Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi 2022)

Ngày 28/11, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Góp ý cho Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học thuộc các hội ngành toàn quốc; đại diện Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ.

Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi 2022)

TSKH Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam phát biểu khai mạc

Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng cho biết, trong thời gian gần đây, một số luật được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế như: Bộ Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công-tư… và trong các Luật này có nhiều nội dung quy định liên quan đến Luật Nhà ở năm 2014 như: Thủ tục đầu tư xây dựng, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi chủ đầu tư dự án nhà ở… đã được sửa đổi, bổ sung dẫn đến sự không thống nhất trong các quy định của Luật Nhà ở hiện hành với các Luật này. Do đó, việc rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các quy định có liên quan trong Luật Nhà ở năm 2014 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật là rất cần thiết.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã trình  bày những nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Nhà ở (Sửa đổi). Sự cần thiết ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi), sửa đổi Luật Nhà ở để đảm bảo sự thông nhất với các luật khác có liên quan.

Các nội dung của Luật Nhà ở năm 2014 có liên quan đến các quy định của Luật Đất đai, đặc biệt là những chính sách lớn như vấn đề sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài, quy hoạch sử dụng đất, quỹ đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở… Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Do đó, việc bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nội dung kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai để từ đó đề xuất chính sách sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết.

Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi 2022)

GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Về vấn đề nhà ở xã hội, phát biểu tại hội thảo, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nhà ở xã hội là vấn đề khó, nhất là khi giá nhà ở thương mại quá cao như hiện nay. Mọi ưu đãi của Chính phủ đều mang lại lợi ích rất lớn. Quản lý nhà ở xã hội không tốt sẽ dẫn đến những hình thức tham nhũng khác nhau mà mục tiêu chính không đạt được.

GS.TSKH Đặng Hùng Võ kiến nghị, các thủ tục quản lý đối với khu vực các dự án nhà ở xã hội cần đi theo hướng cải cách thủ tục hành chính, có như vậy mới thu hút được các nhà đầu tư. Nói cách khác, cần quy định ngay trong luật các thủ tục hành chính đơn giản đối với các dự án nhà ở xã hội. Cần thảo luận với Bộ Tài chính để miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cho khu vực đầu tư phát triển nhà ở xã hội. 

GS.TSKH Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, cần bổ sung mục Nhà ở xã hội vùng nông thôn vào Chương Nhà ở xã hội, trong đó quy định về chính sách giải quyết đất ở, nhà ở cho các trường hợp tách hộ nông dân. Trước đây, chúng ta đã có quy định về đất “giãn dân” để xây nhà ở cho các hộ mới tách ra, nay không còn nữa. Cần khôi phục lại chính sách này trong Luật Nhà ở.

Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi 2022)

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, đây là vấn đề rất được dư luận quan tâm, đã có định hướng từ hơn 20 năm qua nhưng kết quả không như mong muốn. Theo thống kê cả nước có gần 2.467 chung cư cũ (xây dựng trước năm 1994), trong số này 25% là nguy hiểm, xuống cấp nhưng đến nay mới chỉ cải tạo được 3%.

TS Đào Ngọc Nghiêm đề xuất ngoài 2 mô hình hình thức thực hiện cải tạo chung cư cũ (nhà nước, doanh nghiệp) đề nghị nghiên cứu thêm mô hình: Cộng đồng các hộ dân liên kết thực hiện. Đây là mô hình đã thành công ở Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc...

Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan soạn thảo, đề xuất sửa đổi 8 nhóm chính sách ở Luật Nhà ở và 4 nhóm chính sách ở Luật Kinh doanh bất động sản; lấy ý kiến rộng rãi từ các nhà làm chính sách, doanh nghiệp hoạt động BĐS, các chuyên gia.

Hội thảo được tổ chức với tinh thần mong muốn lắng nghe từ thực tiễn của các đại biểu tham dự nhằm tiếp tục hoàn chỉnh để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 6 (dự kiến tổ chức vào tháng 10/2023), bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật liên quan, qua đó tạo được hành lang pháp lý cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, tạo được quỹ nhà ở cho người dân.

Tham gia ý kiến tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội BĐS trình bày các nội dung về việc sở hữu nhà ở và BĐS đối với các cá nhân và doanh nghiệp nước ngoài; thời hạn sử dụng và sở hữu nhà chung cư, phát triển dự án nhà ở xã hội, trình tự thủ tục pháp lý đầu tư dự án nhà ở…

Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, thành viên Hội Luật gia Quảng Bình, việc sửa đổi các nhóm chính sách Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS cần tham khảo thêm luật các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, cần có giải pháp xử lý các dự án ảnh hưởng tới môi trường, thu hồi các dự án sai phạm, xử lý đối với người vi phạm pháp luật về nhà ở. Việc sửa đổi luật cần có tính phát hiện các sai phạm khi triển khai, dự báo được quá trình phát triển của xã hội.

Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra các phương án chọn lựa được nêu trong dự thảo một cách cụ thể, phân tích rõ những vướng mắc dẫn đến chậm trễ khi triển khai các dự án nhà ở và BĐS, tạo điều kiện cho người dân có thể mua được chỗ ở với mức giá phù hợp.

Các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về giải quyết những điểm chồng chéo, vướng mắc, chưa phù hợp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật liên quan, qua đó hoàn thiện chính sách về nhà ở, sử dụng hiệu quả quỹ đất, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi 2022)

Các đại biểu góp ý về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) - Ảnh: VGP/Đức Thuận

Liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư, đại diện một số doanh nghiệp đồng tình với phương án không đặt ra quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư, cho rằng quy định sở hữu có thời hạn sẽ mâu thuẫn với mục tiêu khuyến khích phát triển nhà chung cư. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đồng tình phương án sở hữu chung cư có thời hạn vì dưới góc độ pháp lý, nhiều quốc gia đã quy định về thời hạn này.

Toàn bộ dự thảo được đăng tải công khai trên Cổng TTĐT Chính phủ (chinhphu.vn) và Cổng TTĐT Bộ Xây dựng (moc.gov.vn). 

Dự thảo sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) song song với đổi mới của Luật Đất đai nhằm đảm bảo đồng bộ trong quá trình triển khai./.