So sánh các loại vaccine covid 19 tại việt nam

COVID-19: Đừng bỏ lỡ cơ hội tiêm vaccine

Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nhằm kéo giảm các ca mắc mới, hướng đến miễn dịch cộng đồng. Theo Bộ Y tế, những loại vaccine mà Việt Nam đang sử dụng tiêm chủng cho người dân đều có hiệu quả bảo vệ tốt chống lại COVID-19, do đó người dân cần nhanh chóng tiêm vaccine khi đến lượt.

* Các địa phương đẩy mạnh tiêm chủng


Tính đến trưa ngày 13/9/2021, cả nước đã tiêm chủng được hơn 29,3 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó tiêm 1 mũi là 23.157.067 liều, tiêm mũi 2 là 5.056.325 liều. Trong những ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Tại Thủ đô Hà Nội, riêng trong ngày 12/9 đã tiêm được tổng công 573.829 liều vaccine COVID-19 - mức cao nhất từ trước tới nay, nâng tổng số vaccine đã được tiêm lên hơn 4,48 triệu liều, đạt 89% số vaccine được cấp (tính đến 18 giờ ngày 12/9). Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã có một số đơn vị cơ bản hoàn thành kế hoạch tiêm vaccine mũi 1 cho người dân như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Sóc Sơn, Thường Tín, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm.
  Báo cáo tại cuộc giao ban trực tuyến giữa Sở Chỉ huy thành phố với sở chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội, chiều 12/9, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, sáng 13/9, Thành phố sẽ tiêm hết số vaccine COVID-19 được phân bổ (4,6 triệu liều vaccine Covid-19). Theo dự kiến, Bộ Y tế tiếp tục cung cấp cho Hà Nội 1,5 triệu liều vaccine để bảo đảm đến ngày 15/9 sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho người dân.
Tại TP Hồ Chí Minh - nơi có số ca mắc luôn cao nhất cả nước trong thời gian qua, tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm tính đến hết ngày 11/9 là 7.774.789 liều, trong đó tổng số mũi 1 là 6.472.672, mũi 2 là 1.302.117, số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 882.292. Tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên tại Thành phố đã tiêm mũi 1 đạt khoảng 86%, mũi 2 là hơn 14%. 8 quận huyện của Thành phố đạt tỷ lệ 100% tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 cho người dân trên 18 tuổi gồm: quận 1, quận 5, quận 6, quận 7, quận 11, quận Phú Nhuận, huyện Củ Chi và Cần Giờ.
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam hiện đã tiếp nhận được hơn 34 triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ các nguồn khác nhau, bao gồm: Cơ chế COVAX, viện trợ song phương giữa Chính phủ các nước và nguồn mua qua VNVC.
Theo dự kiến của Bộ Y tế, đến cuối năm nay Việt Nam sẽ có khoảng 90 triệu liều vaccine (không tính nguồn COVAX - đã có cam kết nhưng do khan hiếm vaccine nên chưa có kế hoạch cụ thể). Trong đó, vaccine sẽ về nhiều trong tháng 9 (dự kiến 20 triệu liều) và các tháng còn lại trong năm. Nếu lượng vaccine về Việt Nam như dự kiến thì có thể đầu năm sau chúng ta sẽ đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng khi có 70% dân số được tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Bộ Y tế đang đề nghị các địa phương triển khai cao điểm tiêm vaccine trong các tháng tới, tiến độ tiêm phải đạt một triệu mũi 1 ngày mới hoàn thành kế hoạch.

* Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất


Thời gian qua, trên mạng xã hội đã lan truyền một số thông tin không đúng, không đầy đủ về tác dụng của vaccine phòng COVID-19... dẫn đến việc so sánh, cho rằng vaccine này tốt hơn vaccine kia; vaccine này tiêm vào sẽ không có phản ứng, vaccine kia tiêm vào có nhiều tác dụng phụ không tốt... Do đó, một số người dân đã do dự, trì hoãn việc tiêm vaccine khi có cơ hội.
Theo TS. Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, không có khái niệm vaccine nào tốt nhất, bởi khi WHO phê duyệt vào danh sách vaccine phòng COVID-19 sử dụng khẩn cấp, thì vaccine đó bắt buộc phải đạt tỷ lệ bảo vệ, an toàn, miễn dịch từ 80 đến 95% mới được cấp phép.
Hiện có hàng chục loại vaccine phòng COVID-19 đang được triển khai phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, mới có 7 loại được WHO phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp. WHO đang giám sát chặt chẽ, hiệu quả của các loại vaccine này trong thực tế. Kết quả giám sát cho thấy, tất cả các vaccine này đang có hiệu quả rất tốt trong việc phòng ngừa, giảm triệu chứng nặng và tử vong.
Theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, hiệu quả bảo vệ của các loại vaccine Việt Nam đã và đang nhập khẩu sử dụng dao động quanh mức 80 đến 95%, có nghĩa những người được tiêm vaccine sẽ giảm thiểu 80 đến 95% triệu chứng bệnh nặng phải nhập viện. Phần lớn các vaccine đều có hệ số bảo vệ 98 đến 100% đối với nguy cơ tử vong. Do vậy, những loại vaccine mà Việt Nam đang sử dụng tiêm chủng cho người dân đều có hiệu quả bảo vệ tốt chống lại COVID-19.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp, các biến thể của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ bệnh nặng và tử vong cao. Thời điểm này vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh COVID-19. Vì thế, tiêm vaccine là giải pháp hữu hiệu giúp cơ thể có được “lá chắn” cần thiết trước virus SARS-CoV-2.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trước làn sóng COVID-19 do biến thể Delta vẫn đang tăng, các quốc gia trên thế giới tiếp tục vận động, yêu cầu người dân nhanh chóng tiêm vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng, thậm chí cho triển khai mũi tiêm vaccine bổ sung (mũi thứ ba)… Điều này làm gia tăng tình trạng khan hiếm nguồn vaccine, gây khó khăn hơn cho Việt Nam trong việc tiếp cận nguồn cung vaccine. Do đó, thời điểm này, người dân hãy tiêm bất kỳ loại vaccine nào có sẵn khi đến lượt, không nên chần chừ và lựa chọn vaccine. Vaccine và 5K vẫn đang là giải pháp thiết thực hiệu quả, lâu dài mang tính quyết định để các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam bảo vệ người dân thoát khỏi COVID-19./.

