Kế hoạch học ngoại ngữ hiệu quả

Ở bài viết này mình sẽ chia sẻ với các bạn 12 tips học ngoại ngữ hiệu quả mà mình đã tìm hiểu và áp dụng, giúp bản thân học tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Hàn tốt hơn.

12 tips sẽ được chia thành 3 phần chính: phần 1 (1-4) sẽ gồm các tips liên quan đến duy trì động lực, quản lý kế hoạch và thời gian học; phần 2 (5-8) là các tips về cách học hiệu quả, và phần 3 (9-12) gồm các tips “nho nhỏ” nhưng không kém phần quan trọng, ví dụ như học với app, nghe podcast, hay là cách học nhiều ngoại ngữ cùng một lúc.

Các bạn cũng có thể xem video mình đăng trên YouTube với cùng nội dung như trên. Video này thật ra là đoạn record lại buổi workshop online chia sẻ về chuyện học ngoại ngữ do Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Đại học Ngoại Ngữ – Đà Nẵng tổ chức, mà ở đó mình tham gia với tư cách là một diễn giả. Mình nhận thấy nội dung của buổi workshop có thể sẽ hữu ích cho tất cả các bạn học sinh, sinh viên, thế nên mình đã xin phép được sử dụng phần record để đăng lên trên kênh YouTube của mình, để mọi người có thể xem và tham khảo, coi như là một buổi workshop free cho tất cả mọi người.

PHẦN 1

Tip #1. Framework xây dựng động cơ, mục đích học tập

Đây là một mô hình giúp ta thấy rõ được mục đích, động cơ học ngoại ngữ của bản thân, qua đó giúp duy trì động lực học tập.

4 bước xây dựng framework:

Bước 1: Tìm ra lí do, sự kiện có ảnh hưởng đến quyết định học ngoại ngữ. Trả lời câu hỏi: “Rốt cuộc vì sao bản thân lại học ngoại ngữ này?”. Sau đó, chọn ra một lí do, sự kiện mà bạn cảm thấy là quan trọng nhất.

Bước 2: Khi đã chọn được một lí do, sự kiện quan trọng, hãy tự hỏi rằng sự kiện đó đã ảnh hưởng như thế nào đến suy nghĩ, hành động và thói quen của bạn?

Bước 3: Đánh giá xem những hành động, suy nghĩ hay thói quen đó là tích cực hay tiêu cực

Bước 4: Nếu như là điều tích cực, lí giải vì sao nó là điều tích cực.

Ví dụ: Vì sao Kira lại học tiếng Hàn?

Bước 1: Tìm ra các lí do: Vì Kira thích K-pop, K-drama; vì Kira từng gặp gỡ và làm quen rất nhiều bạn Hàn hồi còn đi du học Nhật; vì Kira muốn học một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh và tiếng Nhật → Lí do thứ 2 là quan trọng nhất

Bước 2 + 3: Gặp bạn Hàn bên Nhật đã ảnh hưởng đến Kira như thế nào? Tích cự hay tiêu cực?

  1. Mỗi khi gặp là lại “bắn” ra vài câu tiếng Hàn đơn giản (+)
  2. Đi hát karaoke với bạn Hàn, hát tiếng Hàn nhiều hơn (+)
  3. Khi ở một mình cũng hay tự lẩm bẩm vài câu cú tiếng Hàn (+)

Kế hoạch học ngoại ngữ hiệu quả

Đây là một phương pháp giúp cụ thể hóa mục tiêu học ngoại ngữ, giúp ta thiết lập kế hoạch một cách rõ ràng hơn.

Bước đầu tiên cần phải làm, đó là biến mục tiêu cần thực hiện thành một chỉ số có thể đo lường được. Ví dụ, nếu mục tiêu ban đầu là “học hết mẫu ngữ pháp N1”, thì bạn có thể đổi sang thành “hoàn thành 200 mẫu”. Sau đó, hãy chia nhỏ mục tiêu đó thành 1/100 và bắt tay thực hiện 1% đầu tiên (mỗi ngày 2 mẫu).

Nếu làm tốt hơn 1% mỗi ngày, sau 1 năm bạn sẽ trở thành phiên bản tốt hơn 37 lần hiện tại – James Clear (tác giả cuốn sách Atomic Habits)

Tips đặc biệt từ Kira:

Với ngữ pháp, hãy dành vài trang đầu trong cuốn vở ghi chú để liệt kê hết toàn bộ các mẫu ngữ pháp đã/đang/sẽ học, sử dụng bút dạ highlight để đánh dấu phân loại độ khó, rồi áp dụng phương pháp 1/100 để phân chia số lượng mẫu cần học mỗi ngày.

