Bài hát túy phi sương giống bài hát nào không năm 2024

Để làm rõ những nét tương đồng và dị biệt giữa nhạc Tài tử và nhạc Cải lương, có lẽ chúng ta cần tìm hiểu khái quát về quá trình hình thành và phát triển của hai loại âm nhạc này ở góc độ âm nhạc.

NHẠC TÀI TỬ

Nhạc Tài tử có nguồn gốc từ nhạc ngũ âm ở Nam Bộ, mang tính tôn nghiêm, trang trọng dùng trong các dịp lễ đám... Dàn nhạc Lễ ngũ âm chia ra làm 2 nhóm (phe) văn và võ với 5 nhạc sĩ sử dụng 5 đến 6 nhạc cụ trong từng trường hợp.

Nhạc văn gồm các nhạc cụ: cò, cò chỉ, cò gáo tre, cò gáo dừa, trống nhạc (hay trống bát cấu), trống cơm và thường trình tấu các bản: Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc và thêm Xuân nữ .

Nhạc võ gồm các nhạc cụ: trống đực, trống cái, chập bạt, đẩu (hoặc thanh la), mõ sừng, kèn trung, bồng và thường trình tấu các bản: Đánh thét, Bài lạy, Táng điệu, Táng thích, Đánh đàng, Đánh chập, Tiếp giá...

Vào khoảng năm 1845-1850, phe văn có một sự cách tân tách ra nhóm nhạc mới gồm chủ yếu là các nhạc cụ gảy và kéo, gọi là nhóm đờn cây, mang dáng dấp của nhạc hòa tấu thính phòng. Sự thành lập này phát xuất từ việc yêu cầu của chủ nhà và các đối tượng am hiểu âm nhạc muốn nghe chơi, giải trí nhẹ nhàng trong lúc ngoài chương trình cúng lễ.

Thời gian sau, mô hình này được học tập và phổ biến ở nhiều nơi, phát triển thành phong trào đờn cây. Có thể trong giai đoạn này, để tạo sức hút và cạnh tranh với nhóm khác, các nhạc sĩ đã từng bước chấn chỉnh hoặc cải soạn một số bản nhạc cổ Huế, bổ sung cho số bản vốn ít ỏi của nhạc đờn cây.

Từ năm 1875 trở đi, phong trào đờn cây đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành phía Nam và trở thành một thú chơi tao nhã của các gia đình quyền quý. Không gian và thời gian tổ chức được mở rộng hơn: nơi phòng khách hay điểm trang trọng nhất trong nhà, ngoài sân vườn, trên thuyền, dưới bến sông trong những lúc trà dư tửu hậu, liên hoan... Đối tượng tham gia biểu diễn và thưởng thức cũng đa dạng hơn: các danh gia thế phiệt, tao nhân mặc khách, tài tử giai nhân... Và để thu hút khách tri âm, mộ điệu, hình thức ca được xen kẽ với hình thức đờn. Lúc này, mới có bài ca soạn với lối văn tự sự, mang nhiều nội dung khác nhau trên cùng một bản đờn (dựa theo các tác phẩm thơ ca truyền thống, như: Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, Tô Huệ chức cẩm hồi văn…). Vai trò người đờn và người ca đều quan trọng như nhau nên tất cả đều cùng ngồi trên một bộ ván hoặc chiếu nhạc để thể hiện nghệ thuật. Từ đây, mới có thêm một nhạc cụ gõ là nhịp sanh tức hai miếng phách gỗ do người ca nắm giữ .

Phong cách chơidần thoát đi cái vẻ tôn nghiêm của nhạc Lễ mà đi vào chiều sâu tình cảm, cốt cách của âm nhạc thính phòng. ở đây cho phép người chơi thể hiện với phong thái khoan thai, đĩnh đạc bằng tất cả xúc cảm và tài năng của mình trên một cấu trúc mô hình sơ giản của lòng bản, miễn là đúng nhịp, không lạc hơi. Để phân biệt giữa những người "nhà nghề" lấy nhạc đờn cây làm mưu sinh với những người chơi "tri âm tri kỷ" với nhau, người ta căn cứ vào mục đích chơi (giải trí, tiêu khiển...) và phong cách chơi (phong lưu, tao nhã...) để gọi họ là những Tài tử (talents). Ca nhạc với tính chất và những con người như vậy, gọi nôm na là Đờn ca Tài tử; sau này được gọi bằng thuật ngữ chính quy hơn là âm nhạc Tài tử hay ngắn gọn hơn là nhạc Tài tử (music of talents).

