục

1. Phương pháp hệ số điều chỉnh là gì?

Hệ số điều chỉnh giá đất được hiểu cơ bản là hệ số để nhằm mục đích có thể xác định giá đất có tính phí sử dụng đất, tiền sử dụng đất được tính khi Nhà nước tiến hành giao đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép mục đích sử dụng đất hay cho thuê (trừ trường hợp giao đất thông qua hình thức đấu giá), hệ số điều chỉnh giá đất hay còn được gọi là hệ số K.

Hệ số điều chỉnh giá đất hiện nay được Sở tài chính xác định hàng năm. Tại mỗi địa phương khác nhau thì ta nhận thấy, hệ số điều chỉnh giá đất cũng sẽ có sự khác biệt. Bên cạnh đó thì hệ số điều chỉnh giá đất cũng được xác định tùy theo từng khu vực, tuyến đường, vị trí, mục đích sử dụng đất và điều kiện kinh tế, xã hội tại từng địa phương.

Sau khi đã được Sở Tài Chính xác định, hệ số điều chỉnh giá đất sẽ được ban hành bởi Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân thành phố.

Do vậy, theo khoản 5 Điều 4 Nghị định Số 44/2014/NĐ-CP định nghĩa về phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được hiểu là phương pháp định giá đất bằng cách sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất nhân với giá đất trong bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.

2. Điều kiện áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất

Phương pháp này được áp dụng trong những trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định 44/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

– Các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 4 Điều 114 (a) Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở sang đất ở đối với phần diện tích vượt hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân. Tính tiền thuê đất đối với đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất, vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; b) Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức mà phải nộp tiền sử dụng đất; c) Tính tiền thuê đất đối với trường hợp Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; d) Tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tính tiền thuê đất đối với trường hợp doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm); Khoản 2 Điều 172 (Tổ chức kinh tế, tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê và phải xác định lại giá đất cụ thể để tính tiền thuê đất tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển sang thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của Luật này) và Khoản 3 Điều 189 ( Người mua tài sản được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời hạn sử dụng đất còn lại theo giá đất cụ thể, sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định trong dự án) mà thửa đất hoặc khu đất của dự án có giá trị (tính theo giá đất trong bảng giá đất) dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương; dưới 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao; dưới 20 tỷ đồng đối với các tỉnh còn lại; đối với trường hợp thuê đất thu tiền hàng năm mà phải xác định lại đơn giá thuê đất để điều chỉnh cho chu kỳ tiếp theo; giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm;

– Trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 4 Điều 114 của Luật Đất đai 2013 (đ) Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai) đối với dự án có các thửa đất liền kề nhau, có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi và thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự nhau.

Như vậy, để áp dụng được phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất cần đáp ứng đúng quy định của pháp luật cụ thể được nêu trên.

3. Trình tự, nội dung xác định giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh

Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, cụ thể như sau:

– Bước 1: Tiến hành khảo sát, thu thập thông tin:

+ Khảo sát, thu thập thông tin về giá đất của tối thiểu 03 thửa đất đã chuyển nhượng trên thị trường, trúng đấu giá quyền sử dụng đất trong khoảng thời gian không quá 02 năm tính đến thời điểm định giá tại từng vị trí đất (theo bảng giá đất) thuộc khu vực định giá đất.

Trong trường hợp tại khu vực định giá đất không đủ thông tin về giá đất thì thu thập thông tin tại khu vực lân cận có điều kiện tương tự về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với khu vực định giá đất.

Trong quá trình khảo sát, thu thập giá đất thị trường, người điều tra thực hiện theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Thông tư 33/2017/TT-BTNMT.

+ Đối với trường hợp thửa đất xác định được các khoản thu nhập, chi phí từ việc sử dụng đất thì thu thập thông tin về thu nhập, chi phí từ việc sử dụng đất của tối thiểu 03 thửa đất để xác định giá đất theo phương pháp thu nhập tại từng vị trí đất (theo bảng giá đất) thuộc khu vực định giá đất.

+ Thu thập thông tin về điều kiện kinh tế – xã hội tại địa phương.

– Bước 2: Xác định giá đất phổ biến trên thị trường của từng vị trí đất:

+ Các chủ thể sẽ thống kê giá đất thị trường theo từng vị trí đất đối với các thông tin đã thu thập được theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 10 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT.

+ Việc xác định giá đất phổ biến trên thị trường của từng vị trí đất thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 3 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất (sau đây gọi là Nghị định số 44/2014/NĐ-CP).

Đối với trường hợp giá đất trên thị trường tập trung vào một khoảng giá thì giá đất phổ biến trên thị trường của từng vị trí đất được xác định bằng cách lấy bình quân số học của các mức giá đất tại vị trí đất đó.

– Bước 3: Xác định hệ số điều chỉnh giá đất:

Hệ số điều chỉnh giá đất được xác định căn cứ vào giá đất phổ biến trên thị trường, điều kiện kinh tế – xã hội cụ thể tại địa phương và giá đất trong bảng giá đất. Đối với trường hợp không đủ thông tin về giá đất thị trường để xác định giá đất phổ biến trên thị trường quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 10 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT thì sẽ cần phải căn cứ vào điều kiện kinh tế – xã hội cụ thể tại địa phương, giá đất cụ thể đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, giá đất trong bảng giá đất để xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất.

Hệ số điều chỉnh giá đất quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP được xây dựng đối với từng loại đất, vị trí đất theo dự án; đối với trường hợp khu vực có nhiều dự án thu hồi đất tại cùng một thời điểm và có các đặc điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thì hệ số điều chỉnh giá đất được xây dựng đối với từng loại đất, vị trí đất theo khu vực.

– Bước 4: Xác định giá đất của từng thửa đất cần định giá

Giá đất của thửa đất cần định giá = Giá đất trong bảng giá đất x Hệ số điều chỉnh giá đất.

Như vậy, trình tự, nội dung xác định giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất cần được thực hiện theo đúng quy định được nêu cụ thể bên trên để phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đảm bảo được vai trò và hoạt động của nó.

Trên đây tư vấn của Phamlaw đối với nội dung Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất trong định giá đất? Nếu có những thắc mắc cần hỗ trợ và giải đáp tư vấn pháp luật đất đai, vui lòng liên hệ trực tiếp với Phamlaw qua các đầu số hotline 097 393 8866 hoặc 091 611 0508 để được giải đáp và hỗ trợ nhanh nhất.