Kế hoạch học ngoại ngữ hiệu quả

Pomodoro có lẽ không còn lạ lẫm gì với mọi người. Đây là một phương pháp phân chia thời gian học tập và làm việc thành một hiệp gồm 25 phút tập trung và 5 phút nghỉ giải lao. Việc chia nhỏ thời gian học tập và làm việc sẽ giúp:

  • Giúp bản thân nhận thức được rõ hơn về mặt thời gian
  • Tăng cường khả năng tập trung trong thời gian ngắn
  • Giảm thiểu sự mệt mỏi (tinh thần + thể chất) nhờ xen kẽ các hiệp nghỉ 5 phút.

Tip #4. Ghi chú lại quá trình học tập (nhật ký học tập)

Khi học ngoại ngữ, hay chuẩn bị sẵn cho bản thân một cuốn sổ (sổ tay, vở…), ghi lại mục tiêu cần hoàn thành mỗi ngày, cũng như ghi chú quá trình học tập ngày hôm đó của bản thân. Bạn có thể kết hợp với tip #3 – phân chia thời gian với phương pháp pomodoro. Cụ thể, hãy chia khoảng thời gian học trong một buổi thành các hiệp pomodoro 25 phút, và ghi chú lại nội dung bản thân đã hoàn thành trong từng hiệp 1 (bạn cũng có thể ghi lại trước khi học và coi đó như là một deadline nhỏ cần thực hiện cho mỗi hiệp).

Việc ghi chú lại quá trình học tập cũng tương tự như phương pháp “habit tracking” (theo dõi thói quen), giúp ta nhìn thấy rõ thành quả cố gắng mỗi ngày, qua đó giúp duy trì động lực học tập một cách lâu dài.

PHẦN 2

Trước khi nói về tip #5, mình muốn giới thiệu về phương pháp “Active Recall” (chủ động gợi nhớ). Đây là một phương pháp học tập dựa trên nguyên lý gợi nhớ lại những kiến thức và thông tin đã có theo một cách chủ động nhằm củng cố trí nhớ dài hạn. Một vài ví dụ của phương thức chủ động gợi nhớ bao gồm: tự gợi nhớ lại sau mỗi lần đọc một đoạn, tái diễn đạt bằng lời nói của chính mình, trắc nghiệm hóa phần đã học,…. Ở đây mình chia sẻ hai phương pháp active recall mà bạn có thể áp dụng trong việc học ngoại ngữ.

Tip #5. Chủ động gợi nhớ khi đang ghi chép

Chúng ta thường có thói quen vừa nhìn SGK vừa chép ra vở, và đôi lúc trong vô thức mặc dù mắt đang nhìn chữ, tay đang ghi chép, nhưng đầu óc ta lại nghĩ ngợi về một điều gì khác, thành ra việc ghi chép nó chỉ dừng lại đơn thuần là “chép”. Thay vì vừa nhìn vừa chép, hãy xen kẽ một vài bước nhỏ, ví dụ như sau khi đọc một đoạn trong sách thì hãy rời mắt khỏi sách (hoặc gập sách lại), rồi gợi nhớ lại xem mình vừa đọc cái gì, sau đó ghi ra vở mà không nhìn vào sách (lúc quên thì có thể nhìn lại cũng được). Việc chủ động gợi nhớ lại kiến thức vừa mới “dung nạp” vào não bộ chỉ vài giây trước cũng sẽ giúp bạn ghi nhớ thông tin tốt hơn, và giúp việc ghi chú trở nên thực sự hiệu quả.

Tip #6. Tái diễn đạt + dạy trong tưởng tượng

Đây là một phương pháp ghi nhớ kiến thức đã học mà bản thân mình luôn áp dụng trong việc học ngữ pháp. Tái diễn đạt là việc bạn học và tiếp thu kiến thức, sau đó tự giải thích lại bằng cách diễn đạt của bản thân. Ví dụ: Sau khi học xong mẫu ngữ pháp A, thì bạn có thể dành khoảng 2′ để tự giải thích lại ý nghĩa của ngữ pháp A bằng lời nói, cách diễn đạt của bản thân.

“Mình vừa mới học mẫu ngữ pháp A. Ngữ pháp này dùng để… Cách phân chia là như thế này, ví dụ cụ thể như là …”

Bạn có thể kết hợp phương pháp tái diễn đạt với việc “dạy trong tưởng tượng” (cái tên là do mình tự nghĩ ra), tức là tưởng tượng bạn đang dạy lại cho một ai khác chính kiến thức mà bạn vừa học.

