Xây dựng văn hóa nhà trường như thế nào

          Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi nhà trường, trong đó có xây dựng văn hóa nhà trường được xem là nhiệm vụ then chốt. Bởi vì văn hoá nhà trường là hệ thống niềm tin, giá trị, chuẩn mực, thói quen và truyền thống hình thành trong quá trình phát triển của nhà trường, được các thành viên trong nhà trường xây dựng nên và được thể hiện trong các hình thái vật chất và tinh thần, từ đó tạo nên bản sắc riêng cho mỗi đơn vị trường học. Thực tế đã chứng minh những trường có chất lượng dạy học tốt đều là những trường quan tâm xây dựng tốt văn hóa học đường. Văn hóa đó đã để lại những ấn tượng ngay từ những điều nhỏ nhất như: sân trường, phòng học, hành lang lớp học luôn được vệ sinh sạch sẽ, rồi cách treo băng rôn khẩu hiệu đến thái độ, lối cư xử của giáo viên, cán bộ công nhân viên và học sinh trong nhà trường đến phong cách quản lý... Thời gian vừa qua, các trường Trung học phổ thông tại Cà Mau rất quan tâm xây dựng văn hóa trong nhà trường. Tuy nhiên, việc thực hiện xây dựng văn hóa nhà trường cần sự nổ lực nhiều hơn nữa của cả tập thể thống nhất về cách nhận thức vấn đề, cách đánh giá, lựa chọn, định hướng và hành động tạo ra những dư luận tích cực hạn chế những biểu hiện tiêu cực trái với quy tắc, chuẩn mực, để nó mang lại sự phát triển cho nhà trường, mang lại sự thỏa mãn hài lòng cho tập thể, cá nhân và sẽ nâng cao chất lượng dạy học.

          1. Đặt vấn đề

          Giáo dục và Đào tạo trong nhà trường Trung học phổ thông (THPT) là quá trình trao quyền và bồi dưỡng tri thức cho cá nhân và cộng đồng của thế hệ đi trước truyền lại cho các thế hệ nối tiếp đi sau, để từ đó họ có thể tiếp nhận, rèn luyện, hòa nhập và phát triển trong cộng đồng xã hội. Cũng như sự tồn tại của giáo dục và văn hoá xuất hiện từ khi có loài người, có xã hội. Nếu trong môi trường tự nhiên là “cái nôi đầu tiên” nuôi sống con người, để loài người hình thành và sinh tồn thì văn hóa là “cái nôi thứ hai” giúp con người trở thành “người” theo đúng nghĩa, hoàn thiện con người, hướng con người khát vọng vươn tới Chân - Thiện - Mĩ.

          Chất lượng giáo dục và đào tạo là mục tiêu trọng tâm mà mỗi nhà trường THPT đều mong muốn đạt được như thế, trong đó văn hóa nhà trường được xác định là yếu tố quan trọng và có ảnh hưởng vô cùng to lớn tới chất lượng Giáo dục và hiệu quả hoạt động của nhà trường cũng như phát triển nền Giáo dục của nước nhà. Chính vì vậy xây dựng văn hóa nhà trường có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết bởi vì văn hóa nhà trường tích cực, lành mạnh sẽ giúp cho việc thực hiện các mục tiêu Giáo dục của nhà trường đạt hiệu quả và bền vững.

          Có thể nói văn hóa nhà trường là yếu tố quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước trở thành con người sống có hoài bão, có lý tưởng, nhân cách tốt đẹp, có đủ tri thức để trở thành công dân tốt đóng góp và xây dựng sự nghiệp đất nước. Vì vậy, xây dựng văn hóa nhà trường trong trường THPT được coi là tính sống còn, tính cấp bách và thiết thực đối với mỗi nhà trường.

          Trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, xu thế hội nhập Quốc tế ngày càng sâu rộng, nước ta tiếp tục công cuộc đổi mới toàn diện, đất nước đang mở ra nhiều triển vọng với ngành Giáo dục nói chung và nhà trường THPT nói riêng. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI đã nêu: “Đối với Giáo dục phổ thông, tập trung phát triển trí tuệ, thể chất, hình thành phẩm chất, năng lực công dân, phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lí tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống”; “Nâng cao nhận thức về vai trò quyết định chất lượng Giáo dục – Đào tạo, của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục, gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho con em mình”. Chính vì vậy, xây dựng văn hóa nhà trường là một nội dung quan trọng trong quản lí và lãnh đạo nhà trường THPT nhằm nâng cao chất lượng Giáo dục, chất lượng đội ngũ giáo viên, giáo dục tri thức, đạo đức, lối sống đúng đắn cho người dạy lẫn người học.

          2. Xây dựng văn hóa nhà trường trong các trường THPT trên địa bàn tỉnh Cà Mau từ nhận thức đến thực tiễn

           2.1. Từ nhận thức đến thực tiễn

          Trước hết, vai trò của hiệu trưởng, những người quản lý nhà trường cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa tích cực trong nhà trường. Hiệu trưởng cần xác định hệ thống các giá trị cốt lõi, các đặc trưng cần xây dựng trong nhà trường, thống nhất và hướng dẫn hành vi ứng xử của mọi thành viên trong nhà trường theo các giá trị và chuẩn mực đã xác định; Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công nhân viên, giáo viên và học sinh về các giá trị văn hóa trong nhà trường; Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ giáo viên và người học; Đẩy mạnh vai trò của các tổ chuyên môn, đoàn thanh niên, công đoàn và coi đó là lực lượng nòng cốt trong các hoạt động xây dựng văn hóa nhà trường; Xây dựng môi trường cảnh quan văn hóa, khuôn viên sạch đẹp kết hợp với tăng cường cơ sở vật chất nhà trường lớp học; Phối kết hợp với các lực lượng giáo dục địa phương và gia đình; Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá và thông tin, truyền thông trong công tác xây dựng văn hóa nhà trường; Văn hóa phải được lồng ghép vào việc giảng dạy các môn học; Tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà trường trong việc học tập, nghiên cứu và có cơ chế khuyến khích phù hợp trong việc thực hiện văn hóa nhà trường.

          Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho Cán bộ, giáo viên và học sinh về xây dựng văn hóa nhà trường, nhằm mục tiêu tạo sự thống nhất trong toàn nhà trường về tầm quan trọng của hoạt động xây dựng văn hóa nhà trường đối với uy tín và nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức cho các lãnh đạo và các lực lượng nòng cốt về tầm quan trọng của công tác xây dựng văn hóa nhà trường. Với những nội dung tuyên truyền giáo dục: Cần quán triệt công tác “Xây dựng văn hóa nhà trường” là nhiệm vụ trọng tâm của các lãnh đạo, của toàn thể đội ngũ giáo viên cũng như nhân viên nhà trường. Phải tuyên truyền sâu rộng trong các tổ chức Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên tạo ra sự thống nhất trong nhận thức về vấn đề xây dựng văn hóa nhà trường. Công tác tuyên truyền phải thường xuyên liên tục với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Trong đó, tổ chức các buổi chuyên đề, khuyến khích nghiên cứu khoa học, nghiên cứu về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; Tuyên truyền làm cho đội ngũ giáo viên hiểu trách nhiệm, vị trí vai trò tầm quan trọng của công tác xây dựng văn hóa nhà trường trong vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, Hội đồng sư phạm mỗi tháng họp một lần thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi kinh nghiệm, đánh giá giữa các tổ bộ môn và các tổ chức trong nhà trường về công tác xây dựng văn hóa nhà trường.