Nhạc Tài tử ngày càng phát triển rộng khắp Nam Bộ, điển hình một số nhóm nổi tiếng ở nhiều địa phương như: Bạc Liêu, Vĩnh Long - Sa Đéc, Vĩnh Kim - Cái Thia (Mỹ Tho), Cần Đước (Long An), Sài Gòn… Các nhóm này liên kết theo hai khối: Tài tử miền Đông và Tài tử miền Tây với người đứng đầu là Nguyễn Quang Đại tức ba Đợi ở Cần Đước và Trần Quang Qườn tức Ký Qườn ở Vĩnh Long. Cả hai khối đều có những đóng góp rất lớn trong việc cải soạn, sáng tác mới bài bản, giảng dạy và truyền bá nhạc Tài tử theo cách riêng của mình. Nhờ đó, số bài bản đã tăng nhiều hơn lên và thường là những tác phẩm lớn, có lớp lang với thời lượng diễn tấu dài, tương xứng với các bản căn cơ đã có.

Cho đến đầu thế kỷ XX, các nhà âm nhạc Tài tử mới có những bước hệ thống các vấn đề học thuật âm nhạc. Về dàn nhạc, được cấu trúc theo tam hòa, tứ tuyệt, ngũ tuyệt . Đặc biệt bộ sanh trước đó được cải tiến thành một nhạc cụ mới gọi là song lang . Về bài bản, được chọn lọc theo hơi điệu và sắp xếp thành từng loại khác nhau. Theo thứ tự thời gian, các bảng sắp loại sau đây được nhiều người áp dụng:

- Năm 1900, bảng sắp loại đầu tiên của ông Ba Đợi gọi là 20 bản Tổ , gồm:

Bảng 1:

TÊN NHÓM BÀI

BÀI BẢN

Sáu:

Bắc

Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây Thi, Cổ bản.

Bảy:

Bài (Tổ, Lễ, Nhạc, Cò, Lớn, Bắc lớn, Bắc Lễ)

Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc.

Ba:

Nam

Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung (Nam đảo).

Bốn:

Oán

Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang Nam (Giang Nam cửu khúc), Phụng cầu (Phụng cầu hoàng).

Đây là bảng sắp loại được giới nhạc Tài tử xem là mẫu mực. Bởi vì, dẫu cho đến nay có nhiều bài bản khác ra đời nhưng vẫn không tạo được nét mới lạ về mặt cấu trúc cũng như hơi nhạc, nhịp điệu (trừ bản Vọng cổ).

Trên cơ sở 20 bản Tổ, nhạc Tài tử có các loại hơi khác nhau: Bắc, Lễ (Nhạc, Hạ), Xuân, Ai, Đảo, Oán. Riêng nhóm sáu Bắc, bài bản có khác nhau ở 3 cấp độ nhịp: tẩu mã (nhanh), đoản hay vắn (vừa), trường hoặc chấn (chậm). Có 3 loại nhịp: nhịp đôi, nhịp tư và nhịp tám. Mỗi loại có nhịp song lang được gõ báo vào nhịp thứ 2 của nhịp đôi, nhịp thứ 3-4 của nhịp tư, nhịp thứ 6-8 của nhịp tám. Nhịp tư có trong sáu Bắc, bảy Bài, ba Nam; nhịp tám có trong bốn Oán. Ngoài ra trong tiết nhịp còn phân biệt hai hình thức: nhịp nội (chánh), nhịp ngoại.

- Tiếp theo, vào năm 1945, ông Nguyễn Văn Thinh tức Giáo Thinh - một nhạc sư danh tiếng ở Sài Gòn, đã đúc kết một bảng sắp loại mà theo đánh giá của nhạc giới là tuy công phu nhưng thiếu hẳn các bài bản của khối Tài tử miền Tây, gọi là 72 bài bản cổ nhạc Nam phần .

Bảng 2:

TÊN NHÓM BÀI

BÀI BẢN

36 bản Bắc

Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Cổ bản, Xuân tình, Tây Thi .

7 bản Lễ

Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc.

3 bản Nam

Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung

6 bản Oán

Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang Nam, Phụng cầu, Bình sa lạc nhạn, Thanh dạ đề quyên

8 bản Ngự

Đường Thái Tôn, Vọng phu, Chiêu Quân, ái tử kê, Bắc Man tấn cống, Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Quả phụ hàm oan.

10 bản Tàu (Thập Thủ Liên Hườn)

Phẩm tuyết, Ngươn tiêu, Hồ Quảng, Liên hườn, Bình bản, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã.

1 bản

Bát bản

1 bản

Hội ngươn tiêu

- Tương truyền cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng có đúc kết một bảng sắp loại bài bản được ấn hành trên báo Tiếng Dân (Huế) năm 1927. Tuy nhiên nguồn căn cứ, tiêu đề và chi tiết có nhiều điểm đáng ngờ. Năm 1957, ông Lan Dương nêu thắc mắc trên báo Tin Điển (Sài Gòn) số ngày 17-5, nghe nói rằng cụ Huỳnh có viết bài khảo luận về 10 loại bài bản âm nhạc cổ điển Việt Nam mà theo ông như sau:

Bảng 3:

TÊN NHÓM BÀI

MIỀN GỐC

Nhứt:

Nam, Trung

Nhì:

Ngâm

Nam, Trung, Bắc

Tam:

Nam

Nam, Trung

Tứ:

Oán

Nam

Ngũ:

Điếm

Nam

Lục:

Xuất Kỳ Sơn

Nam, Trung

Thất:

