Tại sao nói miếng ăn là miếng tồi tàn

Tại sao nói miếng ăn là miếng tồi tàn
Cuộc sống của tất cả chúng ta đều gắn bó với phần lợi tức có được từ công việc. Mọi sinh hoạt gia đình và những nhu cầu thiết yếu đều phải dựa vào mức thu nhập hằng tháng. Nhìn từ góc độ những gì có thể thấy ngay một cách trực tiếp, chỉ cần thu nhập tăng cao hơn là cuộc sống của gia đình chúng ta sẽ ngay lập tức được cải thiện.

Nhưng nếu chúng ta phân tích vấn đề theo một góc độ sâu xa và toàn diện hơn, nhiều yếu tố khác nữa cũng sẽ cần được xét đến. Và khi ấy, chúng ta sẽ thấy là việc tăng cao thu nhập chưa hẳn đã đồng nghĩa với có được một đời sống gia đình hạnh phúc hơn. Vấn đề còn tùy thuộc một phần ở việc chúng ta đã tăng cao thu nhập bằng cách nào, và điều đó có ảnh hưởng gì đến nền nếp sinh hoạt, suy nghĩ bình thường của chúng ta hay không. Ngoài ra, việc sử dụng phần lợi tức gia tăng như thế nào cũng là một yếu tố quan trọng cần xét đến.



Nói một cách chính xác hơn, những giá trị vật chất đạt được trong cuộc sống mặc dù có ý nghĩa chi phối cuộc sống của chúng ta, nhưng chúng không hoàn toàn quyết định việc ta có hạnh phúc hay không. Rất nhiều người có thu nhập cao, đời sống vật chất hầu như không thiếu thốn bất cứ điều gì, nhưng cuộc sống của bản thân và gia đình lại phải luôn chìm ngập trong những ưu tư, phiền muộn... Ngược lại, có những người phải luôn sống trong tình cảnh “ăn bữa sáng, lo bữa chiều” nhưng vẫn luôn giữ được tinh thần lạc quan vui sống cũng như niềm hạnh phúc của bản thân và gia đình.

Mặc dù vậy, thói quen của phần lớn mọi người trong xã hội vẫn là xem trọng những giá trị vật chất, bởi những tác động tức thời mà nó mang lại. Người xưa hẳn đã quan sát rất kỹ hiện tượng này nên mới có 2 câu ca dao đầy châm biếm như sau:

Miếng ăn là miếng tồi tàn,

Mất đi một miếng lộn gan lên đầu.

Vế đầu tiên của câu ca dao này chỉ ra tính chất thấp hèn của các giá trị vật chất, tiêu biểu là những “miếng ăn”, chỉ tạo được sự thỏa mãn nhất thời mà không để lại tác động dài lâu trong việc hoàn thiện tâm hồn. Hơn thế nữa, nó còn là đầu mối khởi lên biết bao tranh chấp, giành giật trong xã hội, chỉ bởi vì thế thái nhân tình vẫn luôn “mất đi một miếng lộn gan lên đầu”.

Sự cần thiết của những giá trị vật chất trong cuộc sống là không thể phủ nhận. Nhưng nếu chúng ta để mình bị trói buộc, cuốn hút vào cuộc tranh giành những giá trị vật chất, chúng ta chắc chắn sẽ đánh mất đi những giá trị tinh thần cao quý vốn có của mình.

Trong “cái vòng danh lợi cong cong”, mỗi người chúng ta nếu muốn giành lấy phần ưu thế về mình thì điều tất nhiên là phải vượt qua những người khác. Và như thế, cái “được” của người này sẽ luôn là cái “mất” của người kia. Trong cái vòng xoay của những “hơn, thua, được, mất” về những giá trị vật chất ấy, sự thật là mọi giá trị tinh thần cao quý chỉ có thể ngày càng bị mất dần đi mà không bao giờ được tạo ra hay tăng trưởng. Vì thế, chỉ khi nào chúng ta thực sự nhận ra được điều đó và thay đổi cách nhìn đối với các giá trị vật chất thì mới có cơ may thoát ra được cái “vòng cong cong” luẩn quẩn kia!

