Vì sao không nên nóng giận

SKĐS - Tức giận là một trong những cảm xúc tiêu cực gây hại nhiều hơn lợi, chủ đề làm say mê các nhà khao học, cũng như những người chuyên nghiên cứu về giấc mơ và gien di truyền.Liên quan chủ đề này, tạp chí Listverse (LC) của Anh vừa cập nhật những điều thú vị dưới góc nhìn của y học hiện đại.

Trên thực tế, áp lực bởi công việc, tiền bạc, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, thậm chí chỉ đơn giản là tắc đường khi tham gia giao thông cũng khiến nhiều người tức giận, bực bội… Sự tức giận không kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và các mối quan hệ.

Vậy tức giận có tác hại với sức khoẻ như thế nào? Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn kiểm soát cơn nóng giận một cách hiệu quả nhất.

Tức giận ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhất là tim mạch

Có nhiều nghiên cứu về vấn đề nóng giận và mức độ mất kiểm soát hành vi khi gặp phải các vấn đề trong sinh hoạt cũng như công việc. Thực tế với tâm lý tức giận, bực bội và nóng giận mất kiểm soát có ranh giới mong manh. Nếu tức giận sẽ dẫn đến mất kiểm soát, điều này thường xuyên xảy ra trong cuộc sống của con người hiện nay, nhất là khi dịch bệnh đang rất căng thẳng. Lo lắng và áp lực từ công việc, tiền bạc, gia đình cộng với mối quan hệ xã hội khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu hết được tác hại của nó. Không chỉ có tác hại về mối quan hệ xung đột khi nóng giận không kiềm chế được mà nó còn có hại đến sức khoẻ cơ thể.

  • Căng thẳng, tức giận có thể làm suy tim trầm trọng hơn

  • Tuyệt đối không làm điều này khi tức giận

Nhiều nghiên cứu cho thấy tác hại lớn nhất về mặt thể chất là sự tức giận ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Các nhà nghiên cứu tâm thần học cho biết, trong hai giờ sau khi cơn tức giận bộc phát thì nguy cơ bị đau tim tăng gấp đôi. Nếu sự tức giận kìm nén cố gắng kiểm soát và điều này lặp đi lặp lại thời gian dài cũng có thể liên quan đến tim mạch và nguy cơ mắc bệnh mạch vành tăng cao. Điều này cho thấy, nếu tức giận xảy ra nhiều và ở một cường độ nào đó, có thể xảy ra tình trạng đột quỵ. Các nhà nghiên cứu cho thấy nguy cơ bị đột quỵ do cục máu đông lên não hoặc chảy máu trong não sau cơn tức giận cao hơn gấp ba lần so với người bình thường.

Vì sao không nên nóng giận

Sự tức giận không kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và các mối quan hệ.

Bên cạnh đó, nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ) đã phát hiện ra rằng, với những người khỏe mạnh, bình thường nếu nhớ lại các cơn tức giận cũng có thể giảm hệ miễn dịch và có nguy cơ mắc các bệnh thông thường.

Điều này cho thấy, cơn tức giận cũng liên quan đến các chứng trầm cảm ở nhiều người trưởng thành. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa trầm cảm với sự không kiềm chế mất kiểm soát và tức giận ở nam giới. Cứ tức giận là có hành động chửi bới, đánh đập và ân hận, dằn vặt về những nóng giận không kiềm chế… vòng luẩn quẩn như vậy có thể xảy ra tình trạng trầm cảm.

Và hệ lụy cuối cùng là tức giận khiến cho giảm tuổi thọ đáng kể. Các căng thẳng kéo dài, tức giận kéo dài có mối liên hệ rất chặt chẽ với sức khỏe nói chung và sẽ rút ngắn tuổi thọ của bạn.

Vì sao không nên nóng giận

Căng thẳng, giận giữ có thể rút ngắn tuổi thọ của bạn

Làm thế nào để kiểm soát cơn tức giận dễ dàng?

Ở mỗi người khác nhau sẽ có cách giảm cơn tức giận. Có thể đơn giản nhất là kìm nén tạm thời bằng cách hít thở thật sâu. Khi tức giận nếu hít thở thật sâu sẽ hạ nhiệt cơn được sự bùng nổ cơn giận của bạn xuống.

Hít thở sâu giúp điều hòa nhịp thở, lượng máu, oxy lưu thông phân phối đến các cơ quan phổi, não và tim một cách hài hoà, tránh bị sốc. Nhiều người hay tức giận thường xuyên tập thiền, yoga… có thể giảm được các cơn nóng giận. Khi các chức năng của từng bộ phận trên hoạt động bình thường, nhịp nhàng lại với nhau, cơn tức giận của bạn sẽ từ từ biến mất.

Nếu không tập thiền, yoga thì có thể áp dụng bài tập hít thở sâu. Một cách đơn giản là ngồi thoải mái, cho phép cổ và vai của bạn được thư giãn hoàn toàn. Sau đó bạn nhắm hờ mắt lại rồi hít thở sâu bằng mũi và chú ý đến việc hóp bụng. Thở ra bằng miệng. Nên sử dụng bài tập này 3 lần một ngày, trong 5 đến 10 phút hoặc khi cần thiết.

Khi gặp phải sự cố khiến bạn tức giận, hãy rời khỏi nơi đó đi ra ngoài. Có thể đi ra vườn, đi dạo, đi ra công viên… miễn là đi khỏi không gian mà bạn cảm thấy tức giận. Vì nếu ở lại không gian xung quanh bí bách, ngột ngạt. Nếu cứ nán lại nguyên một chỗ bạn lại càng thấy khó chịu hơn.

Theo nghiên cứu, đi dạo ra ngoài để hít thở không khí trong lành, có cây cối, hồ nước, vườn hoa… không gian thoáng đãng giúp bạn tiếp nhận luồng không khí mới, bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh trở lại.

Vì sao không nên nóng giận

Khi gặp phải sự cố khiến bạn tức giận, bạn nên ra ngoài đi dạo để hít thở không khí trong lành.

Ngoài ra, để kiểm soát cơn tức giận hãy chia sẻ với bạn bè, người thân, những người mà bạn tin tưởng, thân thiết là nơi bạn có thể chia sẻ mọi điều.

Khi chia sẻ được những vướng mắc, những điều bực tức bạn sẽ thấy thoải mái hơn. Cũng chính những người bạn sẽ chia sẻ lời khuyên hữu ích, những nhìn nhận khách quan để giúp bạn giải tỏa phần nào những suy nghĩ bực bội và những nguyên nhân khiến bạn cảm thấy tức giận.

Nếu sự tức giận thường xuyên và ảnh hưởng đến các mối quan hệ và hạnh phúc của bạn, hãy tìm đến một nhà tâm lý có thể giúp bạn giải quyết các nguồn gốc của cơn giận và giúp bạn phát triển các công cụ đối phó tốt hơn.

Tức giận gây nhiều hệ lụy đến sức khoẻ cũng như tinh thần điều này thật sự sẽ xảy ra nếu như thường xuyên tức giận bực bội. Hãy học cách phòng tránh và kiểm soát sự tức giận để cuộc sống của bạn tràn ngập nhiều niềm vui và hạnh phúc.