Chánh

Nam

Bát:

Ngự

Nam

Cửu:

Nhĩ

Nam

Thập:

Thủ "Liên Hườn"

Trung

Liền đó, ông Giáo Thinh tuy cũng chưa đọc qua bài khảo luận trên nhưng đã mạnh dạn thử phân tíchđể làm sáng tỏ có những bài bản nào và lấy tiêu đề là 10 loại bài bản cổ nhạc Việt Nam, như sau:

Bảng 4:

TÊN NHÓM BÀI

BÀI BẢN THUỘC MIỀN GỐC

Nhứt:

Miền Nam: Lý bốn mùa (Vọng phu), Lý giao duyên, Lý con sáo (tam thất), Lý ngựa ô Nam, Lý ngựa ô Bắc, Lý Phước Kiến.

Miền Trung: Lý hoài xuân, Lý Giang nam, Lý Nam xang, Lý giao dươn, Lý tử vi, Lý huê tình…

Nhì:

Ngâm

Các lối ngâm 3 miền qua thể thơ cổ: ngũ ngôn, thất ngôn tứ cú hay bát cú, song thất lục bát hay thượng lục hạ bát…

Tam:

Nam

Miền Nam: Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung.

Miền Trung: Hạ Giang Nam (Nam xoan, Nam chiến), Vọng Giang Nam (Nam bình), Ai Giang Nam (Nam ai)…

Tứ:

Oán

Miền Nam: Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang Nam, Phụng cầu, Bình sa lạc nhạn, Thanh dạ đề quyên

Ngũ:

Điếm

Miền Nam: Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Cổ bản, Xuân tình, Tây thi.

Lục:

Xuất Kỳ Sơn

Miền Nam, miền Trung: Cổ bản vắn, Bình bản, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã.

Thất:

Chính

Miền Nam: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ (bài hạ), Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc.

Bát:

Ngự

Miền Nam: Đường Thái Tôn, Vọng phu, Chiêu Quân, ái tử kê, Bắc Man tấn cống, Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Quả phụ hàm oan.

Cửu :

Nhĩ

Miền Nam: Hội ngươn tiêu, Bát bản chấn.

Thập:

Thủ Liên Hườn

Miền Trung: Phẩm tuyết, Ngươn tiêu, Hồ Quảng, Liên hườn, Bình bản, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã.

- Từ sau năm 1975, nhạc Tài tử có sự phát triển mạnh mẽ về bài bản. Nhiều tác phẩm mới được các nhạc sĩ sáng tác và nhanh chóng hòa vào nhạc giới. Trong một cố gắng làm cho hợp lý hơn, năm 1979, ông Chín Tâm - một nhạc sĩ Tài tử có tiếng tăm ở thành phố Hồ Chí Minh, điều chỉnh hệ thống 10 loại bài bản bằng sự thêm vào một số bài bản giá trị khác và bỏ bớt số bài trùng, bài miền Trung, gọi là 10 loại bài bản cổ nhạc miền Nam:

Bảng 5:

TÊN NHÓM BÀI

BÀI BẢN

Nhứt:

Lý vọng phu, Lý giao duyên, Lý con sáo, Lý ngựa ô Nam, Lý ngựa ô Bắc, Lý Phước Kiến, Lý chuồn chuồn, Lý thập tình.

Nhì:

Ngâm

Ngâm thơ: lục bát, tứ tuyệt, bát cú… theo giọng Xuân, Ai.

Tam:

Nam

Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung.

Tứ :

Oán

Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang Nam, Phụng cầu, Bình sa lạc nhạn, Thanh dạ đề quyên, Ngươn tiêu hội oán, Võ văn hội oán.

Ngũ:

Điếm

Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Cổ bản, Xuân tình, Tây thi (= 36 bản Bắc)

Lục:

Xuất

Văn Thiên Tường, Trường tương tư, Chinh phụ nam (Chinh phụ ly tình), Tứ đại vắn (Tứ đại cảnh Nam phần), Hội ngươn tiêu, Bát bản chấn

Thất:

Chính

Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc.

Bát:

Ngự

Đường Thái Tôn, Vọng phu, Chiêu Quân, ái tử kê, Bắc Man tấn cống, Tương tư, Duyên kỳ ngộ, Quả phụ hàm oan.

Cửu:

Nhĩ

Minh hoàng thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên, ái tử kê, Kim tiền bảng, Ngự giá, Hồ lan, Vạn liên, Song phi hồ điệp.

Thập:

Thủ Liên Hườn

Phẩm tuyết, Ngươn tiêu, Hồ Quảng, Liên hườn, Bình bản, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã.