          Để xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành viên trong nhà trường: Hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên, học sinh và cả sự ảnh hưởng từ bên ngoài nhà trường, phụ huynh học sinh, tuy nhiên Hiệu trưởng là người có sức ảnh hưởng lớn nhất. Hiệu trưởng thông qua các hoạt động cụ thể của mình quyết định đến việc xây dựng và phát triển và định hình cho diện mạo văn hóa nhà trường. Hiệu trưởng vừa thực hiện vai trò của một người quản lí, vừa thực hiện vai trò của một người lãnh đạo. Trong đó, vai trò của Hiệu trưởng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường. Hiệu trưởng có vai trò quan trọng trong xây dựng văn hóa nhà trường, chi phối sự phát triển văn hóa nhà trường theo nhiều cách thức khác nhau như là người xác định tầm nhìn cho nhà trường, dẫn dắt nhà trường để thực hiện tầm nhìn đó, là người đầu tiên thấy rõ bản chất, vai trò và những yếu tố cơ bản nhất của văn hóa nhà trường, từ đó quyết định đến sự phát triển và định hình cho diện mạo văn hóa nhà trường, chia sẻ quyền lực, mạnh dạn trao quyền cho giáo viên trong đó đề cao vai trò lãnh đạo hoạt động dạy và học của giáo viên, khuyến khích cho các thành viên trong nhà trường tham gia học hỏi và chia sẻ về các vấn đề chuyên môn, có khả năng dẫn dắt các thành viên tham gia vào các hoạt động chung của nhà trường, thể hiện sự quan tâm, đồng cảm và chia sẻ với các thành viên trong việc giải quyết các vấn đề chung hoặc cá nhân, có uy tín đối với tất cả mọi thành viên trong nhà trường, có khả năng chủ động và sáng tạo trong việc quản lí và xử lí các thông tin, biết cách định hướng cho các thành viên nhận thức được ý nghĩa của các giá trị văn hóa nhà trường thông qua việc tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống trong nhà trường, có khả năng nhận diện sáng suốt và đánh giá chuẩn xác các hiện trạng văn hóa trong nhà trường để điều chỉnh, thay đổi và phát triển phù hợp với sự phát triển xã hội, tác động vào suy nghĩ, hành vi của giáo viên, nhân viên và học sinh để họ hoạt động theo những mục tiêu chung của nhà trường, khuyến khích phụ huynh học sinh tham gia vào các hoạt động giáo dục của trường và làm cho phụ huynh hiểu rõ vai trò của họ.

          2.2. Từ nhận thức đến tổ chức thực hiện xây dựng văn hóa nhà trường

          Lãnh đạo nhà trường phải chủ động thường xuyên và luôn quan tâm đến nhận thức của mọi người, mọi lực lượng có liên quan đến xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường để kịp thời có giải pháp tuyên truyền nhận thức sự cần thiết và tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa nhà trường. Phải xác định được mục tiêu và có kế hoạch tuyên truyền nhận thức về công tác xây dựng văn hóa nhà trường, Phải lập kế hoạch dự thảo và lấy ý kiến rộng rãi của các thành viên trong nhà trường đẻ tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện. Đồng thời, phải xây dựng chế độ khen thưởng kịp thời và tương xứng cho những cá nhân hay tập thể làm tốt việc nhận thức về văn hóa nhà trường.

          Xây dựng kế hoạch cho các hoạt động bồi dưỡng rèn luyện để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa nhà trường cho các lực lượng tham gia giáo dục ở mỗi trường THPT. Xem xét thực trạng về mức độ nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về tầm quan trọng của của việc xây dựng văn hóa nhà trường,  Đề ra các mục tiêu phấn đấu để nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng mang tính chuyên nghiệp, năng lực thích ứng trong tổ chức và kỹ năng hợp tác trong nhà trường,  Chuẩn bị các nguồn lực như: con người, cơ sở vật chất, tài chính, thời gian, . . . để thực hiện mục tiêu đã đề ra, Chuẩn bị các phương án tiến hành nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa nhà trường cho các lực lượng tham gia giáo dục trong nhà trường THPT.