Khi thực sự hiểu ra được rằng “miếng ăn là miếng tồi tàn”, không phải là chúng ta sẽ không cần đến những giá trị vật chất, mà chỉ là nhận thức đúng hơn về những giá trị đó, không để cho chúng chi phối hoàn toàn mọi hành vi và tư tưởng của chúng ta. Từ việc đáp ứng những nhu cầu tối thiểu cần thiết cho cuộc sống đến chỗ thỏa mãn mọi ham muốn về vật chất của mình là một khoảng cách không dễ đo lường. Khoảng cách đó có khi là vô tận, vì người theo đuổi sẽ mãi mãi không bao giờ đến đích. Nhưng khoảng cách đó cũng có thể chỉ là ngay trong tầm tay của chúng ta, khi ta nhận biết rằng mọi sự ham muốn vật chất chỉ là giả tạo và giá trị chân thật của niềm vui trong cuộc sống này không nằm ở đó. Nhờ đó, chúng ta có thể dừng ngay lại mọi cuộc săn tìm, truy đuổi, và tìm được niềm vui sống ngay trong hiện tại này.

Nhận thức khởi đầu này là vô cùng quan trọng trong việc thực hiện một cuộc sống hòa hợp và chia sẻ cùng nhau. Phần lớn những tranh chấp, bất đồng thường gặp trong đời sống đều là xuất phát từ những giá trị vật chất, hoặc ít ra cũng là có liên quan đến chúng. Khi xóa bỏ được nguyên nhân này, mọi người sẽ có thể dễ dàng xích lại gần gũi với nhau hơn.

Việc chia đều lợi ích trong một tập thể chính là biểu hiện cụ thể của sự quan tâm lẫn nhau. Đây là điều kiện lý tưởng nhất cho một cuộc sống hòa hợp giữa tất cả mọi người, bởi vì những người có thu nhập quá thấp - vì những nguyên nhân nào đó - sẽ không đến nỗi quá khó khăn, trong khi đối với những người có thu nhập cao thì việc chia sẻ một phần lợi tức với người khác sẽ không gây khó khăn gì cho cuộc sống của họ.

Trong thực tế đời sống, tuy chúng ta chưa thể đạt đến sự chia đều lợi ích, nhưng ta có thể thực hành việc chia sẻ một phần lợi tức với những người khó khăn hơn mình. Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, xã hội hiện đại ngày nay cũng đang có những chuyển biến nhất định theo hướng khuyến khích mọi người chia sẻ cùng nhau, nhất là những người giàu có cần quan tâm hơn nữa đến những người nghèo khó. Sự thật, chúng ta đang chứng kiến những khoản tiền rất lớn từ các quốc gia giàu có thường xuyên được chuyển đến để giúp đỡ những nước còn nghèo kém. Truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt chúng ta cũng chính là mang ý nghĩa chia sẻ những giá trị vật chất cùng nhau trong cuộc sống.

Nhận thức đúng về các giá trị vật chất trong quan hệ chia sẻ cùng nhau có thể mang lại lợi ích tinh thần lớn lao trong những hoàn cảnh rất tinh tế, nhưng đồng thời cũng có thể mang lại ngay cả những lợi ích về vật chất nhiều hơn. Chẳng hạn, trong các quan hệ kinh tế, chúng ta thường cân nhắc sự lợi hại thông qua các khoản lợi tức được chia sẻ giữa đôi bên, và bên nào cũng muốn giành được phần lợi về mình.

Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vấn đề một cách thông thoáng hơn, sự nhân nhượng trong việc chia sẻ các giá trị vật chất không hẳn đã là “thua kém”. Khi chúng ta nhận ít hơn một phần lợi nhuận, điều đó cũng đồng nghĩa với việc đối tác của ta sẽ nhận được nhiều hơn một chút. Như vậy, tất yếu sẽ mang lại sự hài lòng cho họ và kèm theo đó là sự thân thiện hơn trong quan hệ đối với ta. Nhờ đó, mối quan hệ hợp tác sẽ có nhiều khả năng được tồn tại và phát triển. Điều này lại đồng nghĩa với việc nguồn thu nhập của chúng ta sẽ được ổn định và lâu dài hơn. Như vậy, lợi ích cuối cùng về vật chất cũng chưa hẳn đã là ít hơn.