Bảng sắp loại của ông Chín Tâm tuy phản ánh đầy đủ hơn số lượng bài bản Tài tử (mà ông gọi là cổ nhạc miền Nam), nhưng vẫn còn thiếu khá nhiều và do lệ thuộc vào khuôn khổ thứ tự và con số 10 loại bài bản của cụ Huỳnh (chỉ định là âm nhạc cổ điển Việt Nam hoặc cổ nhạc Việt Nam) nên có hai điều phi lý và không thực tế. Đó là, dân ca miền Nam có rất nhiều bài Lý nhưng ở đây chỉ có tám bài và các lối ngâm thơ ba miền vốn chỉ là làn điệu ngâm, không thể coi như một loại bài bản được. Hơn nữa, trên thực tế "nhứt Lý", "nhì Ngâm" hầu như không sử dụng trong một buổi Đờn ca Tài tử chính hiệu trước đây.

Số lượng bài bản Tài tử cho đến nay đã tăng lên khá nhiều, ngoài những bài đã được sắp loại trong bảng 5 có thể kể thêm các bài bản được giới nhạc Tài tử đón nhận:

Bảng 6:

NGUỒN

BÀI BẢN

Nhạc cổ Huế

Hành vân, Tứ đại cảnh…

Sáng tác mới

Hoài lang (Dạ cổ hoài lang nhịp 2, 4), Vọng cổ (nhịp 8, 16), Võ tắc biệt, Liêu giang, Ngũ quan, Tứ bửu Liêu thành, Ngũ châu Minh phổ, Nam âm ngũ khúc, Ngũ cung luân hoán, Ngũ đối hoàn cung, Khúc hận Nam Quan, Ngũ khúc Long phi, Hội huê đăng, Lục luật Tiêu hà, Đoản khúc Lam giang, Phi vân điệp khúc, Vọng Kim Lang…

Biến đổi từ bài bản Tài tử (lắp ghép, chuyển hơi…)

Xuân nữ, Xuân nữ Bạc Liêu, Chiết tứ vĩ, Phụng hoàng cải lương, Phụng hoàng lai nghi, Khổng Tử khóc Nhan Hồi, Bắc ngự, Xuân tình bát oán, Quả phụ hàm oan, Hành vân xuân, Hành vân ai, Ngũ đối ai, Cổ bản ai, Tây thi Quảng…

- Năm 1997, qua bài tham luận tại Hội đồng Âm nhạc truyền thống quốc tế (International Council for Traditional Music) lần thứ 34 tại Nitra, Slovakia, chúng tôi bước đầu có đề xuất một bảng sắp loại bài bản nhạc Tài tử Nam Bộ theo hệ thống bản Bắc và bản Nam .

Từ năm 1990 đến nay, nhạc Tài tử phát triển và biến đổi phức tạp, chịu ảnh hưởng nhiều của nhạc Cải lương. Bài bản thường được các nhóm chơi rút gọn, chỉ dùng một số lớp, bỏ lớp trùng hoặc liên kết các bản lại thành liên khúc (như Liên Nam, Lưu-Bình-Kim...) và chấp nhận một số bài của nhạc Cải lương (Ngũ điểm, Bài tạ, Xang xừ líu, Sương chiều, Tú Anh...), miễn là đáp ứng yêu cầu giải trí của một buổi Đờn ca Tài tử. Nhạc Tài tử cho đến lúc này ngoài các loại hơi đã kể trên, còn có thêm một số hơi khác như: hơi Dựng (lớp Dựng Văn Thiên Tường), hơi Ai-Oán (Vọng cổ...), hơi Quảng (các bài gốc Quảng Đông, Triều Châu).

Hiện nay, ranh giới giữa nhạc Tài tử và nhạc Cải lương dường như bị thả nổi. Thậm chí trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả các cuộc thi liên hoan đội nhóm, câu lạc bộ Đờn ca Tài tử chính thức sử dụng thuật ngữ nhạc Tài tử - Cải lương, khiến nhiều người không còn phân biệt giữa hai thể loại âm nhạc và xu hướng này ngày càng thắng thế. Phong cách chơi nhạc Tài tử vì thế bị pha tạp, ít còn thuần chất như ngày xưa.

Về dàn nhạc, lý tưởng nhất vẫn là ngũ tuyệt: tranh-kìm-cò-tiêu-độc (bầu); phổ biến nhất là: tranh-cò-kìm (hoặc sến)-guitare. Tuy nhiên, đàn bầu, cò, kìm, sến hiện đang thưa dần trong dàn nhạc Tài tử vì ít người học và sử dụng.

NHẠC CẢI LƯƠNG

Từ những năm 10 của thế kỷ XX, bên cạnh dòng chảy chính thống, nhạc Tài tử đã có dòng chảy khác là chuyển hóa từ gia thất đến sân khấu hóa ca nhạc thính phòng. Đầu tiên là sáng kiến đưa nhạc Tài tử biểu diễn phục vụ thực khách ở nhà hàng. Sau đó là hình thức ngồi trình diễn trên bộ ván sân khấu rạp chiếu bóng. Tiếp theo, đứng trên bộ ván ca có động tác minh họa đơn giản - gọi là Ca ra bộ. Hình thức ca mới mẻ này tiếp tục mở ra thành hát chập, hát lớp, để rồi vào năm 1917-1918 đánh dấu sự ra đời của nghệ thuật sân khấu Cải lương.