Xây dựng văn hóa nhà trường như thế nào

          Ngoài việc thực hiện tốt các chức năng quản lý về bồi dưỡng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng xây dựng văn hóa nhà trường cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh ở các trường THPT cần phải thực hiện tốt các vần đề như:

          - Đối với cán bộ quản lý và giáo viên: Đa dạng hóa các hình thức tổ chức bồi dưỡng nhận thức nhằm thu hút, tạo sự hứng thú cho các lực lượng tham gia. Các hình thức tổ chức như: Hội thảo chuyên đề về văn hóa nhà trường, lồng ghép các nội dung về văn hóa nhà trường trong các cuộc họp của nhà trường; tổ chức các cuộc thi; các buổi giao lưu với các đơn vị về các nội dung mang tính giáo dục và văn hóa; tham quan học tập... Từ đó nâng cao nhận thức của các cá nhân về văn hóa nhà trường, góp phần thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của bản thân. Văn hóa nhà trường thúc đẩy sự sáng tạo cá nhân, tạo nên tình thương yêu chân thành giữa các thành viên và đảm bảo cho sự hợp tác vì mục tiêu chung. Thầy cô giáo là người trực tiếp tham gia hoạt động dạy học. Và hơn ai hết, chính nhân cách Nhà giáo sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhân cách học trò. Vì vậy, chúng ta rất cần những Nhà giáo ngoài kiến thức chuyên môn, phải hiểu biết rộng về cuộc sống, có kiến thức sâu sắc về văn hóa xã hội.

          - Đối với học sinh: Văn hóa tạo nên giá trị đạo đức và có vai trò điều chỉnh hành vi. Khi được giáo dục trong một môi trường văn hóa và thấm nhuần hệ giá trị văn hóa, học trò không những hình thành được những hành vi chuẩn mực mà quan trọng hơn là ẩn chứa trong tiềm thức các em là niềm tin nội tâm sâu sắc vào những điều tốt đẹp, từ đó, khao khát cuộc sống hướng thiện và sống có lý tưởng. Đồng thời, Văn hóa Nhà trường còn giúp các em về khả năng thích nghi với xã hội. Một con người có văn hóa thì trong con người đó luôn hội tụ đầy đủ những giá trị đạo đức căn bản, đó là đức tính khiêm tốn, lễ độ, thương yêu con người, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội... Do vậy, khi gặp những tình huống xã hội phát sinh, dù là những tình huống mà các em chưa từng trải nhưng nhờ vận dụng năng lực văn hóa để điều tiết hành vi một cách hài hòa, các em có thể tự điều chỉnh mình phù hợp với hoàn cảnh, ứng xử hợp lẽ, hợp với lòng người và cuộc sống xung quanh.

          Để nâng cao nhận thức của học sinh, lồng ghép các nội dung bồi dưỡng nhận thức văn hóa nhà trường thông qua các buổi sinh hoạt chào cờ; các tiết sinh hoạt chủ nhiệm; các buổi ngoại khóa ngoài giờ lên lớp. Tổ chức tốt các phong trào cho học sinh tham gia như: văn nghệ, thể thao, các cuộc thi tìm hiểu kiến thức văn hóa (nếp sống văn hóa, thanh niên thanh lịch, v..v..). Từ đó góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh.

          - Đối với Hiệu trưởng nhà trường trong việc xây văn hóa nhà trường: Phải có kế hoạch cụ thể với từng nội dung hoạt động, cách thức thực hiện theo từng thời điểm, thời gian cụ thể rõ ràng. Thông báo kế hoạch đến từng tổ chức, từng  cá nhân trong nhà trường để các thành viên thấy được tính trách nhiệm của mình. Đảm bảo sự tham gia của tất cả các lực lượng giáo dục trong nhà trường đặc biệt là những lực lượng chính là giáo viên và học sinh. Đồng thời cũng phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính cho các hoạt động này.

