Nguyên nhân phụ nữ bị nứt nẻ môi

25-03-2009

Theo TS Nguyễn Thị Lai  thì vào mùa đông, thời tiết hanh khô là thủ phạm làm mất nước, khiến môi khô nứt nẻ, đóng vảy thậm chí rớm máu, gây bất tiện và khó chịu cho không ít người.

Càng liếm môi càng nẻ nhiều

TS Nguyễn Thị Lai cho biết, trên bề mặt toàn bộ của da thì làn môi là “yếu thế” nhất, bởi vì không có một lớp phòng thủ nào giúp môi tự bảo vệ mình. Da môi của chúng ta rất khác với da mặt và các phần da khác trên cơ thể. Da trên cơ thể có rất nhiều lớp, tự sản sinh ra melanin - chất tạo nên một lớp da rám nắng có vai trò như một màn chắn, bảo vệ các lớp da bên trong khỏi bị các tia cực tím phá huỷ khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Da môi có rất ít sắc tố melanin, nên ít được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời. Nó cũng không được những lớp mô dày che phủ, không có tuyến nhờn nên dễ bị khô và tổn thương.

Theo BS Phạm Thị Kim Anh, Bệnh viện Da liễu Trung ương, khô, nứt môi là hiện tượng da môi bị thiếu nước. Có thể do những nguyên nhân như: Không khí ngoài trời khô và lạnh, không khí trong nhà khô và nóng, ánh nắng mặt trời quá gắt, thở bằng miệng…và  đặc biệt là thói quen liếm môi, càng liếm càng đau và môi càng bị khô nguyên nhân là do trong nước bọt có chứa men tinh bột, tương đối dính. Khi nước bọt bốc hơi hết, men tinh bột dính lại trên môi, khiến môi càng khô, dễ bị nẻ gây chảy máu.

Những sát thủ gây “bệnh”

Ngoài thói quen liếm môi như trên, các chuyên gia về da liễu nhấn mạnh đến một số tác nhân gây “bệnh” chính như: Nhiệt độ, mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm.

- Nhiệt độ:Mặc dù thời tiết và gió lạnh thường bị kết tội, nhưng nhiều khi đó không phải là thủ phạm chính. Bởi tình trạng này có thể gặp ở bất kỳ thời tiết nào: không khí lạnh và hanh khô hay tiết trời ấm áp. Vấn đề chính là ở các thiết bị sưởi ấm trong nhà, trên ô tô, chúng thường lấy đi độ ẩm của không khí và nghiễm nhiên dẫn tới tình trạng khô môi. Ngoài ra, đôi môi vẫn có thể bị rám nắng vào những ngày trời nổi gió, nhiều mây.

- Mỹ phẩm:Đặc biệt thận trọng với các loại có chứa các chất kích thích, khiến da môi bị bong tróc. Chất capsacin (chiết xuất từ ớt ngọt), bạc hà và tinh dầu bạc hà là các thành phần nên tránh. Phenol - một thành phần dùng trong các loại  truyền thống cũng có thể đẩy nhanh quá trình làm khô da môi, nhưng lại không bao giờ được đề cập trong các quảng cáo hấp dẫn.

- Thực phẩm:Các loại thực phẩm nhiều gia vị và axít trong các loại quả họ cam, quýt có thể gây “bỏng” môi, dẫn tới hiện tượng môi khô và tấy. Những người dị ứng với lạc nên chú ý các sản phẩm dưỡng môi có chứa thành phần như shea butter (chất béo có trong cây hạt mỡ).

- Dược phẩm:Nếu các nguyên nhân kể trên đã được loại trừ thì hãy tìm kiếm “thủ phạm” trong tủ thuốc. Một số loại thuốc trị mụn có thể đóng vai trò quan trọng dẫn tới tình trạng khô môi, dù bạn không hề bôi chúng lên môi. Các sản phẩm trị mụn trực tiếp dạng bôi và các sản phẩm chống lão hoá chẳng hạn như benzoyl peroxde, axít alpha-hydroxy hay retinoids có thể gây kích thích khi chúng được bôi gần môi. Những thủ phạm khác bao gồm tình trạng khử nước, thói quen thường xuyên liếm môi, bặm môi và do ngạt mũi (phải thở đường miệng)... đều có thể làm làn môi của bạn trở nên khô và đau nhức.