Nhạc Cải lương được hình thành và phát triển từ hai nguồn nhạc cổ và nhạc tân. Ban đầu nhạc cổ đặt nền tảng là nhạc Tài tử, tuy nhiên với tiêu chí ngắn gọn để phục vụ cho ca diễn nên bài bản Tài tử khi sử dụng trong Cải lương thường bị cắt xén, lắp ghép, ít khi để nguyên vẹn. Về sau thêm dân ca (chủ yếu dân ca Nam Bộ), nhạc Quảng (Việt hóa từ nhạc Quảng Đông, Triều Châu) và sáng tác mới theo phong cách Cải lương. Nhạc tân chủ yếu đóng vai trò vũ công trong diễn tả không khí và tính kịch (gồm nhạc chào, nhạc chuyển cảnh, nhạc múa, nhạc nền làm màu sắc cho vở diễn và ca khúc kết hợp "tân cổ giao duyên"). Có hai mảng âm nhạc như vậy, nhưng khi nói đến nhạc Cải lương người ta nghĩ ngay đến nhạc cổ vì đó là âm nhạc chính yếu cho bộ môn nghệ thuật sân khấu này.

Dàn nhạc cổ bước đầu cơ bản vẫn theo cách ngũ tuyệt của dàn nhạc Tài tử . Về sau, thay cây cò, gáo bằng violon, cây kìm bằng sến và đặc biệt bổ sung cũng như giao nhiệm vụ chủ đạo dàn nhạc cho đàn guitare phím lõm. Tất nhiên dàn nhạc được bố trí có ghế ngồi nơi phía trước sân khấu để có thể theo dõi, nắm bắt sự ca diễn của diễn viên.

Bài bản ban đầu chỉ rút ra từ 20 bản Tổ của nhạc Tài tử, trong đó Tứ đại oán được coi như "bài đinh" của vở và một số ít bản gốc nhạc cổ Huế như Hành vân, Kim tiền… Ngoài ra, còn có thêm các lối bình Kiều, ngâm thơ, nói lối, Hò, Lý thông dụng lúc bấy giờ. ít lâu sau, bản Dạ cổ hoài lang và sau này là Vọng cổ thay vị trí "số một" của Tứ đại oán.

Sự phát triển bài bản Cải lương gắn liền với khuynh hướng sáng tác vở diễn. Trong giai đoạn Cải lương Tuồng Tàu, nhiều bài bản có nguồn gốc từ nhạc Hí khúc Quảng Đông - Triều Châu ra đời: Ngũ điểm, Bài tạ, Xang xừ líu, Xái phỉ… Sang Tuồng tiên, Tuồng Phật, Tuồng Tây có các "bài ca theo điệu Tây" như: J'ai deux amours, Marinella, C'est pour mon papa…; sáng tác mới như: Hoài tình, Hòa duyên, Con ong nho nhỏ…; các bài Lý Cải lương hóa như: Lý con sáo, Lý ngựa ô, Lý chuồn chuồn… Tiếp đến Cải lương Tuồng kiếm hiệp với hàng loạt bài sáng tác mới của Mộng Vân: Giang Tô, Phong nguyệt, Sương chiều, Tú Anh… Bước qua Cải lương thiên kịch nói, Tuồng dã sử dân tộc, xã hội, chiến tranh có các sáng tác mới của nhiều tác giả: Mẫu đơn, Thuấn hoa, Vọng các hòa ca, Song phụng triều vương…; sang giai đoạn Tuồng "hương xa" (ảnh hưởng từ phim ảnh nước ngoài như: Mông Cổ, Nhật Bản, ấn Độ, Ai Cập, La Mã…) và "thi ca vũ nhạc diễm huyền" (bao gồm nhiều loại Tuồng, trong đó yếu tố âm nhạc được bổ sung bằng những lối ngâm thơ, ca nhạc) cũng có nhiều sáng tác mới: Lưu thủy hành vân, Sâm thương, Trăng thu dạ khúc… Tất cả các bài bản loại này được gọi chung là bản vắn (bản ngắn). Sau năm 1975, khuynh hướng sáng tác Tuồng hiện thực xã hội cũng kéo theo nhiều điệu Lý mới từ dân ca Nam Bộ được khai thác: Lý đất giồng, Lý Cái Mơn, Lý đương đệm, Lý kéo chài…; các bài ca khúc sáng tác theo phong cách dân ca của Phạm Lý được Cải lương hóa như: Lý qua cầu, Lý trăng soi, Lý Mỹ Hưng, Lý mù sương…

Khối lượng bài bản Cải lương tuy đồ sộ nhưng trên thực tế ngày nay chỉ còn sử dụng rất ít một số bản Bắc, Nam, Oán, bản vắn, Lý, sáng tác mới và không thể thiếu bản Vọng cổ nhịp 32.

