Nhà du hành vũ trụ đầu tiên được phóng lên không gian

22 Tháng 01 Năm 2014 / 2610 lượt xem

Thời điểm cuối những năm 50 đầu những năm 60 của thế kỷ XX, Liên Xô luôn là nước dẫn đầu và đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực nghiên cứu, chinh phục vũ trụ. Thành tựu trong lĩnh vực này đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định vị thế của Liên Xô nói riêng và phe xã hội chủ nghĩa nói chung trên trường quốc tế. Bởi, trong thời gian này, cuộc chạy đua vào vũ trụ hay cuộc chạy đua vào không gian giống như cuộc chạy đua vũ trang. Cuộc tranh đua này đã trở thành một phần quan trọng của cạnh tranh về văn hóa, kỹ thuật và ý thức hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong Chiến tranh lạnh.

Bắt nguồn từ các vấn đề về kỹ thuật tên lửa và không khí chính trị quốc tế căng thẳng theo sau Thế chiến thứ hai, cuộc chạy đua vào vũ trụ chính thức bắt đầu sau khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik 1 lên quỹ đạo vào ngày 4/10/1957. Nhân loại thực sự bị chấn động khi hay tin các nhà khoa học Liên Xô đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên của trái đất. Mặc dù đó chỉ là một thiết bị đơn giản, định kỳ lại gửi tín hiệu điện đài về trái đất, song sự kiện này đã mở ra kỷ nguyên mới trong sự phát triển của loài người. Sau thành công đó, Liên Xô liên tiếp đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này như: là nước đầu tiên đưa động vật sống vào vũ trụ, khám phá mặt trăng, sao Hỏa, sao Kim…. Đây là nguồn cổ vũ rất lớn đối với các nước xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ.

Bằng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với nước Nga cùng sự quan tâm về KH&CN, từ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm theo dõi đến những sự kiện trọng đại này. Mỗi khi Liên Xô thực hiện thành công các chuyến bay vào vũ trụ, Người đều viết bài tuyên truyền về những thành công đó, đồng thời gửi điện chúc mừng và cho rằng thắng lợi của nhân dân Liên Xô anh em cũng là thắng lợi chung của các nước XHCN như: “Liên Xô vĩ đại” (bút danh Trần Lực, xuất bản thành sách tháng 10/1957), “Con người Liên Xô vĩ đại” (bút danh TL đăng trên báo Nhân dân ngày 16/1/1961), “Mỹ đã nhận thua Liên Xô” (bút danh TL, báo Nhân dân ngày 18/4/1961),… Trong bức điện mừng Liên Xô phóng thành công tên lửa lên mặt trăng, Người viết: “Nhân dân Việt Nam rất lấy làm sung sướng trước thành công về hỏa tiễn Liên Xô đã tới mặt trăng. Thành công đó là một thắng lợi mới của nền khoa học Xô Viết…”(1).

Ngày 12/4/1961, tên tuổi của công dân Liên Xô Yuri Gagarin đã vang lên hào hùng, đồng nghĩa với với sự đột phá của nhân loại, bắt đầu công cuộc chinh phục khoảng không vũ trụ bao la. Đó là ngày con tàu Phương Đông mang theo nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Yuri Gagarin, cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonua ở Kazakhstan, và bay vòng quanh Trái đất trong thời gian 1h48 và đã hạ cánh an toàn. Gagarin được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và bắt đầu từ năm 1962, ngày 12/4 được gọi là ngày Du hành vũ trụ, đồng thời cũng chính thức được công nhận là ngày Hàng không và Vũ trụ Quốc tế.

Từ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng “toàn thể nhân dân Việt Nam hết sức vui mừng và phấn khởi trước thành công rực rỡ của chuyến bay đầu tiên của con người Xô Viết đi vào vũ trụ” qua điện mừng gửi Đảng cộng sản Liên Xô được đăng trên báo Nhân dân số 2580 ngày 13/4/1961. Với bút danh T.L, Người đã viết bài “Thêm một thắng lợi vô cùng vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản” ca ngợi thành tựu khoa học vũ trụ này và dành cho nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin những lời tốt đẹp: “…người lái tàu là một thanh niên cộng sản 27 tuổi, đồng chí Gagarin, sau khi bay vòng quanh quả đất độ một giờ rưỡi, đã bay trở về Liên Xô bình an vô sự! Đó là một thắng lợi vô cùng rực rỡ.”(2). Trong bài nói chuyện với nhà báo Ooclốp phát trên Đài phát thanh Matxcova  tối ngày 15/4/1961, Người khẳng định: “Thành công khoa học của Liên Xô sẽ giúp tăng thêm hạnh phúc cho loài người và củng cố hòa bình trên thế giới”. Và để vinh danh người Anh hùng vũ trụ Liên Xô, ngày 13/1/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 03- LCT tặng danh hiệu Anh hùng lao động Việt Nam cho thiếu tá Gagarin đã có thành tích lần đầu tiên  bay vào vũ trụ trên con tàu vệ tinh “Phương Đông 1”. Chiều ngày 5/2/1962, Bác đã mời Đại sứ quán Liên Xô đến nhận Huân chương lao động và gửi thư cho Anh hùng vũ trụ Y. Gagarin. Trong thư, Người đã nhắn gửi ý nghĩa của tấm Huân chương anh hùng lao động Việt Nam (mà đến thời điểm đó chỉ có 31 người được nhận) và hi vọng: “Học tập tấm gương anh dũng của các đồng chí, từ nay về sau, trong hang ngũ lao động Việt Nam sẽ nảy nở nhiều anh hùng hơn nữa”(3). Ngày 29/3/1968, khi được tin đồng chí Y. Gagarin hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chia buồn tới các nhà lãnh đạo Liên Xô.

