Nhân cách của người giảng viên hiện nay

Vai trò và sự ảnh hưởng của giảng viên đối với quá trình tự học của sinh viên hệ không chính quy

Cỡ chữ Màu chữ:

VAI TRÒ VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA GIẢNG VIÊN ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN
HỆ KHÔNG CHÍNH QUY

TS. Nguyễn Thị Thủy Giảng viên thỉnh giảng Viện Đại học Mở Hà Nội

Tự học là một trong nhiều phương thức học của sinh viên và việc tự học đóng vai trò quan trọng trong cả quá trình học của người học. Tự học được xem là phương thức chủ động để người học có thể phát huy tối đa sự tự giác trong nghiên cứu, tìm tòi tri thức. Trong đào tạo đại học hiện nay, tự học được xem là chìa khóa quyết định hiệu quả học tập; đặc biệt tự học càng có ý nghĩa đối với đối tượng người học là sinh viên hệ không chính quy trong chương trình đào tạo Đại học tín chỉ. Tự học không những giúp người học nắm vững tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, hình thành thái độ nghề nghiệp đúng đắn mà còn giúp người học rèn luyện nhân cách, hình thành thói quen học và học nữa, học mãi. Bởi vậy việc tự học, tự nghiên cứu của người học là vô cùng cần thiết trong chương trình đào tạo tín chỉ giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, tự học như thế nào được xem là hiệu quả? Yếu tố nào ảnh hưởng đến hiệu quả tự học của người học? Nhân tố nào quyết định việc tự học của sinh viên sẽ đem lại lợi ích? Hàng loạt các câu hỏi đặt ra khi xác định phương thức tự học của người học là sinh viên hệ không chính quy. Câu trả lời phải khẳng định được vị trí và ưu điểm của tự học đối với việc thu nhận kiến thức đúng đắn của người học cũng như sự trau dồi, rèn giũa khả năng tư duy của người học. Việc tự học không thể xảy ra, cũng như hiệu quả của việc tự học không đạt được mục đích của người học là điều không tránh khỏi nếu chúng ta không phân tích kỹ lưỡng những yếu tố ảnh hưởng đến sự tích cực của việc tự học. Chúng tôi cho rằng việc tự học của người học chỉ đạt được mục đích khi kết quả của tự học là việc người học có thể đạt được mục tiêu của bài học ở các mức độ khác nhau cũng như việc người học không nhận thức sai lệch những kiến thức cơ bản của bài học. Việc tự học cũng được xem là hữu ích nếu người học đam mê việc tự học, chủ động khám phá, tích cực tìm tòi và không ngừng phát huy tính sáng tạo trong quá trình học.

Tự học thực sự có hiệu quả và chịu chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng yếu tố quan trong nhất, quyết định đến chất lượng tự học của người học là Giảng viên. Giảng viên đóng vai trò quan trọng trong quá trình tự học của người học cũng như ảnh hưởng tích cực đến khả năng tự học của người học. Nhiều nhà nghiên cứu về giáo dục đã cho rằng: Sinh viên không biết cách tự học là do thầy giáo không biết cách dạy, hay dạy không đúng cách. Như vậy, giảng viên ảnh hưởng nhiều đến quá trình tự học của sinh viên, đặc biệt là ảnh hưởng đến hiệu quả của việc tự học. Vì lẽ đó tự học được xem là phương thức học đúng khi tự học là quá trình bản thân người học tích cực, độc lập, tự giác chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, năng động tìm tòi, phân tích sách vở, tài liệu tham khảo bằng phương pháp phù hợp trên cơ sở hướng dẫn của giảng viên. Điều này cho thấy việc tự học của sinh viên hệ không chính quy không phải việc tự do nghiên cứu mà là hoạt động học tự giác chịu sự điều khiển của giảng viên nhằm đạt được những mục tiêu của bài học cũng như mục tiêu môn học.

Trong phạm vi chuyên đề này, chúng tôi không bàn nhiều về tự học, yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả người học mà chúng tôi muốn bàn đến vai trò của giảng viên cũng như sự ảnh hưởng của giảng viên đối với quá trình tự học của sinh viên hệ không chính quy.

Để nhìn nhận được vai trò và sự ảnh hưởng của giảng viên đối với quá trình tự học của sinh viên hệ không chính quy chúng ta cần khẳng định những đặc thù của sinh viên hệ không chính quy.