HỆ THỐNG BÀI BẢN NHẠC CẢI LƯƠNG

(Kiều Tấn sưu tầm, hệ thống theo vần chữ cái - 1997)

Bảng 7:

TT

TÊN NHÓM BÀI/ NGUỒN

BÀI BẢN

1

Tài tử /nhạc Tài tử

Các loại bài bản Tài tử

2

Bản vắn/nhạc cổ Huế, nhạcQuảng Đông - Triều Châu, sáng tác mới

ánh nắng, ánh trăng, Bá hoa, Bài tạ, Bài Tiều, Bán nguyệt, Bắc sơn trà, Cao phi, Chi hoa trường hận, Chiến sĩ tùng chinh, Con ong nho nhỏ, Cung thềm, Dạ khúc, Dưới trăng mờ, Đăng sơn lãm thủy, Độc bản, Đông mai, Giang Tô điểu ngữ, Gió hờn, Hàn giang, Hành vân, Hận tình, Hận trường ly oán, Hòa duyên, Hoài cầu, Hoài nam khúc, Hoài tình, Hướng mã hồi thành, Khốc hoàng thiên, Khổng Minh tọa lầu, Khúc ca hoa chúc, Kiều nương, Kim tiền Huế, La hồ, Lạc âm thiều, Lạc xuân hoa, Lệ rơi thấm đá, Liễu Thuận Nương, Long hổ hội, Long nguyệt (Lộng nguyệt), Lưỡng long tranh châu, Lưu thủy cao san, Mạnh Lệ Quân, Mẫu đơn, Mẫu tầm tử, Miên hậu hồi cung, Minh châu, Nặng tình xưa, Ngũ điểm, Nhạn về, Nhị độ mai, Phi điểu, Phong ba đình, Phong nguyệt, Phước Châu, Quý Phi túy tửu, Sâm thương, Song phụng triều vương, Sơn đông hướng mã, Sương chiều, Tam pháp nhập môn, Tân xái phỉ,Thu cúc, Thu hồ, Thu hồ điệp lạc, Thu phong (Bá điểu), Thủ phong nguyệt, Thuấn hoa, Tiên nữ hái hoa, Tô Vũ mục dương (Tô Võ), Tống phong, Từ bá tuấn, Tử quy từ, Trạng ngươn hành lộ, Trăng thu dạ khúc, Trung thu, Tú Anh, Tùng lâm dạ lãm, ú liu ú xáng (Thiên bất túc), Uyên ương hội vũ, Vạn huê trường hận, Vọng các hòa ca, Võ Biền xuất đội, Xang xừ líu …

3

Lý/dân caNam Bộ

Lý: Ba Tri, Bình vôi, Cái Mơn, Cây bông, Chia tay, Chiều chiều, Chim quyên, Chuồn chuồn, Con khỉ, Con sáo, Con sáo Gò Công, Đất giồng, Đương đệm, Giao duyên, Kéo chài, Lu là, Ngựa ô Bắc, Ngựa ô Nam, Phước Kiến, Thập tình, Vọng phu…

4

"Lý"/ca khúc mới

Lý: Chim xanh, Đêm trăng, Mù sương (tòng quân), Mỹ Hưng, Năm Căn (Minh Hải), Qua cầu, Trăng soi, Son sắt (Son sắt một lòng), Tư Phùng…

Ngoài các loại nhịp đôi, nhịp tư, nhịp tám, nhạc Cải lương còn dùng nhịp chiếc (nhịp một) gõ báo song lang vào mỗi nhịp một. Nhịp mười sáu và nhịp ba mươi hai chỉ có riêng ở bản Vọng cổ. Các loại hơi cũng giống như hơi nhạc Tài tử, ngoài ra có thêm hơi Quảng.

Bài bản Cải lương tuy phong phú và đa dạng nhưng có đặc điểm là độ dài ngắn, thường ở thể một đoạn đơn. Đồng thời trong lúc ca diễn, người ca còn tùy vào nội dung, tính cách của nhân vật, tiết tấu của sân khấu mà có những ứng biến thích hợp (như tăng giảm nhịp độ, biến hóa tiết tấu, chuyển đổi hơi điệu, thoại trong lòng câu ca…) đòi hỏi người đờn phải ứng tấu theo.

Điểm qua quá trình hình thành và phát triển của hai loại âm nhạc Tài tử và Cải lương trên, có thể bước đầu nhận xét về sự tương đồng và dị biệt ở một số điểm, trong bảng tóm tắt như sau:

Bảng 8:

TƯƠNG ĐỒNG / DỊ BIỆT

NHẠC TÀI TỬ

NHẠC CẢI LƯƠNG

Mục đích, vai trò

Tiêu khiển, giải trí; người đờn và ca có vai trò quan trọng như nhau.

Phục vụ cho sân khấu; dàn nhạc để hỗ trợ cho ca và diễn.

Hình thức biểu diễn

Ca nhạc thính phòng, bất cứ nơi đâu thích hợp.

Ca nhạc sân khấu, bên sân khấu.

Nội dung âm nhạc:

- Thang âm điệu thức

- Hơi

- Nhịp

- Tiết tấu, nhịp độ

- Bài bản

- Nội dung bài ca

- Phong cách chơi nhạc

Bắc, Xuân, Ai, Oán và những biến thể.

