So sánh tranh luận và tranh cãi

So sánh tranh luận và tranh cãi
So sánh tranh luận và tranh cãi
(Tranh minh họa: Viktoria Kurpas, Shutterstock, Royalty-free stock vector)

Phản biện là gì?

Là nhìn nhận và phân tích, đánh giá một thông tin đã có một cách logic, khách quan, tỉ mỉ, rõ ràng, đầy đủ bằng chứng dựa trên kiến thức, hiểu biết sâu rộng của bản thân nhằm đưa ra góc nhìn chính xác, hòng đem lại cái nhìn tổng thể cho một vấn đề.

Cãi bướng là gì?

Là nhìn nhận và phân tích, đánh giá một thông tin đã có một cách chủ quan, hời hợt, mập mờ, không có chứng cứ dựa trên hiểu biết nông cạn và thiếu kiến thức của bản thân nhằm mục đích phán xét và để khẳng định bản thân.

Để có thể phản biện, nhất định cần có kiến thức, hiểu biết. Cãi bướng thì không cần gì ngoài to mồm, nhanh tay và đủ liều để thể hiện ý thích cãi bướng của mình cho thiên hạ thấy.

Trong nhiều cuộc tranh luận trên mạng xã hội hoặc trong cuộc sống, ta thấy, rất đông người cãi bướng và lầm tưởng đó là phản biện. Khi được giải thích họ vẫn cãi và khăng khăng mình có lý, mình đúng. Nếu lằng nhằng cãi bướng rồi bị block thì họ tiếp tục mắng người block mình là “không có dân chủ, độc tài, không tôn trọng ý kiến khác chiều, không cho phản biện”!?

Tôi gặp tình trạng này rất nhiều trên trang facebook cá nhân và cả trong cuộc sống. Kiên trì giải thích mãi cũng có lúc phải nổi khùng vì người cãi bướng thường xổ toẹt vào tri thức, chẳng tiếp thu gì ngoài cái lý của bản thân.

Phản biện rất cần thiết trong mọi vấn đề vì nhờ phản biện mà ta tránh bị chủ quan trong một vấn đề, giải pháp. Chính phủ đưa ra một dự án, dự án đó luôn là ý chí của một cá nhân hay tập thể lãnh đạo, không (hoặc chưa) phải là điều tốt nhất, đúng nhất. Nếu trí thức, người dân có kiến thức đóng góp ý kiến phản biện thì chính phủ mới nhìn ra những điểm còn thiếu khuyết chưa tính đến trong dự án đó.

Một chính phủ tốt là chính phủ biết tôn trọng và lắng nghe những ý kiến phản biện. Một người tiến bộ là một người biết lắng nghe lời phản biện, đóng góp. Một chính phủ không biết nghe phản biện, thậm chí coi phản biện là thù địch thì đó là một chính phủ độc tài chuyên chế, trì trệ không thể phát triển. Một người phủ nhận hoàn toàn mọi phản biện, ý kiến trái chiều là người bảo thủ, độc đoán và thụt lùi.

Cãi bướng có gây hại không? Có. Trước tiên gây hại cho chính người cãi bướng. Vì lúc nào cũng bảo thủ ý kiến của mình là duy nhất đúng nên người cãi bướng sẽ thường xuyên mắc phải sai lầm, nhưng lại không học được bài học kinh nghiệm từ những sai lầm ấy mà luôn đổ lỗi cho người hoặc hoàn cảnh để tiếp tục cãi bướng.

Bên cạnh đó sẽ gây hại cho tất cả những người xung quanh hoặc những ai làm việc cùng. Giải pháp đúng của người khác luôn bị người cãi bướng bác bỏ, không làm theo, từ đó công việc bị ảnh hưởng. Người cãi bướng còn gây xáo trộn, lộn xộn, chia rẽ, mất đoàn kết trong một nhóm, tổ chức.

Làm thế nào để nhận biết một người hay chính bản thân mình đang phản biện hay cãi bướng?

Tôi viết: “Sử dụng roi vọt như một biện pháp giáo dục với trẻ em là một điều sai trái. Chúng ta cần phải chấm dứt việc này.”

Người phản biện sẽ viết: “Voi nói vậy có chứng cứ gì không? Hãy đưa ra các số liệu hoặc các công trình nghiên cứu tác hại của việc roi vọt để chứng minh.”

Khi nhận được lời phản biện này, tôi phải tìm tài liệu, nghiên cứu để chứng minh cho người phản biện thấy luận điểm của tôi là chính xác. Nếu tôi bảo, “Mệt quá, không biết gì thì im đi!” là tôi bậy và độc đoán. Người phản biện khi được tôi giải thích, chứng minh bằng số liệu cụ thể thì thường sẽ đi đến thống nhất quan điểm và cùng nhau lên tiếng để ngăn chặn việc sử dụng roi vọt với trẻ.

Người cãi bướng sẽ viết: “Đầy người bị bố mẹ, thầy cô đánh đòn nhưng giờ vẫn thành công đấy thôi. Nói vậy là tào lao.”

