Biến lượng là gì

Sự vật, hiện tượng bất kỳ nào cũng bao gồm mặt chất và mặt lượng. Tuy nhiên, trong thế giới luôn có sự vận động và biến đổi do đó sự vận động là luôn diễn ra. Xoay quanh sự vận động ấy luôn có nhiều quan điểm phụ thuộc và liên quan, phép biện chứng duy vật đem lại quan điểm đúng đắn về khái niệm chất, lượng và quan hệ qua lại giữa chúng, từ đó khái quát thành quy luật chuyển hóa từ những sự thay đổi về lượng thành những sự thay đổi về chất và ngược lại.

 

1. Khái niệm chất và khái niệm lượng

Chất là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định khách quan vốn có của sự vật, là sự thống nhất hữu cơ của những thuộc tính làm cho sự vật là nó chứ không phải cái khác. Mỗi sự vật, hiện tượng trong thế giới đều có những chất vốn có, làm nên chính chúng. Nhờ đó chúng mới khác với các sự vật, hiện tượng khác.

Lượng là phạm trù triết học dùng để chỉ tính quy định vốn có của sự vật về mặt số lượng, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển cũng như các thuộc tính của sự vật. Lượng là cái vốn có của sự vật, song lượng chưa làm cho sự vật là nó, chưa làm cho nó khác với những cái khác. Lượng tồn tại cùng với chất của sự vật và cũng có tính khách quan như chất của sự vật. Lượng của sự vật biểu thị kích thước dài hay ngắn, số lượng nhiều hay ít, quy mô lớn hay nhỏ, trình độ cao hay thấp, nhịp điệu nhanh hay chậm,...

Chất và lượng là cái khách quan vốn có bên trong của sự vật: Chất tồn tại "thuần túy" hoặc phụ thuộc vào cảm giác chủ quan của con người như các nhà triết học duy tâm chủ quan quan niệm. Lượng không thể chỉ diên tả bằng những con số chính xác, mà còn phải được nhận thức bằng khả năng trừu tượng hóa.

Phân biệt giữa chất và lượng của sự vật chỉ mang tính tương đối. Có những tính quy định trong mối quan hệ này là chất của sự vật, song trong mối quan hệ khác lại biểu thị lượng của sự vật và ngược lại. Chẳng hạn, số lượng của học sinh giỏi nhất định của một lớp sẽ nói lên chất lượng học tập của lớp đó. Nghĩa là dù số lượng cụ thể quy định thuần túy về lượng, song số lượng ấy cũng có tính quy định về chất của sự vật.

 

2. Mối quan hệ giữa sự thay đổi về lượng và sự thay đổi về chất

Những thay đổi về lượng dẫn đến những sự thay đổi về chất và ngược lại. Bởi bất kỳ sự vật hay hiện tượng nào cũng là sự thống nhất giữa mặt chất và mặt lượng và tác động qua lại lẫn nhau. Trong sự vật, quy định về lượng không bao giờ tồn tại nếu không có tính quy định về chất và ngược lại.

Sự thay đổi về lượng và chất của sự vật diễn ra cùng với sự vận động và phát triển của sự vật. Những sự thay đổi ấy có quan hệ chặt chẽ với nhau và không tách rời. Lượng cần đến một giới hạn nhất định để chất có thể thay đổi. Chẳng hạn, một học sinh ôn tập trước kỳ thi, dạng đề và bài tập học sinh ấy làm lên đến cả trăm trang, thậm chí luyện tập nhiều lần 1 dạng đề, song năng lực của học sinh ấy vẫn chỉ nằm ở khá chưa chuyển sang dạng giỏi; chỉ khi tích lũy đủ kiến thức thì năng lực của học sinh ấy mới có thể chuyển qua thành tích giỏi.

