Bình luận Hồn Trương Ba, da hàng thịt

(trích Lưu Quang Vũ)

Trần Đình Sử

     Lưu Quang Vũ xuất hiện trước hết là nhà thơ, sau đó mới là nhà viết kịch. Ông bắt đầu viết kịch từ cuỗi những năm 70 đến đầu những năm 80. Sức sáng tạo của ông thật dồi dào. Trong vòng mười năm tác giả đã viết tới trên 50 vở kịch, từ kịch nói đến các loại hình kịch khác, chiếm lĩnh hầu hết sàn diễn khắp nước của những năm  ấy. Kịch của ông rất đa dạng. Có loại dựa vào cốt truyện văn học như Hẹn ngày trở lại, Đôi dòng sữa mẹ…, có loại viết về cuộc sống hiện đại như Tôi và chúng ta, Nguồn sáng trong đời…, có loại dựa và tích cũ rồi sáng tạo thêm, như Lời nói dối cuối cùng, Nàng Xi ta, Đam San, Hồn Trương Ba, da hàng thịt…Kịch Lưu Quang Vũ là tiếng nói của chính nghĩa, lương tri, lương tâm, trách nhiệm của con người thời đại, được đông đảo khán giả đón nhận nồng nhiệt. Ông được nhà nước trao giải thưởng cao quý nhất, giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000.

   Hồn Trương Ba,da hàng thịt là vở kịch được sáng tác vào năm 1981, nhưng năm 1984 mới được công diễn lần đầu tiên và đem lại cho tác giả thành công vang dội. Năm 1990 vở diễn tham gia Liên hoan sân khấu các nước xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô, được giải nhất, năm 1998 lại sang diễn ở Mĩ.

    Kịch dựa vào cốt tuyện cổ tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt để tái sáng tạo. Cốt truyện cổ tích ban đầu như sau. Một anh Trương Ba đánh cờ vô địch ở nhân gian, một hôm cao hứng nói xúc phạm ông tiên Đế Thích, vị thần chơi cờ trên Thiên đình. Đế Thích bèn hoá thân thành một ông cụ xuống trần đánh choTrương ba thua liễng xiểng, từ đó mến tài nhau, họ kết làm bạn thân, khi Đế Thích về trời có cho Trương Ba cây nhang, hẹn nếu gặp khó khăn thì thắp nén hương làm hiệu, ông sẽ xuống trần giúp đỡ. Sau đó Trương Ba chẳng may chết đột ngột, chôn đã một tháng. Một hôm, người vợ thấy có cây nhang dắt trên mái tranh bèn đem đốt, ông Đế Thích liền xuống, hỏi thăm thì Trương Ba đã chết rồi. Thương tiếc Trương Ba, Đế Thích làm cho hồn Trương Ba sống lại trong xác ông hàng thịt vừa mới chết. Ông hàng thịt mang hồn Trương Ba ngồi dậy về nhà mình, khiến cho nhà hàng thịt đi kiện. Quan cho thử làm thịt và đánh cờ, xác định đúng là Trương Ba, xử cho ông hàng thịt, lúc này mang hồn Trương Ba về nhà Trương Ba. Truyện cổ tích đến đấy là hết. (Theo Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 2 – Nguyễn Đổng Chi).    Nhưng đối với Lưu Quang Vũ, câu chuyện chưa thể hết được. Ông Trương Ba làm sao có thể sống yên ổn trong da anh hàng thịt? Và nhà viết kịch của chúng ta đã sáng tạo mới hoàn toàn một vở kịch mà nội dung đoạn trích trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 đã thể hiện.

Vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt là kịch nói, được Lưu Quang Vũ sáng tạo lại gồm bảy cảnh:

  • Cảnh 1.  Trên Thiên đình, các quan thiên đình làm việc trễ nải, lười biếng. Đế Thích buồn vì ông giỏi cờ quá, không ai dám chơi cờ với ông , đành chơi cờ một mình, muốn xuống hạ giới tìm đối thủ. Bắc Đẩu tuỳ tiện gạch tên Trương Ba, không cho sống, để đi dự tiệc.
  • Cảnh 2. Ở hạ giới nhà Trương Ba. Trương Ba đánh cờ với bạn Trưởng Hoạt, khi hăng say, vô ý xúc phạm Đế Thích. vừa lúc đó Đế Thích xuất hiện, đánh thắng Trương Ba, hai người thích thú, hẹn nhau còn chơi cờ tiếp.
  • Cảnh 3. Lại cảnh Thiên đình. Vợ Trương Ba đốt hương, lên Thiên đình nhờ Đế Thích cứu chồng mình. Đế Thích hứa sẽ làm phép hoàn hồn vào xác anh hàng thịt.