          Hiệu trưởng thường xuyên theo dõi đánh giá và kiểm tra các hoạt động để biết được mức độ nhận thức của các thành viên. Tạo điều kiện cho đội ngũ Cán bộ, giáo viên trong nhà trường việc nghiên cứu kế hoạch thực hiện, và có cơ chế khuyến khích phù hợp trong việc thực hiện xây dựng văn hóa nhà trường. Tổ chức lại bộ máy của nhà trường sao cho đảm bảo tính đồng bộ, ổn định có tính dân chủ, kỷ luật cao trong việc thực hiện xây dựng văn hóa nhà trường.

          3. Kết luận

          Trong công cuộc đổi mới đất nước, chúng ta đã chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quá trình xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, chúng ta đã nỗ lực tìm kiếm nhiều cơ hội, đạt được những thành tựu to lớn về khoa học, kỹ thuật và công nghệ,...Nhưng chúng ta đã chưa lường hết được mức độ tấn công của mặt trái nền kinh tế thị trường để ngăn chặn nó. Điều đó đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới bộ mặt văn hóa xã hội, để lại những hậu quả khôn lường cho giáo dục nước ta.

          Một môi trường văn hóa mạnh sẽ hội tụ được cái tốt, cái đẹp cho xã hội. Xây dựng tốt văn hóa học đường sẽ giúp cho Nhà trường thực sự trở thành một trung tâm văn hóa giáo dục, là nơi hội tụ sức mạnh của trí tuệ và lòng nhân ái trong xã hội, góp phần quan trọng tạo nên sản phẩm giáo dục toàn diện. Một nhà trường tốt có chuẩn chất lượng cao, có kỳ vọng cao đối với học sinh, có môi trường giảng dạy và học tập tốt, hay nói cách khác là có văn hóa nhà trường tốt. Chìa khóa của thành công là trái tim và tinh thần truyền vào các mối quan hệ giữa con người, những nỗ lực của họ để phục vụ tất cả học sinh, và ý thức chia sẻ trách nhiệm trong dạy học. Nếu không có trái tim vàtinh thần được nuôi dưỡng bằng nhiều cách thức văn hóa, trường học trở thành nhà máy học tập, không có linh hồn và niềm đam mê. Việc xây dựng văn hóa nhà trường tích cực là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay vì: Một nhà trường có văn hóa mạnh, văn hóa tích cực sẽ nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

          Việc xây dựng văn hóa nhà trường là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nó đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp quản lý và đặc biệt là sự chủ động, quyết tâm và cầu thị của các nhà trường. Và hơn bao giờ hết, chúng ta đang rất cần những nhà giáo chân chính, những con người có bản lĩnh và cái tâm trong sáng trong cuộc chiến chống nạn “xâm lăng văn hóa”. Dân tộc Việt nam là một đất nước ngàn năm văn hiến, nhân dân Việt nam vốn có truyền thống hiếu học và tôn trọng đạo lý. Chúng ta hãy chung tay góp sức phát huy truyền thống dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa của nhân cách con người Việt Nam.

          Xây dựng và phát triển văn hóa nhà trường là một quá trình lâu dài, kiên trì và phải được sự ủng hộ, đồng thuận của tất cả thành viên trong nhà trường để giữ vững và phát huy các giá trị tích cực, hình thành các giá trị mới phục vụ mục tiêu phát triển giáo dục của nhà trường. Trong quá trình xây dựng kế hoạch, quy trình phát triển văn hóa nhà trường, nhà trường phải chú trọng đến các nội dung phát triển văn hóa nhà trường phù hợp với bối cảnh hiện nay, những nội dung nào cần phải thực hiện, đặc biệt phải đánh giá được mức độ nhận thức về các nội dung của văn hóa nhà trường làm nền tảng xây dựng lộ trình phát triển văn hóa nhà trường nhằm nâng cao chất lượng và uy tín của nhà trường ./.

ThS. Nguyễn Thiện Nghĩa - ThS.Nguyễn Quang Thuần