Gdp tăng ảnh hưởng như thế nào tới tiền tệ

TCTC Online - Hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn không ít ý kiến cho rằng, nếu chấp nhận một mức lạm phát cao nào đó, chỉ cần nới lỏng tiền tệ để giảm lãi suất là có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhưng nếu việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đơn giản như vậy, tại sao các chính sách chống lạm phát lại được đề cao trong nhiều trường hợp? Câu trả lời là: lạm phát cao sẽ gây ra những hậu quả khôn lường và chính sách tiền tệ nới lỏng có những giới hạn của nó. Chính sách tiền tệ chỉ có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP trong một số điều kiện nhất định.
Gdp tăng ảnh hưởng như thế nào tới tiền tệ

Hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn không ít ý kiến cho rằng, nếu chấp nhận một mức lạm phát cao nào đó, chỉ cần nới lỏng tiền tệ để giảm lãi suất là có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nhưng nếu việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đơn giản như vậy, tại sao các chính sách chống lạm phát lại được đề cao trong nhiều trường hợp? Câu trả lời là: lạm phát cao sẽ gây ra những hậu quả khôn lường và chính sách tiền tệ nới lỏng có những giới hạn của nó. Chính sách tiền tệ chỉ có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP trong một số điều kiện nhất định.

Chính sách tiền tệ, về bản chất, không phải là chính sách thúc đẩy tăng trưởng. Một chính sách thúc đẩy tăng trưởng thực sự, tức là mang tính dài hạn, phải tạo nên những tiến bộ hay sự gia tăng về năng lực sản xuất. Chính sách tiền tệ, nếu có thể ảnh hưởng tích cực đến GDP thì chỉ là do nó có thể tạo nên những điều kiện để nền kinh tế đưa những năng lực sản xuất sẵn có và đang dư thừa vào hoạt động (bằng cách tạo thêm nhu cầu về tiêu dùng và đầu tư).

Như vậy, để chính sách tiền tệ có thể tác động tích cực đến GDP, điều kiện tiên quyết là nền kinh tế phải đang hoạt động với công suất thấp hơn mức tiềm năng hay mức hoạt động bình thường (ở Việt Nam trong những năm qua, mức tăng trưởng bình thường vào khoảng 7,6% - đường xu thế trong đồ thị). Và những tác động đó cũng chỉ mang tính ngắn hạn, bởi khi nền kinh tế đã vận hành hết công suất, những năng lực sản xuất sẵn có đã được sử dụng hết, việc tăng cầu sẽ chỉ dẫn đến lạm phát.

Nhìn lại nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, có thể dễ dàng nhận thấy rằng, trong giai đoạn 2005-2006, khi nền kinh tế đang vận hành ở mức “trên bình thường”, việc nới lỏng tiền tệ ở mức cao vào năm 2007 (tốc độ tăng cung tiền M2 đạt 46% do NHNN mua 10 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối) đã không cải thiện được tốc độ tăng trưởng là bao. Ngược lại, lạm phát đã gia tăng mạnh mẽ, đạt mức 23% vào năm 2008, bởi lúc đó nền kinh tế đã không thể sản xuất thêm hàng hóa. Đồng thời, lạm phát cao đã đẩy thị trường tài chính và tiền tệ rơi vào trạng thái căng thẳng, thậm chí đôi lúc bị rối loạn do người dân và doanh nghiệp chuyển tài sản từ VND sang USD. Các NHTM đã phải nâng lãi suất huy động lên tới mức gần 20%/năm để đảm bảo thanh khoản. Chính sách chống lạm phát sau đó còn khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm mạnh xuống còn 6,3% vào năm 2008.

Vậy tình trạng hiện tại của nền kinh tế Việt Nam có cho phép thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không? Rõ ràng là nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang hoạt động ở mức dưới tiềm năng. Có lẽ đó là lý do chính khiến Chính phủ đã nhiều lần thúc ép NHNN tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ nới lỏng trong giai đoạn hiện nay lại gặp phải một giới hạn khác. Đó là kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp về lạm phát, về sự mất giá của VND so với USD…

Trong gần 3 năm trở lại đây, sau khi trải qua những giai đoạn đầy biến động về giá cả, tỷ giá, lãi suất… số người quan tâm đến những biến số kinh tế vĩ mô nói trên đã liên tục gia tăng và hiện nay đã đạt tới một con số đáng kể. Không chỉ các ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất, nhà đầu tư chứng khoán quan tâm đến tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước, mà cả những người dân bình thường có tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng luôn luôn dự đoán các chính sách của Chính phủ, đánh giá các tác động của các chính sách này tới các biến số kinh tế vĩ mô chủ chốt, để đưa ra các kế hoạch hành động phù hợp.

Điều này không có gì khó hiểu, bởi các chủ thể kinh tế phải tìm cách bảo vệ những lợi ích hợp pháp của mình trước những biến động của môi trường kinh tế. Người lao động phải cố gắng duy trì mức sống của mình khi giá cả leo thang bằng cách đòi tăng lương. Người gửi tiền tiết kiệm và các ngân hàng phải tìm cách bảo vệ giá trị tài sản của mình khỏi bị sói mòn trước lạm phát. Các doanh nghiệp phải tìm cách duy trì lợi nhuận khỏi bị sụt giảm.

Vậy những tính toán và hành động của người dân và doanh nghiệp hiện nay trước những biến động về lạm phát, tỷ giá, lãi suất… ảnh hưởng thế nào đến hiệu quả của chính sách tiền tệ nới lỏng?