   –     Cảnh 4. Nhà anh hàng thịt. Xác anh hàng thịt đặt trong quan tài, nhờ   có  hồn Trương Ba mà sống dậy, trở về nhà Trương Ba trước sự kinh ngạc của mọi người.

  • Cảnh 5. Ở nhà Trương Ba, Trương Ba tuy sống lại được hơn một tháng, nhưng vợ ông ta vẫn không quen với xác anh hàng thịt, vì đây là một người khác, và bà lại nhớ hình ông Trương Ba khi trước. Con, cháu ông cũng không quen với ông. Con trai ông, thấy ông có xác anh hàng thịt muốn rũ ông lên tỉnh đi buôn. Vợ anh hàng thịt lại hay chạy sang nhờ vả việc bắt lợn. Hai người vợ cãi nhau, ông lí trưởng xử cho vợ Trương Ba thắng.
  • Cảnh 6. Nhà người hàng thịt. Trương Ba làm quen với việc làm thịt lợn giúp vợ người hàng thịt, quan hệ khó xử của hai người, Trương Ba bỏ chạy khỏi sự cám dỗ của vợ anh hàng thịt.
  • Cảnh 7. Nhà Trương Ba. Trương Ba thấy chán đánh cờ, chán sống. Tiếp theo là đoạn trích trong sách giáo khoa.

Cách bố trí thứ tự các cảnh của vở kịch như thế rất có ý nghĩa. Cảnh Thiên đình mở đầu làm nhớ tới phần mở đầu của tiểu thuyết Thuỷ Hử. Kim Thánh Thán, nhà phê bình tiểu thuyết nổi tiếng đời Minh, Trung Quốc có viết: “Một bộ sách lớn bảy mươi hồi viết 108 người, nhưng mở đầu chưa viết 108 người mà vội tả Cao Cầu trước đã. Đó là vì nếu không tả Cao Cầu trước, mà viết ngay 108 người, thì tức là loạn nảy sinh từ dưới. Nếu không viết 108 người trước, mà viết Cao Cầu trước thì tức là loạn nổi từ trên. Loạn sinh từ dưới thì không thể biết đâu được, nên tác giả phải tránh, loạn sinh từ trên thì không thể để lâu được, tác giả rất lo vậy. Một bộ sách lớn bảy mươi hồi, mà mở đầu viết Cao Cầu trước, thật là có lí vậy.” Học theo Thánh Thán, ta cũng có thể  nói, một vở kích về số phận con người mà viết từ Thiên đình trước, chứng tỏ loạn sinh từ trên. Nhưng “trên” đây là cơ quan của Ngọc Hoàng, là lực lượng tối thượng rồi, không còn ai cao hơn nữa, thì cuộc sống, số phận con người rất đáng lo buồn vậy, bởi làm sao thay đổi được Ngọc Hoàng?! Mọi rối loạn bắt đầu từ trên là rất đáng trách. Nhưng số phận con người phải do con người quyết định. Trong hồi kết của vở kịch con người đứng cao hơn hết thảy, cao hơn cả Ngọc Hoàng, Nam Tào, cao hơn cả Đế Thích, con người làm chủ vận mệnh của mình mà Đế Thích cũng đành phải tuân theo. Đó cũng là điều rất có ý nghĩa.

Nội dung đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt ở cảnh 7 có thể chia làm hai phần. Một là cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác và hai là cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và  tiên Đế Thích dẫn đến kết cục cuối cùng.

Trương Ba từ ngày nhập vào xác anh hàng thịt đã phải sống trong hàng loạt mâu thuẫn. Ông vẫn không quen với cái xác mới của mình. Trương Ba đã 50 tuổi, còn xác anh hàng thịt thì lại quá trẻ, mới có ba mươi tuổi, thành ra vợ Trương Ba tự thấy mình già, lo nghĩ. Ông Trương Ba vốn yếu đuối, lại bị hen, ăn ít, còn xác anh hàng thịt thi trẻ khoẻ nhất chợ, mỗi bữa ăn tám chín bát cơm, thích ăn thịt, uống rượu, xô bồ, khác hẳn với ông Trương Ba nho nhã ngày xưa. Từ mâu thuẫn giữa hồn và xác mở ra các mâu thuẫn khác trong gia đình, xã hội, nghề nghiệp. Các mâu thuẩn đó tăng dần lên, tạo thành cuộc đối thoại giữa Hồn và Xác.

Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba  và xác anh hàng thịt đã phơi bày mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, tâm hồn và thể xác, quan niệm sống thanh cao và phàm tục. Trương Ba tưởng cái xác chỉ là cái vỏ bên ngoài, nhưng không phải. Thân thể con người có sức sống riêng, có nhu cầu, đòi hỏi phải được thoả mãn. Ông Trương Ba tự coi mình là thanh cao, nho nhã, nhưng ông không thể thoát li đòi hỏi vật chất của thân xác. Cái xác cứ kêu gọi hồn sống chung, quy phục nó, nó sẽ chiều chuộng. Nếu cứ tiếp tục sống như thế, rất có thể hồn Trương Ba sẽ bị khuất phục trước thân xác và sẽ trở thành anh hàng thịt, hồn Trương Ba cũng biến chất. 

Ông Trương Ba thích trồng cây, làm vườn, nhưng chân tay anh hàng thịt, theo tác giả miêu tả lại thô kệch, vụng về, tàn bạo, làm gãy chồi, dẫm chết cây con.  Điều này lại làm cho con và cháu ông ghét ông.(Nói cho đúng, một anh làm thịt có nghề thì tay chân cũng rất khéo léo, tinh tế lắm trong việc giết mổ, pha thịt, làm tiết canh. Có thể định kiến thời phong kiến vẫn coi thường người làm nghề đồ tể.)

Đặc biệt ông Trương Ba có quan niệm sống khác với anh hàng thịt, có sẵn tâm lí ghét anh hàng thịt, coi anh ta là đê tiện, nhưng ông bất lực, một khi vẫn còn sống nhờ vào thân xác của anh ta.

Nhưng ông Trương Ba không chỉ mâu thuẫn với xác. Cùng với cái xác ấy, ông khiến cho bà vợ của ông ghen, khiến cho con gái ông không tin là bố mình, cháu nội ông cũng ghét ông, chị con dâu tuy hiểu ông nhưng cũng xa lánh dần.

Ông Trương Ba cảm thấy bị xác lấn át, bị biến chất dần, nghĩa là chết dần, và ông đi đến quyết định từ chối kiếp sống nhờ vào xác người khác. Ông đã mời Đế Thíh xuống trần, nói rõ ý mình, muốn trả xác cho anh hàng thịt, nhưng Đế Thích không chịu. Ông cũng không muốn sống trong xác cu Tị như đề nghị của Đế Thích, vì như vậy, hồn ông lại ngụ trong xác cháu, rốt cuộc là cháu hay là ông, lại nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn, rắc rối khác, không thể giải quyết được. Ông khẩn khoản xin Đế Thích cứu cu Tị, còn mình thì xin chết, mặc dù lúc ấy Ngọc Hoàng đã tha tội cho Đế Thích và cho phép hổnTương Ba được sống trong xác anh hàng thịtểuTương Ba chết, cu Tị sống, hồn ông Trương Ba cũng sống trong vườn cây của mình, có con cháu ông chăm sóc, ông cũng ấm lòng.

Số phận bi kịch của Trương Ba là do sự tuỳ tiện của Nam Tào. bi kịch trong xác anh hàng thịt là do ý muốn ích kỉ của tiên cờ Đế Thích, muốn có người chơi cờ với mình để khẳng định mình là vô địch. Trương Ba đã chống lại số phận để mình được là mình, để giải thoát mình khỏi mọi mâu thuẫn không nên có. Quyết định của Hồn Trương Ba thể hiện một lí tưởng làm người bình dị mà tốt đẹp, cao thượng, không cần phải sống với bất cứ giá nào.

Đoạn trích thể hiện triết lí sống hợp tự nhiên, tôn trọng tự nhiên, chống lại những việc làm giả tạo, trái tự nhiên, không mang lại hạnh phúc cho ai cả. Cuộc sống giả tạo chỉ mang lại lợi lộc cho bọn lí trưởng, trương tuần! Ông phản đối xác anh hàng thịt, ông cũng phản đối việc chơi cờ với tiên: “Không có gì chán bằng đánh cờ với tiên!”. Nam Tào đã bắt Trương Ba, anh hàng thịt và cu Tị chết cũng là phi tự nhiên, chẳng ai làm sao cả mà cũng chết. Thái độ quyết liệt với cái giả tạo của Trương Ba thật là sảng khoái, anh minh. Ông muốn cho anh hàng thịt được sống tự nhiên, muốn cho cu Tị sống tự nhiên, còn mình đã chết thì cũng chết một cách tự nhiên. Làm sống lại những cái đã chết một cách phi tự nhiên là không lợi cho ai cả, trừ những người lợi dụng. Đó cũng là một tư tưởng sâu sắc, nổi bật của tác phẩm.