Bắc, Lễ, Xuân, Ai, Đảo, Oán, Ai oán, Ngự, Dựng.

Nhịp 2, 4, 8, 16.

Chậm hoặc vừa, ổn định, chuẩn mực.

Hạn hẹp, chủ yếu trong 20 bản Tổ, có độ dài lớn, chia thành lớp lang.

Dựa vào thơ ca truyền thống, đề cao đạo hiếu, tiết nghĩa, anh hùng dân tộc. Lời ca mang tính tự sự, kể lể.

Đờn vô trước - ca bắt theo sau với phong cách chân phương, khoan thai và mang tính tâm tấu, tri âm tri kỷ với nhau.

Bắc, Xuân, Ai, Oán và những biến thể 25.

Bắc, Lễ, Xuân, Ai, Đảo, Oán, Ai oán, Ngự, Dựng, Quảng.

Nhịp 1, 2, 4, 8, 16, 32.

Chậm, vừa, nhanh, biến hóa theo ca diễn.

Nhiều nguồn, đa dạng, có độ dài nhỏ, ngắn gọn và có thể trích hoặc lắp ghép.

Phong phú, đa dạng, đủ các loại đề tài. Lời ca mang tính hành động, xung đột.

Ca vô trước - đờn bắt theo sau với sự linh hoạt, ứng biến và mang tính quăng bắt trong sự cương tỏa của ca diễn.

- Tính chất âm nhạc

Tôn trọng các nội dung âm nhạc (khúc thức, hơi điệu, nhịp độ, tiết tấu, giọng hò, dây đàn…). ít chữ nhạc và lời ca nhưng thâm sâu, vi diệu trong từng hơi ca, ngón đàn. Chất nhạc thanh cao, tinh tế, nặng phần nghe, nhẹ phần xem.

Thiếu tôn trọng các nội dung âm nhạc. Nhiều chữ nhạc và lời ca, thiếu chăm chút kỹ thuật trong từng hơi ca, ngón đàn. Chất nhạc kém thanh thoát, lớt phớt, chắp vá, nhẹ phần nghe, nặng phần xem.

Cấu trúc dàn nhạc:

Tam hòa, tứ tuyệt, ngũ tuyệt, trong đó đàn kìm giữ nhịp song lang với vai trò nhạc trưởng.

Guitare phím lõm giữ nhịp, song lang với vai trò nhạc trưởng, kết hợp với tam hòa, tứ tuyệt hoặc ngũ tuyệt.

Tuy có những nét riêng, chung như vậy, nhìn vào bảng so sánh trên ta đều thấy rõ, nhưng trên thực tế nếu chấp nhận xu thế gần đây của nhạc Tài tử theo kiểu “Tài tử - Cải lương” thì sự dị biệt gần như không đáng kể. Nếu để gọi là có sự dị biệt giữa nhạc Tài tử và nhạc Cải lương hiện nay, theo chúng tôi, điều quyết định chính là không gian nghệ thuật hay môi trường diễn xướng.

Thực vậy, với không gian thính phòng, do thoải mái trong biểu diễn, nghệ sĩ nhạc Tài tử để toàn tâm toàn ý vào tác phẩm âm nhạc nên bật ra những chữ đàn, hơi ca độc đáo một cách ngẫu hứng, sáng tạo, phô diễn hết được tài năng nghệ thuật của mình cùng với bạn diễn; đồng thời, thể hiện được trọn vẹn một tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh với một phong thái khoan thai, đĩnh đạc. Trong khi đó, với không gian là sân khấu, nhạc sĩ Cải lương phải bị cương tỏa trong vòng tiết tấu, tính kịch, phụ thuộc vào ca diễn nên chữ đàn thiếu sức thanh thoát, truyền cảm, hạn chế nhiều ở cái sự "chơi nhạc", lúc nào cũng cảm thấy bị động, lệ thuộc. Do đặt trong môi trường diễn xướng khác nhau với mục đích âm nhạc khác nhau nên mới có sự khác nhau trong phẩm chất âm nhạc, mặc dù cũng chỉ là một loại bài bản đó thôi. Chính vì vậy mà ta thấy cùng một bài bản, khi hòa tấu hoặc ca đơn thuần thì gọi là "Đờn ca Tài tử", lúc dùng trong sân khấu kịch hát thì lại gọi là "nhạc Cải lương". Như thế, khái niệm kép trong thuật ngữ "nhạc Tài tử - Cải lương" cũng không phải là không có cái lý của nó.

Hy vọng sự tìm hiểu này giúp chúng ta có định hướng đúng đắn trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của âm nhạc truyền thống dân tộc. Qua đó, tạo những bước thực hiện thích hợp trong việc học tập, giảng dạy, biểu diễn và truyền bá loại hình âm nhạc đặc sắc này nhằm nâng nó lên một tầm cao mới vừa hiện đại mà vẫn rất dân tộc.


. Ngày nay thường gọi là nhạc Lễ, dùng trong cúng đình, đám ma.