Tiếp theo chuyến bay thế kỷ của Gagarin, 4 tháng sau, Liên Xô lại phóng thành công tàu vũ trụ Phương Đông II do Ghecman Titốp (G. Titốp) điều khiển (6- 7/8/1961). Tàu vũ trụ Phương Đông II sau 25 giờ 11 phút đã bay được 17 vòng trái đất với hơn 703 nghìn cây số. Với sự kiện này, nhà du hành vũ trụ Titốp đã chứng minh rằng con người có thể sống và làm việc trong tình trạng không trọng lượng trong vũ trụ.

Nhận được tin vui, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện chúc mừng tới đồng chí Khơrútsốp - Bí thư thứ nhất BCHTƯ Đảng Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô và khẳng định: “Đối với thắng lợi của Liên Xô, nhân dân Việt Nam chúng tôi rất sung sướng và rất tự hào, vì đó là thắng lợi chung của phe xã hội chủ nghĩa và của toàn thể loài người”(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh rất vui mừng trước thành công của tàu vũ trụ Phương Đông II và nhà du hành vũ trụ Titốp. Để ca ngợi những thành tựu đó, để mỗi người dân Việt Nam hiểu và cùng chia vui với nhân dân Liên Xô, dưới bút danh TL, Người còn viết bài “Vượt hơn 1428 lần” đăng báo Nhân dân 10/8/1961,“Hai chế độ, hai kết quả” đăng báo Nhân dân 16/8/1961, và đặc biệt Người đã mời nhà du hành vũ trụ Titốp sang thăm Việt Nam.

Nhận lời mời của Trung Ương Đảng, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và của Bác Hồ, tháng 1 năm 1962, Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô - Thiếu tá G. Titốp đã sang thăm Việt Nam. Ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp thân mật tại ngôi nhà sàn. Thay mặt Đảng, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, ngày 21/1/1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Anh hùng Lao động Việt Nam cho G. Titốp và chính Người đã gắn Huân chương cao quý cho nhà du hành vũ trụ. Tối cùng ngày, tại buổi chiêu đãi Anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô, trong lời phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ý nghĩa, niềm tự hào của nhân dân thế giới trong đó có nhân dân Việt Nam trước “kỳ công của người phi công anh hùng Liên Xô” G. Titốp. Người mong: “Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, chúng ta cần học tập nơi đồng chí Titốp những đức tính cao quý, như trí tuệ dồi dào, tinh thần anh dũng, đức tính kiêm tốn, chí khí kiên quyết, vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ”(5).

 Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Anh hùng vũ trụ G.Titốp đi thăm thành phố Hải Phòng. Trong buổi mít tinh chào mừng Anh hùng vũ trụ Titốp đến thăm Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng chí Titốp sang đây mang theo tình đoàn kết anh em của nhân dân Liên Xô, đồng thời cũng mang theo kinh nghiệm thi đua hoàn thành kế hoạch nhà nước do Đảng và Chính phủ Liên Xô đề ra”(6). Người kêu gọi nhân dân Hải Phòng thi đua sản xuất, thực hành tiết kiệm và hứa: Đơn vị nào, xí nghiệp nào, tổ nào hoàn thành vượt mức kế hoạch, Người sẽ đề nghị với đồng chí Titốp tặng cho danh hiệu “ Titốp”. Đáp lại sự đón tiếp nồng hậu của hơn hai vạn nhân dân và các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc làm việc tại Hải Phòng, Anh hùng vũ trụ Titốp đã nói: “Chính vì để duy trì hòa bình, để cho mọi người được hưởng giấc ngủ ngon lành, để mỗi buổi sớm mai ngủ dậy được nhìn thấy bầu trời trong sáng, mà những nhà du hành vũ trụ Liên Xô đã thực hiện các chuyến bay vào vũ trụ”(7).  Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng G. Titốp có chuyến thăm Hồng Quảng (nay là Quảng Ninh). Sau khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo khu Hồng Quảng, sáng ngày 22-1-1962, Bác Hồ và Anh hùng du hành vũ trụ Liên Xô đi thăm Vịnh Hạ Long trên chiếc tàu Hải quân. Và cũng chính vào ngày đó, một hòn đảo nhỏ của vịnh Hạ Long đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên là đảo Titốp. Đồng chí Titốp cảm ơn và nói: “Đó thật là một vinh dự lớn lao cho cháu”.