Từ ví dụ trên, ta hiểu: phần kiến thức được học sinh tích lũy là lượng, độ là mức kiến thức đủ để học sinh có thể chuyển thành tích từ khá và giỏi, ranh giới giữa thành tích khá và thành tích giỏi là điểm nút, còn bước nhảy là sự chuyển biến từ học sinh khá thành học sinh giỏi do phần tích lũy kiến thức trước đó gây nên.

Theo triết học, các thuật ngữ ấy sẽ được khái quát như sau:

- Độ là phạm trù triết học dùng để chỉ khoảng giới hạn trong đó sự thay đổi về lượng là sự vật chưa làm thay đổi căn bản của sự vật ấy.

- Điểm nút là phạm trù triết học dùng để chỉ điểm giới hạn mà tại đó sự thay đổi về lượng đã đủ làm thay đổi về chất của sự vật.

- Bước nhảy là phạm trù triết học dùng để chỉ sự chuyển hóa về chất của sự vật do sự thay đổi về lượng của sự vật trước đó gây nên.

Như vậy, sự phát triển của bất cứ sự vật nào cũng bắt đầu từ sự tích lũy về lượng trong độ nhất định cho tới điểm nút để thực hiện bước nhảy về chất. Song điểm nút của  quá trình ấy không cố định mà có thể có những thay đổi. Sự thay đổi ấy do tác động của những điều kiện khách quan và chủ quan quy định.

Ngoài ra, khi chất mới ra đời, sẽ có sự tác động trở lại lượng của sự vật. Sự tác động ấy được thể hiện qua việc: chất mới có thể làm thay đổi kết cấu, quy mô, trình độ, nhịp điệu của sự vận động và phát triển của sự vật. Chẳng hạn: Khi học sinh vượt qua điểm nút kỳ thi tốt nghiệp, tức là đã thực hiện bước nhảy, học sinh sẽ có điểm của kỳ thi xét tuyển vào các trường đại học. Số điểm càng cao càng giúp sinh viên có điều kiện thuận lợi để họ thay đổi kết cấu, quy mô và trình độ tri thức, giúp họ tiến lên trình độ cao hơn.

 

3. Sự biến đổi về chất và sự biến đổi về lượng khác nhau như thế nào?

Sự biến đổi về chất của các sự vật và hiện tượng bắt đầu từ sự biến đổi về lượng. Trong quá trình biến đổi sẽ có ảnh hưởng đến trạng thái chất của sự vật và hiện tượng, tuy nhiên chất của sự vật và hiện tượng mang tính ổn định tương đối nên chưa biến đổi ngay. Khi xuất hiện sự biến đổi về lượng đạt đến giới hạn nhất định, phá vỡ sự thống nhất giữa chất và lượng thì chất mới ra đời thay thế chất cũ, sự vật mới ra đời thay thế sự vật cũ.

Sự biến đổi về lượng diễn ra dần dần, liên tục, khi đến giới hạn nhất định sẽ phá vỡ sự thống nhất giữa chất và lượng, làm chất biến đổi thành chất mới. Đối với mỗi sự vật hiện tượng đều có chất và lượng đặc trưng phù hợp với nó. Do đó, khi chất mới ra đời sẽ bao hàm một lượng mới để tạo thành sự thống nhất mới giữa chất và lượng.

Từ đó, có thể hiểu đơn giản sự biến đổi về chất và sự biến đổi về lượng khác nhau như sau:

- Nếu như sự biến đổi về lượng diễn ra trước, thường xuyên và theo trình tự từ từ từng ít một thì sự biến đổi về chất diễn ra sau, diễn ra một cách nhanh chóng khi lượng biến đổi đạt đến giới hạn.

- Nếu như sự biến đổi về lượng cần giới hạn nhất định thì chất lại cần lượng nhất định để diễn ra sự biến đổi.

Tóm lại, sự biến đổi về chất và sự biến đổi về lượng khác nhau về bản chất và thời điểm diễn ra biến đổi.

Mọi thắc mắc quý bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến: 1900.6162. Rất mong nhận được sự hợp tác của quý khách hàng. Trân trọng!