I. ĐẶC THÙ CỦA NGƯỜI HỌC HỆ KHÔNG CHÍNH QUY

Người học hệ không chính quy đại đa số là những sinh viên vừa làm vừa học. Đây là những người học mà bên cạnh việc đi học họ đang công tác tại các cơ quan, tổ chức nhất định hoặc đảm nhận vị trí lao động nhất định trong xã hội. Điều này có thể đem đến nhiều yếu tố tích cực cho việc học của người học nhưng cũng có những hạn chế nhất định trong quá trình tự học của họ;
Sinh viên hệ không chính quy không đồng đều về trình độ. Xu hướng học là tự nguyện, bởi vậy người học hệ không chính quy đến từ nhiều nhóm đối tượng, họ khác nhau về độ tuổi, địa phương, thành phần, kinh nghiệm.. Những yếu tố này ảnh hưởng đến trình độ của người học và tạo ra sự chênh lệch nhất định giữa các sinh viên;
Sinh viên hệ không chính quy không được đào tạo liên tục về thời gian mà được sắp xếp môn học theo lịch trình nhất định. Người học hệ chính qui thông thường hoàn thành môn học cuốn chiếu và kết thúc môn học trong khoảng thời gian ngắn hơn so với sinh viên hệ không chính quy. Điều này ảnh hưởng nhất định đến chất lượng của quá trình học.
Sinh viên hệ không chính quy cũng không được học với nhiều thầy cô khác và không có điều kiện tiếp xúc thầy cô nhiều chuyên ngành khác nhau..
Đặc thù của sinh viên hệ không chính quy ảnh hưởng nhất định đến khả năng tự học và là những đặc điểm mà giảng viên cần lưu ý khi định hướng việc tự học cho họ. Phân tích

đặc thù của sinh viên hệ không chính quy để chúng ta thấy rõ hơn vai trò của giảng viên đối với quá trình tự học của sinh viên hệ không chính quy.

II. VAI TRÒ CỦA GIẢNG VIÊN ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN HỆ KHÔNG CHÍNH QUY

1. Giảng viên đóng vai trò định hướng nội dung học trong quá trình tự học của sinh viên hệ không chính quy

Đây là vai trò đầu tiên cần khẳng định đối với giảng viên. Việc tự học của người học hệ không chính quy dễ sai lệch nội dung bài học, sai kiến thức cơ bản và tư duy không đồng nhất nếu giảng viên không định hướng cho sinh viên. Giảng viên sẽ đóng vai trò định hướng nội dung môn học cũng như định hướng nội dung từng bài học cho sinh viên. Trên cơ sở định hướng của giảng viên việc tự nghiên cứu của sinh viên trọng tâm, giải quyết được những nội dung cơ bản của môn học cũng như đạt được mục tiêu của môn học và từng bài học. Việc định hướng của giảng viên liên quan đến các nội dung học nhóm, thảo luận, chuẩn bị bài và trao đổi giữa những người học. Giảng viên định hướng cách khai thác nội dung, định hướng kiến thức của bài học cũng như định hướng tư duy cho từng vấn đề. Định hướng là yếu tố thúc đẩy khả năng tự học. Định hướng giúp người học đi đúng đường ray.

2. Giảng viên đóng vai trò gợi mở tri thức trong quá trình tự học của sinh viên

Gợi mở của giảng viên là động lực thúc đẩy tính tích cực và tính say mê tìm tòi của sinh viên trong quá trình tự học. Nghiên cứu một nội dung mới, vấn đề mới, bài học mới, sự gợi mở của giảng viên như chất xúc tác đẩy mạnh tính chủ động nghiên cứu của người học. Việc gợi mở của giảng viên chẳng khác nào tìm lối thoát để sinh viên tự mình đi trên con đường tìm kiếm tri thức. Việc gợi mở chấm dứt sự chây lười, tính ì, trì trệ của sinh viên trước những mảng kiến thức mới. Sự gợi mở của giảng viên trong quá trình sinh viên tự học giúp sinh viên tìm hiểu kiến thức đúng định hướng của giảng viên, đúng bản chất của nội dung cần học trong một môn học hoặc một bài học.