Trong những ngày ở thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Anh hùng vũ trụ G.Titốp gặp gỡ các nhà làm công tác khoa học và giảng dạy Việt Nam, liên hoan với thanh niên thủ đô, thăm bảo tàng Cách mạng Việt Nam và dự mít tinh của nhân dân thủ đô chào mừng Anh hùng vũ trụ Titốp. Tại câu lạc bộ Quốc tế Hà Nội, sau khi đồng chí Titốp kể về tài năng, trí tuệ của các nhà khoa học, kỹ sư, công nhân Liên Xô đã sáng tạo ra vệ tinh nhân tạo, tàu vũ trụ, thực hiện ước mơ từ ngàn xưa của con người là bay vào vũ trụ, Người đã căn dặn cán bộ khoa học và giảng dạy Việt Nam phải ra sức nguyên cứu, học tập khoa học tiến tiến của Liên Xô, học tập tính dũng cảm, kiên cường, khiêm tốn của đồng chí Titốp. Có thể nói, đây là cuộc đón tiếp đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Anh hùng vũ trụ G. Titốp. Sau này có dịp thăm lại hòn đảo mang tên mình, G. Titốp đã viết: “Cảm ơn số phận đã cho tôi có dịp trở lại hòn đảo nhỏ xinh đẹp này! ".

Được đến thăm Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam nồng hậu đón tiếp, G. Titốp đã tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh cuốn sách “ 700000 kilômét trong vũ trụ”, kèm theo bức chân dung mình. Trên trang đầu cuốn sánh là lưu bút của tác giả với lời để tặng: “Kính tặng Bác Hồ với lòng biết ơn. G. Titốp. 24/01/62”. Cuốn sách hiện nằm trên giá sách phòng làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tầng 2 của nhà sàn.

Đáp lại tình cảm và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Liên Xô chuẩn bị đào tạo một nhóm các nhà du hành vũ trụ quốc tế từ các nước XHCN theo chương trình Interkosmos, G.Titốp  đã đề nghị các đồng chí Việt Nam tham gia và đề xuất cử Đại tá Phạm Tuân theo khóa huấn luyện của chương trình này. Năm 1980, lời tiên đoán: “Tôi tin rằng trong tương lai chắc sẽ có đại diện của thanh niên Việt Nam bay vào vũ trụ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành hiện thực. Phạm Tuân- người Việt Nam và Châu Á đầu tiên, đã bay vào vũ trụ cùng với nhà du hành vũ trụ Liên Xô Victor Gorbatcô. Những năm cuối đời, G. Titốp giữ cương vị Chủ tịch Hội hữu nghị Xô-Việt. Và trong 30 năm làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Xô- Việt đã có nhiều công lao đóng góp cho Việt Nam. Đặc biệt, năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, nhiều tượng đài của các nhà hoạt động chính trị Liên Xô bị phá bỏ. G.Titốp lúc bấy giờ đã có công rất lớn vận động bảo vệ nguyên vẹn Tượng đài Bác Hồ tại Mát- xcơ-va.

Luôn dõi theo những thành tựu khoa học vũ trụ của Liên Xô, tháng 6 năm 1963, nhân sự kiện hai con tàu vũ trụ Phương Đông V và Phương Đông VI do nhà du hành vũ trụ Bưcôpxki Valeri và nữ du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Valentina Têrêscôva điều khiển được phóng thành công vào vũ trụ, theo ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai cây Y lan được trồng làm kỷ niệm ở cạnh bờ ao cá, phía trước lối đi vào nhà sàn và được Người đặt tên là Cây lan vũ trụ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Pravđa (Liên Xô) và Đài phát thanh Matxcova nhân dịp năm mới 1964, Người đã nhắc tới thành tựu này và nhấn mạnh: “Sự kiện nổi bật nhất trong năm qua là:… Về khoa học kỹ thuật lại thêm nhiều thành công vẻ vang bởi chuyến bay song đôi hai con tàu vũ trụ Phương Đông 5 và 6 của Liên Xô”(8) .