Cung cấp đủ nước bằng ăn, uống

Để phòng tránh cho làn môi khô và nứt nẻ vào mùa đông, BS Huỳnh Huy Hoàng, Bệnh viện Da liễu TPHCM khuyến nghị, ngoài việc cần tránh các yếu tố gây khô môi như đã nêu ở trên, còn phải uống nhiều nước, đảm bảo 1,5 – 2 lít mỗi ngày để cung cấp đủ nước cho làn môi giữa mùa hanh khô. Bổ sung vitamin tổng hợp. Bôi kem giữ ẩm 1-2 giờ/lần, hoặc dùng vaseline - kem chống nẻ rất tốt. Ăn thêm trái cây,  có chứa chất carotene như cà rốt, cà chua...

Đối với phụ nữ, nên dùng loại son giữ ẩm, giúp giảm đau, có chất chống nắng SPF15. Khi mua son, bạn nên chọn của các hãng uy tín và trung thành với sự chọn lựa đó. Hạn sử dụng son môi thường không vượt quá 6 tháng đến 1 năm từ ngày mở nắp. Bảo quản son nơi nhiệt độ thấp và tránh ánh sáng chiếu vào. Không cho mượn và mượn son môi của người khác, không sử dụng son môi có màu xỉn hoặc có mùi hăng dầu khó chịu. Chú ý loại bỏ ngay thỏi son môi không thích hợp khi có triệu chứng khô, nứt, bong tróc da, nứt nẻ, sưng phù, ngứa ngáy hoặc màu môi bị sậm xỉn.

QUỲNH THY
Theo GĐ&XH

Nguyên nhân phụ nữ bị nứt nẻ môi
Ảnh minh họa.

Nhiều người bị viêm môi dị ứng và tình trạng này cứ tái đi tái lại nhiều lần gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, muốn trị dứt điểm tình trạng này, trước tiên bạn cần phải hiểu tình trạng này là gì, dấu hiệu và nguyên nhân mình mắc phải.

Viêm môi dị ứng là gì?

Viêm môi dị ứng là một bệnh lý khá thường gặp ở nhiều người, không phân biệt giới tính và lứa tuổi. Tuy nhiên, phụ nữ thường dễ bị viêm môi dị ứng hơn đàn ông do cơ địa nhạy cảm và sức đề kháng yếu.

Khi bị dị ứng, cơ thể sẽ tạo ra một lượng lớn histamin (một loại amin có trong hệ miễn dịch) vào máu. Sự phản ứng này khiến môi bị sưng ngứa và tê rát hoặc gây nứt nẻ, bong tróc và chảy máu. Bệnh không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn khiến người bệnh đau rát môi khi nói chuyện hay ăn uống.

Dấu hiệu đầu tiên của tình trạng môi bị dị ứng và viêm là ngứa rát ở viền môi. Thông thường, môi dưới sẽ bị tổn thương trước. Tiếp đó bạn sẽ thấy môi mình sưng tấy lên. Qua khoảng 1 -2 ngày sau quan sát qua gương bạn sẽ thấy có rất nhiều mụn nhỏ li ti.

Một số người không bị sưng hay ngứa khi bị tình trạng này nhưng môi lại bị khô, nứt nẻ và bong tróc thành từng mảng. Người bệnh càng dùng tay gỡ lớp da bong tróc hoặc liếm môi thì tình trạng bong tróc, nứt nẻ và chảy máu da môi càng nghiêm trọng. Nếu gặp phải các triệu chứng trên, khả năng cao là bạn đang bị viêm môi dị ứng.

Bình thường, sau khoảng 7-10 ngày thì những triệu chứng trên bớt dần khi bạn không còn tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng nữa. Tuy nhiên, môi sẽ bị thâm đen, mất thẩm mỹ. Bạn phải mất một thời gian lâu để môi trở lại bình thường. Và khi vô tình tiếp xúc lại với tác nhân gây dị ứng thì bạn lại bị viêm và tình trạng lần sau bao giờ cũng nặng hơn lần đầu.

Nguyên nhân gây viêm môi dị ứng

Một số người cho rằng thời tiết gây viêm môi dị ứng. Đó là nhận định đúng nhưng chưa đủ bởi nguyên nhân gây ra tình trạng này rất phức tạp. Và thời tiết chỉ là một trong số đó. Mỹ phẩm, thuốc, thói quen sinh hoạt không đúng… là những nguyên nhân hàng đầu khiến môi bị viêm và dị ứng.