Minh Duyên (tổng hợp)

Đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam đã có 8 loại vắc-xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Các loại vắc-xin được phê duyệt sử dung hiện nay gồm: AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V), Vero Cell, Comirnaty của Pfizer/BioNTech, Vắc xin Spikevax (Tên khác là Moderna), vắc-xin Janssen, vắc-xin Hayat-Vax và vắc-xin Abdala.

So sánh các loại vaccine covid 19 tại việt nam

(1) Vắc-xin AstraZeneca do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. AstraZeneca được Việt nam phê duyệt ngày 01/02/2021 và triển khai tiêm chủng từ tháng 3/2021, hiện đang có số lượng sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam. Đây là loại vắc xin sản xuất theo công nghệ vector, sử dụng 2 liều cách nhau 8-12 tuần.

(2) Vắc xin Gam-COVID-Vac (tên khác là SPUTNIK V) do Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 70 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, vaccine Sputnik V đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 23/3/2021. Đây là vắc xin sử dụng công nghệ tái tổ hợp hợp mang gen mã hóa protein S của SARS-CoV-2. Vắc xin được tiêm 2 liều cách nhau 3 tuần.

(3) Vắc xin Vero Cell do Sinopharm phát triển và Beijing Institute of Biological Products Co. Ltd - Trung Quốc sản xuất, đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ, đã được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Ngày 3/6/2021, vắc-xin Vero Cell đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19. Vắc xin này sản xuất theo công nghệ bất hoạt vi rút, tiêm 2 liều cách nhau 3-4 tuần.

(4) Vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech đã được cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Vắc xin này đã được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 vào ngày 16/6/2021. Vắc xin được sản xuất theo công nghệ mRNA, sử dụng tiêm 2 liều cách nhau 3-4 tuần. Đến ngày 23/8/2021, Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chính thức đưa ra chấp thuận hoàn toàn đối với vaccine Pfizer-BioNTech trong phòng ngừa COVID-19 ở những người từ 16 tuổi trở lên.

(5) Vắc xin Spikevax (Tên khác là Moderna) do Moderna sản xuất đã được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Vắc-xin này cũng được sản xuất dựa trên công nghệ mRNA, sử dụng 2 liều cách nhau 4 tuần. Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 cho loại vắc-xin này vào ngày 28/6/2021.

(6) Vắc xin Janssen do Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hà Lan) sản xuất được cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia, vùng lãnh thổ và được Tổ chức Y tế thế giới đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp. Vắc xin được sản xuất bằng công nghệ véc-tơ vi-rút, sử dụng 1 liều duy nhất. Hiện nay, Việt Nam chưa tiếp nhận loại vắc xin này nhưng Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với loại vắc-xin này vào ngày 15/7/2021.

(7) Vắc-xin vaccine Hayat - Vax do Công ty TNHH Viện Sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), Trung Quốc, sản xuất bán thành phẩm. Vắc xin này được đóng gói sơ cấp, thứ cấp và xuất xưởng tại Julphar (Gulf Pharmaceutical Industries) - Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất. Vaccine Hayat - Vax mỗi liều 0,5 ml chứa 6.5 đơn vị kháng nguyên SARS-CoV-2 (tế bào vero) bất hoạt, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm. Vaccine được đóng gói hộp một lọ chứa một liều 0,5 ml và hộp một lọ chứa 2 liều, mỗi liều 0,5 ml. Bộ Y tế đã có quyết định phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với vắc-xin này vào ngày 10/9/2021. Liều tiêm đang chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn.

(8) Vắc-xin Abdala được sản xuất thành phẩm tại Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA - Cuba và được xuất bán thành phẩm, đóng gói cấp 2 tại Trung tâm Kỹ thuật Di truyền và Công nghệ Sinh học (CIGB) - Cuba.  Vắc-xin Abdala mỗi liều 0,5ml chứa 50 mcg vắc-xin protein tái tổ hợp chứa vùng liên kết với thụ thể (RBG) của vi-rút SARS-CoV-2, bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm bắp. Vắc-xin được đóng gói hộp 10 lọ, mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml. Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện vắc-xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đối với loại vắc-xin này vào ngày 17/9/2021. Liều tiêm đang chờ Bộ Y tế cập nhật hướng dẫn.

Nguồn tham khảo: website moh.gov.vn - Bộ Y tế.

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM tổng hợp (HCDC)