Văn bản dưới luật gồm những văn bản nào năm 2024

Văn bản dưới luật - một văn bản quan trọng có tác dụng để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải thích, cụ thể hoá chi tiết và thực hiện những điều mà văn bản luật đưa ra. Vậy, cụ thể văn bản luật là gì, có những loại văn bản nào? Văn bản luật và dưới luật có gì khác nhau?

Trong bài viết này, Luật Dragon sẽ giải đáp A-Z những thắc mắc trên qua bài viết dưới đây.

1. Văn bản dưới luật là gì?

Văn bản dưới luật là những văn bản do các cơ quan nhà nước ở trung ương hoặc địa phương có thẩm quyền ban hành, có hiệu lực pháp lý, quy định các hành vi, quyền và nghĩa vụ của các đối tượng pháp lý trong một lĩnh vực cụ thể nhằm cụ thể hoá và thi hành các quy định của Hiến pháp, văn bản luật . Văn bản dưới luật không được trái với Hiến pháp và văn bản luật. Một số loại văn bản dưới luật có thể kể đến là: Pháp lệnh, Nghị định, Nghị quyết, Thông tư,…

Ví dụ: Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

2. Phân loại các loại văn bản dưới luật

Có nhiều cách phân loại các loại văn bản dưới luật, tùy theo tiêu chí khác nhau. Một số cách phân loại phổ biến như sau:

Pháp lệnh:

Pháp lệnh là một loại văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bởi Uỷ ban thường vụ Quốc hội để quy định các vấn đề được Quốc hội giao. Pháp lệnh được thông qua sau khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội tán thành và có hiệu lực sau khi Chủ tịch nước ký lệnh công bố.

Pháp lệnh có đầy đủ các đặc điểm của một văn bản quy phạm pháp luật, và nó được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Pháp lệnh mang tính bắt buộc và thể hiện ý chí của chủ thể ban hành.

Nghị quyết:

Nghị quyết là một loại văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bởi nhiều cơ quan nhà nước khác nhau với nhiều mục đích và nội dung khác nhau. Nghị quyết phải tuân theo các trình tự và thủ tục được quy định trong các luật và văn bản quy phạm pháp luật. Về nội dung, nghị quyết có thể quy định về việc phân chia ngân sách, giải thích Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, hướng dẫn hoạt động của các cơ quan nhà nước và nhiều vấn đề khác.

Sắc lệnh:

Sắc lệnh là một loại mệnh lệnh do người đứng đầu nhà nước ban hành, để quy định những vấn đề quan trọng và cấp thiết trong các tình huống đặc biệt. Hiện nay, sắc lệnh không được quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, "Lệnh" của Chủ tịch nước theo khoản 4 điều 4 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có tác dụng tương đương như Sắc lệnh.

Nghị định:

Nghị định là văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ ban hành để chi tiết hóa các điều khoản trong các loại văn bản khác như Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước,.... Nghị định có tính bắt buộc và phải tuân theo các quy định luật về trình tự và thủ tục.

Quyết định:

Quyết định là văn bản thường được sử dụng để thiết lập và thực hiện các biện pháp, quy định cụ thể, nhằm thực hiện chính sách và chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đây là các tài liệu quy định những nguyên tắc, quyền lợi, và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể.

Có nhiều loại quyết định, bao gồm Quyết định của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Tổng kiểm toán nhà nước, Quyết định của Uỷ ban nhân dân các cấp, và nhiều loại khác.

Thông tư:

Thông tư là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành bởi Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ để giải thích, hướng dẫn cụ thể và chi tiết các quy định trong các loại văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên bao gồm: Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Lệnh, Quyết định,...

3. So sánh văn bản luật và văn bản dưới luật

Văn bản luật và văn bản dưới luật là hai khái niệm có liên quan nhưng cũng có sự khác biệt rõ ràng. Dưới đây là một số điểm so sánh giữa hai loại văn bản này:

Đặc điểm

Văn bản luật

Văn bản dưới luật

Thẩm quyền ban hành

Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước ban hành theo quy trình, thủ tục và hình thức được pháp luật quy định (bao gồm Hiến pháp, Luật và Bộ luật)

Các cơ quan nhà nước ban hành theo quy trình, thủ tục và hình thức được pháp luật quy định, bao gồm pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, lệnh, quyết định, thông tư

Hiệu lực pháp lý

Có hiệu lực pháp lý cao nhất, có tính bắt buộc.

Có hiệu lực pháp lý thấp hơn so với văn bản luật, thường tập trung vào việc thi hành và hướng dẫn chi tiết cách thực hiện các quy định trong văn bản luật