Với kiểu cãi bướng này tôi có thể trả lời, có thể không. Thường tôi vẫn chọn cách trả lời bằng cách đưa ra số liệu, nghiên cứu và việc loại bỏ phương pháp roi vọt của các nước ra để chứng minh. Người cãi bướng sẽ hoàn toàn không quan tâm đến các tài liệu này, họ sẽ cố gắng tìm các tài liệu khác từ các nguồn vớ vẩn để chứng minh ngược lại. Bất chấp tiến bộ, bất chấp văn minh, bất chấp lý lẽ, miễn sao họ thắng trong một cuộc tranh cãi là đủ, họ hoàn toàn không hề quan tâm việc cãi bướng của họ có làm ảnh hưởng đến quan điểm, nhân sinh quan của đám đông hay không.

Qua ví dụ trên, ta nhận diện rõ hơn về phản biện và cãi bướng. Khi đọc một ý kiến hoặc thấy một vấn đề nào đó khác với suy nghĩ của mình, khoan hãy vội nói, viết ra lời ngay lập tức. Hãy đọc đi đọc lại, đọc thêm vài bài khác của người đó xem tư tưởng của họ có xuyên suốt không? Hãy tìm hiểu và thử đặt mình vào vị trí của họ xem mình có làm hoặc nghĩ khác đi không? Kiến thức của mình xung quanh vấn đề này có đủ chưa? Mình hiểu tới đâu? Liệu những gì mình biết đã đủ để đưa ra nhận xét, đánh giá?

Khi tự đặt những câu hỏi như trên, ta sẽ chậm lại và suy xét kỹ, không còn vội vàng hời hợt nữa. Nếu thấy đó là vấn đề cần phản biện thì viết thật rõ ràng bằng chứng cứ, lập luận chắc chắn và bám sát theo chủ đề.

Phản biện là tốt, cãi bướng là xấu, đừng nhầm lẫn và trộn lẫn.

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video:

Các ý kiến của bạn thường được đánh giá là cãi chày cãi cối…, vậy làm sao để những lần phát biểu của bạn mang tính xây dựng và được lắng nghe?

Để có tư duy phản biện tốt, hãy biết lắng nghe

Chị Nguyễn Lê Anh, nhà huấn luyện doanh nghiệp từ Công ty Action Coach, chia sẻ: “Trước khi phát biểu hay đóng góp ý kiến, bạn phải trả lời câu hỏi mục đích phản biện của bạn là gì? Nếu câu trả lời chỉ để chứng minh ý kiến của bạn đúng và người khác sai thì kết quả cuối cùng của quá trình tranh luận là chỉ để thỏa mãn cái tôi của chính bạn, chứ không vì phản biện để cho mọi người tiến bộ hơn, hay dự án kia tốt hơn.

Mặc khác, cho dù mục đích ban đầu của bạn tốt, nhưng kỹ năng giao tiếp chưa tốt, khiến quá trình truyền đạt thông tin bị hiểu lầm, cũng khiến cho kết quả cuối cùng của quá trình phản biện đi lệch hướng. Vì thế, để có tư duy phản biện tốt, cần phải có tâm thế tốt, kỹ năng giao tiếp tốt, và kỹ năng quan trọng nữa là biết lắng nghe.

So sánh tranh luận và tranh cãi

Để có tư duy phản biện là quá trình rèn luyện cả về kiến thức, bản lĩnh và thái độ trong giao tiếp

“Tư duy phản biện là phải học. Chúng ta không thể nghĩ gì nói nấy, nói để thỏa mãn ý thích. Trước khi tham gia tranh luận, người phát ngôn phải hiểu được vấn đề, đồng thời có kiến thức chuyên môn vững ở lĩnh vực đó. Có như thế, quá trình phản biện mới chính xác, rõ ràng, thuyết phục người nghe. Phản biện phải dựa trên các luận chứng, luận cứ cụ thể, đừng cãi dựa vào cảm giác yêu - ghét, dễ trở thành ngụy biện, cãi chày cãi cối. Để có tư duy phản biện, cần phải học”, tiến sĩ tâm lý Lý Thị Mai góp ý.

Muốn “cãi” phải có quy trình

Chuyên gia tâm lý học đường Lý Minh Huân (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nêu quan điểm: Như thế nào là cãi, như thế nào là phản biện tùy thuộc vào thái độ của người tham gia tranh luận. Nếu cả đối tượng được góp ý và người góp ý không có cùng một xuất phát điểm, dễ xảy ra xung đột quan điểm, và quá trình tranh cãi không bao giờ dứt. Chính vì thế, muốn quá trình phản biện có kết quả, hiệu quả và mang tính góp ý xây dựng cần có những quy tắc tranh luận. Khi phát biểu phải dựa trên dẫn chứng cụ thể, nói có sách, mách có chứng, số liệu, tài liệu... là cán cân tạo nên sức mạnh cho đóng góp của bạn.

Thái độ trong giao tiếp cũng rất quan trong, nói chuyện phải lịch sự, có ngọn có nguồn, xưng hô lễ phép. Trước khi phát biểu phải xin phép được nói, xin phép được có ý kiến. Cần có quy định về thời điểm được phát biểu, góp ý. Chẳng hạn trong cuộc họp, sếp sẽ là người điều phối chương trình, lúc nào là phần nghe thông tin, lúc nào là phần phản biện… để mọi người chú ý.

Đối với người trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên, cần kìm chế, tránh háo thắng... sẽ dễ bị đánh giá là thiếu tôn trong, thiếu kỹ năng giao tiếp khi phát biểu. Cần chú ý, lắng nghe trước khi phát biểu.

Nguồn: nhanlucnganhluat.vn

Sưu tầm: Ngọc Thịnh - Tổ Hóa