“Bây giờ mình sẽ giải thích lại mẫu ngữ pháp A cho các bạn nhé. Ngữ pháp này dùng để… Cách phân chia là như thế này, ví dụ cụ thể như là …”

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu bạn nghĩ rằng bản thân cần học để sau đó dạy lại cho người khác thì kết quả thi cử của bạn sẽ tốt hơn so với việc nghĩ “học để thi”.

Năm 2014, trường đại học Washington đã tiến hành một cuộc khảo sát rất thú vị. Sinh viên được chia thành 2 nhóm.

  • Nhóm 1: vừa học vừa nghĩ đến việc “học xong là phải làm bài kiểm tra”
  • Nhóm 2: vừa học vừa nghĩ đến việc “học xong là phải dạy lại cho người khác”

Kết thúc quá trình học, sinh viên của cả 2 nhóm đều được cho làm một bài kiểm tra, và kết quả cho thấy sinh viên nhóm “học để dạy” (nhóm 2) có thành tích trung bình tốt hơn 28% so với nhóm “học để thi” (1).

Vì vậy, hãy thử nghĩ rằng, bạn đang học vì một lát nữa, hoặc hôm sau lên lớp bạn phải dạy người khác về nội dung đó.

Tip #7. Phương pháp lặp lại ngắt quãng (Spaced Repetition)

Đây là phương pháp ghi nhớ hiệu quả rất phổ biến đã được khoa học chứng minh. Phương pháp này được xây dựng dựa trên mô hình “The Forgetting Curve” (đường cong của sự lãng quên). Sau 1 ngày khả năng ghi nhớ một thông tin có thể chỉ còn 40%, và sẽ giảm dần theo ngày. Thay vì ngày nào cũng can thiệp để giúp gợi nhớ lại thông tin, thì chỉ cần can thiệp một cách ngắt quãng, ví dụ như sau 1 ngày, sau 3 ngày, sau 6 ngày, sau 1 tháng.

Kế hoạch học ngoại ngữ hiệu quả

Spaced Repetition giúp ta ghi nhớ lâu hơn nhờ việc rèn luyện khả năng gợi nhớ lại kiến thức đã phai mờ, đồng thời tránh việc ngày nào cũng phải ôn đi ôn lại kiến thức như nhau. Phương pháp này rất phù hợp để áp dụng cho việc học từ vựng, và hiện tại thì có rất nhiều ứng dụng tích hợp tính năng SR, ví dụ như Anki, Mochi Mochi,…

Các bạn có thể tham khảo video “ÔN THI HIỆU QUẢ bằng phương pháp khoa học: ACTIVE RECALL và SPACED REPETITION” của chị Chi (The Present Writer) để biết rõ hơn về hai phương pháp học tập hiệu quả này nhé!

Tip #8. Sử dụng tính năng nhận diện giọng nói trên điện thoại

Đã bao giờ bạn thử tra từ điển trên điện thoại bằng lời nói thay vì gõ phím?

Trong thời đại ngày nay, điện thoại nào cũng sẽ tích hợp tính năng sử dụng giọng nói (voice recognition), giúp bạn có thể thực hiện các thao tác trên điện thoại mà không cần dùng đến bàn phím (Hey, Siri,…)

Bạn cũng có thể sử dụng nó cho việc học ngoại ngữ, ví dụ như tra từ điển bằng lời nói. Việc làm này sẽ giúp bạn luyện phát âm, bởi bạn cần phải phát âm chuẩn để điện thoại có thể nhận diện được đúng từ ngữ bạn cần tìm, và nó cũng giúp bạn giải quyết vấn đề gặp khó khăn khi sử dụng bàn phím của thứ tiếng mà bạn đang học.

Một khi đã quen với việc sử dụng tính năng này, bạn thậm chí còn có thể viết nhật ký bằng lời nói. Mình có thói quen tường thuật lại một ngày của bản thân vào buổi tối, và lúc đó mình sẽ sử dụng voice recognition để kể lại bằng lời nói, sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng Nhật, qua đó giúp bản thân duy trì việc nói ngoại ngữ, kể cả khi ở một mình.

PHẦN 3

Tip #9. Học ngoại ngữ trên ứng dụng

Bên cạnh việc học ngoại ngữ theo kiểu truyền thống, bạn cũng có thể học qua ứng dụng như một phương thức bổ trợ. Ở đây, mình muốn giới thiệu 3 apps mà bạn có thể tham khảo. Đây đều là những ứng dụng giúp bạn có thể hình thành thói quen nhỏ trong việc học ngoại ngữ, tức là mỗi ngày bạn chỉ cần thực hiện một bài tập “rất nhỏ” trong ứng dụng, và có thể duy trì việc làm đó một cách lâu dài.

