Rủi ro tín dụng tại ngân hàng Techcombank

Nợ xấu không tăng trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lại tăng mạnh gần gấp 5 lần là diễn biến gây nhiều chú ý tại Techcombank trong các tháng đầu năm.

Trong các tháng đầu năm nay, Techcombank (mã chứng khoán TCB) là ngân hàng hiếm hoi đạt mức tăng trưởng ấn tượng với con số lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng thêm hơn 1.000 tỉ đồng so với cùng kỳ 2019.

Các số liệu trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2020 cho thấy ngân hàng đạt 3.892,7 tỉ đồng lợi nhuận thuần trước dự phòng, tăng gần 40% so với con số 2.784,3 tỉ đồng cùng kỳ 2019.

Song cũng như một số ngân hàng khác, dự phòng rủi ro tín dụng bất ngờ tăng vọt trong các tháng đầu năm là lí do khiến lợi nhuận sau dự phòng của Techcombank giảm rất mạnh.

Báo cáo cho thấy, Techcombank phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới hơn 772 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm, xấp xỉ 4,6 lần so với mức trích lập 167,3 tỉ đồng trong cùng kỳ 2019.

Đây là lí do khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm còn 3.120,7 tỉ đồng, dù rằng vẫn duy trì mức tăng ấn tượng so với kết quả 2.617 tỉ đồng của cùng kỳ 2019.

Việc Techcombank phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dễ mang đến hình dung là nợ xấu tại ngân hàng đang có diễn biến rất xấu.

Điều bất ngờ là theo báo cáo tài chính, tổng số nợ xấu của của Techcombank ở thời điểm ngày 31.3.2020 thậm chí lại có xu hướng giảm tới 13,5% khi chỉ còn 2.529,6 tỉ đồng so với con số 3.077,8 tỉ đồng ghi nhận thời điểm đầu năm.

Các chuyên gia phân tích của chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận thấy những điểm đáng chú ý ở những con số này, bởi thông thường các ngân hàng chỉ tăng trích lập dự phòng rủi ro khi nợ xấu đang có xu hướng tăng lên.

Đáng chú ý theo đánh giá của BVSC, với tỉ lệ cho vay trong ngành khách sạn và nhà hàng chỉ chiếm 0,8% trên tổng dư nợ, tác động trong ngắn hạn của dịch COVID-19 tới chất lượng tín dụng tại Techcombank là khá thấp.

Hơn nữa, Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép các tổ chức tín dụng có thể cơ cấu nợ vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

"Như vậy có thể thấy thực tế Techcombank không nhất thiết phải tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cuối năm 2019" - các chuyên gia của BVSC nhận định.

Theo BVSC, việc Techcombank tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng được đánh giá là hành động thận trọng để tạo ra chiếc đệm giúp cho lợi nhuận của ngân hàng ổn định trong thời gian tới.

"Với mức tăng trích lập này, hệ số dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của Techcombank tăng lên 118%" - BVSC nhìn nhận.

Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực khác, BVSC lo ngại ngành ngân hàng có thể chịu những tác động xấu từ COVID-19. Đặc biệt với Techcombank do mức tập trung vào ngành bất động sản của ngân hàng đang ở mức cao.