. Có khi sáo hoặc địch được thay thế một trong số các nhạc cụ thuộc nhóm đờn cò trên.

. Xuân nữ là một lớp của Ngũ đối hạ đàn chuyển cung Ai.

. Có trong dàn nhạc Lễ phường bát âm thông dụng ở miền Bắc, đầy đủ gồm: trống bộc, tiêu cảnh, ống địch, nhị (cò), tam, tỳ, nguyệt (kìm), thập lục (tranh).

. Ví dụ như: Lưu thủy, Phú lục, Bình bán, Cổ bản.

. Trước đó, việc giữ nhịp do người đàn kìm gõ ngón tay vào thùng đàn.

. Tức sườn giai điệu của bản nhạc được ghi với chữ nhạc và nhịp chính.

. Hơi là thuật ngữ âm nhạc để chỉ một loại âm hưởng đặc biệt của riêng từng bản hay một nhóm bài bản.

. Tam hòa: tranh-kìm-cò; tứ tuyệt: tranh-kìm-cò-tỳ (hoặc tam); ngũ tuyệt: tranh-kìm-cò-tỳ-tam hoặc tranh-kìm-cò-tỳ-tiêu (hoặc sáo) và có thể nhiều hơn sáu nhạc cụ. Từ đầu thế kỷ XX, đàn bầu mới được đưa vào dàn nhạc Tài tử và thay vị trí ưu tiên của tỳ, tam.

. Song lang (còn gọi là song loan) thường do người đàn kìm gõ nhịp làm vai trò chỉ huy dàn nhạc.

. Còn gọi là 20 bài bản Tổ, hay Nhị thập huyền Tổ bản, hay gần đây gọi là 20 bài Bắc-Hạ-Nam-Oán.

. Ngoài ra, còn một loại hơi đã có ở thời điểm đó nhưng bài bản chưa phổ biến lắm, gọi là hơi Ngự (tám bài Ngự,1899).

. Trong sáu Bắc có 2 thể: thủ và vĩ, thể vĩ thông dụng hơn. Sáu Bắc nêu trên được hiểu là thể vĩ, nhịp trường, tức gồm: Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Xuân tình chấn, Tây thi trường, Cổ bản trường.

. Còn gọi là Thất thập nhị huyền công.

. Tức (6 bản Bắc thủ x 3 loại nhịp) + (6 bản Bắc vĩ x 3 loại nhịp) = 18 bản Bắc thủ + 18 bản Bắc vĩ = 36 bản Bắc.

. ở đây, so với sáu Bắc trong 20 bản Tổ có sự thay đổi thứ tự ba bài cuối: Xuân tình, Tây thi, Cổ bản thành Cổ bản, Xuân tình, Tây Thi.

. Báo Tiếng Dân tồn tại từ 1927-1943. Chúng tôi đã tra cứu toàn bộ số báo từ 1927 đến 1938 hiện có tại Thư viện Tổng hợp TPHCM nhưng không tìm thấy bài báo nêu trên (TG).

. Bốn bài đầu thuộc bộ Tứ Bửu (do khối miền Tây sáng tác), năm bài sau thuộc bộ Ngũ Châu (do khối miền Đông sáng tác).

. Sau đó, ông Chín Tâm có công bố trên tuần báo Sân khấu TP Hồ Chí Minh, số 136/1993.

. Khác với Quả phụ hàm oan trong tám bài Ngự.

. Xem Kiều Tấn - Gisa Jähnichen: Well-balanced limits: Notes on South Vietnamese [part 2]. Ms. World Conference of the ICTM, Nitra, 1997.

. Tùy theo loại tuồng tích, dàn nhạc cổ còn có thể tăng cường thêm một số bộ gõ (trống, mõ, chập chõa, thanh la) và kèn.

. Xem bảng 5 và 6.

. Các chữ in đậm là bài bản có nguồn gốc từ nhạc Quảng-Triều (Quảng Đông-Triều Châu). Ngoài ra, còn nhiều bài bản khác mà Cải lương Hồ Quảng (Hồ Nam, Hồ Bắc, Quảng Đông, Quảng Tây) hay dùng, như: Chúng bản, Chúng bản phảnh xing, Dì phạnh, Hành thìn húng, Mành bản, Mành bản đào, Mành bản kép, Mành bản văn, Mành bản võ, Nàm dấm, Nhị hoàng (Bạc cẩm lùng), Nhị hoàng dì phạnh, Phảnh phá, Phảnh phá hò xê, Xách dùi thẩu, Xách dì xíng, Xái phỉ, Xái phỉ dì phạnh, Xảo bản, Xảo bản hò xê, Xập bạt mó, Xây xì cổ, Xây xì thẩu…

. Xem Kiều Tấn: Tìm hiểu điệu thức trong âm nhạc Tài tử Nam Bộ, trong sách Thang âm điệu thức trong âm nhạc truyền thống một số dân tộc miền Nam Việt Nam. Viện VHNT tại TPHCM, 1993, tr.303-399.