Bất cứ một sự nới lỏng tiền tệ nào so với giai đoạn vừa qua sẽ khiến người dân và doanh nghiệp dự tính lạm phát gia tăng. Người lao động sẽ đòi tăng lương mạnh hơn để bù đắp cho sự đắt đỏ của hàng hóa. Người gửi tiền tiết kiệm và các ngân hàng sẽ yêu cầu mức lãi suất cao hơn để đảm bảo tài sản của mình không bị hao hụt. Và do đó các doanh nghiệp sẽ phải tăng mạnh giá bán hàng để bù đắp lại sự gia tăng của các chi phí sản xuất. Giá hàng hóa tăng sẽ lại làm giảm nhu cầu và khiến sản xuất bị suy giảm.

Nếu Chính phủ muốn cải thiện mức tăng trưởng kinh tế, mức nới lỏng tiền tệ phải rất mạnh để có thể lấn át những kỳ vọng về lạm phát của thị trường, tức là để mức tổng cầu trên thị trường tăng nhanh hơn chi phí sản xuất. Tuy nhiên, điều này lại khiến lạm phát gia tăng, người dân và doanh nghiệp sẽ điều chỉnh lại dự tính và hành vi của mình. Quá trình cứ thế tiếp diễn, tạo nên vòng xoáy lạm phát.

TĂNG TRƯỞNG VÀ LẠM PHÁT TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 1985-1989

 

1985

1986

1987

1988

1989

TỐC ĐỘ TĂNG TRƯỞNG GDP

5,619

3,357

2,549

5,100

7,800

LẠM PHÁT TRUNG BÌNH

91,602

453,538

360,357

374,354

95,770


Nguồn: IMF. World Economic Outlook Database, October 2010.

Lịch sử cải cách giá-lương-tiền của Việt Nam trong những năm cuối thập kỷ 1980 là minh chứng thuyết phục cho những lập luận trên. Giá tăng dẫn đến lương phải tăng theo. Để tăng lương, Chính phủ phải in thêm tiền. Điều này lại dẫn đến giá tăng. Kết quả là trong giai đoạn cuối thập kỷ 1980, Việt Nam có mức lạm phát đạt 3 con số nhưng tăng trưởng kinh tế đạt được lại rất thấp.

Trong những tháng gần đây, việc Chính phủ yêu cầu NHNN giảm lãi suất cho vay đã khiến các ngân hàng, doanh nghiệp và người dân dự báo lạm phát sẽ gia tăng, hoặc ít nhất là không giảm đúng như lô-gíc đã nói ở trên. Chính vì các NHTM đã lo ngại và lường trước được những hệ quả của chính sách tiền tệ nới lỏng, đó là sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn và Chính phủ sẽ phải thắt chặt tiền tệ sau đó để chống lạm phát, đẩy lãi suất lên cao, nên lãi suất trên thị trường đã không thể giảm.

Giả sử, NHNN sẽ bơm thêm tiền vào lưu thông. Vậy ngân hàng nào sẽ cho vay với lãi suất thấp vào thời điểm hiện nay (cho dù có nhiều tiền) để sau đó lại phải huy động vốn với lãi suất cao hơn trong tương lai do lạm phát gia tăng và do NHNN sẽ “rút nhanh tiền khỏi lưu thông” để chống lạm phát? Lịch sử kinh tế Việt Nam trong vài năm trở lại đây cho thấy, lãi suất huy động vốn trong giai đoạn thắt chặt tiền tệ có thể lên đến mức 17%/năm. Bởi vậy, sẽ không có ngân hàng nào vào thời điểm hiện nay muốn cho vay với lãi suất 12%/năm, khi họ chưa tin rằng lạm phát sẽ giảm trong tương lai. Nói cách khác, việc chấp nhận gửi tiết kiệm hay cho vay với lãi suất thấp tại thời điểm, khi mà lạm phát còn ở mức cao và có thể gia tăng, là một hành động không hợp lý và có tính rủi ro cao.

Như vậy, những phản ứng của người dân, doanh nghiệp và ngân hàng khiến lãi suất trên thị trường sẽ không thể giảm nhanh và mạnh nhờ vào việc tăng cung tiền trong hiện tại. Ngược lại, lãi suất trên thị trường chỉ có thể giảm khi người dân, ngân hàng và doanh nghiệp tin tưởng rằng, lạm phát sẽ giảm trong tương lai, hay nói cách khác là khi Chính phủ có một cam kết đáng tin cậy về việc sẽ làm mọi cách để giảm lạm phát trong những tháng tới, thậm chí trong những năm tới. Bất cứ một sự do dự hay khả năng thay đổi cam kết nào của Chính phủ cũng sẽ khiến mức lạm phát kỳ vọng không thể giảm và cản trở chủ trương giảm lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng.

Chỉ khi thị trường tin rằng lạm phát sẽ giảm dần trong tương lai, mọi thứ mới có thể tốt dần lên. Người lao động sẽ ít đòi tăng lương hơn. Người gửi tiền tiết kiệm sẽ dần chấp nhận mức lãi suất thấp hơn. Các ngân hàng sẽ dần hạ lãi suất cho vay và các doanh ngiệp sẽ tăng giá với mức độ giảm dần.  

Finn Kydland và Edward Prescott – 2 nhà kinh tế học đoạt giải Nobel năm 2004 - đã phát biểu rằng: “Hoạch định chính sách kinh tế không phải là một trò chơi chống lại thiên nhiên mà là một trò chơi chống lại các chủ thể kinh tế duy lý”.