3. Giảng viên đóng vai trò hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình tự học

Ở vai trò này giảng viên đi bên cạnh sinh viên nhưng không làm thay sinh viên. Việc hỗ trợ của giảng viên trong quá trình tự học của sinh viên chẳng khác nào sự giúp đỡ kịp thời của giảng viên đối với sinh viên. Nội dung của môn học, bài học sẽ được làm sáng tỏ hơn, hấp dẫn hơn nếu trong quá trình học giảng viên hỗ trợ sinh viên nghiên cứu, tìm tòi tài liệu, chinh phục kiến thức. Việc hỗ trợ kịp thời của giảng viên là giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất mỗi khi sinh viên thất bại hoặc không tìm ra đáp án trong bài học, trong các bài tập cụ thể, tình huống cụ thể. Nếu việc định hướng và gợi mở cần giảng viên đối với quá trình tự học của sinh viên còn mang tính chung chung thì sự hỗ trợ của giảng viên đối với quá trình tự học lại hết sức cụ thể. Giảng viên hỗ trợ sinh viên đọc tài liệu, hỗ trợ tìm tài liệu, hỗ trợ đưa ra phương án tối ưu, hỗ trợ cả về tinh thần trách nhiệm để sinh viên đam mê trong việc tự nghiên cứu bài học.

4. Giảng viên đóng vai trò hướng dẫn học đối với sinh viên trong quá trình tự học

Giảng viên hướng dẫn khai thác bài học, hướng dẫn đọc tài liệu, hướng dẫn làm bài tập, hướng dẫn tư duy từng vấn đề cụ thể. Bên cạnh đó hướng tới việc hướng dẫn làm bài tình huống và thực hành kỹ năng trong thực tiễn. Vai trò này sẽ giúp sinh viên biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, biến tri thức nhân loại thành tri thức của mình.

5. Giảng viên đóng vai trò đánh giá và kiểm tra kết quả tự học của sinh viên

Mục tiêu môn học và mục tiêu bài học chỉ được định lượng thông qua việc đánh giá và kiểm tra của giảng viên. Với vai trò này giảng viên kịp thời phát hiện những sinh viên không có khả năng tự học, hoặc khả năng tự học không đúng cách, hoặc việc tự học do ép buộc mà có. Cũng từ vai trò kiểm tra đánh giá mà giảng viên nhận diện được tư duy của mỗi sinh viên trong quá trình chủ động khai thác môn học, bài học ở mức độ tích cực nhất định.

III. ẢNH HƯỞNG CỦA GIẢNG VIÊN ĐỐI VỚI QUÁ TRÌNH TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN HỆ KHÔNG CHÍNH QUY

1. Thói quen tự học

Có lẽ thói quen tự học của sinh viên hệ không chính quy sẽ chịu ảnh hưởng nhiều từ giảng viên. Bởi, nếu giảng viên không đặt vấn đề, nêu vấn đề, định hướng nội dung cũng như gợi mở, hỗ trợ hướng dẫn và kiểm tra đánh giá sát sao thì người học sẽ không chủ động tự học. Việc hình thành thói quen tự học chịu ảnh hưởng nhiều từ giảng viên. Bởi, suy ra cả quá trình học của người học có đạt được mục tiêu hay không phụ thuộc nhiều vào vai trò của giảng viên. Giảng viên cần đặt ra việc tự học, giao các nội dung để sinh viên tự học, kiểm tra việc tự học và có chế tài nhất định đối với những người không chủ động học. Làm được điều này tức là giảng viên hình thành thói quen tự học cho sinh viên.

2. Thúc đẩy đam mê chủ động học, thúc đẩy ý thức tự học

Sinh viên hệ không chính quy phần nhiều chưa chủ động học, không đam mê việc tự học và chưa có ý thức tự học là xuất phát từ giảng viên. Nếu giảng viên không khuyến khích tự học, động viên sinh viên tự học thì không thể khơi gợi sự đam mê tự học của sinh viên. Chính giảng viên tác động đến sự đam mê tự học của sinh viên. Đặc biệt đối với sinh viên hệ không chính quy, giảng viên chưa thực sự nhiệt tình khai thác bài học, đưa ra nhiều tình huống vì thế không khơi gợi được sự đam mê của sinh viên trong tìm tòi trí thức liên quan đến bài học.