Sự bất đồng về các lợi ích vật chất là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đổ vỡ của hầu hết các mối quan hệ hợp tác. Va chạm về quyền lợi cũng là yếu tố thường gặp trong việc gây ra chia rẽ giữa những người trong cùng một tập thể. Nếu chúng ta cùng nhau thực hiện nguyên tắc “lợi hòa đồng quân”, chắc chắn sẽ có thể ngăn chặn và loại trừ được một phần nguyên nhân chủ yếu phá hoại cuộc sống chung hòa hợp giữa mọi người.

Nguyên Minh

Nguồn: rongmotamhon.net

Miếng ăn là miếng tồi tàn!

Nếu so sánh với thời xa xưa, kiến thức cơ bản của con người trên khắp mặt địa cầu hiện nay không còn khác biệt bao nhiêu nhờ vào phương tiện truyền thông đại chúng mỗi ngày thêm hiện đại. Hầu như ai cũng hiểu ít nhiều về tầm quan trọng của biện pháp phòng bệnh. Nhưng một thực tế đầy mâu thuẫn lại nảy sinh ngay trong thời “hại điện” của thế kỷ 21.

Ở các quốc gia còn nghèo khó, rất dễ hiểu khi con số bệnh nhiễm do môi trường thiếu vệ sinh, do tình trạng suy dinh dưỡng, do thiếu hụt thuốc men, do chưa đủ thầy thuốc… vẫn còn cao. Nhưng điều khó hiểu chính là tỷ lệ các loại “bệnh chứng thời đại” tại các nước được mệnh danh là tiến bộ, nơi đa số người dân thậm chí dư ăn dư mặc, nơi các cơ sở y tế dự phòng đã đi vào hoàn chỉnh, cũng không thấp hơn! Vô lý nhưng đó lại là sự thật!

Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tiểu đường, ung thư, dị ứng, suy nhược thần kinh và còn nhiều nữa… đã từ lâu mối đe dọa khẩn trương tại Âu Mỹ, và đang là vấn đề nghiêm trọng cho người dân xứ mình. Nguyên nhân của hiện thực nghịch lý đó chẳng qua do lỗi lầm của con người. Chính vì phương tiện vật chất quá dồi dào, lại thêm ảnh hưởng tiếp thị tinh vi của bộ máy quảng cáo tận dụng tối đa nhịp sống máy móc đơn điệu, cũng chính vì quan điểm chạy đua theo thị hiếu mà bất cần chất lượng, người dân ở phương tây đã từng bước xa dần chế độ dinh dưỡng phù hợp với quy luật của thiên nhiên.

Cho dù có tìm cách giải thích bao nhiêu về tác dụng tai hại của thực phẩm rau trái nuôi trồng bằng cách thay đổi nhiễm thể, cho dù có lột trần được dã tâm làm tiền bằng mọi giá của ngành chăn nuôi đại trà, cho dù có chứng minh hóa chất trong thực phẩm công nghệ là nguyên nhân của nhiều bệnh tật nghiêm trọng, thì người tiêu dùng mấy ai có đủ điều kiện để cương quyết tìm về thiên nhiên, khi món ăn sản xuất theo công nghệ, nghĩa là mầm bệnh, được phép bày bán công khai, vừa rẻ lại vừa tiện!

Nước Đức có dân số tròm trèm với nước ta. Con số hơn 600.000 trường hợp tử vong hàng năm tại xứ này vì bệnh chứng do sai lầm về dinh dưỡng, hơn 40 tỉ euro (hơn một phần ba ngân phí đài thọ cho toàn ngành y tế) phải tốn mỗi năm cho bệnh tật có đi kèm rối loạn biến dưỡng, là dữ kiện minh chứng cho hậu quả trầm trọng của quy cách ăn uống không chỉ sai lầm, mà thậm chí phải gọi là sinh bệnh. Nói cách khác, người tiêu dùng phải đổi mồ hôi lao động lấy miếng ăn, để cuối cùng rước thêm bệnh vào thân, chẳng qua vì miếng ăn không khác gì thuốc độc! Điều cay đắng cho người tiêu dùng chính ở điểm nạn nhân không bao giờ có thể thưa kiện thủ phạm!

Trích từ “Thuốc đắng đã tật”