Đoạn trích qua những lời thoại của xác đã cho thấy sức mạnh cám dỗ của thân xác vật chất là rất mãnh liệt, nó có thể làm tha hoá mọi tâm hồn cao đẹp.

Thân xác anh hàng thịt chế nhạo, cười giễu các tình cảm cao thượng của hồn, dồn hồn vào cái thế hoặc là thoả hiệp, hoặc là chết. Tham vọng vật chất càng gia tăng qua hình tượng xác anh hàng thịt và hình tượng người con trai Trương Ba như dự báo sự trỗi dậy của chủ nghĩa vật chất sau này, mà quyết định chết quyết liệt của Trương Ba, do đó, càng thêm có ý nghĩa tích cực, cao thượng. Trương Ba thể hiện tư tưởng thà chết trong sạch còn hơn là sống phi đạo lí.

Đoạn trích cũng tố cáo sự vô trách nhiệm, tuỳ tiện của cơ quan quyền lực tối cao mà đại diện là Nam Tào và Đế Thích. Mặc dù số phận rủi may là chuyện muôn thuở. Người xưa đã gọi ông Trời là “Hoá nhi”, là “trẻ Tạo Hoá”, chuyên làm những việc bất công, phi lí mà con người không thể hiểu nổi. Tuy nhiên qua hình tượng một số nhân vật Thiên đình, tác phẩm cũng có ý nghĩa phê phán những bất công do quyền lực tối cao gây nên. Đó là tệ nạn quan liêu, vô trách nhiệm của những người cầm quyền đã cướp đi sinh mệnh của biết bao người vô tội, là cách sửa sai chắp vá tuỳ tiện của Đế Thích mang lại bất hạnh cho biết bao người. Cái chết của hồn Trương Ba là thái độ phản kháng quyết liệt đối với sự tuỳ tiện của Thiên đình. Xét cho cùng, toàn bộ sóng gió, bất hạnh của các nhân vật trong kịch đều do những kẻ quyền lực tối cao tuỳ tiện gây ra. Đó là nỗi đau lòng vô cùng sâu sắc của vở kịch.

Vở kịch đã vượt lên giải pháp của truyện cổ tích, không tán thành với việc sống chung trong xác anh hàng thịt. Một cuộc đối thoại với truyền thống rất thú vị. Vở kịch cũng có nhiều chỗ phê phán các lập luận nguỵ biện khá hấp dẫn. Chẳng hạn, khi Trương Ba nêu khát vọng sống toàn vẹn, liền có luận điệu cho rằng ở đời không ai sống được toàn vẹn cả. Nhưng đó chỉ là cái cớ dể người ta sống tuỳ tiện, không lung lay được quyết tâm của Trương Ba. Trong truyện cổ tích Trương Ba chỉ là nhân vật mặt nạ, nhân vật chức năng, còn ở đây, Trương Ba đã là một chủ thể của cuộc sống của mình, tự mình quyết định số phận mình.

Vở kịch thể hiện khuynh hướng vận dụng hình thức nghệ thuật ước lệ truyền thống, không đóng khung trong hình thức hiện thục như thời gian trước đó, làm cho hình thức kịch được đa dạng.

Vở kịch thành công là nhờ tác gỉa đã xây dựng những đoạn đối thoại hết sức sắc sảo giữa hồn và xác. Các lời đối thoại có sức căng thật sự, có lô gích nội tại của thực tế và tư tưởng, không phải là lời đối thoại dễ dãi, hời hợt. Những lời đối thoại của xác rất có sức nặng, lời phân tích của Đế Thích cũng có sức nặng. Và vì như vậy, sức bật lại của Hồn cũng có sức căng không kém, tạo nên sự thú vị của lớp kịch.

Qua đoạn kịch được trích, người ta thấy rõ tài năng, trí tuệ và cái tâm của nhà viết kịch cùng nhiệt tình mãnh liệt của ông trong cuộc đấu tranh cho cái thiện ở đời.