3. Mục tiêu môn học, mục tiêu bàì học

Sinh viên có đạt được mục tiêu môn học, bài học hay không chịu ảnh hưởng từ giảng viên rất nhiều. Để đạt được mục tiêu bài học, môn học sinh viên cần giảng viên đưa ra những nội dung tự học sát mục tiêu. Các vấn đề thảo luận nhóm, seminar phải được giảng viên đưa ra sát với mục tiêu từng bài học và cả môn học. Điều này ảnh hưởng lớn đến kết quả tự học của sinh viên. Đặc biệt sinh viên hệ không chính quy thì việc đưa ra mục tiêu càng rõ bao nhiêu thì kết quả tự học của sinh viên đạt chất lượng cao bấy nhiêu. Rõ ràng hiệu quả của việc tự học chịu ảnh hưởng phần lớn từ giảng viên.

IV. NHỮNG CÔNG VIỆC CỤ THỂ GIẢNG VIÊN GIÚP SINH VIÊN HỆ KHÔNG CHÍNH QUY TỰ HỌC

1. Làm đề cương môn học thật chi tiết và cụ thể để gửi trước cho sinh viên trước khi môn học bắt đầu. Đặc biệt đề cương phải rõ ràng và chuẩn xác các bậc mục tiêu cho từng bài học. Trong đề cương này giảng viên chú trọng ghi rõ tài liệu cần đọc theo hướng đọc những trang nào, tài liệu nào? của nhà xuất bản nào? Năm nào.

Những vấn đề của nội dung môn học trong đề cương phải rõ ràng không trùng lặp.

Đề cương chính là cẩm nang để sinh viên tự mình nghiên cứu và khám phá môn học trong quá trình tự học.

2. Giao vấn đề, giao bài tập và định hướng nghiên cứu về nhà cho sinh viên. Giảng viên sau các giờ giảng lý thuyết nên đúc rút thành các vấn đề lớn và giao cho sinh viên chuẩn bị trước. Cần yêu cầu sinh viên chuẩn bị tài liệu, nguồn, mỗi tài liệu cho nội dung nào; cách giải bài tập; cách giải quyết vấn đề; lý giải tại sao?

3. Hướng dẫn sinh viên chuẩn bị bài học kế tiếp. Công việc này gồm có đọc bài học tại giáo trình trước và trả lời các câu hỏi liên quan đến các mục tiêu của bài học.

4. Thiết kế giờ thảo luận hứng thú.

5. Hướng dẫn sinh viên làm bài tập nghiên cứu. Đây là một việc làm có thể phát huy cao nhất ý thức tự học của sinh viên, bài tập nghiên cứu thường được tiến hành trong cả một quá trình tự học. Giáo viên lựa chọn nội dung, nêu rõ mục đích, yêu cầu nghiên cứu, gợi ý cách giải; công khai tiêu chí đánh giá; thời gian hoàn thành; hướng dẫn cách thức tìm kiếm tài liệu, xử lý thông tin; kiểm soát và sẵn sàng giúp đỡ sinh viên. Đánh giá chính xác kết quả tự học của sinh viên và có chính sách chế tài khen thưởng nhất định.

Tóm lại: Tự học là một hoạt động tự giác, tự lập của sinh viên nhưng đối với sinh viên (đặc biệt sinh viên hệ không chính quy) thì cần phải có hướng dẫn, giúp đỡ của giảng viên để tự học trở thành một thói quen, một nhu cầu của người học. Mỗi giảng viên phải là người giác ngộ tinh thần tự học của sinh viên và sinh viên phải thấy sự cần thiết của việc tự học. Vai trò quyết định thành công hay thất bại của quá trình học tập là vai trò của người học, nhưng vai trò của người dạy không phải là không quan trọng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Các yếu tố ảnh hưởng đến tính tích cực của người học, Phạm Văn Tuân, Tạp chí Khoa học ĐH An Giang, 2015;

2. Một số biện pháp phát huy tính tích cực tự học của sinh viên, Hoàng Thị Ngọc Mai;

3. Sinh viên tự học và đổi mới phương pháp dạy học, Đỗ Tiến Sĩ - Báo Giáo dục và thời đại.

Thông tin tác giả:

1. TS. Nguyễn Thị Thủy - GV Thỉnh giảng Viện ĐH Mở HN

- Email:

- ĐT: 0904.004.998

2. Th.S Nguyễn Anh Tuấn - Vai trò và trách nhiệm của giảng viên đối với việc tự học của sinh viên trong đào tạo theo tín chỉ

Nhân cách của người giảng viên hiện nay
Gửi email
Nhân cách của người giảng viên hiện nay
In trang