Ngày 25/11/1979, nữ du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới Valentina Têrêscôva với cương vị là Chủ tịch Ủy ban phụ nữ Liên Xô sang thăm Việt Nam. Bà đã vào thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Đứng trước hai cây lan vũ trụ, bà rất xúc động khi được biết ý nghĩa của việc trồng hai cây hoàng lan và tên gọi mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cho cây nhân sự kiện 16 năm về trước. Giờ đây, hai cây lan vũ trụ vẫn còn đó, dáng thẳng đứng vươn lên bầu trời như hai con tàu vũ trụ sóng đôi. Năm 1980, sau khi thực hiện chuyến bay hữu nghị thành công, hai nhà du hành vũ trụ: anh hùng Phạm Tuân và nhà du hành vũ trụ Liên Xô Gorobatco đã vào thăm ngôi nhà sàn của Bác Hồ và báo cáo kết quả tốt đẹp của chuyến bay vào vũ trụ với Bác bên hai cây lan ý nghĩa này.

Ngày 12 tháng 10 năm 1964, Liên Xô phóng thành công con tàu vũ trụ Rạng Đông 1- là tàu vũ trụ đầu tiên trên Thế giới cho phép chở theo nhiều nhà du hành, Người đã gửi điện chúc mừng. Bức điện viết: “Cuộc bay kỳ diệu của ba đồng chí V. Cômarôp, C. Phêốctixtốp và B. Yêgôrốp lại chứng tỏ rằng nền khoa học kỹ thuật của Liên Xô đang tiến những bước cực kỳ vẻ vang trong sự nghiệp chinh phục vũ trụ”(9). Phi hành đoàn bao gồm 3 người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động Việt Nam vào ngày 29/10/1964.

Trong những năm cuối cùng của cuộc đời, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam vào thời điểm cam go và sức khỏe giảm sút, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên theo sát những thành tựu khoa học vũ trụ mà Liên Xô đạt được và kịp thời gửi điện chúc mừng Đảng và nhân dân Liên Xô như: điện mừng Liên Xô phóng thành công tàu vũ trụ Rạng Đông 2 ngày 20/3/1965, điện mừng Liên Xô phóng thành công 2 con tàu vũ trụ “Liên hiệp 4” và “Liên hiệp 5” ngày 19/1/1969,…

Ngày nay, những mong ước và tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dần trở thành hiện thực. Việt Nam đang từng bước chinh phục bầu trời và phát triển ngành khoa học vũ trụ. Vào ngày 20 tháng 11 năm 2006, Viện Công nghệ Vũ trụ Việt Nam được thành lập. Đây là  một bước ngoặc đầu tiên trong lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ của Việt Nam và cũng là bước đầu của công cuộc: Việt Nam trở thành chủ của Diễn đàn vũ trụ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Ngày 19/9/2012, dự án xây dựng Trung tâm vũ trụ Việt Nam chính thức khởi công tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là một trong những dự án được đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam trong 35 năm qua. "Theo dự kiến, vào năm 2020, Việt Nam sẽ có Trung tâm Vũ trụ hiện đại hàng đầu Đông Nam Á", tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, giám đốc Trung tâm vệ tinh nhấn mạnh. Dự kiến tháng 1/2017, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh viễn thám công nghệ radar đầu tiên và năm 2020 sẽ phóng vệ tinh thứ hai.

Ngày nay, đọc lại di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và đạo đức tác phong của Người, các nhà nghiên cứu đều không khỏi ngạc nhiên vì tính hiện đại cũng như tầm nhìn vượt thời gian trong Tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là khoa học vũ trụ. Việt Nam đang từng bước thực hiện mong ước của Người và niềm tin của người anh hùng vũ trụ G.Titôp khi trở lại nhà sàn: “Chúng tôi rời ngôi nhà nhỏ của đồng chí Hồ Chí Minh với một niềm tin vững chắc rằng nhân dân Vịêt Nam sẽ thực hiện được lời di chúc của vị lãnh tụ vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân Vịêt Nam sẽ làm được tất cả những gì để Việt Nam thống nhất, độc lập và tự do”(10).

Chú thích:

Ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Anh hùng Lao động Việt Nam cho G. Titốp, ngày 21/1/1962

(1)              Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H.2011, tập XII, tr.281.

(2)             Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập XIII, tr.111.

(3)             Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd tập XIII, tr.337.

(4)              Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập XIII, tr.177.

(5)             Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập XIII, tr.322.

(6)             Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập XIII, tr.324.

(7)             Báo Nhân dân, ngày 23/1/1962

(8)             Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập XIII, tr.325.

(9)     Hồ Chí Minh Toàn tập, Sđd, tập XIV, tr.391.

(10)   Hồ Chí Minh- ánh sáng độc lập tự do, Nxb Sự thật, tr.15