  1. Lingodeer: Ứng dụng học ngoại ngữ yêu thích nhất của mình, phù hợp cho mọi đối tượng, đặc biệt là những người mới bắt đầu tự học một ngoại ngữ nào đó. Quiz tương đối đa dạng, và phần giải thích ngữ pháp rất cụ thể. Một khi bạn mua gói học thì có thể truy cập mọi tính năng cũng như học rất nhiều ngoại ngữ khác nhau.
  2. Mochi Mochi: Ứng dụng học từ vựng duy nhất tích hợp tính năng học từ vựng theo phương pháp Spaced Repetition. Có phiên bản học từ vựng tiếng Anh và tiếng Nhật. Mochi có sẵn kho từ vựng theo chủ đề nên ứng dụng này sẽ rất phù hợp cho những ai… lười tạo flashcard :))
  3. Memrise: Tập trung nhiều vào việc dạy các câu nói hội thoại theo chủ đề, kèm theo cả video nói mẫu từ người bản xứ, rất phù hợp để học cách phát âm cũng như cách nói một câu hoàn chỉnh trong đời sống hàng ngày.

Tip #10. Học ngoại ngữ trên Podcast

Với một chiếc điện thoại và tai nghe, bạn có thể truy cập rất nhiều kênh podcast ngoại ngữ có nội dung phù hợp với nhu cầu nghe của bạn. Podcast hay ở chỗ bạn có thể vừa nghe vừa làm việc khác, ví dụ như vừa nghe vừa tập thể dục, vừa nghe vừa rửa bát,… Cá nhân mình không đặt nặng vấn đề học nghiêm túc mỗi khi nghe podcast, thay vào đó mình coi việc nghe podcast như một hình thức giúp bản thân tiếp xúc với ngoại ngữ nhiều hơn, giúp tắm “ngôn ngữ” thường xuyên thông qua việc nghe. Nếu bạn có hỏi bí quyết đạt 9.0 nghe IELTS của mình là gì, thì mình sẽ trả lời đó là “ngày nào cũng nghe podcast BBC 2 tiếng khi tập gym”.

Tip #11. Cách học và duy trì nhiều ngoại ngữ cùng một lúc

Học ngoại ngữ lâu năm giúp mình nhận ra một điều rằng, rất khó để dành thời gian học chuyên sâu 2, 3 ngoại ngữ cùng một lúc. Gần như là rất rất khó để có thể vừa ôn thi IELTS, vừa ôn thi JLPT lại vừa ôn thi TOPIK. Để có thể học và duy trì nhiều ngoại ngữ cùng một lúc, trong một thời điểm mình sẽ chỉ học chuyên sâu một ngoại ngữ và các thứ tiếng còn lại mình sẽ cố gắng sử dụng nó thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày, ví dụ như đọc sách, nghe podcast, xem YouTube, hay là viết nhật ký.

Học chuyên sâu ngoại ngữ A + Duy trì và trau dồi ngoại ngữ B, C…

Tham khảo thêm: Phương pháp học và duy trì 2 ngoại ngữ của mình

Tip #12. Đem ngoại ngữ vào cuộc sống hàng ngày

Tip cuối cùng, đó là: hãy cố gắng sử dụng ngoại ngữ thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Nếu bạn đang học một ngoại ngữ nào đó, hãy bắt đầu bằng việc tập ghi thứ ngày tháng, giờ dậy hay là các hoạt động cơ bản bằng thứ tiếng đó. Việc này sẽ giúp bạn thực sự sử dụng ngôn ngữ đó, và cũng giúp ghi nhớ bảng chữ cái khi mới bắt đầu học. Một khi trình độ ngoại ngữ trở nên tốt hơn thì bạn có thể dùng nó cho các hoạt động khác như viết nhật ký, đọc sách, nghe podcast,…

Cám ơn các bạn đã đọc hết bài viết này. Mình hi vọng là 12 tips này sẽ có ích và được các bạn áp dụng vào trong việc học ngoại ngữ của bản thân. Đây cũng sẽ là bài viết cuối cùng có nội dung về học tập được chia sẻ trong năm 2021 này. Mình rất biết ơn vì những bài viết và vlog chia sẻ về chuyện học tập luôn được các bạn đón nhận một cách tích cực. Mặc dù bản thân không còn phải đi học trên trường nữa, nhưng việc học sẽ vẫn luôn gắn bó với mình trong suốt hành trình phát triển cá nhân sau này. Vì vậy sang năm mình sẽ tiếp tục làm các study vlog, viết các bài viết chia sẻ về tips và kĩ năng học ngoại ngữ hay việc học nói chung, thế nên các bạn hãy đón chờ nha! Thanks!

Stay focused, be present.

Kira