Thời tiết: Tình trạng viêm môi dị ứng có thể xảy ra vào bất cứ ngày nào trong năm. Tuy nhiên, vào thời điểm giao mùa, da môi sẽ dễ bị tổn thương nhiều hơn. Triệu chứng thường gặp nhất của tình trạng này là nổi mẩn ngứa và sưng môi.

Trong những ngày hanh khô, da môi dễ bị nứt nẻ, bong tróc và chảy máu. Cùng với đó, thói quen liếm môi của nhiều người khiến cho tình trạng khô môi càng trầm trọng hơn, gây viêm và dị ứng.

Mỹ phẩm: Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến môi bị viêm và dị ứng ở nữ giới. Việc sử dụng son môi bị nhiễm chì và chứa nhiều thành phần độc hại sẽ phá vỡ lớp bảo vệ tự nhiên và bào mòn da môi.

Điều đó khiến da bị tổn thương và dị ứng với những tác động dù là nhỏ nhất của môi trường bên trong và ngoài cơ thể. Cá biệt, một số loại son còn gây khô và nứt môi – những yếu tố đầu tiên khiến môi bị dị ứng và viêm.

Thuốc: Một số người bị dị ứng viêm môi do ảnh hưởng từ bệnh lý khác. Ví dụ như: lupus ban đỏ, dày sừng actinic, lichen… Bên cạnh đó, thành phần một số loại thuốc cũng gây ra tình trạng khô và viêm môi dị ứng nếu người dùng không thận trọng.

Thói quen sinh hoạt không đúng: Người hay thức khuya, uống không đủ nước và hay liếm môi là những người rất hay gặp phải tình trạng môi viêm và dị ứng. Da môi cũng như cơ thể đều cần đủ lượng nước một ngày để duy trì trạng thái cân bằng.

Thiếu nước không chỉ làm cơ thể mệt mỏi mà còn làm khô da, nhất là những vùng dễ tổn thương như da môi. Đặc biệt, khi phải thức khuya, cơ thể cần nhiều nước hơn để đào thải độc tố.

Cách điều trị viêm môi dị ứng

Muốn điều trị dứt điểm tình trạng môi bị dị ứng và viêm, bạn cần biết chính xác nguyên nhân gây. Bạn có thể đi khám chuyên khoa da liễu và theo dõi diễn biến bệnh của mình khi tránh xa các tác nhân gây dị ứng.

Tham khảo ý kiến của bác sĩ, nhà thuốc trước khi bôi thuốc kháng viêm và giảm sưng. Đơn cử như các chế phẩm chứa corticosteroid (mouth paste, orrepaste…). Bạn cũng có thể uống thêm kháng sinh histamin để chống dị ứng, giảm ngứa và một số vitamin dưỡng môi như B2, PP… Với những trường hợp nặng, bạn nên nhanh chóng đi đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Viêm môi dị ứng – một căn bệnh rất thường gặp và dễ tái đi tái lại nhiều lần nếu không tìm được nguyên nhân và có giải pháp phù hợp. Trường hợp không biết chắc mình có bị viêm hay không, nguyên nhân thế nào và cách điều trị ra sao, bạn nên trực tiếp đến các phòng khám và tìm chuyên gia tư vấn để tránh làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bạn nên sử dụng khẩu trang bằng vải cotton khi ra đường và luôn đảm bảo là khẩu trang đã được giặt sạch. Tránh để môi tiếp xúc với thức ăn bằng cách cắt nhỏ thức ăn và cho hẳn vào miệng. Tuyệt đối không được cào gãi khi môi đang tổn thương. Hạn chế liếm môi, bặm môi.

Để phòng chống bệnh viêm môi, bạn nên xây dựng thói quen ăn uống khoa học, uống đủ nước, không thức quá khuya. Ăn nhiều quả chứa AHA tốt cho da môi như: cam, bưởi, dưa lưới… Đừng lạm dụng mỹ phẩm. Không sử dụng mỹ phẩm, đặc biệt là son môi không có nguồn gốc rõ ràng. Da môi rất dễ bị tổn thương do đó bạn chỉ nên dùng các sữa rửa mặt êm dịu cho da như: Cetaphil, Α-derma, Avene… Dưỡng môi bằng Vaselin sẽ giúp môi bạn bớt khô và nứt, tránh tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây dị ứng.